Ba Bộ đồng tình... và Tam quyền nhất lập

Hà Sĩ Phu

Bài viết Tố cáo Nhà nước “tam quyền nhất lập”… của Hà Đình Sơn là thêm một tiếng nói nữa, giữa rất nhiều tiếng nói đang cất lên, nhằm chứng minh cái nhận xét tổng quát của tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, rằng “Những băn khoăn, những ưu tư của Vũ cũng là những băn khoăn và ưu tư của mọi người. Mọi người đều nghĩ, còn Vũ thì đã nói ra được…”. Những ưu tư đã là “chung của mọi người” ắt phải là những nhận thức thông thường, dễ hiểu, đương nhiên, không cần đến triết lý cao siêu gì mới có thể nhìn ra.

Mặt khác, một khi “những ưu tư” đã là “chung của mọi người” thì ưu tư ấy ắt phải là khách quan, vì lợi ích chung của đất nước và dân tộc. Thế thì người nói lên được những ưu tư ấy hiển nhiên là có CÔNG, xưa nay ai chẳng nghĩ như vậy. Nhưng Luật sư Vũ chẳng những không được ghi công mà bỗng dưng bị quy là TỘI, mà tội to, tận cùng có thể tới 12 năm tù chứ ít gì? Sao lại có sự ngược nhau đến 180 độ như thế? Nếu cùng là người có tai có mắt như nhau, cùng ăn hạt gạo như nhau, thở cùng một không khí như nhau thì nếu có chênh nhau cũng là nhập nhằng giữa công nhỏ với công to, hoặc giữa tội nhẹ với tội nặng chứ lại “nhảy phóc” từ CÔNG TO sang TỘI TO thì bất thường quá, ít nhất một bên không còn là người bình thường nữa rồi.

Điều tôi vừa nói là chân lý hiển nhiên, cho nên muốn quy công thành tội ắt phải đẩy đương sự sang bên kia chiến tuyến, thành “địch”, thành “kẻ thù nguy hiểm”…, nhưng ở Cù Huy Hà Vũ động tác “đẩy” này khó mà thực hiện. Vì nếu đẩy được TS Vũ thành địch thì một lô “đại biểu đương nhiên của TA” sẽ bị sang bên kia hết, từ Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Trọng Vĩnh đến hàng trăm trí thức không thể nào thành địch được, đến cả dòng họ Cù có công lập “quốc XHCN”, đến hàng ngàn dân chúng lương thiện đã biết ơn và quý trọng Hà Vũ… (chưa kể những mối liên quan củha đương sự với cả các ông lớn Nông Đức Mạnh, Lê Đức Anh… và Hồ Chí Minh nữa). Vậy những người muốn thực hiện động tác “đẩy” một tảng đá có quan hệ chằng chịt này phải coi chừng, có khi tảng đá không “nhắc lên đặng” mà mình lại ngã lăn queo.

Cái lý nó như thế, có vẻ “ta - địch” rất căng, tôi không thể cãi. Nhưng tôi viết những dòng này trong một tâm trạng không nặng nề như vậy. Cho phép tôi ôn lại một kỷ niệm nhỏ trong những ngày tôi còn đang chịu hình phạt như một kẻ thù nguy hiểm.

Khoảng tháng 10 năm 1996, tôi đã ra Tòa, đã thành án, còn phải ngồi thêm 3 tháng nữa thôi. Một hôm có đoàn lãnh đạo Sở Công an Hà nội vào thăm, dẫn đầu là một Trung tá, Phó giám đốc, có cả Thiếu tá vẫn hỏi cung tôi. Vì đã thành án, cũng sắp hết hạn, tôi không chống án, nên không khí gặp gỡ cũng “vui vẻ cả”. Đoàn thăm hỏi tặng tôi nhiều quà, tới 2 ký trà Thái Nguyên thượng hạng, khoàng 3-4 ký hoa quả ngon lành, tôi dùng mấy tuần không hết.

Trong câu chuyện có một chi tiết tôi không thể quên. Số là trong suốt mấy tháng hỏi cung và lúc ra Tòa, tôi luôn chất vấn vì sao bỗng dưng lại gây cuộc tông xe giật túi, vì sao lá thư của ông Võ Văn Kiệt đã đăng khắp nơi còn gọi là “tối mật”, vì sao mọi việc của Viện Kiểm sát và của Tòa án đều do Công an chi phối cả… Vì thế hôm ấy ông Trung tá mới nói cười vui vẻ, như thể để giải đáp những thắc mắc nói trên của tôi: Ông nên biết, trong công việc, các bên Lập pháp, Tư pháp, Hành pháp chúng tôi luôn phải phối hợp với nhau, như các cụ xưa có câu “Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình – Ba bộ phải đồng tình mới làm được việc chứ?” (cười rất vui).

Tôi ngạc nhiên quá đỗi, nhưng chỉ khẽ nhún vai, vì chẳng phải lúc tranh luận. Vị Trung tá đã đưa một ví dụ rất... “đắt”, ba cái “Bộ” kia đồng tình để làm một cái “việc” không đẹp đẽ gì, chẳng những vô văn hóa mà còn xúc phạm nhân phẩm công dân nữ giới, tức là phạm pháp. Đấy là một ví dụ không thể nào xác đáng hơn để chứng minh rằng nếu TAM QUYỀN mà cứ ăn ý với nhau như cùng một mẹ đẻ ra, dưới cùng một cái gậy chỉ huy thì bộ ba ấy có thể xúc phạm nhân dân đến nhường nào, có thể “bóp” chết con người ta như chơi mà chẳng ai có thể đứng ra trừng trị.

Dễ dàng nhận thấy vị Trung tá đã lấy một ví dụ phản biện làm chính biện. Đáng lẽ ví dụ “Ba bộ đồng tình” này phải để các ông Cù Huy Hà Vũ, Hà Đình Sơn, Nguyễn Tường Tâm, Nguyễn Xuân Phước… sử dụng nhằm chống nạn TAM QUYỀN NHẤT LẬP thì anh đã công khai nói giùm cho họ. Nếu các người ấy có mặt trong cuộc gặp gỡ giữa tôi và vị Trung tá chắc họ sẽ vô cùng hoan hỷ cám ơn, ghi ngay “luận điểm” này vào sổ, đắc ý hơn bắt được vàng!

Năm ấy thực chất tôi bị bắt vì vừa công bố bài “Chia tay Ý thức hệ” , nói rõ Ý thức hệ ấy chẳng những chống quy luật tự nhiên, kìm hãm phát triển mà còn phản dân chủ, gây ly tán xã hội và làm tha hóa cả dân tộc nữa, nên cách duy nhất là phải chia tay tận gốc với Ý thức hệ ấy thôi.

Nhưng điều lạ là vị Trung tá kia đưa ra cái “luận điểm” rất phi luật pháp và phản dân chủ nọ, trước một người có quan điểm phản biện triệt để như tôi, mà lại rất tự nhiên, mà tự tin, mà vui vẻ để dàn hòa nữa, bởi vì chỉ vì hai người đứng trên hai cái nền khác nhau mà nói ra, chứ không phải anh ấy cố tình chống tôi một cách có ý thức.

Chỉ vì trong quá khứ anh đã tin Đảng (một cách có cơ sở thực tế), thế rồi đồng nghĩa Đảng với chân lý, tự nhủ muốn gì thì gì cứ giữ yên sự lãnh đạo của Đảng đã, giữ Đảng là lẽ phải đã nằm trong ấy rồi, khỏi cần suy nghĩ (!). Họ phát ngôn từ một NIỀM TIN (tuy đã quá date). Giả sử quan điểm ấy thốt ra từ một vị thuộc Ban “Tư tưởng Văn hóa” hay một vị Chánh án thì vấn đề lại khác, hôm ấy chắc đã cãi nhau quyết liệt.

Tất cả những ai còn có thể tự hào là người được ăn học tử tế, lấy Duy lý làm đầu, thì dẫu yêu mến Đảng cũng không thể nào đồng nghĩa Đảng với chân lý. Khi tôi học lớp 9 lớp 10, một vài thầy giáo của chúng tôi “bị ảnh hưởng Nhân văn” đã nói chuyện với chúng tôi về một chủ đề thú vị. Giữa những người thời ấy có cuộc tranh cãi: Giả sử có lúc giữa ĐẢNG và CHÂN LÝ không hoàn toàn khớp nhau thì theo Đảng hay theo Chân lý? Cánh Nhân văn bảo phải lấy CHÂN LÝ làm chuẩn để giúp Đảng sửa đổi phù hợp với CHÂN LÝ. Nhưng các Đảng viên chống lại kịch liệt, họ nói: Ngay cả khi Đảng mâu thuẫn với Chân lý vẫn phải theo Đảng, theo Đảng thì Đảng sẽ tìm lại Chân lý cho, chứ mất Đảng sẽ mất Chân lý vĩnh viễn (!).

Nhưng không phải Đảng viên nào cũng nghĩ như thế. Trong lớp tôi có anh Dương Phú Hiệp, vào Đảng rất sớm, nhưng đến tận bây giờ (xa nhau hơn 50 năm) tôi vẫn mến anh, vì là Đảng viên mà giữ nhân cách trí thức, không đánh đồng Đảng với Chân lý. Chắc nhiều người còn nhớ, mới đây thôi, PGS Tiến sĩ Dương Phú Hiệp, nguyên Phó Viện trưởng Viện Triết, Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, Thư ký của TBT Trường Chinh đã khẳng định những Chân lý khoa học khiến nhiều Đảng viên giật mình: "Mỗi bước tiến của thực tế quan trọng hơn một tá cương lĩnh” , "Một dân tộc may mắn hay bất hạnh là do lãnh đạo”, “nếu ai cũng sợ bị “chụp mũ”, nếu chỉ có độc thoại, không có đối thoại, NẾU CHỈ CÓ MỘT TRUNG TÂM ĐỘC QUYỀN PHÁT RA CHÂN LÝ (HSP nhấn mạnh), nếu cấp dưới chưa có thói quen dám tranh luận với cấp trên, chỉ thụ động “gọi dạ, bảo vâng”, không dám suy nghĩ bằng cái đầu của mình vì còn sợ “MẤT ĐẦU” (HSP nhấn mạnh) thì tình trạng lạc hậu về nhận thức lý luận còn kéo dài”.

Ông Dương Phú Hiệp dám phản đối tình trạng “CHỈ CÓ MỘT TRUNG TÂM ĐỘC QUYỀN PHÁT RA CHÂN LÝ” đấy! Từ khi ĐCSVN cầm quyền thì “MỘT TRUNG TÂM ĐỘC QUYỀN PHÁT RA CHÂN LÝ” chẳng là chỉ đích danh Đảng CSVN, mà đứng đầu là Bộ Chính trị, thì còn ai vào đấy? Chống sự độc quyền Chân lý mới là chống tận gốc, chống một cách tổng quát nhất, mà ông Dương Phú Hiệp (tính rất ôn hòa) còn không sợ MẤT ĐẦU, thì cớ gì một người tính cách mạnh mẽ như Cù Huy Hà Vũ lại sợ mấy năm tù nhỉ, khi cái đầu vẫn còn nguyên? Tôi tin như thế. Nếu đẩy được Cù Huy Hà Vũ sang bên kia chiến tuyến, thì tôi phải gặp ngay người bạn học Dương Phú Hiệp, nay đã là Đảng viên cao cấp, để nói với ông rằng: Ông hãy coi chừng!

Tất nhiên sẽ không có chuyện ông Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương sẽ bị quy thành địch, mặc dù lời phản biện của ông còn nặng hơn, có tính “nền tảng” hơn cả TS Hà Vũ? Người ta có thể suy luận: Ông Hà Vũ chỉ khác ông Dương Phú Hiệp ở chỗ đề cập đến việc chống chính sách Bành trướng của Bắc Kinh để giữ gìn chủ quyền và biên cương Tổ quốc và bênh vực những người dân bị oan ức thôi. Thế là thành tội. Yêu dân yêu nước mạnh mẽ quá, cụ thể quá mà thành tội?

Cho nên, theo rõi những thông tin dồn dập trước phiên tòa xử TS Luật Cù Huy Hà Vũ, tôi cứ phân vân về 4 điều “Chẳng lẽ”:

- Chẳng lẽ một Đảng giỏi tuyên truyền như ĐCSVN nay lại tỏ ra tuyên truyền vụng dại như vậy, làm mất lòng dân, để lộ ra những điều khiến cho “kẻ địch thích thú, người thân đau lòng”?

- Chẳng lẽ một Đảng từng khởi nghiệp với ngọn cờ Độc lập Dân tộc nay lại lúng túng chính vì ngọn cờ này?

- Chẳng lẽ trong việc đối xử với những tiếng nói bất đồng để xây dựng đất nước (có ngược với “xây dựng Đảng”) như Cù Huy Hà Vũ, Đảng cầm quyền không có cách nào khôn ngoan hơn cái còng số 8 hay sao?

- Chẳng lẽ bên cạnh những người rất hiểu xu hướng thời đại nhưng cố tình đi ngược vì “lợi ích nhóm”, những Đảng viên trung thực đã hy sinh rất chân thành cho một NIỀM TIN, nay lại không biết cập nhật những thông tin và nhận thức, mà xử lý, chịu để cho NIỀM TIN ấy bị sử dụng trái mục đích của mình hay sao?

Đà Lạt 1-4-2011

H. S. P.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn