Hungary kỷ niệm 55 năm cuộc cách mạng đòi dân chủ 1956

Hoàng Nguyễn / Trọng Nghĩa

55 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về cuộc cách mạng đòi dân chủ tại Hungary vào năm 1956 chống lại chế độ Cộng sản giáo điều và quân Liên Xô xâm lược vẫn rất sống động trong lòng người dân Hung. Nhiều sinh hoạt đã được tổ chức tại Hungary để kỷ niệm biến cố gây chấn động đầu tiên trong khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu, mang ý nghĩa một cuộc đấu tranh đòi dân chủ và độc lập dân tộc.

clip_image001

Mộ của cố Thủ tướng Imre Nagy tại nghĩa trang Budapest, 23/10/2011. REUTERS

Từ Budapest, Thông tín viên Hoàng Nguyễn tường trình về ý nghĩa quan trọng của cuộc cách mạng Hungary 1956 và ảnh hưởng lâu dài của sự kiện này đối với lịch sử nước Hungary :

Những hoạt động kỷ niệm trọng thể sự kiện 1956 đã diễn ra trước ngày 23/10 tại nhiều nơi trên toàn quốc. Ðáng để ý là những chương trình nhìn lại lịch sử, ôn lại những sự thật, những góc khuất chưa được biết đến của 1956, trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Chẳng hạn, từ 19-21/10, Ðài phát thanh Hungary mời giới học sinh trung học đến Ðài tìm hiểu kho lưu trữ và những hồ sơ chưa được công bố về 1956, để thế hệ trẻ cảm nhận và sống qua được cảm giác bi tráng của cuộc cách mạng.

Bảo tàng Phát thanh và Truyền hình thì có triển lãm ảnh đặc biệt “14 ngày - 56 tấm ảnh”, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của 1956, đặc biệt là về những chàng trai nhiệt thành và tin tưởng vào chính nghĩa của mình, đã can trường tay không bảo vệ cuộc cách mạng trước tiếng gầm rú của chiến xa Liên Xô.

Những hoạt động này khiến ký ức 1956 vẫn trở thành một phần của thực tại, khi Hungary đang gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế, và chính trường thì tan nát bởi những đụng độ chính trị mang tính đảng phái.

Tiền đề của biến cố 1956

1956 là biến cố chấn động đầu tiên trong khối các nước XHCN (cũ) ở Ðông Âu, một cuộc đấu tranh đòi dân chủ và độc lập dân tộc, diễn ra trong bối cảnh vô cùng căng thẳng của cuộc Chiến tranh lạnh sau Ðệ nhị Thế chiến, khi hai phe quốc - cộng đã “chia vùng ảnh hưởng” với những thỏa thuận thành văn cũng như bất thành văn.

Tại Hungary, sau cái chết của Stalin năm 1953, trong nội bộ đảng Cộng sản Hungary nảy ra đòi hỏi dân chủ hóa đảng, phản đối đường lối độc tài của Rákosi Mátyás, thủ hạ đắc lực của Stalin. Tháng 7-1953, Nagy Imre, một nhà cách mạng có tư tưởng quốc gia được lên nắm quyền.

Trong gần 2 năm đứng đầu chính phủ, Nagy Imre chủ trương đổi mới toàn diện. Về kinh tế, ông cho phép kinh doanh cá thể, bỏ tệ cưỡng bức nông dân vào các hợp tác xã, giảm thuế má, tăng cường sản xuất hàng tiêu dùng. Về chính trị, ông tuyên bố đại ân xá, giải thể các trại tập trung, chấm dứt lối xét xử phi luật pháp của các tòa án binh, phục hồi nhân phẩm cho rất nhiều nạn nhân của tệ độc tài, sùng bái cá nhân...

Những hành động được lòng dân của Thủ tướng Nagy Imre đã bị coi là “quá đà” trong mắt những người cộng sản thủ cựu. Tháng 4-1955, Nagy Imre bị tước hết mọi chức vụ, thậm chí ông còn bị khai trừ khỏi đảng.

Tuy nhiên, ở vào thời điểm ấy, khi tình hình Đông Âu có một số hòa dịu nhất định - đặc biệt là khi nước Áo, một láng giềng gần gũi và thân thiết của Hung, trở thành quốc gia trung lập và thoát khỏi sự quản chế của Liên Xô - những ước vọng dân chủ của người dân Hung đã không thể bị nhấn chìm.

Mùa xuân và mùa hạ năm 1956 khởi đầu với những dấu hiệu rất khả quan tại nhiều quốc gia trong khối XHCN thời ấy. Tại Liên Xô, tội ác của Stalin bị vạch trần một phần qua bản báo cáo mật của Tổng bí thư Nikita Khrushchev trong Ðại hội Ðảng lần thứ XX.

Tại Trung Quốc, phong trào “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” được khởi xướng, chủ trương để nền văn nghệ khởi sắc, cần có nhiều môn phái, nhiều chủ trương, cần đề cao sự tự do tranh luận (tất nhiên vẫn dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng).

Ở nhiều tỉnh thành của Ba Lan như Gdansk, Poznan và Warsaw, giới thợ thuyền đứng lên đòi quyền tự do và đưa chính khách có tư tưởng quốc gia Gomulka lên vị trí đứng đầu đảng Cộng sản.

Tại Hungary, vào thời điểm ấy, đời sống của 10 triệu người Hung thuở ấy thực chất không đến nỗi nào, so với các quốc gia cộng sản khác. Những đòi hỏi dân chủ và cải tổ của người dân không còn là vấn đề cơm, áo thường nhật. Tiền đề của cuộc khởi nghĩa tháng 10 cao cả hơn nhiều, đó là ước vọng giành quyền tự quyết, độc lập dân tộc, tạo dựng một thể chế dân chủ, pháp quyền.

Trong hè 1956, hàng vạn người thuộc đủ mọi giai tầng trong xã hội Hung đã tập trung thảo luận các vấn đề chính trị cấp thời trong khuôn khổ CLB Petőfi (lấy tên thi hào, nhà cách mạng vĩ đại Hung thế kỷ XIX); tại đó, những ý kiến phê phán sự độc đoán của Đảng được đưa ra một cách thẳng thừng.

Vấn đề độc lập dân tộc cũng được đưa ra một cách gay gắt: sự hiện diện của quân đội Liên Xô tại Hung, cũng như sự lệ thuộc ở mức nô lệ của thể chế cầm quyền ở Hung vào Matxcơva đã là điều dân Hung không thể chấp nhận. Tất cả những điều kiện đã được hội tụ cho cơn bão cách mạng vào mùa thu năm ấy.

Diễn tiến của hai tuần “rung chuyển thế giới”

Những dự cảm đầu tiên về một cuộc nổi dậy đã diễn ra vào ngày mùng 6-10-1956 tại Budapest: hàng trăm ngàn người đã tụ tập ở thủ đô phản đối chế độ, trong lễ tái mai táng lãnh tụ cộng sản Rajk László và các đồng sự, bị vu cáo là gián điệp và chịu bản án tử hình trong phiên tòa ngụy tạo cách đó 7 năm.

Ban lãnh đạo cộng sản Hung tỏ ra bối rối và không biết phải làm gì trước tình thế đó. Ngày 13-10, họ buộc phải trả lại đảng tịch cho Nagy Imre, nhưng mọi sự không dừng ở đó. Mười ngày sau, đã bùng nổ một cuộc biểu tình ôn hòa và tự phát của giới sinh viên Đại học Kỹ thuật Budapest để thể hiện sự đoàn kết đối với những nỗ lực cải tổ của nhân dân Ba Lan.

Rất nhanh chóng, cư dân Budapest, công nhân các nhà máy lớn, trong số đó có không ít đảng viên cộng sản, đã tham gia cùng đoàn biểu tình. Buổi chiều 23-10, đã có tới 200 ngàn người tập trung trước Nhà Quốc hội Hungary với bản yêu sách 16 điểm của sinh viên trường Bách khoa, đòi hỏi thành lập một chính phủ mới do Nagy Imre đứng đầu.

Họ cũng yêu cầu quân đội Liên Xô phải tức khắc rút khỏi Hung, những lãnh tụ cộng sản có nhiều sai lầm phải bị phế truất và đưa ra tòa; đảm bảo quyền tự do ngôn luận, báo chí và các quyền công dân khác; tổ chức lại cơ cấu kinh tế Hung; tổ chức nhũng cuộc bầu cử tự do, đa đảng...

Chín rưỡi tối, hơn 300 ngàn người đổ ra đường, lật đổ bức tượng Stalin cao 10 mét, biểu tượng của thể chế độc tài tại Hungary, và tiến tới tòa nhà của Đài phát thanh đòi được đọc những yêu sách kể trên. Hoảng hốt, ban lãnh đạo cộng sản đã chỉ thị cho mật vụ chính trị nổ súng vào đoàn biểu tình, đồng thời, họ gọi điện yêu cầu Liên Xô trợ giúp. Cuộc biểu tình hòa bình đã biến thành khởi nghĩa vũ trang như thế.

Lập tức, chiến xa Liên Xô đã được điều động từ các tỉnh về Budapest và Matxcơva tưởng rằng chỉ với sự hiện diện quân sự này, người Hung sẽ nhụt chí. Tuy nhiên, người dân Budapest, đặc biệt là thanh thiếu niên ở độ tuổi mới lớn, đã dùng mọi vũ khí thô sơ để kháng cự lại xe tăng Liên Xô.

Với sự xuất hiện của quân đội ngoại bang tại đất Hung, biến cố 1956 trở thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và trong vài ngày đầu, sự can thiệp của Liên Xô đã thất bại. Ðược trở lại cương vị Thủ tướng, đến ngày 28-10, Nagy Imre đã có một bước quyết định khi ông đòi quân đội Nga phải tức khắc rút khỏi Budapest và chủ trương tiến hành đàm phán để rút khỏi nước Hung.

Đồng thời, Nagy Imre cũng ra chỉ thị giải tán cơ quan mật vụ chính trị, công bố đại ân xá và tái lập thể chế đa đảng. Như thế, những đòi hỏi chủ yếu của cuộc khởi nghĩa đã được đáp ứng và một tuần sau khi nổ ra, cuộc cách mạng Hung tưởng chừng đã thắng lợi.

Tuy nhiên, tình hình chính trường thế giới khi ấy hoàn toàn bất lợi cho cuộc cách mạng Hung. Các cường quốc Anh, Pháp và Israel tấn công Ai Cập, làm nổ ra cuộc khủng hoảng ở kênh đào Suez, tính đến việc điện Kremlin do “bận bịu” ở Hung sẽ không “trả đũa” để bảo vệ Ai Cập. Đổi lại, phương Tây cho dù bày tỏ sự đồng cảm, nhưng ngầm thỏa thuận với Matxcơva rằng họ không can thiệp vào các sự kiện ở Hung.

Trong bối cảnh ấy, đầu tháng 11-1956, Liên Xô quyết định can thiệp vũ trang vào Hung đúng vào lúc Thủ tướng Nagy Imre tuyên bố nước này rút khỏi khối Hiệp ước Warszawa và trở thành một quốc gia trung lập. Rạng sáng mùng 4-11, quân đội Xô-viết ồ ạt tràn sang Hung để đàn áp cuộc cách mạng.

Sau chừng một tuần, cuộc chiến hoàn toàn không cân sức đã chấm dứt: 20 ngàn người Hung đã bỏ mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến ác liệt. Thủ đô Budapest bị tàn phá, nhưng ở nhiều nơi, những người nổi dậy đã “tử thủ”, gây cho quân đội Liên Xô những tổn thất không nhỏ...

Cuộc cách mạng thất bại, Thủ tướng Nagy Imre bị kết án tử hình trong một phiên tòa ngụy tạo ngày 16-6-1958. Biến cố 1956 đã gây ra làn sóng di tản lớn chưa từng có vào mùa đông 1956, khi hơn 200 ngàn người Hung đã phải bỏ nước ra đi, trong số đó có không ít khoa học gia, trí thức lỗi lại, về sau đạt được vị trí đáng kính nể trên thế giới.

Ý nghĩa của một cuộc cách mạng và những hệ lụy của thời gian

Với Hungary, cách mạng 1956 khởi đầu cho phong trào phản kháng và đối lập dân chủ, âm ỉ trong vòng gần 3 thập niên, để thai nghén cho biến chuyển thay đổi thể chế năm 1989, hoàn toàn ôn hòa, không đổ máu và đầy tình nhân ái.

Một mốc lớn trong quá trình đó là vào đầu năm 1989, sau nhiều thập niên bị coi là “bạo loạn phản cách mạng”, sự kiện 1956 đã được chính một bộ phận cải tổ trong đảng Cộng sản Hungary thừa nhận là “một cuộc khởi nghĩa nhân dân”. Kể từ đó, chính thể cộng sản tại Hungary đã hoàn toán đánh mất tính “hợp thức” và không còn con đường nào khác, là phải sụp đổ.

Cũng cần nhắc đến một sự kiện mang tính biểu tượng: lễ tái mai táng Thủ tướng Nagy Imre vào ngày 16-6-1989 tại Budapest với sự tham dự của hàng trăm ngàn người dân cùng đại diện tất cả các đảng phái, các tổ chức chính trị, xã hội, đã là bước quyết định để Hungary chuyển mình theo con đường dân chủ, trên tinh thần hóa giải mọi oan khiên, đặt quyền lợi đất nước và nhân dân làm trọng.

Giới nghiên cứu còn cho rằng, tính nhân bản của 1956 đã khiến Hungary có những đóng góp lớn cho sự thống nhất nước Ðức và mái nhà chung châu Âu, khi nước này, vào mùa hạ 1989, đã dỡ bỏ Bức màn sắt ngăn cách Đông Tây và mở biên giới để người tị nạn Đông Đức tràn sang phương Tây, dẫn đến sự sụp đổ của bức tường Berlin.

Không phải ngẫu nhiên mà nền Ðệ tam Cộng hòa Hungary đã lựa chọn ngày tuyên bố ra đời vào đúng 23-10-1989, kỷ niệm 33 năm ngày cách mạng 1956 bùng nổ. Hơn thế nữa, Quốc hội mới của Cộng hòa Hungary, trong phiên họp đầu tiên vào tháng 5-1990, đã phê chuẩn một đạo luật để vinh danh khởi nghĩa 1956 như “một cuộc cách mạng và cuộc đấu tranh đòi độc lập” của nhân dân Hungary.

Tuy nhiên, 1956 không chỉ dừng lại như một ký ức trong quá khứ. Tinh thần tự do và dân chủ của 1956 vẫn được diễn giải và vận dụng trong hiện tại, như nỗ lực tranh đấu của người dân, của các tổ chức dân sự trước sự độc đoán, lạm quyền của chính phủ và giới chính khách.

Vào dịp 23/10 năm nay, để thể hiện sự bất bình trước những quyết sách bị coi là phi dân chủ và độc tài của liên minh cầm quyền, các nhóm dân sự đang chuẩn bị cho một cuộc đại tuần hành và biểu tình được coi là lớn nhất trong hơn 20 năm qua và theo những người chủ trương, đó cũng là cách để nuôi dưỡng tinh thần yêu chuộng tự do của cách mạng 1956...

H.N. – T.N.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn