Lào Cai, ngày 17 tháng 2...

Quốc Dũng

clip_image002

Cầu Hà Kiều 2 bắc qua sông Nậm Thi, bên kia là Trung Quốc. Ảnh: Binh Nguyên

 

SGTT.VN - Trưa ngày 17.2.2011, tôi ngồi ở đầu cầu Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) nhìn sang phía Trung Quốc. Những đoàn khách du lịch đang thảnh thơi đi dạo trên cây cầu sắt đã sắp thành dĩ vãng. 32 năm trước, cây cầu này bị phá sập trong một cuộc chiến tranh mà bây giờ dường như ai cũng muốn quên. 32 năm sau, một cây cầu mới bằng bêtông to hơn, đẹp hơn, cứng vững hơn đang dần thành hình cạnh cây cầu cũ.

Anh bán nước chè ngay đầu cầu Cốc Lếu kể, ngày ấy khu này là vùng trắng, không có dân, chỉ có bộ đội và súng đạn, mìn bẫy. Cầu Cốc Lếu bị phá sập mãi năm 1993 mới xây dựng lại. Còn dân quanh khu vực chạy hết về Văn Chấn (Yên Bái), mấy tháng sau mới lục tục về. Chị chủ nhà nghỉ kiêm hàng ăn phố Sơn Tùng thì bảo, về đến nơi ngôi nhà chị ở đã không còn, thay vào đó là một đống gạch vụn. Vất vả mãi mấy chục năm mới xây lại được “cái nhà cỏ” này – chị vừa nói vừa cười. “Nhà cỏ” mà chị nói là căn nhà bốn tầng mà chị đang kinh doanh nhà nghỉ.

Phía cửa khẩu Cốc Lếu giờ lô nhô nhà cao vài chục tầng, tất cả đều do các doanh nghiệp xây dựng, không phải do nhà nước. Cửa khẩu (biên giới Việt – Trung) đã được xây lại từ lâu, đàng hoàng, to đẹp. Ngay bên kia sông là đường sắt liên vận Việt – Trung, ngày nào cũng có tàu qua lại. Suốt dọc tuyến bờ sông biên giới, đất đang được bốc lên nham nhở để xây kè bờ, làm đường đi dạo, chỉnh trang đô thị Lào Cai cho to hơn, đẹp hơn.

Xuôi một chút xuống phía dưới là đền thờ đức thánh Trần Hưng Đạo trên đồi Hỏa Hiệu, còn được gọi là đền Thượng. May mắn cho tôi, hôm nay là ngày khai hội đền Thượng, từng đoàn khách thập phương, cư dân bản địa kính cẩn xếp hàng lên đền thắp hương ngưỡng vọng vị anh hùng dân tộc thế kỷ XIII đã hai lần đánh bại đoàn quân xâm lược mạnh nhất thế giới thời ấy. Trong đoàn khách tham dự lễ hội đền Thượng, có không ít khách đến từ bên kia biên giới. Tôi cũng như họ, đều kính cẩn thắp hương cầu khấn cho mưa thuận gió hòa, làm ăn được thuận lợi, hanh thông.

clip_image004

Hàng hoá tấp nập qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Không có nhiều ký ức về ngày này 32 năm trước tại thành phố Lào Cai. Tôi đi rạc chân quanh thành phố, hỏi thăm khắp lượt, mọi người tôi hỏi đều lắc đầu không biết quanh thành phố Lào Cai có tấm bia kỷ niệm nào về cuộc chiến tàn khốc trong 16 ngày của 32 năm trước. Những cao điểm vùng chiến sự quanh thị xã xưa kia, giờ là nhà cao tầng, kho bãi đầy ắp hàng hóa Trung Quốc. Chợ Lào Cai nhan nhản rượu ngâm, hàng điện tử, điện thoại, điện máy Trung Quốc. Hàng Việt trong chợ may ra chỉ có bia, nước ngọt và... rau. Hỏi chuyện về cuộc chiến, người nhớ người quên, nhưng ai cũng cười kể chuyện chiến tranh vui như được xem táo quân cuối năm. Câu hỏi của tôi về ký ức chiến tranh tan nhanh như khói loãng vào câu chuyện tỷ giá nhân dân tệ và đồng Việt Nam hôm nay. Anh chàng người Hoa ngồi cạnh bàn bập bẹ câu tiếng Việt nói rằng, bố anh cũng là một người lính phía bên kia đã tham gia cuộc chiến này, nhưng giờ ông cũng quên rồi. Con dâu của ông là người Việt. Và giờ thì ngày ngày ông từ bên kia biên giới sang bế đứa cháu nội, để con trai và con dâu yên tâm buôn bán tại cửa hàng ngay nhà bên đất Lào Cai. Người ở Lào Cai giờ không để quá nhiều đầu óc vào cuộc chiến năm xưa, đó là thực tế mà tôi cảm nhận được. Hôm nay là ngày 17.2, tôi ngồi chờ chị bán táo cân cho mấy cân táo Trung Quốc đem thắp hương trên đền Thượng. Chiều tối tôi lên tàu về nhà, với một túi đồ chơi Trung Quốc để làm quà...

Q. D.

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn