Lời khuyên của con ếch

Trần Kinh Nghị

Xin bạn Trần Kinh Nghị hãy nghe mấy câu thơ Cao Bá Quát “Ễnh ương há cũng vì dân? / Náu trong bụi rậm bất thần kêu vang / Sao ngươi kêu quá muộn màng? / Khát mưa từ lúc còn đang tối trời” (Văn hà mô - Nghe tiếng ễnh ương, Huệ Chi dịch). Thiết nghĩ, nếu đã là quy luật lịch sử thì dù dùng biện pháp gì cũng không ngăn được nó, chỉ có thể khiến cho nó diễn tiến chậm lại thôi, song đôi khi chính lực cản nhân vi ấy lại có thể đẻ ra vô số hậu quả khôn lường mà cả dân tộc phải trả bằng những cái giá quá đắt (một đất nước tan rã thành nhiều mảng không còn sức quy tụ, hoặc bị bán đứng bởi bọn Lê Chiêu Thống hiện đại chẳng hạn). Âu là hãy tạo điều kiện để quy luật vận động đúng tiến trình tự nhiên nhất chứ không nên gắng gượng can thiệp.

Nguyễn Huệ Chi

clip_image001Ở nước ta trong những năm gần đây có một sự thật chưa được thừa nhận, đó là tâm trạng bất bình, bất an, bất ổn, bất phục, có thể đang diễn biến sang chiều hướng “bất tuân lệnh”. Nói vậy có quá không? Không quá, nhưng hơi chậm. Chậm là vì hậu quả của nó đang lấp ló đâu đó như sóng thần trong khi nhiều người vẫn làm như không nghe, không biết, không thấy…Nhưng tôi tin rằng những ai đã trải qua trọn thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng lại đất nước đều không thể thản nhiên nhìn những thành quả của họ bị sóng thần cuốn trôi.

Xin miễn kể lể dài dòng, bởi lẽ ai cũng nghe, cũng thấy, cũng biết cả rồi; nếu nói ra lại bảo “biết rồi, khổ lắm nói mãi!” Mà có nói, chắc cũng không thể nào hay và trúng bằng các vị tiền bối “khai quốc công thần” hay các “cựu chiến binh” và “cựu lãnh đạo”. Tôi xin chỉ nói với vai trò của một con ếch ngồi đáy giếng với bản năng dự báo thời tiết mà thôi. Và sẽ chỉ nói càng ngắn gọn càng tốt… để còn kịp chuẩn bị đối phó với sóng thần!

Sai lầm đường lối là việc không thể tránh khỏi và có thể tha thứ được trong những hoàn cảnh nhất định, đó là trong thời kỳ đầu sau giải phóng miền Nam năm 1975 mặc dù với những sai lầm đó đã để lại cho đất nước và nhân dân ta những hậu quả không bao giờ khắc phục được. Nhưng tình trạng sai lầm kéo dài, lặp đi lặp lại do “lỗi hệ thống” lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Dưới đây xin điểm qua một số biểu hiện có tính “đại diện” cho những sai lầm như thế ở nước ta trong mấy chục năm gần đây.

Đó là sự di chuyển ồ ạt của dòng người từ nông thôn đổ vào các đô thị mà nhiều người ngộ nhận là một hệ quả của quá trình công nghiệp hóa đất nước! Nhưng không, đó là hậu quả của một sai lầm nghiêm trọng trong chính sách kinh tế dài hạn mà cùng vói nó là hàng loạt những hậu quả nhãn tiền: ngành nông nghiệp truyền thống bị lãng quên trong khi các đô thị nhanh chóng bị “nông thôn hóa”; nạn thất nghiệp và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khó cứu vãn, v.v. Để chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng, Nhà nước đã chủ trương “tranh thủ ” viện trợ nước ngoài như một ưu tiên quốc sách trong khi các nguồn nội lực không được sử dụng, hoặc sử dụng một cách bất hợp lý: thay vì đầu tư để phát triển các cơ sở sản xuất, người ta chỉ chú trọng một vài ngành khai khoáng như dầu thô và một vài loại quặng “ăn liền” như than đá, bauxit, đặc biệt là ngành bất động sản béo bở. Chủ trương sai lầm này này đã lập tức bị các nhóm lợi ích tham lam ra sức lợi dụng khiến cho nguồn khoáng sản và đất dai mau chóng bị khánh kiệt. Thay vì khẩn trương tiến hành tư nhân hóa và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng thị trường, thì người ta lại duy trì và củng cố những tập đoàn “anh cả đỏ”- một việc làm không chỉ trái với với quy luật kinh tế mà còn trái với bản thân phương châm đổi mới của Đảng đã đề ra. Hậu quả là những tập đoàn nhà nước to xác biến thành những cỗ máy tiêu “tiền chùa” với cả vốn lẫn lời chui vào túi cá nhân bọn tham nhũng. Thế nên chỉ sau vài đợt kiểm toán đầu tiên đã phát hiện vụ bê bối Vinashin khiến dư luận khẳng định rằng “sờ đâu cũng thấy tham nhũng”, và lòng tin của nhân dân đã thực sự hoàn toàn bị “đánh cắp” từ sau vụ bê bối này. Công cuộc cải cách hành chính thì sao? Hãy nhìn biên chế của các cơ quan công quyền ngày một phình to trong khi chúng dường như chỉ có thể làm cái công việc “bắt cóc bỏ đĩa” mà không xong. “Công nghiệp hóa” ư? Vẫn chỉ là một thuật ngữ trống rỗng khi mà toàn bộ nền kinh tế đất nước vẫn phải sống dựa vào hàng nhập khẩu từ cái đinh vít cho đến chiếc máy bay. Tất thảy khiến ta nhận ra rằng đất nước hiện nay không phải trong “giai đoạn quá độ tiến lên CNXH” mà là tình trạng tạm thời, tạm bợ với vô số những chiếc bong bóng sắp vỡ tung. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là tình trạng bất cập liên quan đến chủ trương chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng vốn thường được coi là “phạm húy” nếu đem ra bàn luận. Tuy vậy, sự bức xúc của dư luận đã và đang tăng lên cùng với tình hình căng thẳng trong tranh chấp biển đảo với phía Trung Quốc, cụ thể trước thái độ ngang ngược của “nước lạ”, “tàu lạ” hàng ngày đe dọa đời sống của dân chài nước ta.

Điều cần rút ra kết luận là trong bối cảnh đất nước hiện nay người dân suy nghĩ gì? Cũng chẳng khó khăn lắm để biết nếu ta làm một chuyến vi hành ngược xuôi Nam Bắc và bắt chuyện với mọi người sẽ thấy không dưới 90% là những lời ca thán. Sự bất bình cũng diễn ra gay gắt ngay ở giai tầng cao hơn của đất nước, đó là giới quan chức và học giả, trí thức. Chỉ cần qua kênh Quốc hội (dù còn nhiều khiếm khuyết) và qua kênh thông tin đại chúng chính thức cũng dễ dàng nhận thấy cuộc đấu tranh giằng co đang hồi khó phân thắng bại. Gần đây có chuyện “vừa buồn, vừa cười” khi dư luận kháo nhau: “Ai là lực lượng phản động?”, “ai là thế lực thù địch?” và “ai đang diễn biến hòa bình?” Thiết nghĩ không còn biểu hiện bất bình nào sâu sắc hơn thế!

Thực tế buộc ta phải suy diễn: Phải chăng đang có một sự rạn nứt của niềm tin vốn là cơ sở để hun đúc nên khối đoàn kết dân tộc - cội nguồn của sức mạnh để “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” trong suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc vừa qua? Niềm tin ấy, khối đoàn kết ấy đang mất đi nhanh chóng, và những thành công cũng ngày một hiếm hoi, thậm chí đã và đang thay thế bằng những thất bại.

Đó là sự thật dù phũ phàng. Nhưng mỗi người ở cương vị khác nhau, xuất phát từ lợi ích khác nhau hoặc hoàn cảnh khác nhau, nhìn nhận sự thật đó một cách khác nhau. Khác biệt là một phạm trù quy luật, nhưng khác biệt theo cái cung cách mà ta đang thấy trong thời gian gần đây là hoàn toàn không bình thường. Nó không chỉ là sự bất đồng quan điểm thông thường mà là sự bất bình, sự phẫn nộ. Nó báo hiệu một nguy cơ bất ổn xã hội và, xa hơn, là sự tồn vong của quốc gia mà những ai có chút lòng trắc ẩn chắc chắn đều cảm thấy lo lắng. Nếu quan sát kỹ lưỡng hơn ta sẽ nhận thấy tình hình nói trên phảng phất bóng dáng của tình hình ở những chu kỳ trước đây trong lịch sử dân tộc, không xa lắm là thời Hậu Lê (1780-1789) và gần nhất là thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Nhân loại đã đúc kết về tầm quan trọng của sự gắn kết (đoàn kết) giữa những con người cùng chí hướng, coi đó như nhân tố chính yếu của thành công hay thất bại bất luận khi làm việc gì. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những câu đúc kết rất thiết thực đối với nước ta là: “Dễ mọi bề không dân cũng chịu, khó mọi bề dân liệu cũng xong” và ”Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công” v.v.

Lịch sử đất nước ta là minh chứng hùng hồn về quy luật mật thiết giữa nhân tố đoàn kết và sự tồn vong. Nhưng lịch sử nước ta vẫn còn đó một sự thật chua xót: Hễ khi nào có ngoại xâm thì toàn dân đồng lòng cùng vua quan chống giặc. Nhưng khi thái bình rồi thì vua quan lại trở nên hư đốn, gian tham khiến lòng dân oán hận, vận nước suy vong. Biết vậy mà không mấy triều đại từ cổ chí kim không mắc phải.

Ứng nghiệm hiện tượng lịch sử nói trên vào hoàn cảnh ngày nay ta thấy gì? Nếu kể cả thời kỳ “tiền khởi nghĩa 1945” thì chính thể hiện nay của đất nước đã trải qua gần 70 năm tương đương với một vòng đời người. Trong đó chỉ 1/2 thời kỳ đầu có khối đoàn kết dân tộc thực sự do nhu cầu đánh thắng các kẻ thù xâm lược. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi trong quãng thời gian sau khi đất nước đã yên bình. Nhiều người không che giấu nỗi băn khoăn: Liệu lịch sử sẽ lặp lại cái chu kỳ muôn thuở? Và người ta bắt đầu nghĩ về nguy cơ giặc ngoại xâm. Nhưng chẳng lẽ lại phải đợi giặc ngoại xâm “giúp” ta đoàn kết lại? Phải chăng đó là một nghịch lý hay là một lời nguyền của lịch sử?

Con ếch ngồi đáy giếng cũng phải kêu lên rằng chẳng phải vì lời nguyền nào cả, mà chính là một nghịch lý do chính ta gây ra (“ta” ở đây là cả nhân dân và giai tầng lãnh đạo). Dân lúc nào cũng chỉ là dân; chỉ những người lãnh đạo mới nắm giữ vai trò quyết định đối với sự tồn – vong của dân tộc. Vấn đề là liệu họ giờ đây có đủ sáng suốt và quyết tâm để vượt qua chính mình, tức là từ bỏ những lợi ích cá nhân cục bộ để vì nghĩa cử dân tộc lớn lao? Con ếch chỉ muốn kêu lên rằng, để làm được sứ mệnh thiêng liêng đối với vận mệnh dân tộc, trước hết những người lãnh đạo hãy lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Và điều khẩn cấp là hãy cảnh giác đề phòng những con sóng thần đang rình rập. Trước mắt, nếu chưa thể tự biến cải thì ít nhất họ hãy biết trở lại với chính mình của mấy mươi năm trước. Chỉ cần làm được thế thì đất nước và dân tộc này cũng may mắn lắm rồi ./.

Nguồn: Trankinhnghi.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn