Marcel Marceau, bài học im lặng

Báo Le Monde,

tháng 4 năm 1998

Phạm Anh Tuấn dịch (bản rút gọn)

Tuần qua có nhiều chuyện đáng chú ý. Đầu tiên là cảm giác căng thẳng chờ đợi ngày người ta xử Cù Huy Hà Vũ, rồi đến cảm giác “bị rút lửa ở đít” khi phiên tòa bị hoãn, rồi lại tiếp tục rơi trở lại cảm giác chờ đợi. Hay là Tòa đưa quách CHHV về xử ngay tại ngôi nhà của chính CHHV ở 24 Điện Biên Phủ? Như thế mới đích thị “phi ní”, “phi ní” hơn cả Vụ án của Kafka! Chuyện thứ hai là chuyện cô Lượm ở Huế với cô Kim Ngân gì đó ở Đài truyền hình. Nhiều blogger làm ầm ĩ chuyện này lên rút cục chỉ mất thì giờ và chỉ có lợi cho một vài người nào đó. Chẳng hạn, anh Lại Củ Sâm giờ đây sẽ thấy lòng mình thanh thản hơn vì có thêm đồng đội. Cần nhìn vấn đề của Lượm từ góc độ sâu sắc hơn, chẳng hạn, thử nghĩ bây giờ hoặc một ngày đẹp trời nào đó chúng ta đột nhiên ngã ngửa người khi phát hiện thêm vô số Lượm hay Nượm hay Ngượm hay gì gì đó trong đủ mọi lĩnh vực hoạt động! Chuyện thứ ba là sự kiện trao giải Phan Châu Trinh và phản ứng của nơi lẽ ra phải tỏ ra hào hứng nhất ấy là Bộ GD&ĐT. Xem ra sự nghiêm túc và nhiệt huyết của Quỹ chẳng gây tác động mấy tới ngành giáo dục! Đến hôm nay là cuối tháng 3 rồi mà Bộ GD&ĐT mới công bố 5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2011! Người ta vẫn đang ngồi họp với nhau để rút kinh nghiệm quốc tế nhằm xây dựng chương trình học cho sau năm 2015 và xây dựng đề án soạn lại sách giáo khoa để trình Bộ phê duyệt!

Trong một xã hội đa thần, đa ảo tưởng như thế này đôi khi cũng cần im lặng. Xin mời đọc một bài ngắn nói về một người im lặng vĩ đại có tên là Marcel Marceau.

P. A. T.

Ông nói về mình bằng ngôi thứ ba, “Nhà kịch câm Marcel Marceau đã diễn như thế này, đã diễn như thế kia”. Một thái độ quả là vương giả, thoạt nghe là như vậy. Chúng ta cứ ngỡ ngày nay cái kiểu vĩ nhân tự cao tự đại như vậy không còn nữa. Nhưng không, điều này hoàn toàn khác. Quan sát kỹ hơn chúng ta nhận ra một giọng điệu khác. Cái ngôi thứ ba kia, so với loài người phù phiếm, nó mới ít kiêu ngạo làm sao, nó rút cục chỉ là cái bóng, cái nằm độc lập, tách biệt với con người của ông. Có một Marcel Marceau ngôi thứ nhất, một Marcel Marceau trong vai diễn viên kịch câm Marcel Marceau, và Marcel Marceau trong vai nhân vật Bip do Marcel Marceau sáng tạo năm 1947. Dẫu cho ông có phải chung thuỷ trọn đời với ba con người đó, thì cũng như tất cả mọi người, ở ông đôi khi vẫn có những ngọn gió nhỏ khác lạ thổi qua.

Ông tạo cho mọi người cảm giác như sờ thấy được đồ vật, khi ông bước ra sân khấu, với chiếc quần dài trắng ống rộng, chiếc áo gi-lê khuy to, khuôn mặt trang điểm trắng bệch và chiếc mũ rách thòi ra một bông hồng bằng vải ngộ nghĩnh, dường như ông bước ra từ tranh của Poulbot ở khu Montmartre(1). Ông không có vẻ như đang tồn tại ở nơi đây. Ông đang ở một nơi khác, một thế giới thơ mộng hơn. Vả chăng, ông đã tạo nên những điệu bộ, cử chỉ mà không phải bao giờ mọi người cũng có thể hiểu, trong im lặng. Bởi ông diễn trong một không gian vô hình nên cần phải tập trung tư tưởng mới có thể theo dõi mà không bị lạc lối. Vậy đó, ông đặt xuống một vật và mở nó ra. Sau đó ông kéo lần lượt một, hai, ba chân đế. Đó là chiếc giá vẽ và toan của ông. Không được quên rằng, ngay sau đó ông quay lại và phết lên đó những nét vẽ thanh thoát, với một cây cọ vô hình, chấm vào bảng màu vô hình.

Cũng vậy, khi ông đặt một chiếc cốc lên một chiếc bàn, sau đó một chiếc cốc nữa và rót đầy chúng, thì thực sự khi đó không hề có một chiếc cốc nào, cũng chẳng có một chiếc chai hoặc bàn hoặc rượu vang nào cả, hãy ghi nhớ rõ vị trí trong không gian mà ông đã đặt tưởng tượng cái này cái nọ và sau đó ông sẽ quay trở lại tìm kiếm đúng cái vị trí tưởng tượng đó. Hãy luôn tỉnh táo và học một vài điều tối thiểu về cú pháp của ông. Khi ông xoay người, có nghĩa là ông thay đổi nhân vật, người đối thoại. Khi ông dùng hai lòng bàn tay làm một hình tròn theo phương thẳng đứng, điều đó chỉ ra rằng ông đang soi gương v.v. Một khi những điểm mốc đã được ghi nhớ, chúng ta không thể rời ông được nữa, và sức mạnh nghệ thuật của ông quả là tuyệt vời.

Cái con người nhỏ nhắn và mặc dù đã 74 tuổi này (năm 1994) hoạt động như một cậu bé, nhảy múa, làm điệu bộ nhăn nhó, phấn khích, sắp xếp những động tác thành những chữ ký trong không gian, và trong phút chốc dựng nên trước bạn cả một sân khấu với một toà án đầy đủ, luật sư bào chữa, thẩm phán, bồi thẩm, bị cáo, nhân chứng, kể lại sự việc, buộc tội, bào chữa, kết án, làm vang lên những lời biện hộ bằng cách nhảy hai chân đập vào nhau, làm vẻ trịnh trọng, tức giận, sửng sốt. Không hề dùng đến một lời nói. Marceau, đó là kịch no, là kabuki (2), cùng với âm hưởng của Prevert(3) và ký ức về Chaplin.

“ Tôi sinh ra ở Strabourg năm 1923, khi Alsace đã được trả lại cho Pháp. Cha mẹ tôi có một thời gian sinh sống tại Lille, và chính tại đó tôi đã được gặp Chaplin qua phim của ông. Đó là một sự bừng tỉnh. Tôi đã không cười phá lên mà đã khóc. Hình như đó là bộ phim Đi tìm vàng. Sau đó gia đình tôi quay trở lại Strabourg. Tôi học tại Trường Fustel-de-Coulange nằm cạnh nhà thờ lớn. Cha tôi nuôi chim bồ câu trên những nóc nhà cổ và những đêm của tôi tràn ngập tiếng chim. Cha tôi làm nghề bán thịt và gia đình tôi thuộc tầng lớp bình dân và sống đơn giản, nhưng có một ý chí học hành vô cùng mạnh mẽ. Cha tôi thường đưa tôi đến rạp chiếu bóng và Nhà hát. Ông có một giọng hát rất hay và dòng họ cha tôi có rất nhiều người làm nhạc công. Phía nhà mẹ tôi thì có thiên hướng triết học nhiều hơn”.

Tại Alsace, một bà dì của ông trông coi một nhà trẻ và cùng với bọn trẻ ở đó ông lần đầu tiên bước vào nghề sân khấu, dựng những vở kịch cùng bọn trẻ con trong khi chính ông vẫn còn là một đứa trẻ. “10 tuổi tôi bắt đầu thành lập đoàn kịch đầu tiên của tôi. 12 tuổi tôi dựng những vở kịch của Charlot. Tôi đã làm điều đó một cách nghiêm túc, đến nỗi dân làng phải sửng sốt. Ngày đó tôi đã cảm thấy trong mình gánh nặng của tâm hồn”.

Marcel Marceau luôn nhớ lại cái lần duy nhất ông gặp Chaplin. Tại phi trường Orly, trong lúc đang đợi chuyến bay tới Rome để cùng Vadim quay bộ phim Barbarella, ông nhận ra Chaplin tóc bạc trắng đang đi cùng một lũ con. “Ông nhìn tôi, tôi tiến lại gần và nói với ông:“Đối với tôi, ông là Thượng đế”. Tôi hôn tay ông. Mắt ông rân rấn nước mắt. Năm 1967 chẳng ai còn nhớ tới Chaplin nữa. Vadim đã nói với tôi rằng, Michel-Ange cũng có một phản ứng như vậy vào năm 70 tuổi khi một chàng trai trẻ tên là Raphael đã hôn vào giầy của ông. Đó là một sự ngợi ca, đồng thời cũng là một sự báo trước cái chết”.

Marcel Marceau mỗi năm thực hiện đều đặn ít nhất hai trăm buổi diễn. Liệu ai có thể đạt được một ánh hào quang như ông mà chưa hề học qua bất kỳ trường lớp nào? Ông đã phải trả giá bằng cả con người của mình để duy trì bài học im lặng và tâm sự với người khác tất cả những điều thầm kín của chính mình.

P.A.T

Chú thích:

(1) Hoạ sĩ Pháp, 1879-1946, người đã tạo ra hình mẫu một chú nhóc Paris vừa hài hước vừa cảm động.

(2) Một thể loại kịch của Nhật Bản.

(3) Jacques Prévert, 1900-1977, nhà thơ Pháp.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn