Từ “Vong bản từ đâu” qua “Ai rửa xe thuê” đến “Thời thanh niên sôi nổi”

Lẩm Cẩm Lão Gia

imageNgày 12 tháng 02, Lẩm Cẩm Lão Gia tôi được đọc bài viết “Vong bản từ đâu” của tác giả Hà Sĩ Phu do BVN đăng tải [1]. Quả là một bài viết xuất sắc, nhưng Lẩm Cẩm Lão Gia tôi không lấy làm lạ sau khi đọc xong bài viết rất giá trị này. Bởi lẽ, những ai đã từng được đọc những bài viết khác của tác giả Hà Sĩ Phu từ những đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước thì đều đã biết đến sự sâu sắc, súc tích trong nội dung, chặt chẽ trong lý luận, bóng bẩy trong cách hành văn từ các bài viết của ông Hà Sĩ Phu.

Tiếp đến, ngày 17 tháng 02, BVN đăng bài “Ai rửa xe thuê” của tác giả Đinh Từ Thức [2]. Thông qua bài viết “Ai rửa xe thuê”, tác giả Đinh Từ Thức hy vọng có thể bổ sung, để làm sáng tỏ thêm những điểm trong bài viết “Vong bản từ đâu” của tác giả Hà Sĩ Phu được BVN đăng ngày 12 tháng 02.

Cái độc đáo của bài viết “Ai rửa xe thuê” của tác giả Đinh Từ Thức là ở chỗ ông ta đã dùng những chuyện đâu đâu ở xứ người như Ai Cập hay Tunisia để bổ sung, để làm sáng tỏ những điểm mà tác giả Hà Sĩ Phu đưa ra trong bài viết “Vong bản từ đâu” – những điểm mà lẽ ra chỉ có thể tìm thấy câu trả lời sau khi tìm hiểu kỹ ở xã hội Việt Nam hiện nay hay phải đi ngược về thế kỷ XIX hay đầu thế kỷ XX.

Sau khi đọc cả hai bài viết “Vong bản từ đâu” của tác giả Hà Sĩ Phu và “Ai rửa xe thuê” của tác giả Đinh Từ Thức, có lẽ mọi người đều đồng ý rằng ông Đinh Từ Thức đã viết phần 2 còn ông Hà Sĩ Phu thì viết phần 1 cho cùng một bài luận. Nhưng phần 2 và phần 1 của bài luận này có sự ăn ý đến “trên cả tuyệt vời”.

Ngày 16 tháng 02, Lẩm Cẩm Lão Gia tôi lại được đọc bài viết “Thời thanh niên sôi nổi” của cô Nhà báo Đoan Trang – mà giới còm sĩ “lề trái” vẫn biết đến, quý mến, từ lâu đã rất đỗi quen thuộc với Blog Trang Ridiculous [3]. Cô Nhà báo Đoan Trang bắt đầu bài viết của mình với những người thanh niên hiện nay và kết thúc bài viết với cũng là một người thanh niên – nhưng đó là người thanh niên Võ Nguyên Giáp của những thập niên 30-40 ở thế kỷ XX!

Cả ba bài viết “Vong bản từ đâu”, “Ai rửa xe thuê”, và “Thời thanh niên sôi nổi” đều là những bài viết hay rất đáng đọc.

Lẩm Cẩm Lão Gia tôi vốn là một lão già quê mùa đầy hủ lậu. Do đó, Lẩm Cẩm Lão Gia tôi không dám có lời “bình loạn hay góp ý” gì với tác giả Hà Sĩ Phu cũng như ông Đinh Từ Thức. Còn với “Thời thanh niên sôi nổi” của cô Nhà báo Đoan Trang thì Lẩm Cẩm Lão Gia tôi cũng không dám đụng vào. Vì người ta đang là “Thời thanh niên sôi nổi” mà Lẩm Cẩm Lão Gia tôi đang ở “thời cao niên xế bóng chiều tà”, thì đụng vào coi bộ có điều bất cập, phản cảm,không chừng còn bị thiên hạ bá tánh “ném đá” và mắng cho chứ chẳng chơi.

Thế nhưng, có một điều khiến Lẩm Cẩm Lão Gia tôi nghĩ hoài mà không ra sau khi đọc cả ba bài viết trên đây của hai ông Hà Sĩ Phu, Đinh Từ Thức, và cô Nhà báo Đoan Trang. Vậy xin được nêu câu hỏi này ra đây, đặng may ra nghe được lời giải đáp của các bậc trí giả xa gần.

Theo như trong bài báo “Thời thanh niên sôi nổi” của cô Nhà báo Đoan Trang thì “...Võ Nguyên Giáp sớm có sự quan tâm đến các vấn đề chính trị – xã hội, đến đất nước thuở ấy đang trong cảnh nô lệ. 14 - 15 tuổi, cậu đã tìm gặp nhà chí sĩ Phan Bội Châu để hàng tuần nghe cụ nói chuyện…”!

Trong khi hiện nay, theo như hiểu biết nông cạn cũng như kinh nghiệm của chính bản thân Lẩm Cẩm Lão Gia tôi, một khi có ai đó quan tâm đến chính trị, nếu bàn luận với bạn bè, hay gởi thư điện tử những vấn đề chính trị tới bạn bè thì sẽ nhận được được những lời này: “Anh đừng email cho em, tôi… những email liên quan đến chính trị”! Hoặc là “coi chừng cái miệng nó hại cái thân”! Hay là “lo ba cái chính trị này được cái gì, không khéo lại mang vạ?”, vân vân. Tóm lại, rất nhiều người “thanh niên” (và gồm cả trung niên, cao niên) đều rất sợ, đều rất ngại bàn chuyện “chính trị” như phải đụng phải bệnh “hủi hay ho lao”– dù các tờ báo lớn đều có mục “Chính trị” ở nơi trang nhất một cách trang trọng.

Mà nghĩ cho cùng, thanh niên hiện nay (và gồm cả trung niên, cao niên) không cần phải quan tâm đến “chính trị” như Cụ Võ (thời xưa) cũng phải thôi. Thời của Cụ Võ (thời xưa) là thời mà nước nhà đang trong cảnh nô lệ. Còn thời của thanh niên hiện nay là thời mà nước nhà Độc lập và giàu mạnh dưới sự lãnh đạo sáng suốt – mà chúng ta vẫn thường gọi là “Đỉnh cao trí tuệ” của Đảng ta. Đảng ta thương dân như con nên người dân (hôm nay) đâu cần phải lo thứ gì. Nào “Đảng cho ta Mùa Xuân”. Nào “chuyện đó đã có Đảng lo (no)”! Mùa Xuân là sự giao mùa của Đất Trời mà Đảng còn có thể đem đến “cho” người dân được, thì những người thanh niên (và gồm cả trung niên, cao niên) hôm nay khỏi phải lo điều gì cũng phải.

Việt Nam hôm nay tuy là Độc lập. Nhưng không có nghĩa là chủ quyền lãnh thổ của nước nhà được trọn vẹn, bởi quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Cộng – người anh em môi hở răng lạnh cưỡng chiếm và cướp sạch từ năm 1974. Rồi đến Trường Sa cũng bị người anh em môi hở Trung Cộng đánh chiếm và cướp mất một phần từ năm 1988. Những người thanh niên Việt Nam quan tâm đến những vấn đề chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam bất bình trước sự ngang ngược cướp đảo, hại ngư dân Việt đã có hành động phản đối Trung Cộng. Thế nhưng, dưới tầm nhìn chiến lược đầy sáng suốt của Đảng ta thì những hành động “Yêu Nước” như thế rất không nên làm!!! Sau đây là lời của ông Đào Duy Quát – mà có thể nói là người Phát ngôn viên của Đảng (ta) trong chuyện này:

- Các thế lực thù địch là nó chống phá ta gớm, gớm lắm các đồng chí ạ. Tôi có tổ chức đối thoại với các sinh viên tham gia cái cuộc, cái cuộc kích động do các thế lực thù địch tổ chức tháng 12 năm 2007. Tôi có hỏi: Làm cái gì? Để làm cái gì? Tôi hỏi các anh các chị. Các anh các chị làm như thế, biểu tình Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam như thế là lợi hay là hại? Lợi hay hại??? Cho nên là, các đồng chí ạ, cái quán triệt cái tư tưởng là phải rất sâu sắc. Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Trung ương là phải rất sâu sắc…!!!

Ngoài ra, kể cũng cần phải kể thêm những blogger như Mẹ Nấm, Người Lái (Buôn) Gió, Điếu Cày… và nhiều người khác nữa đã phải “lên bờ xuống ruộng” bởi các chú công an của cơ quan an ninh, bởi vì bọn họ đã “no (lo) cái chuyện chính trị” vốn là những việc không cần người dân Việt Nam “no (lo)”.

Đến ngay như Cụ Giáp, năm nay đã hơn trăm tuổi, sức khỏe đã yếu đi nhiều, các vị lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ vẫn thường đến “cầm tay” Cụ Võ để chụp hình vào những dịp lễ lớn, nhưng khi Cụ Võ còn minh mẫn, Cụ đã nhiều lần viết thư gởi tới lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ để góp ý với Nhà nước và Chính phủ những chuyện hệ trọng như các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên thì chả thấy lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ nào hồi âm cho Cụ Võ lấy một từ, một chữ.

Từ những điều trên và cả từ ba bài viết trên, Lẩm Cẩm Lão Gia tôi có một câu hỏi ngớ ngẩn, xin mượn nó để kết thúc bài viết này.

- Liệu một người có đầy đủ những phẩm chất như Cụ Võ có trở thành người nổi tiếng như Cụ Võ nếu người đó sinh ra sau khi nước nhà Độc lập???

Nghĩa là người đó sinh ra trong khoảng thời gian sau năm 1945 đến nay. Lẩm Cẩm Lão Gia tôi rất mong được nghe lời giải đáp của các bậc Trí giả xa gần nếu có thể.

L.C.L.G

Tài liệu tham khảo:

(1) http://www.boxitvn.net/bai/16955

(2) http://www.boxitvn.net/bai/17239

(3) http://www.boxitvn.net/bai/17205

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn