Hiện tượng Hitler và thế hệ Internet Trung Quốc

Richard Komaiko, Asia Times, 25 tháng Năm 2011

imageVào ngày thứ Năm, 19 tháng Năm vừa qua, nhà đạo diễn phim ảnh nổi tiếng Đan Mạch, ông Lars von Trier, công khai bày tỏ cảm tình đối với Adolph Hitler. Ban giám đốc đại hội điện ảnh lớn nhất thế giới tại Cannes, liền tuyên bố rằng Von Trier không còn được tiếp đón tại lễ hội này. [1]

Đây là quyết định can đảm của ban giám đốc, nhất là khi ta xét đến sự kiện phim mới nhất của Von Trier được coi như là ứng viên tranh giải cao nhất của đại hội. Trong khi đó, cách một đại dương xa xôi, cảm tình dành cho Hitler đang sinh sôi nẩy nở, mà chẳng ai có đủ can đảm lên tiếng phản đối. Một xu thế ngày càng lớn mạnh trong giới blogger Trung Quốc (TQ) đang lên tiếng ca ngợi và bày tỏ thiện cảm với Hitler. Nếu chính quyền TQ không giải quyết vấn đề này, nhiều hậu quả nguy hiểm có thể diễn ra về sau.

Tin đồn

Một tin đồn đang được phát tán rộng rãi trên mạng khắp TQ quả quyết rằng Hitler, vốn sinh ra tại Áo, đã được một gia đình Hoa kiều tại Vienna nuôi nấng. Theo các tin đồn này, gia đình họ Zhang đã bắt gặp cậu thanh niên Adolf – sinh ngày 20 tháng Tư 1889 – khi cậu lâm vào cảnh túng thiếu tại Vienna.

Họ đã đưa cậu về nhà, cho ăn ở và trả học phí. Do sự đỡ đần này, Hitler đã suốt đời mang ơn và khâm phục người Trung Hoa. Tin đồn còn quả quyết rằng Hitler đã ngầm hậu thuẫn TQ trong Thế chiến II, và rằng tham vọng sau cùng của Hitler là chinh phục toàn bộ thế giới để chia sẻ quyền lực với TQ, tất cả lãnh thổ phía tây Pakistan sẽ do Lãnh tụ Đức Quốc xã cai trị, và tất cả lãnh thổ phía đông Pakistan sẽ thuộc về nhân dân Trung Hoa.

Tin đồn này rõ ràng vang vọng sâu sắc trong tâm tư của thế hệ Internet TQ. Vào ngày 10 tháng Năm 2011, một người sử dụng mạng xã hội Kaixin của TQ, một dạng tương đương với Facebook, đã đăng một phiên bản của tin đồn này trên tường của anh ta. Bài của anh đã thu hút một số bạn đọc rất đông đảo, có hơn 170.000 lần xem và 40.000 lời bình luận.

Trong số những người để lại lời bàn, 38,8% tin rằng Hitler được người Trung Hoa cưu mang, 7,1% tin rằng Hitler hậu thuẫn TQ trong Thế chiến II, 4,6% coi Hitler là một vị anh hùng, và 9,1% hi vọng rằng TQ sẽ có một lãnh tụ tương tự như Hitler.

Trong khi tin đồn này lan rộng khắp mạng xã hội TQ, sự ngưỡng mộ dành cho Hitler gia tăng ngày càng mãnh liệt. Các trang blog với tiêu đề như “Tại sao tôi thích Hitler” [2] nổi lên nhan nhản hằng ngày, và một bộ phận thanh niên TQ ngày càng đông đảo chọn phương thức bày tỏ tinh thần dân tộc chủ nghĩa của mình bằng cách nói lên thiện cảm đối với Hitler.

Thực tế

Đối với các độc giả am tường thế giới, hẳn nhiên những tin đồn liên quan đến việc Hitler được người Trung Hoa nuôi dưỡng là không có cơ sở lịch sử hay thực tế. Tuy nhiên, vì lợi ích của các bạn Trung Hoa không nhận ra sự giả trá hiển nhiên này, tôi muốn để ra một khoảnh khắc để xóa tan những tin đồn này và giải thích sự thật về quan hệ của Hitler đối với TQ.

Hitler không hề được người Hoa nuôi dưỡng. Hitler sống với cha mẹ cho đến tuổi 15, rồi sau đó đến sinh sống ở thành phố Vienna. Những năm tháng đơn độc ở Vienna được kể lại chi tiết trong Chương II của cuốn hồi ký của ông, nhan đề Mein Kampf. [3] Không một nơi nào trong chương sách này nhắc đến một gia đình người Hoa.

Thậm chí từ “Trung Quốc” không xuất hiện trong văn bản của cuốn hồi ký, mà những từ như “Trung Hoa”, “Zhang” hay “Cheung” cũng không. Tuyệt đối không có chỉ dấu nào cho thấy Hitler có bất cứ một tiếp xúc có ý nghĩa nào với người Trung Hoa trong thời trẻ của ông.

Hitler không khâm phục người Trung Hoa. Thật vậy, không có gì sai sự thật bằng nói rằng Hitler ngưỡng mộ người Trung Hoa. Ông ta coi người Trung Hoa là một giống dân thấp kém. Nhiều blogger TQ vội vàng chứng minh rằng có lần Hitler đã nói: “Người Trung Hoa không phải là người Hung Nô và Tartar, những giống dân mặc áo da. Người Trung Hoa là một chủng tộc đặc biệt; họ là một giống dân văn minh”.

Lời trích dẫn này chỉ tiêu biểu cho giả thuyết là Hitler coi người Trung Hoa có trình độ cao hơn khi so sánh với người Mông Cổ, chứ không nói lên vị trí của người Trung Hoa khi so sánh với tất cả mọi dân tộc. Thật ra, Hitler tin rằng giống dân Aryans là chủng tộc duy nhất “sáng tạo văn hóa”, trong khi người Trung Hoa và người Nhật Bản chỉ “biết giao lưu văn hóa”.

Hitler coi người Trung Hoa là một chủng tộc thấp kép, và thực sự qui trách họ về nhiều vấn đề trên thế giới. Để có thêm thông tin, xin tham khảo cuốn The racial state: Germany, 1933-1945 của Michael Burleigh.

Hitler không hậu thuẫn TQ trong Thế chiến II. Hậu thuẫn chính mà TQ nhận được trong Thế chiến II là từ Hoa Kỳ. Năm 1941, Không lực Mỹ thành lập một phi đoàn đặc biệt gọi là Phi Hổ (Flying Tigers) để thực hiện những phi vụ bí mật tại Đông Á nhằm bảo vệ Trung Hoa Dân Quốc (Replublic of China) chống lại những đợt xâm nhập của Nhật.

Là con cháu của một người từng phục vụ trong đơn vị Phi Hổ, tôi vô cùng hãnh diện về sự sợ giúp mà Hoa Kỳ đã dành cho nhân dân Trung Hoa. Lúc đó, TQ cũng nhận viện trợ từ Anh và Liên Xô. TQ không nhận được bất cứ một hậu thuẫn nào từ chế độ Nazi. Có rất nhiều tư liệu lịch sử về đề tài này. Muốn tham khảo thêm nữa, xin đọc Hitler’s Foreign Policy 1933-1939: The Road to World War II của Gerhard L Weinberg.

Hitler không có ý định chia sẻ quyền lực với TQ. Không có một mảy may bằng chứng lịch sử nào cho thấy Hitler nuôi dưỡng một quan niệm như vậy. Trái lại, Hitler phó thác TQ vào bàn tay của Nhật Bản, kẻ thù không đội trời chung của TQ. Và thậm chí vào lúc đó, Hitler cũng chỉ miễn cưỡng chấp nhận ý niệm về quyền thống trị của một nước châu Á trên toàn vùng Đông Á.

Lý do

Bởi đâu thế hệ Internet TQ đi đến chỗ có cảm tình với Hitler, và tại sao họ quá sẵn lòng tin tưởng vào những tin đồn rõ ràng sai lạc như thế?

Vào năm 2007, một tác giả TQ, ông Song Hongbing, cho xuất bản một cuốn sách nhan đề Chiến tranh Tiền tệ (The Currency War). Cuốn sách chỉ là một mớ hổ lốn gồm các âm mưu -- với dụng ý bài Do-Thái – nói về phương cách người Do Thái kiểm soát nguồn tiền tệ và dùng thủ đoạn để tạo ra các biến động trên thế giới với mục đích làm giàu. Khi kinh tế toàn cầu bị đình đốn năm 2008, cuốn Chiến tranh Tiền tệ nhảy lên hàng đầu trong bản liệt kê các sách bán chạy nhất tại TQ, khiến các hiệu sách không cỏ đủ sách trên kệ cho khách hàng. [4]

Tuy nhiên, ngoài vụ này ra, TQ thường thường tránh né chủ nghĩa bài Do Thái (anti-Semitism).

Thật vậy, theo một số sinh viên tại Bắc Kinh được phỏng vấn cho bài viết này, từ “Hitler” không hề gợi lên hình ảnh bài Do Thái hay tội ác diệt chủng, nhưng nói đúng ra, là một quyền lực lãnh đạo và chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ. Những sinh viên này nói rằng họ khâm phục Hitler về khả năng của ông trong việc đoàn kết quốc gia và đưa đất nước trở về một vị trí được kính nễ trên trường quốc tế.

Theo họ, tình hình TQ hiện nay cũng tương tự như tình hình nước Đức thời Cộng hoà Weimar, một tình hình đã đưa Hitler vào vị trí quyền lực: lạm phát làm tê liệt nền kinh tế, niềm tự hào dân tộc bị tổn thương và một cảm thức bị kẻ thù bủa vây chung quanh. Nhiều người phương Tây có thể lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng tuổi trẻ TQ thật sự cảm thấy bị bóp nghẹt vì thiếu cơ hội kinh tế.

Người phương Tây thường tập trung sự chú ý một cách thiển cận vào tỉ số tăng trưởng GDP của TQ, ở mức 9% mỗi năm. Mặc dù đây là một chỉ dấu quan trọng về sự thịnh vượng, chỉ dấu này phải được xét song song với những thước đo quan trọng khác, như nạn lạm phát và giá nhà đất ở các khu dân cư ngày một gia tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng (consumer price index) của TQ gia tăng 5% vào quí dầu năm 2011. Điều này có nghĩa là tỉ số tăng trưởng GDP thực sự chỉ là 4%. Thêm vào đó, giá bất động sản tại nhiều thành phố lớn đang tăng 20% mỗi năm. Với những con số này, bạn thử đặt mình vào vị trí của một người sinh viên bình thường vừa tốt nghiệp đại học tại một thành phố như Thượng Hải, thì sẽ thấy.

Mặc dù bạn có một mức thu nhập khấm khá đi nữa, bạn cũng không đủ tiền đặt cọc để mua trả góp một mảnh bất động sản, vì thế bạn phải thuê nhà một vài năm. Nhưng vì giá bất động sản gia tăng nhiều lần nhanh hơn nền kinh tế nói chung, nên bạn càng đợi thì bạn càng khó có khả năng mua nhà. Và trong văn hóa Trung Hoa, nếu bạn không sắm được một căn hộ, thì bạn không thể lập gia đình, vân vân…

Hiểu được nỗi âu lo kinh tế này, chúng ta mới bắt đầu hiểu được vì sao thế hệ Internet TQ cảm thấy khâm phục Hitler: họ mong ước một nhà lãnh đạo có đủ quyền lực để đưa họ ra khỏi những bi thảm kinh tế. Nhưng, phải chăng họ không có một người hùng nào khác hơn để chọn làm lãnh đạo? Tại sao không chọn một nhà lãnh đạo mà tiếng tăm không bị hoen ố vì vết nhơ đã xua quân sang xâm lược nước khác? Ở điểm này, không ai thật sự hiểu nỗi. Mặc dù không ai hiểu rõ lý do vì sao họ chọn Hitler để làm ngọn cờ tụ nghĩa, nhưng chắc chắn là cái tình cảm này đối với Hitler sẽ có hậu quả tai hại cho tham vọng của TQ trong quan hệ đối ngoại.

Những chấn động

Tác động trực tiếp nhất của hiện tượng Hitler sẽ được ghi nhận tại Nhật Bản. Qua nhiều thập niên, chính phủ TQ đã đòi hỏi Tokyo phải viết lại chương trình lịch sử bậc trung học để phản ánh đầy đủ những tàn ác khủng khiếp mà quân đội Nhật đã gieo xuống thành phố Nam Kinh trong Thế chiến II.

Đòi hỏi này là một trong những điểm xung khắc lớn nhất và dai dẳng nhất trong quan hệ Hoa-Nhật. Nếu thật ra chính chương trình lịch sử của các trường TQ cũng thiếu những bài phản ảnh đầy đủ tội ác khủng khiếp mà quân đội Đức đã gây ra cho người Do Thái tại châu Âu, thì chính phủ TQ cũng sẽ mất thẩm quyền đạo lý và tỏ ra hoàn toàn thiếu khôn khéo trong quan hệ đối với Tokyo.

Hiện tượng Hitler cũng sẽ có một ảnh hưởng tiêu cực trên quan hệ của TQ đối với các nước láng giềng trên đất liền. Những nước như Ấn Độ và Việt Nam đã lấy làm lo ngại về hành động tăng cường quân sự của Bắc Kinh, được ghi nhận là trên 10% trong mỗi một của 5 năm vừa qua.

Khi những nước láng giềng này thấy rằng nhân vật mà thanh niên TQ ưa chuộng nhất lại là một người nổi tiếng nhất về chính sách bành trướng lãnh thổ, sự nghi ngờ của họ lại bộc phát nhanh chóng, và họ sẽ đầu tư một nguồn lực xã hội to lớn hơn vào việc chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với TQ. Phản ứng này lại có thể tạo ra một hậu quả nghịch lý là nhen nhúm thêm ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa và gia tăng căng thẳng trên các biên giới.

Tuy nhiên, hậu quả nghiêm trọng nhất của hiện tượng Hitler chắc chắn sẽ được ghi nhận khi người ta xét đến quan hệ của TQ đối với Washington. Các giới chức hoạch định chính sách đối ngoại TQ đã sử dụng nhiều nguồn lực đáng kể ngay tại Washington để cổ vũ tư tưởng “vươn dậy hoà bình của TQ”, một hình thức của chủ nghĩa biệt lệ (a form of exceptionalism) nhấn mạnh rằng sự vươn tới địa vị cường quốc của TQ sẽ không gây ra xung đột vũ trang.

Vì bị quá nhiều bằng chứng lịch sử phản bác lại, lý thuyết vươn dậy hòa bình của TQ chỉ lọt vào tai một thiểu số rất nhỏ bé trong phạm vi thủ đô Washington mà thôi. Nhưng một khi các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Hoa Kỳ biết được rằng thanh niên TQ đang sùng bái kẻ xâm lược khét tiếng nhất lịch sử, thuyết vươn dậy hòa bình sẽ mất hết tính khả tín, và điều này sẽ khuyến khích những kẻ muốn tô vẽ TQ như một mối đe dọa cho lợi ích của Mỹ.

Quyết tâm

Phải có hành động tức thời nhằm giáo dục giới trẻ TQ về sự thật liên quan đến Thế chiến II và cho họ thấy lịch sử đã lên án chế độ Hitler nghiêm khắc như thế nào.

Bước đầu tiên, mạng xã hội Kaixin phải lấy xuống bài báo có tính kích động và công khai sửa sai các dữ liệu. Cũng như Facebook rốt cuộc đã nhận thấy có bổn phận bảo vệ an ninh công cộng khi tháo gỡ một trang mạng kêu gọi [dân Palestine] “nổi dậy lần thứ ba” [để chống Do Thái] [5], về phần mình Kaixin cũng phải ý thức rằng trong tư cách là một trong những công ty truyền thông lớn nhất TQ, Kaixin không thể tha thứ những cách biểu lộ tình cảm đối với những kẻ chủ trương đi xâm lược nước khác.

Bước thứ hai, Bộ Giáo dục TQ phải triệt để duyệt xét chương trình sử học dạy tại các trường trung học TQ để đảm bảo rằng việc nghiên cứu Thế chiến II phù hợp với các tiêu chuẩn học liệu quốc tế.

Sau cùng, các tổ chức Do Thái liên hệ, từ Bộ Ngoại giao Israel đến Viện Bảo tàng Mỹ về Cuộc Thảm sát Do Thái (the US Holocaust Museum), phải làm việc với các đối tác TQ, như Trung tâm Nghiên cứu Do Thái tại Thượng Hải và Viện Hoa-Do (the Sino-Judaic Institute), nhằm thúc đẩy việc giáo dục về Cuộc Thảm sát và nâng cao ý thức về tội diệt chủng hiện đại.

Một triết gia, tiểu luận gia, thi sĩ và tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Tây Ban Nha, ông George Santayana, nói rằng những ai không rút kinh nghiệm từ lịch sử thì nhất định sẽ lặp lại nó. Điều duy nhất đáng buồn hơn cả việc lặp lại lịch sử chỉ vì chúng ta đã không chịu rút kinh nghiệm từ những lỗi lầm của chúng ta sẽ là việc lặp lại lịch sử chỉ vì những người khác đã không chịu học hỏi những lỗi lầm đó.

Ghi chú:

1. Von Trier bị trục xuất khỏi Đại hội Điện ảnh Cannes, New York Times, 23-5- 2011.

2. Bấm nút chuột vào đây để đọc bản tiếng Trung Hoa.

3. Mein Kampf, Chương II.

4. TQ, lý thuyết âm mưu có tính bài Do Thái và Phố Tường, New York Times, 2-10- 2008.

5. Facebook tháo bỏ bài báo kêu gọi cuộc nổi dậy thứ ba bài Do Thái, Fox News, 29-3-2011.

Richard Komaiko là tác giả cuốn Luật sư tại Trung Quốc Hiện đại (Lawyer in Modern China).

Nguồn: Asia Times, 25 tháng Năm 2011

Trần Ngọc Cư dịch

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn