Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A – Báo cáo đánh giá tác động môi trường là bản sao chép

Việt Hà (thực hiện)

LTS: Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên, sau phát biểu trên báo chí phản ứng việc xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trong khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên vì cho rằng việc xây dựng này sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến môi sinh, môi trường tại đây, đã phải làm giải trình vì sao dám nói ngược ý kiến của lãnh đạo (báo Sài Gòn Tiếp thị ngày 8.7.2011).

Từ vụ việc này, chúng tôi đã tìm đến Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam), nơi đang chuẩn bị hoàn tất nghiên cứu “Phát triển thủy điện và hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam”, trong đó có nêu bật những bất cập trong việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tại khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên và trao đổi với ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc trung tâm – xung quanh vấn đề này.

Trong nghiên cứu “Phát triển thủy điện và hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam”, các dự án thủy điện lấn đất vườn quốc gia Cát Tiên được đánh giá thế nào, thưa ông?

Tại Lâm Đồng, chúng tôi đã đi thực tế và làm việc với lãnh đạo vườn quốc gia Cát Tiên, các sở ngành hữu quan và người dân trong khu vực. Chúng tôi thấy có sự mâu thuẫn về quyền cũng như lợi ích của các bên liên quan trong việc đánh giá tác hại, lợi ích của thủy điện. Một vấn đề nổi lên là các ban quản lý vườn quốc gia, khu bảo tồn không có quyền lực trong việc ngăn chặn xây thủy điện trong vườn quốc gia và không có đủ cơ sở thông tin về sự tác động, tác hại mà thủy điện gây nên. Vì thủy điện chưa xây nên chưa thể chứng minh bằng chứng lý, thực tế.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng, tham mưu của tỉnh lại không dám phản bác chủ trương của tỉnh để sau đó được HĐND tỉnh thông qua. Tôi cho rằng, hiện nay, quy định pháp luật đang tạo điều kiện cho UBND các tỉnh thao túng việc chuyển đổi rừng đặc dụng.

Chưa hết, ngay cả cơ quan giúp tham mưu trực tiếp cho Thủ tướng Chính phủ trong việc bảo vệ tài nguyên rừng là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN–PTNT) cũng không làm đúng việc này. Trong khi Nhà nước đổ bao tiền của vào chương trình 5 triệu hecta rừng thì rừng đặc dụng hàng trăm năm mới gây dựng được lại dễ dàng bị cho qua.

Dựa trên cơ sở nào ông lại quy kết bộ NN–PTNT như vậy?

Báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A là do một cơ quan của bộ NN–PTNT thực hiện (Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) – PV). Tôi khẳng định, báo cáo đánh giá tác động môi trường Đồng Nai 6 là báo cáo sao chép. Bởi trong báo cáo này lại có sự hiện diện của những thông tin ở Quảng Nam hay cây dừa nước ở miền Tây… Theo tôi, các báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thủy điện không được tiến hành nghiêm túc. Đây là nguy cơ rất lớn cho sự toàn vẹn đa dạng sinh học, hệ sinh thái của Vườn quốc gia Cát Tiên.

Bộ Tài nguyên và Môi trường không tham gia đoàn kiểm tra của Bộ NN–PTNT đối với dự án Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A là né tránh trách nhiệm hay đụng chạm lợi ích?

Việc đi kiểm tra và tham mưu chính cho Thủ tướng trong việc bảo vệ rừng là trách nhiệm của Bộ NN–PTNT mà cụ thể hơn là Tổng cục Lâm nghiệp và các đơn vị trực thuộc tổng cục như Cục Kiểm lâm, Cục Bảo tồn, vì đây là trách nhiệm của họ. Về phần mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trả lại hồ sơ và đề nghị trình Quốc hội xem xét.

Chỉ có Bộ NN–PTNT chịu trách nhiệm hay còn các tác nhân khác gây ra vấn nạn thủy điện, thưa ông?

Quy hoạch thủy điện là quy hoạch mở, quy hoạch trên cơ sở tiềm năng. Chính vì thế, những đơn vị tư vấn thường khảo sát chỗ nào có nguồn nước, có thể xây hồ chứa để phát điện là đưa vào quy hoạch thủy điện và đánh dấu trên bản đồ. Từ đó, UBND tỉnh phê duyệt báo cáo và đưa vào kế hoạch xây dựng thủy điện trong tương lai, dẫn đến chuyện một tỉnh có quy hoạch tới mấy chục thủy điện. Đây chính là sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị tư vấn, quy hoạch điện mà không cần quan tâm đấy là vườn quốc gia, khu bảo tồn cũng như những tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và xã hội ở địa phương như thế nào.

Trong việc này, trách nhiệm lớn nhất thuộc về UBND các tỉnh, nhà đầu tư, cơ quan tư vấn và ngân hàng. Lâu nay, trong “nạn” thủy điện, chưa khi nào vai trò của các ngân hàng thương mại được đề cập tới. Trong khi đó, 70% vốn đầu tư làm thủy điện là vốn vay từ ngân hàng. Tôi kiến nghị, cần có quy định thắt chặt về mặt kỹ thuật đối với việc cho vay vốn làm thủy điện.

Bộ Công thương có trách nhiệm phê duyệt quy hoạch thủy điện của các tỉnh, nếu bộ không có ý kiến, các tỉnh sẽ không được làm. Đáng nói là hiện nay khi lập quy hoạch thủy điện cấp tỉnh thì không cần phải có ban chỉ đạo báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược trên lưu vực mà chỉ có trên từng dự án cụ thể. Chính vì thế, sẽ không nhìn ra bức tranh toàn cảnh như sông Đồng Nai tạo ra 6 – 7 bậc thang thủy điện, với các hồ chứa đã mất đi tính liên tục của dòng chảy, mất phù sa… Và tất nhiên cũng không thể đánh giá tác động tổng thể. Nếu nói dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A chỉ làm mất 137 hecta rừng thì tôi cho là không đầy đủ. Trước đây, báo cáo đánh giá tác động môi trường của thủy điện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng dự án chỉ làm mất 100 hecta rừng nhưng thực tế, dự án này “nuốt” tới 300 hecta rừng.

Khai thác nguồn lợi gỗ quý phải là chăng là lợi ích cốt lõi của việc thủy điện mọc lên như nấm, thưa ông?

Cũng có những nghi ngờ về tình trạng này. Tôi xin dẫn ví dụ dự án thủy điện do trùm gỗ lậu Sáu Ngọc (Lê Văn Ngọc, giám đốc công ty TNHH xây dựng Ngọc Sơn) làm thủy điện Khe Diên để phá rừng ở Quảng Nam. Tôi kiến nghị, Bộ NN–PTNT cần khẩn trương rà soát, thống kê hiện thủy điện đã lấy bao nhiêu đất rừng, làm mất bao nhiêu diện tích các loại rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng, và bao nhiêu gỗ đã bị chặt hạ. Chỉ có rà soát chính xác, đầy đủ và kiểm tra tính minh bạch của quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang xây dựng thủy điện thì mới đánh giá được thiệt hại về rừng.

Theo kết quả nghiên cứu “Phát triển thủy điện và hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam”, qua khảo sát 128 rừng đặc dụng đã có 47 khu rừng đặc dụng có sự hiện hữu ngay trong lòng hoặc tác động từ bên ngoài của 119 dự án thủy điện. Trung bình mỗi vườn quốc gia, khu bảo tồn có 2,5 dự án thủy điện. Các tỉnh có nhiều dự án thủy điện nằm trong rừng đặc dụng là Sơn La có 12 dự án; tiếp đến là Hà Giang, Kon Tum 10 dự án; Quảng Nam, Nghệ An chín dự án; Lào Cai tám dự án; Yên Bái, Thanh Hoá, Đăk Lăk, Đồng Nai có sáu dự án… Dẫn đầu các rừng đặc dụng bị “xâm phạm” là khu bảo tồn Bù Hoạt (Nghệ An), Sông Thanh (Quảng Nam) có bảy dự án thủy điện; Sốp Cộp (Sơn La), Cát Tiên (Lâm Đồng) có sáu dự án; KonChrăng (Gia Lai), Chư Mom Ray (Kon Tum), Bù Gia Mập (Bình Phước), Hoàng Liên (Lào Cai, Lai Châu), Mù Cang Chải (Yến Bái) có năm dự án…

Theo tính toán của trung tâm Con người và thiên nhiên, diện tích rừng đặc dụng bị chặt hạ để nhường chỗ cho các công trình xây dựng, chưa kể diện tích bị ngập dưới lòng hồ, trung bình cứ tạo được 1 MW điện thì mất khoảng 2,35 hecta rừng, tuy nhiên, trên thực tế, diện tích rừng bị mất lên tới 62,63 hecta.

Nguồn: http://sgtt.vn/Thoi-su/147660/Bao-cao-danh-gia-tac-dong-moi-truong-la-ban-sao-chep.html

–––––––––––––––––––––––––––

Phản hồi bài "Báo cáo đánh giá tác động môi trường là bản sao chép": Bản sao chép môi trường giết rừng

Quốc Nam

SGTT.VN - Ngày 13.7, liên quan đến hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, SGTT.VN công bố thông tin choáng váng khi ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên lên tiếng: “Tôi khẳng định, báo cáo đánh giá tác động môi trường Đồng Nai 6 là báo cáo sao chép".

clip_image002

Sơ đồ thuỷ điện trên hệ thống sông Đồng Nai. Ảnh: TL SGTT

Ông Dũng nói vậy vì "Trong báo cáo này lại có sự hiện diện của những thông tin ở Quảng Nam hay cây dừa nước ở miền Tây… Theo tôi, các báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thủy điện không được tiến hành nghiêm túc. Đây là nguy cơ rất lớn cho sự toàn vẹn đa dạng sinh học, hệ sinh thái của vườn quốc gia Cát Tiên”. Điều trớ trêu là báo cáo tác động môi trường của hai dự án thủy điện trên do một cơ quan của Bộ NN&PTNT thực hiện (Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP).

Nếu không công bố những thông tin giả dối trên, chắc chắn, dư luận không hề hay biết bản báo cáo tàn nhẫn đó và có thể dự án được phê duyệt mà không hề biết đằng sau đó có sự không trung thực và chân thành.

Tính ấu trĩ, và sự dị dạng của bản sao chép đang bóp chết thực thể rừng núi Cát Tiên. Bản báo cáo môi trường đó cũng thúc dục một cách chóng vánh sự hình thành thủy điện 6 và 6A vì lợi ích kinh tế của nhà đầu tư hơn là vì tương lai không gian sống của hàng triệu người.

Thủy điện không phải là xấu, nhưng cách làm báo cáo môi trường không xuất phát từ nghiên cứu nghiêm túc đang đẩy rừng Cát Tiên vào thế chết từng phần. Điều đó để lại di hại lâu dài hơn là lợi ích hẹp hòi của một số người đầu tư làm thủy điện ở đây.

Chính vì thế, người ta đòi hỏi, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam sớm lên tiếng thành thực với bản báo cáo của mình để rộng đường dư luận. Đừng để bản báo cáo môi trường sao chép trở thành hiện thực, cái giá sẽ là rất đắt.

Rừng Cát Tiên là viên ngọc hiếm hoi có nhiều loài động, thực vật trong sách đỏ thế giới và Việt Nam. Khu Ramsa Cát Tiên được UNESCO công nhận là cứu cánh cho môi trường trong lành không chỉ cho vài ba ngàn người mà nó rất có ý nghĩa với hàng triệu người khác. Nó cũng đại biểu cho hình ảnh Việt Nam trong mắt các tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới như FFI, WWF, IUCN… Giữ được rừng, không chỉ đem lại lợi ích môi trường mà còn đưa lại các giá trị phổ quát của tự nhiên dành cho con người.

Q.N.

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn