Công khai và trung thực (12/05/2011)

GS. Tương Lai

imageThời điểm mà ta muốn là “ngày hội của toàn dân” đang đến rất gần - ngày bầu cử Quốc hội khóa XIII. Muốn thì dễ, nhưng để thực hiện được thì quả là không dễ.

Ngày hội theo nghĩa thông thường là mọi người háo hức, vui vẻ, và nhất là tự nguyện được tham gia vào cuộc vui, cũng có nghĩa là không phải vì không tham gia thì không có cái thẻ cử tri đã được đóng dấu để tránh những cái rắc rối có thể có về sau mà người từng trải thì hiểu quá rõ. Nhưng, cần nhớ rằng đã từng có cái ngày hội như vậy với Tổng tuyển cử 6 tháng 1 năm 1946. Thậm chí, ở Nam Bộ, nhiều nơi, cử tri phải đi bầu dưới họng súng của kẻ thù đang quay trở lại để mưu toan tiêu diệt Nhà nước Cộng hòa non trẻ vừa mới ra đời với Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945. Có ngày hội đó vì tinh thần của nó đã được ươm mầm từ trong tư tưởng Hồ Chí Minh, từ trong sự chỉ đạo quyết liệt bằng đường lối và giải pháp cụ thể.

Trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc” tháng 10 năm 1944 Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “phải có một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta. Mà cơ cấu ấy thì phải do một cuộc Toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra.

Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”. Tháng 2 năm 1943, Trung ương Đảng ra Nghị quyết nhằm “mở rộng thêm Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật-Pháp”, Đảng cần “giúp giai cấp tư sản dân tộc và những người trí thức thành lập một đảng cách mạng”. Trong bối cảnh ấy, Đảng Dân chủ Việt Nam được thành lập và cử 12 đại biểu trong tổng số hơn 60 đại biểu dự Hội nghị Tân Trào. Đảng Dân chủ cũng có 3 đại biểu bên cạnh 8 đảng viên Đảng Cộng sản và hội viên cứu quốc cùng 4 nhân sĩ trí thức ngoài Đảng trong Ủy ban Dân tộc Giải phóng cũng như trong Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên. [Sau này có thêm Đảng Xã hội Việt Nam cũng được tổ chức theo đúng tinh thần đó].

Và thực tế đã chứng minh là Chính phủ lâm thời dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng có nghĩa là sự lãnh đạo của Đảng, Đảng của Hồ Chí Minh, đã phát huy mạnh mẽ vai trò tổ chức cuộc kháng chiến 9 năm dẫn đến Điện Biên Phủ! Tỷ lệ đảng viên trong thành phần Chính phủ lúc ấy ít gấp bội phần so với dự kiến cơ cấu tỷ lệ đảng viên và người ngoài Đảng được công bố trong hiệp thương giới thiệu danh sách ứng cử và đề cử Quốc hội lần này. Đương nhiên, không thể không lưu ý đến tính lịch sử cụ thể của hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ. Tuy vậy, phải nhắc lại để thấy đã từng có một thực tế như vậy.

Nhắc lại không phải để có một mong muốn phi lịch sử “bao giờ cho đến ngày xưa” mà là để nói lên một sự thật lịch sử về ý chí và sức mạnh của nhân dân khi được khởi động đúng lúc và đúng cách trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh: “Quyền hành và lực lượng đều nơi dân”! Trung thành theo tinh thần trung thực và công khai tư tưởng ấy trong giải pháp, trong hành động dẫn dắt các cuộc “ra mắt” cử tri, các cuộc “vận động”, “tranh cử” của các ứng viên trong hiệp thương đề cử và những người tự ứng cử tại các đơn vị bầu cử trong cả nước chính là điều kiện cần và đủ cho thành công của ngày bầu cử Quốc hội sắp tới.

Trong gần chín chục triệu người, chắc không thiếu người có tài có đức, như trong lời tự phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết cách đây 64 năm: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”. Ngày nay, nếu đưa được những người tài đức ấy tham gia vào “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất” sẽ càng làm cho Nhà nước của dân, do dân và vì dân càng có ý nghĩa thực tế chứ không chỉ là một khẩu hiệu.

Để không chỉ là một khẩu hiệu, có lẽ cũng nên có sự tường minh về ý tưởng vĩ đại của mệnh đề nói trên để càng có cơ sở mà nâng cao thêm ý chí và sức mạnh của mỗi người dân với tư cách là một công dân hiểu về Nhà nước của mình, để do đó mà có được quyết tâm góp phần xây dựng và bảo vệ thành quả mà núi xương, sông máu của bao thế hệ Việt Nam đổ ra mới có nó. Gốc gác của tư tưởng Nhà nước của dân, do dân và vì dân là từ trong diễn văn của Tổng thống Abraham Lincoln, đọc ngày 19-11-1863 tại nghĩa trang quốc gia Gettysburg của nước Mỹ: “... Chính chúng ta, những người còn sống, mới phải được hiến dâng cho công việc dở dang mà những người đã chiến đấu ở đây đã phát triển lên một cách cao cả. Chính chúng ta mới đúng là những người được hiến dâng cho nhiệm vụ lớn còn ở trước mặt - rằng từ những người chết danh dự này chúng ta phải sống tận tụy hơn nữa cho sự nghiệp mà họ đã dành hết những sự tận tụy cuối cùng cho nó - rằng chúng ta ở đây có quyết tâm cao độ để cho những người đã ngã xuống sẽ không chết một cách oan  uổng - rằng quốc gia này... sẽ có một cuộc sinh đẻ mới của tự do - và rằng chính quyền này của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, sẽ không biến mất khỏi trái đất này...”. Khi tiến trình phát triển và hội nhập đã đi vào chiều sâu, nhắc lại điều này để thấy rõ chúng ta là một bộ phận của thế giới, biết tiếp nhận những thành quả của văn minh loài người để làm giàu có thêm cho đất nước mình nhằm đưa sự nghiệp phát triển hội nhập vào xu thế chung của thời đại để không lạc hậu và lạc điệu với thế giới.

Tất nhiên không chỉ cử tri, mà trước hết là những người có trách nhiệm tổ chức cuộc bầu cử, từ cấp cao nhất cho đến từng đơn vị bầu cử, nơi diễn ra các cuộc tiếp xúc, bỏ phiếu tín nhiệm giới thiệu người ứng cử tại đơn vị cơ sở... phải trung thực với dân, công khai minh bạch trong việc tôn trọng quyền ứng cử và đề cử của công dân theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Chỉ cần có một vài khuất tất trong việc chuẩn bị các cuộc tiếp xúc, tranh luận, bỏ phiếu tín nhiệm mà không được nghiêm khắc xử lý cũng đủ để làm vẩn đục bầu không khí mong muốn.

Để không lạc hậu và lạc điệu với thế giới, đã đến lúc cần mạnh dạn sửa đổi cơ chế trong thực thi dân chủ để cho cử tri cảm thấy thật sự thoải mái và tự do trong việc tham dự các cuộc tiếp xúc, tranh cử và vận động tranh cử. Đã có không ít những phán quyết được chuẩn bị sẵn đã bị cuộc sống vượt qua thì cần mạnh dạn sửa đổi. Phải chăng đã đến lúc có một cấu trúc mở, thoải mái hơn, sống động hơn, dân chủ hơn trong các cuộc vận động ứng cử, tranh cử tiến tới bầu cử. Xin mượn một ví dụ của tạp chí Harvard Business Online để nói về điều phức tạp này: một trận bóng đá trên sân cỏ có 22 cầu thủ, song vào mỗi thời điểm nhất định, chỉ duy nhất một cầu thủ có bóng. 21 người còn lại hình thành nên một cấu trúc. Cấu trúc mở mà chúng ta đang tham gia không đề cập đến cầu thủ đang có bóng, mà là về cấu trúc của 21 cầu thủ còn lại.

Trong lịch sử, xét cho cùng, chưa có một mô hình bầu cử nào là toàn bích cả. Có lẽ vì thế mà với Tổng tuyển cử 6 tháng 1 năm 1946, Hồ Chí Minh đã chủ trương tiến hành một cuộc bầu cử phù hợp với đặc điểm Việt Nam trên cơ sở lựa chọn các mô hình bầu cử đại diện ở các nước  với những ưu điểm và hạn chế của nó.

Rõ ràng là, làm sao bảo đảm dân chủ thật sự cho các cuộc bầu cử vẫn  đang là cuộc tranh luận triền miên giữa các nhà lập pháp và mô hình nào hợp lý nhất vẫn đang còn ở phía trước. Cho nên, sẽ là ảo tưởng nếu đòi một mô hình bầu cử toàn bích! Điều tối thiểu có thể thực hiện là đảm bảo tính trung thực và công khai trong việc thực thi dân chủ của tiến trình chuẩn bị và đi đến ngày cử tri trực tiếp bỏ lá phiếu bầu vào hòm phiếu.

Cuộc bầu cử sẽ là một cuộc sát hạch về tiến trình dân chủ hóa xã hội xem nó đã đạt được đến đâu trước con mắt khách quan và tinh nhạy của công luận trong nước và quốc tế.

T. L.

Nguồn: Daidoanket.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn