Vấn đề Biển Đông, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm: Chỉ có thể giải quyết bằng đàm phán đa phương

Chí Tùng

clip_image001

 

Cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tình yêu biển đảo quê hương. Ảnh: H.U.Y

 
Tại phiên họp thứ nhất, QH khoá XIII, QH sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ về vấn đề Biển Đông. Bên hành lang QH, ông Nguyễn Mạnh Cầm - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, khách mời của QH đã trả lời báo chí về nội dung này.

´Thưa ông, vấn đề Biển Đông trong thời gian qua khá nóng trên diễn đàn thế giới, là một nhà ngoại giao kỳ cựu, theo ông chúng ta nên giải quyết vấn đề này thế nào?

- Quan điểm của chúng ta luôn  giải quyết vấn đề một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và công ước quốc tế về Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc.

Những quy định này thể hiện rất rõ chúng ta có quyền về hàng hải, đặc quyền kinh tế trên vùng biển của mình. Chúng ta phải làm rõ cho thế giới biết chủ quyền của chúng ta về Trường Sa và Hoàng Sa đã được lịch sử xác định từ lâu, không ai có thể xuyên tạc lịch sử được. Chúng ta phải làm cho không chỉ nhân dân mà thế giới cũng thấy rõ để ủng hộ lập trường của chúng ta trong việc giải quyết vấn đề này.

´Vừa qua, các tờ báo của Trung Quốc loan báo họ sẽ đem giàn khoan dầu hiện đại nhất của họ ra đặt tại Trường Sa. Điều này bùng lên lo ngại về việc xảy ra xung đột vì như vậy là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Trước vấn đề này, ông cho rằng phải xử lý thế nào?

- Thông tin này trước tháng 7 họ đã đưa ra giờ chững lại một thời gian. Nếu họ tiếp tục làm như vậy, tất nhiên chúng ta phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền của chúng ta.

´Hiện Trung Quốc đều đưa ra quan điểm giải quyết tranh chấp về biển Đông theo hướng song phương với từng nước một. Ông có cho rằng cách giải quyết này sẽ đạt được sự đồng thuận?

- Lập trường của ta rất rõ, về Hoàng Sa, đó là chủ quyền của ta nhưng Trung Quốc chiếm đóng trái phép vì vậy Hoàng Sa thì có thể giải quyết 2 bên được vì các nước khác không có liên quan.

Nhưng với Trường Sa thì liên quan đến nhiều bên, ít nhất là 6 bên, đồng thời Trung Quốc đưa ra đường chữ U, chiếm gần 80% Biển Đông thì liên quan đến nhiều nước khác, liên quan đến tự do hàng hải, vì vậy không thể giải quyết song phương được mà phải giải quyết đa phương.

Những nước nào có liên quan thì cùng ngồi lại giải quyết. Ví dụ, nếu như Việt Nam và Trung Quốc đàm phán song phương về Trường Sa nhưng kết quả sau cùng nước khác lại không đồng ý thì làm sao? Vì vậy tôi tin rằng dù Trung Quốc nêu vấn đề như vậy nhưng rồi họ cũng phải đồng ý giải quyết đa phương vì chỉ có thế mới giải quyết được vấn đề.

´Việc một nước tự vẽ ra đường lưỡi bò trên Biển Đông rồi đòi chủ quyền ở đó đã bị cả thế giới phản đối. Thế nhưng ở trong nước họ lại cho báo chí tuyên truyền rằng Việt Nam lấn lướt và xâm phạm chủ quyền của họ. Theo ông thì đây là ý đồ gì?

- Họ phải nói như thế để bảo vệ quan điểm họ, bảo vệ đường lưỡi bò mà họ đưa ra. Đến nay các nước trên thế giới không ai thừa nhận điều này vì nó không có căn cứ. Không ai có thể chiếm lĩnh cả vùng biển to lớn như thế làm lãnh hải của mình cả. Chính vì vậy chúng ta cần phải thông tin rõ để toàn thế giới thấy việc đòi hỏi của nước đó là sai như thế nào.

´Kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh cử tri rất quan tâm đến tình hình Biển Đông. Theo ông, tại diễn đàn QH lần này có nên thông tin rộng rãi để toàn thể nhân dân nhìn thấy thái độ ứng xử của Việt Nam?

- Trong chương trình làm việc của QH có việc nghe báo cáo của Chính phủ về vấn đề này. Khi nghe báo cáo tất nhiên QH sẽ có việc trao đổi, cho ý kiến. Vừa rồi chúng ta cũng có một số biện pháp để làm nhân dân hiểu rõ chủ quyền của ta ở Biển Đông và đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như thế nào, lẽ phải của chúng ta ở đâu và sai trái của nước chiếm đóng như thế nào.

Vừa qua chúng ta đề cập phải đưa nội dung này vào chương trình học trong trường phổ thông, tôi thấy rất cần thiết để từng trẻ em cũng có thể hiểu chủ quyền lãnh thổ của mình như thế nào, trên cơ sở đó có thể thu được sự ủng hộ của toàn thể dân tộc, cộng thêm với dư luận quốc tế, chúng ta sẽ bảo vệ được chủ quyền của mình.   

C.T.

Nguồn: laodong.com.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn