Trung Quốc nằm bên cạnh Việt Nam được lợi những gì?

Nguyễn Hoàng Hà

imageTrong khi thế giới đang bước vào khủng hoảng lương thực trầm trọng thì Trung Quốc, đất nước với hơn tỷ người lại vẫn cứ bình chân như vại. Lý do cho câu trả lời này là họ đã sống ngay sát cạnh một vựa thóc lớn vô tận và giá rẻ như bèo chỉ bằng 1/4 giá gạo trong nước đang ngày ngày cung cấp cho mình. Đó là nhận định của Giáo sư Nguyễn Quốc Việt, người chuyên nghiên cứu về lương thực thế giới đã phát biểu.

Theo Giáo sư Việt thì Trung Quốc đang đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất 60 năm qua, và Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) lo ngại diễn biến này có thể đẩy giá lúa gạo thế giới tăng cao.

Theo Tân Hoa xã, mùa mưa vừa qua, nhiều vùng nông nghiệp chính của Trung Quốc chỉ nhận được một lượng mưa rất ít, dẫn đến nhiều nơi bị khô hạn. Riêng tỉnh Sơn Đông (miền Đông Trung Quốc), một trong những "vựa lúa" chủ yếu của cả nước, hạn hán được đánh giá là tồi tệ nhất 200 năm qua: từ tháng 9 năm ngoái, tỉnh này chỉ nhận được lượng mưa 12mm, tức chỉ bằng 15% so với bình thường. Mặc dù chính quyền địa phương đã huy động hơn 4.000 trạm bơm nước, tình hình vẫn hết sức tồi tệ: hơn 1/2 trong số 4 triệu hecta đất trồng lúa mì bị khô nẻ không thể trồng trọt.

Tình hình tại tỉnh Hà Nam (miền Trung Trung Quốc) cũng không khá hơn khi lượng mưa ở đây xuống thấp nhất trong 60 năm qua. Khoảng 1,4 triệu hecta đất trồng đang chờ được tiếp nước.

Tại nhiều nơi ở tỉnh Hà Bắc, suốt 5 tháng qua không có một trận mưa nào. Không có nước, người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước giếng. Nhưng nước giếng cũng đang cạn dần và không còn sạch. "Nước không thể uống được, chỉ có thể dùng để giặt giũ", một người dân nói. Và để có nước sinh hoạt, họ buộc phải đi lấy nước ở cách đó nhiều km. Hạn hán thậm chí tấn công cả những nơi vốn có khí hậu ẩm ướt, chẳng hạn phía bắc tỉnh Giang Tô.

Một nông dân Trung Quốc bơm nước từ dòng kênh đang khô cạn để tưới cho cánh đồng lúa mì của mình ở làng Yangzhuang, tỉnh Sơn Đông hôm 8-2. Ảnh: Xinhua

Hãng tin ABC (Úc) ngày 9-2 cho biết tình hình này khiến Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc lo ngại. Họ nhận định nếu không có mưa trong vài tháng tới, vụ lúa mì của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi đó, nước này sẽ phải nhập khẩu thêm lúa gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước, và điều này sẽ gây áp lực lên giá lương thực thế giới - hiện đã ở mức khá cao.

Cũng theo báo chí Trung Quốc loan tải thì hiện nay có đến 60 % diện tích trồng trọt của Trung Quốc bị mất đi với hai lý do là hạn hán khiến đất đai bị sa mạc hóa không còn cơ hội cho canh tác và nạn lấy đất xây dựng thành phố, nhà máy công xưởng của chính sách đô thị hóa hiện nay gây ra. Còn ngay cả số diện tích canh tác còn lại dành cho rau và gạo, bột mỳ nếu có trồng thì cũng không thể sử dụng được vì trong đất chứa hàm lượng hóa chất độc hại quá lớn do các nhà máy, công xưởng thải ra hàng ngày. Một ví dụ, vừa qua người ta đã phát hiện trong gạo được trồng ở Trung Quốc nhiễm độc tố cadmium, cao gấp 5 lần mức độ cho phép, người ăn vào có thể bị gây bệnh ung thư dạ dày, ung thư máu và các chứng bệnh nguy hiểm khác như phù thận v.v... Tuần san Thế kỷ của Bắc Kinh (Trung Quốc) đưa tin: khoảng 10% lượng gạo bán ra tại Trung Quốc hiện nay có chứa cadmium, một loại hóa chất độc hại có thể gây ra bệnh suy thận và mềm hóa xương. Hóa chất trên được phát hiện có trong gạo được sản xuất ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc như Giang Tây, Hồ Nam và Quảng Đông.

Tuần san Thể kỷ còn nói đất trồng ở Trung Quốc đang bị nhiễm một số kim loại nặng xuất phát từ vấn nạn khai thác mỏ ồ ạt cũng như hoạt động của các ngành công nghiệp khác suốt nhiều năm qua. Tờ tuần san trên còn dẫn kết quả nghiên cứu của Trường đại học Nông nghiệp Nam Kinh cho biết, một số hóa chất khác, trong đó có chì, cũng được phát hiện thấy trong gạo.

10% số gạo bán ra tại Trung Quốc có chứa cadmium. Ảnh: AFP

Bài báo của Tuần san Thế kỷ nói hàng chục người dân ở một ngôi làng tại huyện Dương Sóc, thuộc Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, nơi có mức độ ô nhiễm cadmium nặng, được cho là có triệu chứng của bệnh itai-itai. Đây là một loại bệnh liên quan đến xương. Chữ "itai-itai" có nghĩa là "đau - đau" trong tiếng Nhật.

Bài báo cũng trích dẫn thống kê từ Viện Công nghệ tỉnh Quế Lâm chỉ ra rằng mức cadmium có trong mỗi kg gạo trồng ở tỉnh này vào năm 1986 là 1,005mg, cao gấp 5 lần mức độ cho phép. Theo các nhà khoa học thì càng gần các thành phố công nghiệp hay đô thị lớn, gạo mỳ và rau quả càng nhiễm chất độc nặng hơn gấp nhiều lần vì ở đây chất thải công nghiệp và ô nhiễm cũng cao hơn. Vì thế hiện nay có tình trạng nhiều quan lớn và các đại gia đã lập vườn rau sạch trong biệt thự sang trọng của mình để cung cấp cho họ hàng ngày, còn gạo và lúa mỳ thì mua từ Việt Nam hay Thái Lan để ăn chứ tuyệt nhiên không dám đụng hàng Trung Quốc. Nhiều nhà hàng nổi tiếng Trung Quốc cũng phải treo biển: cơm hay mỳ của họ là loại hảo hạng từ Việt Nam hay Thái Lan để câu khách. Tất nhiên là người nghèo Trung quốc vẫn cứ phải dùng th]ứ gạo nguy hiểm đó, và một phần thì họ mang vào bán tại Việt Nam và Lào hay các nước lân bang rồi lại mua lương thực thực phẩm từ đó mà mang vào Trung Quốc.

Theo Giáo sư Quốc Việt thì trong tiềm thức sâu thẳm người Trung Quốc cho rằng ai có nhiều tiền kẻ đó thắng và mình đang ở gần vựa lúa Việt Nam, Thái Lan thì làm gì mà phải sợ. Đất có cho là bị sa mạc hóa hết hay đô thị hóa quá nhiều thì vẫn có nơi có gạo giá rẻ lại ngon cung cấp cho mình nên làm gì phải lo tính nhiều cho bạc tóc? Vào những năm sau này khi Việt Nam cũng rơi vào tình trạng đô thị hóa và các sân Gofl bành trướng và nạn nước dâng lên hàng năm ngày càng cao khiến diện tích canh tác lúa ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hẹp lại thì chắc chắn giá lương thực sẽ cao lên rất nhiều và chính người Việt Nam sẽ chịu khó khăn về lương thực trước tiên; mặc dù mình là người trồng ra lúa nhưng sống bên cạnh một đất nước có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn như núi thì chắc chắn gạo Việt Nam và Thái Lan sẽ lại được các thương lái mang về Trung Quốc một cách dễ dàng không sao cưỡng nổi, nhất là với những kinh nghiệm cay đắng thời gian qua, kẻ độc quyền xuất gạo ra nước ngoài chính là... những “công ty nhà nước”, đã làm thiệt thòi khốn đốn cho nông dân mà các chuyên gia nông nghiệp phải lên tiếng trên báo chí.

Từ tình hình trên đây, một câu hỏi lớn rõ ràng đang đặt ra khẩn cấp cho các nhà chiến lược Việt Nam: phải tính toán cả về hai mặt - quản lý bảo vệ diện tích đất canh tác và bảo vệ lương thực chặt chẽ qua các cửa khẩu với Trung Quốc. Có như vậy mới hy vọng đáp ứng được tình hình lương thực hiện nay và trong tương lai của nước ta, hơn nữa, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tìm thấy lợi thế trong mặt hàng xuất khẩu chiến lược của mình, nếu như có một đội ngũ quan chức có lương tâm, hết lòng vì đất nước và có trình độ nghiệp vụ, giỏi tính toán đường đi nước bước.

Vì thế, ta không lạ trong nhiều năm qua Trung Quốc đã tăng cường mở rộng các cửa khẩu giao thông đường bộ, đường thủy, cầu hàng không và đặc biệt là tàu hỏa để họ thuận lợi cho việc mua lương thực cung cấp cho nước họ và bán đi những món hàng mà dân chúng họ không dám xài cũng như các mặt hàng công nghệ nhái từ ti-vi, hàng điện, đồ dân dụng và mọi thứ kém chất lượng khác với giá rẻ bèo mà người Trung Quốc nay không dùng nữa, chỉ để xuất sang các nước lân bang thu lợi nhuận mà thôi. Đường tàu hỏa cao tốc xuyên Việt, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Singapore... là cả một kế hoạch lớn có tính chiến lược để chiếm lĩnh thị trường to lớn này và là nền tảng quan trọng cho việc nhanh chóng thu mua lương thực thực phẩm đúng thời vụ cho chính Trung Hoa đại lục. Như báo Thanh niên ngày 20 tháng 2 năm 2011 đã có bài đăng tin về tình trạng gạo lạ vào Việt Nam, chúng ta hãy cảnh giác với gạo Trung Quốc nhiễm độc vì khai thác mỏ đang bắt đầu tràn vào nước ta theo đường xuyên Việt và hàng đoàn tàu gạo từ Việt Nam cũng sẽ ồ ạt vào Trung Quốc.

Đúng là ở gần Việt Nam, Trung quốc lợi đủ mọi đường. Và đúng là ở gần một đế quốc Đỏ vừa nham hiểm vừa khôn như thế, cảnh giác bao nhiêu cũng không thừa.

NHH

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

HT biên tập

Phụ lục:

Cảnh giác với gạo 'lạ'

Tiết lộ sơ đồ phân bố gạo nhiễm độc. Gạo Trung Quốc nhiễm độc vì khai thác mỏ

Người dân TP HCM hiện đang bàn tán về loại gạo "lạ", đẹp mắt với giá rẻ bất ngờ.

image

Gạo bình thường dù xay thế nào cũng phải có ít nhất 5% tấm và hình dáng không thẳng, đẹp nguyên vẹn (Nguồn: Interner).

Theo đó, loại gạo này hạt dài, nhỏ hơn gạo bình thường và đều tăm tắp. Khi nấu thì cơm không nở nhiều, không có mùi thơm và tơi, dai dai.

Theo tìm hiểu, hầu như chưa người bán nào mà chúng tôi tiếp xúc tận mắt được chiêm ngưỡng loại gạo "độc" này. Nhiều người kinh doanh gạo tại các quận Tân Bình, Tân Phú, Q.12... cho biết họ chưa từng thấy loại gạo này.

Chị Ngọc Diệu, chủ đại lý gạo Ngọc Diệu (Hoàng Hoa Thám, P.12, Q.Tân Bình) cho biết, thường thấy mấy người chở một hai bao gạo bằng xe đạp, xe máy vào các hẻm sâu để bán lẻ cho người dân. Có nhiều người "lười" ra đại lý mua, lại thấy gạo đẹp, rẻ nên ham và mua.

Tuy chưa thể kết luận gạo nói trên là loại gì nhưng chị Diệu cho biết, gạo rẻ thì khó đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, những người bán dạo chỉ xuất hiện chào bán một lần rồi… “mất tích” nên khi mua nhầm gạo bất thường cũng không biết đâu đổi lại.

Chị Diệu cũng nói thêm, bất kỳ nhà máy gạo dù xay kiểu gì thì gạo cũng có tấm, ít nhất là gạo 5% tấm. Gạo phải có gạo gãy, nứt và mùi cám. Nếu người bán chào loại gạo đều mười mươi, hạt dài thẳng đuột thì người mua cần xem lại.

Tương tự, chị Bảo Ngọc, chủ đại lý gạo Bảo Ngọc (đường Phan Văn Hớn, P.Tân Thới Nhất, Q.12) cho biết, chưa thấy loại gạo “lạ” như báo chí đăng.

"Đối với loại gạo “lạ” mà báo chí đăng thì người chào bán chỉ có thể lừa các đại lý mới mở vì chưa có kinh nghiệm hoặc người dân lao động ham rẻ lại không rành về gạo", chị Ngọc nói.

Một chủ đại lý gạo tại Q.10 cho biết đã nghe râm ran xuất hiện gạo “tổng hợp” do những người bán dạo hoặc đại lý không có địa chỉ cụ thể chào bán.

Tuy nhiên, cũng chỉ nghe đồn đại vậy thôi chứ chưa tận mắt thấy loại gạo này. Nếu có người chào bán, người dân nên tránh, đừng ham rẻ mà mang bệnh.

Trao đổi với Thanh niên Online, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện chưa thể đưa ra kết luận chính thức gì về những hạt gạo "lạ" này.

“Phải phân tích cụ thể các chỉ số về chất lượng gạo mới xác định được đây là gạo gì. Tôi đã chỉ đạo cán bộ trong TP HCM lấy mẫu gửi đi phân tích tại các phòng thí nghiệm”, ông Ngọc cho biết.

Theo ông Ngọc, hiện có nhiều giống lúa khác nhau nên mới chỉ nhìn bề ngoài khó mà khẳng định hạt gạo đó là gạo gì. Ông Ngọc cũng không loại trừ khả năng những hạt gạo “lạ” này là gạo nhân tạo được làm từ nhựa đã phát hiện trên thị trường Trung Quốc trong thời gian vừa qua.

“Khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, tốt nhất người dân chưa nên sử dụng loại gạo này”, ông Ngọc khuyến cáo. Quang Duẩn (ghi)

Theo Hoàng Việt

Thanh niên

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn