Đại hội thành lập Hội Kiều học Việt Nam

Trần Hoàng Hoàng

QĐND Online - Sau 3 năm vận động thành lập, Hội Kiều học Việt Nam đã được Bộ Nội vụ cho phép thành lập theo quyết định số 1400/QĐ-BNV vào ngày 14-7-2011. Sáng 3-11, tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam (số 1 Liễu Giai, Hà Nội), Hội Kiều học Việt Nam đã tổ chức Đại hội thành lập với sự có mặt của hơn 200 hội viên sáng lập.

clip_image001

Chủ tịch đoàn Đại hội

Tại Đại hội, nhà nghiên cứu Lê Xuân Lít (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Nếu được nên đổi tên Hội Kiều học Việt Nam thành Hội những người yêu mến Truyện Kiều giống như Hội những người bạn Cố đô Huế. Tên gọi như vậy vừa giản dị lại có thể thu hút đông đảo người Việt Nam trong và ngoài nước gia nhập Hội.

GS Nguyễn Huệ Chi (Hà Nội) gợi ý hai điều cần bổ sung trong hướng hoạt động của Hội được nhiều hội viên tán đồng: Thứ nhất, Hội Kiều học Việt Nam nên tham khảo hướng hoạt động của Viện Goethe (Đức) đó là không nên bó buộc chỉ nghiên cứu văn bản Truyện Kiều mà nên mở rộng nghiên cứu các tác phẩm khác của Nguyễn Du; đồng thời, làm sáng tỏ cuộc đời vẫn còn nhiều uẩn khúc của đại thi hào. Thứ hai, nghiên cứu cả những người thân của đại thi hào như Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản… đã có ảnh hưởng gì đến sự nghiệp Nguyễn Du? Nếu không mở rộng phạm vi nghiên cứu, càng về sau, hoạt động của Hội sẽ bị thu hẹp, trở thành câu lạc bộ bình giảng Truyện Kiều.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo (Bắc Ninh) lưu ý: Trước mắt, Hội Kiều học Việt Nam nên tập trung xuất bản một bản Truyện Kiều đáng tin cậy nhất nhờ sự thống nhất của các nhà nghiên cứu để phần nào khắc phục tình trạng sai khác giữa các bản Kiều đang lưu hành.

Đoàn chủ tịch Đại hội hứa sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp và đưa vào chương trình hành động cụ thể.

clip_image002

Nhạc sĩ Phạm Tuyên tặng câu nói nổi tiếng từ đầu thế kỷ XX của người cha là học giả Phạm Quỳnh cho Hội nhân ngày thành lập.

“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Ảnh bổ sung: Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP HCM

Sau phần thảo luận, Đại hội đã biểu quyết thông qua Điều lệ hội với 9 chương, 27 điều và bầu ra Ban chấp hành Hội Kiều học Việt Nam với 29 thành viên.

T.H.H.

Nguồn: qdnd.vn

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Quyết định thành lập Hội Kiều học Việt Nam

Hiền Nguyễn

(Toquoc)- Sáng 03/11 tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam - số 1 Liễu Giai, Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Kiều học Việt Nam.

Sau 3 năm chuẩn bị cùng với sự ủng hộ của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Văn học, Hội Nhà văn Việt Nam, Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ đã chính thức ký quyết định cho phép thành lập Hội Kiều học Việt Nam.

Đây được coi là sự kiện văn hóa, tạo một bước phát triển mới trong hoạt động nghiên cứu Truyện Kiều - một kiệt tác văn học Việt Nam của đại thi hào Nguyễn Du.

Hội Kiều học Việt Nam được xác định “Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hoạt động theo Điều lệ của Hội Kiều học Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý của nhà nước và của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành có liên quan về lĩnh vực Hội hoạt động. Hội Kiều học có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự lo kinh phí và phương tiện hoạt động" - trích quyết định của Bộ Nội vụ.

Hội viên của Hội Kiều học là những người tán thành điều lệ, tự nguyện xin vào Hội, tham gia các hoạt động của Hội, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ, tôn giáo… có điểm chung là yêu mến Truyện Kiều, có nguyện vọng tìm hiểu, nghiên cứu làm phát lộ những giá trị mọi mặt về văn học nghệ thuật, về văn hóa xã hội trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, nhằm nâng cao trình độ cảm thụ cái hay, cái đẹp, cái tinh túy của tiếng Việt trong thơ Kiều. Qua đó tôn vinh, phát huy và bảo vệ di sản văn hoá của dân tộc.

Đại hội thành lập Hội Kiều học đã đưa ra dự thảo về Điều lệ bao gồm 9 chương và 27 điều.

Tham gia góp ý về Điều lệ Hội tại Đại hội thành lập có một số ý kiến đáng chú ý, như ý kiến của nhà nghiên cứu Lê Xuân Lít là cần phải “xã hội hóa Truyện Kiều” để toàn thể quần chúng nhân dân được biết. Bên cạnh đó cũng phải tìm các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức trong và ngoài nước để hoạt động hiệu quả, ngoài nguồn thu hội phí. Nên tổ chức 2 cuộc thi mang tên: “Đi tìm chân dung Thuý Kiều” nhằm huy động mọi sự tưởng tượng của toàn dân để đưa ra chân dung Thuý Kiều. Cuộc thi tiếp theo là “Bình Kiều”. Phối hợp với các trường học truyền dạy cho một số em có năng khiếu và đam mê ngâm thơ, chơi các trò chơi liên quan đến Truyện Kiều.

Còn PGS.TS Văn học Nguyễn Trường Lịch thì mong muốn được đổi tên “Hội Kiều học” thành “Hội những người yêu Truyện Kiều”, vì như thế gần gũi và tập hợp được đông đảo Hội viên hơn.

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho rằng, Hội Kiều học cần phải mở rộng đối tượng nghiên cứu, không được bó hẹp trong một đối tượng duy nhất là tác phẩm Truyện Kiều. Có thể mở rộng nghiên cứu về gia thế, cuộc đời, nguồn văn hóa gia đình [dòng tộc] và những tác phẩm khác của Nguyễn Du. Mở rộng phạm vi nghiên cứu sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về con người Nguyễn Du, đồng thời cũng là cơ sở để nhìn nhận Truyện Kiều ở góc độ so sánh. Ông cũng lưu ý, việc kết nạp Hội viên cần chú trọng đến lớp trẻ để có lực lượng kế cận.

Bên cạnh góp ý vào điều lệ Hội, một số Hội viên đã có những tham luận mang tính tìm tòi, phát hiện, xây dựng.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian, Truyện Kiều đã bị tam sao thất bản quá nhiều, vì vậy nhiệm vụ của Hội Kiều học là nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm và phục nguyên một bản Kiều bằng chữ Nôm, sau đó đưa ra một bản Truyện Kiều bằng chữ quốc ngữ gần với nguyên tác nhất để khuyến nghị nhà trường và xã hội sử dụng. Tuy nhiên, đây không phải là công việc một sớm một chiều, và không thể đặt cược trong một nhiệm kỳ sẽ hoàn thành. Ngoài ra, chương trình hoạt động còn có biên soạn và xuất bản cuốn Từ điển Truyện Kiều, tổ chức hội thảo khoa học, xuất bản tạp chí Kiều học, thành lập quỹ văn hóa Nguyễn Du, hợp tác quốc tế, tuyển chọn công trình nghiên cứu xét giải ở các hệ thống giải thưởng nhà nước…

Đại hội đã thông qua biểu quyết để bầu Ban chấp hành gồm 29 người với sự hiện diện thành phần các tỉnh thành trong cả nước. Đáng chú ý, Ban chấp hành Hội Kiều học có nhiều người là nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ như Trần Đình Sử, Phong Lê, Vũ Quần Phương…

Tính đến ngày Đại hội thành lập, Hội Kiều học đã có gần 400 Hội viên, trong đó Hội viên cao tuổi nhất là 87, ít tuổi nhất là 25, có 1 Linh mục, một người nước ngoài, 15 người thuộc dân tộc thiểu số, 52 người trình độ PGS.TS, 16 cán bộ đang đương chức…

Chiều cùng ngày Ban chấp hành sẽ có phiên họp đầu tiên và bầu Chủ tịch Hội.

H.N.

Nguồn: vanhocquenha.vn

Đại hội thành lập Hội Kiều học Việt Nam thành công tốt đẹp

Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh

Sáng nay 3/11/2011, gần 200 hội viên và khách mời đã về dự Đại hội thành lập Hội Kiều học Việt Nam, một điểm sáng trong đời sống văn học nước nhà.

Đại hội diễn ra tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (số 1, Liễu Giai, Hà Nội), với sự tham gia của hơn 180 trong tổng số hơn 360 hội viên sáng lập, những người đã có đơn xin gia nhập Hội.

Do Tiến sĩ Phan Tử Phùng khởi xướng, Hội Kiều học Việt Nam đã tập hợp được tất cả những người yêu thơ, nghiên cứu thơ và nhất là say mê Truyện Kiều, tâm huyết với những giá trị tinh hoa văn hóa cổ truyền của dân tộc. Hội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, một hội khoa học lấy Truyện Kiều làm đối tượng nghiên cứu của một ngành khoa học đặc thù: ngành Kiều học.

Hội ra đời nhằm phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm phổ cập rộng rãi những hiểu biết sâu sắc và mọi mặt của các nhà khoa học về Truyện Kiều, qua đó nâng cao trình độ cảm thụ cái hay, cái đẹp, những nét tinh túy của Truyện Kiều trong đông đảo quần chúng.

Hội viên là những nhà nghiên cứu, những người say mê Truyện Kiều, người biểu diễn hoặc chuyển thể Truyện Kiều, những người yêu thơ… tự nguyện tham gia, đóng góp vào hoạt động chung của Hội.

Mục tiêu lâu dài của Hội là xã hội hóa Truyện Kiều; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các cá nhân, doanh nghiệp để phát triển Hội thành một tổ chức vững mạnh. Mục đích chính của Hội là nghiên cứu và bảo tồn mọi giá trị, mọi tinh hoa về văn học nghệ thuật về văn hóa - xã hội kết tinh, hội tụ trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du nhằm tôn vinh, phát triển và bảo vệ di sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam.

clip_image003

clip_image004

Các đại biểu tham dự Đại hội.

Đại hội đã thông qua điều lệ chung và bầu Ban chấp hành của Hội; bước đầu đưa ra một số đề xuất về phương hướng hoạt động để phát triển Hội Kiều học trong thời gian tới, đặc biệt là tên gọi và nội dung hoạt động.

PGS, TS Nguyễn Trường Lịch đề xuất tên gọi của Hội nên đặt là “Hội những người yêu Truyện Kiều”, thể hiện tính xã hội hóa, dễ hiểu và dễ nhớ với mọi người. Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh lập bia Truyện Kiều ở khu vườn tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du, vận động cả nước đóng góp những tấm bia khắc 3.254 câu thơ trong Truyện Kiều đặt xung quanh khu tưởng niệm. Đặc biệt, Hội cần phối hợp với Bộ GD & ĐT khẳng định trong chương trình SGK về con người Đại thi hào trước hết là một “nhà thơ yêu nước”, sau đó, mới là nhà thơ trữ tình, nhà thơ hiện thực.”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi lại đưa ra quan điểm, trên thế giới hiện đã có Hội Hồng học ở Trung Quốc, Goethe ở Đức, Hội Pushkin ở Nga… đều hướng đến con người tác giả và toàn bộ tác phẩm của tác giả. Vì vậy, hội của chúng ta cũng không nên chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu Truyện Kiều, mà nên [mở rộng nhiều hình thức] nghiên cứu giới thiệu toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du, cuộc đời và gia tộc của ông… vì xung quanh nhà Đại thi hào vẫn còn rất nhiều điều cần được làm sáng tỏ.

clip_image005

Thành phần Ban Chấp hành Hội

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo (đến từ Bắc Ninh, quê mẹ Nguyễn Du, bà Trần Thị Tần), người đã tự sưu tầm được 52 bản Truyện Kiều, đưa ra [một đề nghị có] ý nghĩa quan trọng sau khi Hội Kiều học được thành lập. Đó là việc Hội phải nhanh chóng thống nhất ngay các dị bản để xây dựng một bộ Truyện Kiều chính xác nhất so với bản gốc của cụ Nguyễn Du, bởi vì hiện nay, giữa các bản Truyện Kiều (cả chữ Nôm và chữ Quốc ngữ) đang lưu hành ở trong và ngoài nước có sự khác biệt quá xa về câu và về chữ, mà theo thống kê của GS Nguyễn Tài Cẩn thì con số này lên đến 48% về câu và 10% về chữ”.

Nhà nghiên cứu Lê Xuân Lít đề xuất: “Trong thời gian tới, Hội nên phát động và tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Đi tìm chân dung Thúy Kiều” và bình Kiều, tổ chức hoạt động ngâm Kiều, lẩy Kiều, chơi các trò chơi về Kiều, tìm các học sinh có năng khiếu ngâm Kiều trên cả nước, xây dựng 1.000 tủ sách Kiều... Đây sẽ là những bước khởi động tạo được dấu ấn và ý nghĩa sau ngày thành lập”.

Tư liệu:

Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam: PGS Nguyễn Văn Hoàn.

Các Phó Chủ tịch:

- GS Phong Lê (Phó Chủ tịch thường trực).

- Nhà nghiên cứu Lê Xuân Lít (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký).

- Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam.

- TS Phan Tử Phùng.

- Ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh.

- Nhà thơ Vũ Quần Phương.- GS Trần Đình Sử, Phó Chủ tịch Hội, kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học.

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo.

Hiện nay, ở vùng trung du Bắc bộ, thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, những người yêu Truyện Kiều đã lập Câu lạc bộ thơ Kiều để giao lưu, trao đổi về Truyện Kiều, thậm chí giải mã Truyện Kiều.

Ở miền trung, tại thành phố Nghệ An có quán cà phê Truyện Kiều để những người say mê Truyện Kiều có một không gian văn hóa để thưởng thức.

Còn ở miền nam, có một người yêu mến Truyện Kiều tới mức tự lập ra một Vườn Kiều, đặt tên cho các cây trong vườn theo các câu thơ trong Truyện Kiều, giải thích 103 điển cố trong thơ Kiều bằng thơ lục bát...

Bên cạnh đó, các hoạt động nghiên cứu Truyện Kiều, sinh hoạt văn hóa xung quanh Truyện Kiều của nhân dân cả nước cũng rất sôi động, tuy nhiên chưa được tập hợp thành một tổ chức, nên hoạt động chưa thống nhất.

Vì vậy, việc Hội Kiều học ra đời có thể nói đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quyết tâm của các hội viên, đánh dấu mốc quan trọng khẳng định ý nghĩa của Hội trong đời sống văn hóa - xã hội nước nhà.

Nguồn tin: DVT

Nguồn: donghuonghatinh.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn