Đối thoại Shangri La

Biển Đông sau những ngôn từ ngoại giao

SGTT.VN - Trong bối cảnh vấn đề Biển Đông được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm theo dõi tại hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Shangri La) tại Singapore (từ 3 – 5.6), thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an đã có cuộc trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về vấn đề này.

clip_image001

Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates (trái) đối thoại với bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại diễn đàn, ngày 5.6.2011. Ảnh: Reuters

Thưa ông, trước khi Đối thoại Shangri La diễn ra, vụ việc tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam đã gây nên bức xúc trong dư luận. Nhiều người hy vọng với sự kiện này, Đối thoại Shangri La sẽ nóng lên, song thực tế hình như không phải vậy. Ông nhận định thế nào về thái độ của các nước tại Đối thoại Shangri La lần này?

Chúng ta hãy nhìn vào hai nước lớn là Mỹ và Trung Quốc. Trong chuyến thăm Mỹ hồi đầu năm 2011 của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, hai nước đã ngầm hứa hẹn với nhau sẽ không làm gì căng thẳng. Họ cam kết với nhau giữ gìn hoà bình. Đó là cái phông cơ bản quan hệ hai nước lớn.

Thứ hai, tại Đông Bắc Á, hôm 21.5 vừa qua, ba cường quốc là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã họp bàn với nhau. Họ đã tuyên bố với thế giới, hứa hẹn giải quyết các vấn đề ở vùng biển có liên quan đến ba nước bằng thương lượng và hoà bình. Như vậy, ba nước lớn ở Đông Bắc Á đã “dàn xếp” được với nhau.

Bên cạnh đó, hôm 25.5 (trước khi xảy ra vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 của PVN vào 26.5), đại diện của Trung Quốc cũng đến thăm Indonesia, nước đang là chủ tịch ASEAN và là nước có lãnh thổ, dân số và tiềm lực kinh tế lớn nhất của Đông Nam Á.

Cảm nhận của ông về phát biểu của Trung Quốc và Mỹ tại hội nghị?

Trung Quốc vẫn lặp lại tuyên bố cam kết gìn giữ hoà bình ở khu vực, giống như ở Đối thoại Shangri La năm ngoái 2010. Điều đó không có gì mới cả, so với tất cả các cuộc tiếp xúc trước đây, dù ở cấp này hay cấp kia. Vẫn nguyên một luận điệu như vậy bởi suy cho cùng, khi các nước đến diễn đàn này thì không thể không nói đến gìn giữ hoà bình được. Nếu một nước nào không nói đến sẽ bị cô lập; dù họ có muốn hay không thì xu thế áp đảo trên thế giới hiện nay vẫn là hoà bình, ổn định. Do đó, buộc lòng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt phải nói như vậy. Nhưng nói thế, còn hành động thế nào họ còn phải xem.

Về phía Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cũng nói thẳng thắn, rằng Mỹ có lợi ích sống còn ở Đông Á. Việc đảm bảo thông thương ở Biển Đông gắn với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Mỹ phản đối mọi lực lượng, quốc gia ngăn cản thông thương. Do đó Mỹ sẽ củng cố quan hệ với các nước ASEAN và các bên liên quan đảm bảo hoà bình, ổn định ở Biển Đông.

Có thể thấy yêu cầu cao nhất của Mỹ là lưu thông hàng hải, có lợi ích kinh tế của họ. Nhưng Mỹ chỉ phát biểu đến thế thôi.Tôi muốn nói rằng, đối thoại Shangri La chỉ là nơi các nước thể hiện quan điểm, nhưng không thể đi đến kết luận nào.

Có nghĩa là vấn đề Biển Đông không được đưa đến “đúng tầm” như dư luận trong nước mong muốn?

Đúng vậy, Biển Đông, trước hết, là vấn đề toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trước diễn đàn đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt và khẳng định, Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm DOC với ASEAN, đề nghị Trung Quốc không lặp lại và cùng giải quyết qua thương lượng.

Việt Nam tại Đối thoại Shangri La phải có lựa chọn đúng mức, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Nếu chúng ta đi ngược lại xu thế thì thậm chí có thể gây nên tiêu cực. Chúng ta chỉ tận dụng ở diễn đàn đến thế thôi, còn phải làm nhiều việc khác.

Một trong những giải pháp được nhiều người trông cậy là tạo nên đoàn kết trong ASEAN, ông có bình luận gì về việc này?

Giới quan sát quốc tế vẫn thấy rằng, tranh chấp đền Preah Vihear giữa Thái Lan và Campuchia, dù là hai thành viên của ASEAN, cũng không ngồi lại được với nhau. Vai trò của ASEAN cũng mờ nhạt.

Điểm thứ hai, Biển Đông chỉ là liên quan đến một số nước trong hiệp hội, các nước không dính líu thì không có phản ứng gì. Có thể nói ASEAN chưa tạo được nhận thức chung về an ninh ở Biển Đông. Đó là điểm yếu của ASEAN, làm giảm sút uy tín của ASEAN. Trung Quốc biết rõ sự cố kết lỏng lẻo của ASEAN, nên họ mới lấn tới.

Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì lúc này?

Đối với các nước ASEAN có liên quan như Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei, chúng ta phải ủng hộ họ bảo vệ những lợi ích chính đáng của họ ở Biển Đông, theo công ước Luật biển 1982 của Liên hiệp quốc. Có như vậy thì các nước này mới ủng hộ lại lợi ích chính đáng của chúng ta. Bên cạnh đó cần củng cố quan hệ với các nước khác như Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ... và cộng đồng quốc tế. Đó chính là sức mạnh thời đại.

Điều đó giống với điều Việt Nam đã làm trong hai cuộc chiến tranh trước đây để được dư luận quốc tế ủng hộ?

Rõ ràng là như vậy. Chúng ta bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền là điều chính nghĩa. Trước đây chúng ta có được sự ủng hộ của các nước yêu chuộng hoà bình trên thế giới do chúng ta làm cho thế giới hiểu được bản chất cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam, là gìn giữ chủ quyền, độc lập dân tộc.

Giờ đây Việt Nam cũng cần làm được điều tương tự. Chính phủ cần có tuyên bố để gần 90 triệu dân trong nước và 6 tỉ người trên thế giới hiểu rằng việc Trung Quốc “gây hấn” ở Biển Đông là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga đã có tuyên bố phản đối Trung Quốc rồi, thưa ông?

Một chuyện hệ trọng như vậy thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng là chưa đủ liều lượng. Tôi cho rằng Nhà nước Việt Nam phải lên tiếng, Quốc hội phải bàn việc này, Thường vụ Quốc hội phải bàn, phải làm cho toàn dân và thế giới hiểu rõ bản chất vấn đề. Điều đó mới thể hiện sự rõ ràng, kiên quyết của Việt Nam.

Ca Thy (thực hiện)

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn