Thư độc giả: “Cái bọn trí thức làm loạn”

Hoa Tím

Nhân đọc bài Chúng tôi đi gặp Bộ Ngoại giao của bác Huệ Chi và bài Chán (*) của Bọ Lập, tôi chợt nhớ lại một chuyện xảy ra khoảng năm 2007-2008, xin kể hầu bà con và xin cam đoan chuyện thật 100%.

Tôi vốn kinh doanh tại một tỉnh miền Trung nghèo. Vì là tỉnh nghèo nên cái doanh nghiệp bé tý của tôi cũng có đôi chút tiếng tăm, và tôi cũng được hân hạnh quen biết nhiều vị tai to mặt lớn của tỉnh. Thời gian đó, tôi chỉ lo chăm chăm chuyện làm ăn chứ đâu có biết lề phải lề trái gì. Tuy rằng tôi cũng chẳng ưa gì cái chủ nghĩa của ông Tây râu xồm, nhưng cũng như mọi người Việt khác, cứ nghĩ thây kệ, không phải chuyện của mình, dân đen thì lo làm kinh tế mà nuôi con thôi cũng mệt lắm rồi. Có quan tâm đến chính trị chính em thì cũng chỉ là ông này lên ông kia xuống, nhà đỏ cơ cấu thế này, nhà trắng cơ cấu thế kia, v. v. Thỉnh thoảng cũng có nghe đôi điều này nọ thì cứ nghĩ chắc chả đúng đâu, chắc lại bọn phản động dựng chuyện nói xấu bôi nhọ đó thôi, xã hội mình đang yên bình thế này, so với thời ăn bobo đã là thiên đường rồi, làm gì có những chuyện tày đình này khác.

Rồi tình cờ tôi quen một anh bạn Việt kiều, anh ta kể cho tôi nghe chuyện Trung quốc đánh chiếm Hoàng sa (1974), Trường sa (1988), chuyện ngư dân bị đánh, giết, bị cướp phá tài sản trên biển, chuyện bauxite Tây Nguyên toàn người Trung quốc, v. v. Tôi không tin, nhất quyết không tin, cho là anh ta thuộc một tổ chức phản động nào đó đang tuyên truyền nói xấu chế độ. Nếu Trung quốc mà xâm lấn biển đảo nước ta thì nhất định phải như năm 79, tổng động viên ầm ầm, báo chí ầm ầm chứ sao lại im re vậy...

Tuy không tin nhưng cũng ấm ức trong lòng vì bị anh bạn Việt kiều cười nhạo là ếch ngồi đáy giếng, nên trong một lần tiếp khách gặp vị lãnh đạo đầu tỉnh, tôi đưa câu chuyện ra hỏi. Khi tôi hỏi chuyện biển đảo, ông cười xuê xoa (thói quen của lãnh đạo, nói cho qua những chuyện không giải quyết được): "Ừ, thì họ nước lớn, mình nước nhỏ, cứ phải kiên trì đấu tranh với họ thôi". Chừng đó thôi cũng làm tim tôi đau nhói, vì tôi hiểu những gì anh Việt kiều kia nói là sự thực.

Nhưng bất ngờ là khi tôi hỏi chuyện bauxite Tây Nguyên thì ông bỗng đanh mặt, nói lớn: " ÔI! CÁI BỌN TRÍ THỨC LÀM LOẠN ẤY MÀ". Câu nói của ông làm tôi giật mình, tái mặt, suýt rơi đôi đũa, tự nhủ, không biết cái loại cử nhân quèn như mình có được xếp vào hàng ngũ CÁI BỌN mà ông nói tới không? (Lúc đó tôi chưa hề biết đến sự phản ứng của trí thức, đến 3 bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đến trang mạng bauxite,...). Có lẽ biết mình lỡ lời nên ông hạ giọng nói tiếp: "Khai thác bauxite, ai đủ công nghệ thì làm thôi, Mỹ làm được thì Trung quốc làm cũng được".

Từ đó câu nói của vị lãnh đạo cứ ám ảnh tôi, nó dẫn dắt tôi đi tìm sự thật.

Kể câu chuyện này ra để mọi người hiểu lãnh đạo Việt nam đánh giá thế nào về trí thức dấn thân (lời bác Phạm Toàn). Và cũng để nói lên một điều, đa số người Việt Nam không biết thực sự điều gì đang diễn ra trên đất nước mình. (Đảng cứ bưng bít đi, nhưng có bưng bít mãi được không). Và với cách hành xử của Đảng, của chính quyền như hiện nay thì những người như tôi (trước đây) vẫn tin vào sự tồn tại của các thế lực phản động thù địch phương Tây rồi cũng sẽ tỉnh ngộ. Khi đó điều gì sẽ xảy ra...

H.T.

––––––––––––––––––––––––

(*) Chán!

Nguyễn Quang Lập

clip_image001

Đọc bài Chúng tôi đi gặp Bộ Ngoại giao của bác Nguyễn Huệ Chi thấy chán hẳn. Thôi không nói chuyện mời giấy hay mời mồm, mời trực tiếp hay mời nhắn gửi, nội mỗi chuyện bước qua đường vào quán cà phê mời các nhân sĩ một tiếng cũng “không thể” đã thấy ngửi không được. Nếu hỏi, chắc mấy ông Bộ này sẽ viện cớ quán các phê là chốn ô trọc họ không được phép bước sang. Thế thì tại sao không nhờ cụ Nguyễn Trọng Vĩnh một câu, nói cụ đạo cao đức trọng, nhờ cụ sang mời anh em hộ cháu chứ cháu không thể sang được đó. Hoặc nhắc điện thoại lên nói với một trong số nhân sĩ kia vì sao họ không sang được, mong các nhân sĩ thông cảm, quá bộ sang đây. clip_image002

Là nói vậy thôi, mấy ông Bộ này chẳng coi quán cà phê là chốn ô trọc đâu, chủ yếu là họ không coi các nhân sĩ kia là kẻ sang. Nếu ông Nguyễn Phú Trọng ngồi đó xem nào, lại không ùa ra cả đàn. Chắc là họ nghĩ: Mấy ông là cái thá gì mà tôi phải đi bộ sang đó mời. Thế đấy, đến nhân sĩ người ta còn chẳng coi ra cái đinh gì, hỏi người ta còn trọng được ai? Cái thời Hưng Đạo Vương xuống ngựa rước ông nông dân Phạm Ngũ Lão, mời ngồi cùng xe đi về triều bàn việc nước đã không còn nữa, không bao giờ còn nữa.

Thời này một khi nghe ai đó nói trọng nhân tài, trí thức thì nên hiểu đó là những “nhân tài”, “trí thức” gọi dạ bảo vâng, mấy ông phản biện phản beo còn lâu người ta mới trọng. Một khi người ta coi mấy ông nhân sĩ, tri thức không chịu khuất thân làm nô bộc là bọn phá đám thì người ta tha bỏ tù là may, lấy đâu ra trọng thị.

Bác Nguyễn Văn Tuấn vừa có bài: “Do dân và vì dân: Câu chuyện bên Úc và bên nhà  mình” (**) mình rất rất đồng tình. Bác nói: “Nếu Nhà nước / Chính phủ mình thực hành câu châm ngôn vì dân (chưa nói đến do dân) thì 90 triệu người Việt Nam sẽ hạnh phúc lắm, và Trung Quốc chắc gì dám bắt nạt chúng ta. Mà, muốn chứng minh tính vì dân thì trước hết hãy gần dân. Cụ thể hơn và thiết thực hơn là hãy trả lời những câu hỏi của các vị nhân sĩ”. Đúng vậy. Nhân sĩ không muốn gần, chả muốn trả lời, nói chi đến gần dân. Dân thì không muốn gần trong khi xu phụ lúc nào cũng cả đàn bên nách, thế mới khốn.

Đừng tưởng đám xu phụ ngày càng nhiều mà mừng nhé. Trong số đó có rất nhiều kẻ không thực bụng khuất thân làm nô bộc, lấy xu phụ làm lẽ sống đâu. Họ vờ đấy, vờ ngu vờ hèn. Cứ ngu ngu hèn hèn thì chẳng những vinh thân phì gia mà những kẻ hám trọng dụng họ càng mau hư, mau hư thì mau hỏng, mau hỏng thì mau chết. Nguyễn Khải ngày xưa đã nói rồi, “đứa nào thích nịnh thì nịnh cho nó chết”.

Người thực bụng thì xem thường lũ giả cầy thì cung kính, coi chừng không có ngày lại trắng mắt ra.

N.Q.L.

Nguồn: http://quechoa.info/2011/07/14/13001/

–––––––––––––––––––––––––

(**) Do dân và vì dân: Câu chuyện bên Úc và bên nhà

Nguyễn Văn Tuấn

clip_image004

Bà Thủ tướng Úc bị một người dân chửi vào mặt là nói láo. Quan chức Bộ Ngoại giao VN không tiếp các nhân sĩ. Một chuyện bên Úc, một chuyện bên nhà. Cả hai câu chuyện đều diễn ra ngày hôm qua. Nhưng cái khác nhau thú vị là hai câu chuyện nói lên phong cách của người gọi là “đầy tớ” của dân.

Bà Julia Gillard là nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử gần 200 năm dựng nước của Úc. Bà mới 50 tuổi, không giàu có và có lẽ không xinh gái như bà tân Thủ tướng Yingluck Shinawatra của Thái Lan, nhưng cả hai người cùng thế hệ và có ăn học đàng hoàng như nhau. Bà Gillard trở thành lãnh đạo Đảng Lao động sau một cuộc tranh giành ảnh hưởng với người tiền nhiệm là Kevin Rudd trong nội bộ đảng. Vài tháng sau trở thành lãnh đạo đảng, bà đắc cử Thủ tướng Úc vào tháng 10 năm ngoái. Một yếu tố quyết định sự đắc cử là bà hứa sẽ không có thuế carbon nếu đắc cử.

Theo tôi hiểu (vì tôi cũng chẳng rành carbon tax), với chính sách thuế carbon chính phủ sẽ đánh thuế vào những doanh nghiệp dùng năng lượng chứa carbon vì gây ô nhiễm môi trường. Người ta tính rằng nếu chính sách này thành hiện thực thì mỗi người Úc phải chi ra trung bình 50-100 đôla cho chính phủ, vì giá hàng hóa sẽ tăng. Vì thế, chính sách thuế carbon không được lòng dân. Bà Julia Gillard đắc cử vì bà hứa là sẽ xóa bỏ thuế carbon (địa phương gọi là carbon tax) của người tiền nhiệm Kevin Rudd.

Nhưng khi đắc cử thì bà có vẻ muốn dựng lại chính sách thuế carbon. Mấy tháng nay, Quốc hội bàn cãi nhộn nhịp về chính sách này. Báo chí cũng có xu hướng ủng hộ và chống đối. Phe ủng hộ nói rằng Úc cần đi tiên phong trong việc làm sạch môi trường để đàn anh lớn như Mỹ và Âu châu làm theo. Phe chống thì nói rằng cái đám đàn anh (và cả anh chàng du côn với môi trường như Trung Quốc) nó giàu mà không làm thì hà cớ gì một nước nhỏ bé như Úc lại “làm tàng” chơi nổi? Khách quan mà nói, phe chống đối có vẻ nhiều hơn phe ủng hộ. Cho đến nay, vẫn chưa có gì chính thức, câu chuyện thuế carbon vẫn còn trong vòng tranh luận.

Thể chế dân chủ có cái hay là người dân có tiếng nói và có khi có quyền quyết định. Ngày hôm qua, bà Gillard “vi hành” thăm dân chúng, chắc có lẽ chuẩn bị cho tranh cử sắp tới. Bà chọn một siêu thị ở Brisbane (thành phố phía Bắc nước Úc) để gặp gỡ dân chúng. Bà vui vẻ bắt tay, hỏi han, và chụp hình với người đi chợ. Có một bà trung niên đi chợ đến hỏi bà Thủ tướng, và bà này đã được “cận thần” của bà Thủ tướng nhắc là nói gì cũng được nhưng đừng hỏi về thuế carbon.

Nghe thế, bà trung niên nổi nóng hỏi chính câu đó! Chẳng những hỏi mà bà còn nói thẳng là bà Thủ tướng đã nói láo. Nói láo (lie) là từ cực kì nặng nề đối với người Úc. Nói ngay trước mặt bà Thủ tướng. Chẳng những nói một lần mà còn lặp lại nhiều lần.  Nguyên văn cuộc trao đổi ngắn như sau:

"Tại sao bà nói láo với chúng tôi?". Bà trung niên hỏi.

"Và tại sao bà tiếp tục nói láo, lại còn nói ‘Tôi đâu có cố tình nói láo’?”.

Bà Thủ tướng là người có bản lĩnh cao. Trước câu hỏi sốc, bà bình tĩnh, mỉm cười, nói chậm rằng “Tôi có thể giải thích”. Nhưng bà trung niên không thèm nghe giải thích, mà còn thêm một câu sốc khác: "Tôi đã nghe bà nói mấy tháng nay rồi, và tôi đã xem tranh luận trong Quốc hội – và bà vẫn nói láo". Trước khi bỏ đi, bà còn “bồi” thêm một câu: "Bà đâu có mandate!". Chữ mandate ở đây chắc có thể hiểu là chính danh, vì ý bà nói rằng bà Gillard đắc cử là nhờ hứa xóa bỏ thuế carbon, mà nay thì lại muốn quay 180 độ, tức là không có sự ủy nhiệm của người dân. Nhưng một số người khác nhảy vào ủng hộ bà Thủ tướng và nói lớn: "Bà ấy có mandate, bà ấy có mandate của chúng tôi".

Cuộc “đụng độ” là một món ăn của giới báo chí Úc vốn đói tin giật gân. Các chuyên gia chính trị bình luận, khen, chê đủ thứ. Các chuyên gia tâm lí và truyền thông khen bà Thủ tướng có bản lĩnh cao. Các chuyên gia ăn mặc cũng nhảy vào cho ý kiến. Các giáo sư xã hội học viết bình luận về tính dân chủ. Các bạn có thể xem đoạn video clip trên net để chứng kiến câu chuyện này.

Chuyện bên nhà cũng thú vị không kém, nhưng ở một góc độ khác. Tôi muốn nói đến thái độ của các quan chức ngoại giao dành cho các nhân sĩ yêu cầu Bộ Ngoại giao (BNG) công bố những gì đã được thỏa thuận với phía Trung Quốc qua chuyến đi của ông Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn. Sau gần 10 ngày im lặng [đáng sợ], BNG ra tín hiệu muốn gặp các nhân sĩ. Tưởng là một tin lành, ai ngờ “nói vậy mà không phải vậy”. Ngày hôm qua khi các nhân sĩ ra ngồi chờ thì quan chức BNG không chịu gặp. Sự việc còn rắc rối hơn khi BNG đề nghị một người trong Ban Biên giới (chứ không phải ông Hồ Xuân Sơn) ra gặp các nhân sĩ. Có lẽ cảm thấy bị xúc phạm nên các Giáo sư như Hoàng Tụy, Phạm Duy Hiển, các nhà trí thức Nguyễn Quang A, Phạm Xuân Nguyên, Trần Nhương, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Quang Thạch, và cả Nguyễn Văn Phương (người đọc bản tuyên ngôn chống nhà cầm quyền Trung Quốc trước Nhà hát Lớn hôm Chủ nhật vừa qua) bỏ ra về. Thế là cuộc gặp bất thành. Có thể xem bài tường thuật của GS Nguyễn Huệ Chi (một trong những người kí tên vào bản yêu cầu) để biết thêm chi tiết.

Vive la différence! Người Pháp vẫn nói thế. Không ai giống ai. Không có nước nào giống nước nào. Thái độ của các quan chức ngoại giao VN rất khác với thái độ của bà Thủ tướng Úc. Nếu phân tích kỹ thì khác biệt nhiều lắm, nhưng ở đây tôi thấy 2 khác biệt nổi cộm.

Cái khác biệt giữa chính khách Úc và quan chức Việt Nam là khoảng cách giữa họ với người dân. Chính khách Úc rất gần với dân. Điển hình như chuyện bà Thủ tướng tôi kể trên, bà ra thẳng chợ tiếp xúc dân, chẳng cần cảnh sát gì bảo vệ (chắc có, nhưng là cảnh sát chìm). Trong khi đó, ở nước ta, các quan chức ngoại giao (hình như bác Ba Sàm nói vui là “ngại giao” tiếp) thì quá xa dân. Từ building BNG đến quán cà phê Cột Cờ (tôi từng uống cà phê ở đây) thì có xa gì chứ, mà họ không vi hành một chuyến? Còn nói quán cà phê không tiện nói chuyện đại sự thì tôi thấy không thuyết phục mấy, vì bà Thủ tướng nói chuyện đại sự trong siêu thị đó. Bác Hồ ngày xưa chẳng soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập trong cái nhà sàn ở Hà Nội là gì [Bác Hồ soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập ở nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, chứ không phải ở nhà sàn – BVN đính chính]. Tại sao lại hình thức hóa như thế? Thật khó hiểu nổi!

Cái khác biệt thứ hai giữa bà Thủ tướng và các quan chức ngoại giao VN là thái độ. Khi được hỏi một câu rất sốc, thậm chí còn bị chửi ngay trước mặt, bà Thủ tướng vẫn bình tĩnh, điềm đạm, từ tốn trả lời. Bà không ra lệnh cho cảnh sát mời “bà xúc phạm” đó đi chỗ khác. Bà Thủ tướng sẵn sàng đối thoại với một người vô danh, và đối thoại ngay tại siêu thị. Bà phân biệt được cảm tính và nội dung. Mặc cho bà xúc phạm bày tỏ cảm tính, bà Thủ tướng vẫn ôn tồn trình bày quan điểm của mình. Còn các quan chức ngoại giao “phe ta” thì có vẻ thẹn thùng quá. Họ không thèm gặp các nhân sĩ trí thức lừng danh. Họ chẳng thèm có giấy mời. Với những người lừng danh như thế họ còn xem chẳng ra gì, thì xác suất để thường dân được tiếp cận với các quan chức ngoại giao chắc gần bằng con số 0.

Có một khác biệt khác nữa mà tôi tạm gọi là tính quân tử. Chính khách Úc hay phương Tây nói chung không hành xử trẻ con kiểu như trả đũa, trả thù. Tôi từng chứng kiến một vài chuyện thú vị. Có lần ông cựu Thủ tướng John Howard ghé thăm Viện Garvan của tôi, trong số những Giáo sư đón tiếp ông, có một ông Giáo sư Úc 100% nhưng chống Howard đến cùng vì ông này nói rằng Howard là người kỳ thị chủng tộc. Howard đến bắt tay từng người, và dĩ nhiên là bắt tay ông Giáo sư già khó tính kia. Bắt tay xong, ông Giáo sư rút khăn trong túi ra lau tay! (Ý muốn nói rằng ông vì lịch sự phải bắt tay, chứ không muốn vướng bẩn từ một người ông khinh bỉ). Tôi và vài người đứng bên cạnh nên thấy hết. "Cận thần" của ông Howard cũng thấy. Chẳng có vấn đề gì. Viện trưởng tuy không hài lòng mấy, nhưng không dám trách ông Giáo sư già. Một lần khác, nhật báo báo Sydney Morning Herald có đăng bài xã luận có tựa đề "Con chó xù của Mỹ" do một cây bỉnh bút số 1 của Úc viết; ông họa sĩ minh họa bài báo bằng một hí hoạ, trong đó ông vẽ Thủ tướng Howard như là con chó xù, Tổng thống Bush mặc đồ cao bồi, cưỡi ngựa, mang súng, và có cọng dây kéo con chó xù Howard theo sau (ý nói Úc tham gia chiến tranh Iraq như là một kẻ đầy tớ). Sau này, có phóng viên hỏi Howard nghĩ gì về bức hí hoạ nổi tiếng đó; ông Howard cười tươi nói: Tôi dĩ nhiên là không thích bức hí hoạ đó và bài bình luận đó, nhưng họ làm việc của họ, tôi làm việc của tôi và tôi tin mình làm đúng. Không có chuyện trả thù như hay thấy ở Trung Quốc. Cũng không có chửi qua lại.  Không chê trách gì cả. Thế mới là quân tử!

Chúng ta hay nghe nói rằng chính quyền Việt Nam là do dân và vì dân. Do dân bầu ra, và phục vụ vì lợi ích của dân. Câu đó hay tuyệt. Khác với Việt Nam, chính phủ của Úc không bao giờ nói ra câu đó. Chính khách Úc cũng không ai nói câu đó. Có lẽ họ nghĩ chứng minh bằng hành động hơn là những lời nói hoa mỹ. Không nói ra, nhưng chính phủ Úc thì rõ ràng là do dân bầu ra. Và, trong thực tế họ rõ ràng là hành động vì lợi ích quốc gia. Tôi nghĩ nếu Nhà nước / Chính phủ mình thực hành câu châm ngôn vì dân (chưa nói đến do dân) thì 90 triệu người Việt Nam sẽ hạnh phúc lắm. Mà, muốn chứng minh tính vì dân thì trước hết hãy gần dân. Cụ thể hơn và thiết thực hơn là hãy trả lời những câu hỏi của các vị nhân sĩ.

N.V.T.

Nguồn: nguyenvantuan.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn