Kiến nghị bảo vệ và phát triển đất nước

Khánh An, Phóng viên RFA

clip_image001  
Các nhân sĩ trí thức biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc hôm 5/6/2011. kami blog  

Hôm qua 13/7, 20 nhân sĩ, trí thức đã gửi một bản kiến nghị đến Quốc hội và Bộ Chính trị về việc “bảo vệ và phát triển đất nước”, trong đó nêu bật lên nguy cơ lãnh thổ bị Trung Quốc uy hiếp, xâm phạm nghiêm trọng trong khi có quá nhiều khó khăn và mối nguy lớn đang xảy ra trong nước.

Kèm theo đó là những kiến nghị lớn, mang tính cách cải tổ, giải quyết toàn bộ những vấn đề căn bản để giải phóng năng lực của từng người dân Việt Nam.

Khánh An phỏng vấn ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng là một trong những người ký tên trong Kiến nghị về nội dung của bản Kiến nghị này.

Nhiều vấn đề

Khánh An: Thưa ông Lê Hiếu Đằng, được biết ông là một trong những người ký tên trong bản Kiến nghị vừa được gửi đến Quốc hội. Một số ý kiến của dư luận cho rằng so với bản Kiến nghị của các nhân sĩ trí thức đã gửi đến Bộ Ngoại giao khoảng hơn một tuần trước thì đây là bản Kiến nghị mang tính cách tổng hợp toàn bộ những vấn đề đang tồn tại của đất nước trong bối cảnh sự toàn vẹn lãnh thổ đang bị uy hiếp bởi nước láng giềng Trung Quốc. Là một người ký tên trong cả hai bản Kiến nghị, ông có thể nói cụ thể hơn về sự khác biệt của hai bản Kiến nghị không?

Ông Lê Hiếu Đằng: Hai cái đó hoàn toàn khác nhau ở chỗ Kiến nghị gửi Bộ Ngoại giao chỉ là về vấn đề Trung Quốc thôi, còn Kiến nghị mà chúng tôi vừa gửi cho Quốc hội và Bộ Chính trị là một kiến nghị hết sức toàn diện, đặt rất nhiều những vấn đề cơ bản của đất nước. Do đó mà kiến nghị sau có giá trị là Kiến nghị của nhân sĩ trí thức và nhân dân Việt Nam đề nghị Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, và Bộ Chính trị, với tư cách là cấp lãnh đạo, thì phải giải quyết những vấn đề cơ bản của đất nước như vậy thì đất nước mới có thể phát triển được. Nếu không giải quyết, nó sẽ trì trệ và thậm chí sẽ có những biến chứng rất nguy hiểm hết sức nguy hiểm.

Do đó như trong Kiến nghị mà chúng tôi nói, vấn đề nóng bỏng hiện nay là vấn đề Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng vấn đề lớn hơn chính là tình hình kinh tế, xã hội như thế này nó tạo điều kiện cho Trung Quốc họ xâm lấn một cách toàn diện và mặt kinh tế, văn hóa, các vùng lãnh thổ trong nội địa của chúng ta, chứ không phải chỉ là vấn đề Biển Đông.

Thành ra, muốn giải quyết vấn đề một cách căn cơ thì phải giải quyết vấn đề dân chủ, phải thực hiện các quyền tự do cho người dân, phải giải quyết vấn đề giáo dục và giải quyết nhiều vấn đề nữa thì mới có thể giải phóng được năng lực của người Việt Nam, để mỗi người dân đóng góp cho việc xây dựng đất nước. Như vậy mới bảo vệ được đất nước, bảo vệ được chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ một cách căn bản hơn. Do đó, Kiến nghị mà chúng tôi mới gửi nó toàn diện hơn, tập trung vào những vấn đề cơ bản của đất nước.

Sức mạnh lòng dân

Khánh An: Như ông vừa mới nói, bản Kiến nghị tập trung vào những vấn đề rất cơ bản của đất nước. Thực ra, những vấn đề này trước nay cũng đã được đề cập đến rất nhiều lần, tuy không mang tính cách tổng hợp như trong bản kiến nghị, nhưng cũng đã được nhắc đến bằng nhiều hình thức từ truyền thông, kiến nghị đến hội thảo, thậm chí trên bàn họp của Quốc hội, nhưng cho đến nay khả năng giải quyết từng vấn đề xem ra không mấy hiệu quả. Như vậy theo ông, những kiến nghị đưa ra lần này có tính khả thi không?

VIETNAM-CHINA-MARITIME-PROTEST

Hai nhạc sĩ chơi các bài hát yêu nước trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 3/7/2011

Ông Lê Hiếu Đằng: Trước hết, chúng tôi gửi cho Quốc hội bởi vì Quốc hội sắp họp phiên họp đầu tiên. Dù sao về mặt hình thức, Quốc hội vẫn là cơ quan quyền lực cao nhất. Khi gửi như vậy tức là chúng tôi đặt trách nhiệm của Quốc hội trước những vấn đề lớn của đất nước như trong kiến nghị đã nêu, cũng như gửi cho Bộ Chính trị. Thành ra, Đảng Cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về tình hình hiện nay. Đấy là chúng tôi muốn xác định trách nhiệm của hai cơ quan đó trước một số vấn đề. Và khi xác định trách nhiệm, chúng tôi mới đề xuất một số vấn đề giải quyết thì mới thoát ra khỏi tình hình hiện nay được. Như vậy mới tạo được sức mạnh toàn dân để chống lại bất cứ ý đồ xâm lược nào của nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, có những người lãnh đạo Trung Quốc hiện nay.

Còn khả năng thực hiện như thế nào thì tôi nghĩ với sức mạnh của người dân, người dân đồng tình với Kiến nghị này thì có thể trước mắt chưa thực hiện được nhưng trong cả một quá trình đấu tranh vì lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước thì chúng ta thực hiện được điều đó với sức mạnh của người dân, nhất là giới nhân sĩ trí thức, những người còn tâm huyết với đất nước hiện nay, kể cả những người Việt Nam ở nước ngoài. Trong Kiến nghị cũng đã nói rõ, vấn đề đoàn kết dân tộc đặt ra trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết. Như vậy nó sẽ tạo một áp lực cho chính quyền, buộc chính quyền phải thay đổi.

Tôi nghĩ với xu thế hội nhập hiện nay, với sức mạnh của người dân và dòng chảy hiện nay như trong kiến nghị có nói là “tiến bộ, hòa bình và môi trường” thì những lý tưởng đó buộc các nhà lãnh đạo phải có suy luận và có thay đổi. Chúng tôi làm cũng với niềm tin như vậy nhưng rõ ràng, trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn. Như tôi nói, vấn đề dân chủ cũng như tất cả mọi vấn đề không thể nào mình có ngay được, mà phải thông qua quá trình đấu tranh, thậm chí phải hy sinh, mất mát. Nhưng chúng tôi chấp nhận chuyện đó bởi vì lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân.   

Khánh An: Vâng, lúc nãy ông có đề cập đến vai trò của Quốc hội, rõ ràng về mặt hình thức, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho tiếng nói của người dân, nhưng trên thực tế, hiệu quả cũng như khả năng giải quyết nhiều vấn đề của Quốc hội còn khá hạn chế. Như vậy khi ký vào bản Kiến nghị cho Quốc hội, ông có nuôi một hy vọng gì không?

Ông Lê Hiếu Đằng: Tôi nghĩ trong Quốc hội có những người vẫn còn tâm huyết chứ không cam chịu đóng vai trò tượng trưng, vai trò “cây kiểng”. Ví dụ như Quốc hội khóa trước có những người như anh Nguyễn Minh Thuyết và một số anh chị khác, chị Ngoan ở Hà Nội. Vì vậy tôi tin rằng Quốc hội khóa này cũng sẽ có những người tâm huyết, tuy không nhiều, nhưng chính tiếng nói của họ trước Quốc hội có ảnh hưởng trong xã hội Việt Nam rất nhiều. Ví dụ như vấn đề đường sắt cao tốc trong Quốc hội vừa rồi đã bác bỏ chủ trương của chính phủ. Chúng tôi nghĩ rằng Kiến nghị này chúng tôi sẽ gửi cho tất cả các Đại biểu Quốc hội và mỗi Đại biểu Quốc hội phải có trách nhiệm suy nghĩ về những vấn đề đó, và với tư cách là Đại biểu của người dân thì phải đấu tranh như thế nào để những điều đó trở thành hiện thực. Tôi tin là trong đại biểu Quốc hội có người còn tâm huyết và dám đấu tranh vì lợi ích của đất nước, lợi ích của nhân dân, chứ không phải vì lợi ích một tập đoàn hay cá nhân nào cả.

Khánh An: Cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã dành thời gian cho Đài Á Châu Tự do.

Bản Kiến nghị vừa rồi được gửi đến cho Quốc hội và Bộ Chính trị với 20 chữ ký của các trí thức hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như Giáo sư Hoàng Tụy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Giáo sư Chu Hảo, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, TS Nguyễn Xuân Diện, Giáo sư Tương Lai, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu… hiện nay đang được công bố rộng rãi trên các trang blog, mạng xã hội để lấy chữ ký của toàn dân, kể cả hải ngoại. Quý vị có thể gửi email vào địa chỉ kiennghi1007@gmail.com để ký tên vào Kiến nghị trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật các tin tức mới nhất về bản kiến nghị trong các chương trình phát thanh sau.

K.A. – L.H.Đ.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn