Kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả Lê Văn Hòe

Vương Hà

clip_image001

Lê Văn Hòe (Ảnh tư liệu)

(ĐCSVN) – Ngày 1/11, tại Thư viện Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp với Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Thư viện Hà Nội và gia đình học giả Lê Văn Hòe tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả Lê Văn Hòe.

clip_image003

Ông Lê Tấn Hiển, con trai học giả Lê Văn Hòe khai mạc lễ kỷ niệm. Ảnh bổ sung: Hy Tuệ

Phát biểu khai mạc [diễn văn chính], Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đã khẳng định những nét quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của học giả Lê Văn Hòe. Học giả Lê Văn Hòe - Nhà văn, Nhà nghiên cứu lịch sử, Nhà giáo - bút danh là Vân Hạc, sinh ngày 1 tháng 11 năm 1911 tại làng Mụ, thôn Mỗ Xá, xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, Hà Đông (sau là Hà Tây, nay thuộc Hà Nội). 6 tuổi ông học chữ Hán. 9 tuổi bắt đầu học tiếng Pháp. Ông học trường Bưởi, sau cuộc bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh của học sinh, ông thôi học và bắt đầu làm báo, viết sách.

clip_image005

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên đọc diễn văn chính. Ảnh bổ sung: Hy Tuệ

Có thể nói, Lê Văn Hòe là một trong số rất ít tác gia Việt Nam viết và in sách rất sớm. Năm 16 tuổi, Lê Văn Hòe viết cuốn sách giáo khoa “Khai tâm luân lý”. Năm 1930 - 19 tuổi, ông viết cuốn Bể lòng, đây là cuốn truyện văn học đầu tiên của ông. Năm 1931, Lê Văn Hòe cho in tập Mảnh hồn thơ, một trong những tập thơ của dòng văn học lãng mạn. Năm 1936, trong phong trào Mặt trận Dân chủ sôi nổi ở nước ta, ông tham gia Ban Biên tập báo Đời mới. Tờ báo này ra được 6 số thì bị chính quyền thực dân đóng cửa. Sau đó Lê Văn Hòe làm Chủ bút tờ Ngọ báo (sau đổi tên là Việt báo) và phụ trách phần nghiên cứu của tờ Trung Bắc Chủ nhật. Từ năm 1941 trở đi, Lê Văn Hòe mở Nhà Xuất bản Quốc học thư xã, vừa làm Giám đốc vừa viết sách nghiên cứu văn học và sử học. Thời kỳ này, tác phẩm của ông ngả về khuynh hướng phục cổ, đề cao Nho giáo.

Sự nghiệp sáng tác của Lê Văn Hòe đáng chú ý và đáng kể nhất chính là giai đoạn sau khi ông thành lập Quốc học thư xã. Nhà Xuất bản này đã ấn hành khá nhiều tác phẩm của các tác giả tên tuổi đương thời như Vũ Bằng, Phạm Quỳnh, Thành Thế Vĩ... Đặc biệt, qua Quốc học thư xã, Lê Văn Hòe cũng liên tiếp cho in hàng loạt sách nghiên cứu, dịch thuật, phê bình văn học và lịch sử, nhiều cuốn được ngành giáo dục thời ấy chọn làm sách giáo khoa hoặc tài liệu giảng dạy cho học sinh các trường phổ thông, được đông đảo dư luận ghi nhận, khen ngợi và nhiều tầng lớp độc giả đón đọc nồng nhiệt. Nhiều cuốn sách bán hết rất nhanh trong thời gian ngắn, phải tái bản nhiều lần để đáp ứng nhu cầu bạn đọc cả nước.

clip_image007

Quang cảnh Hội trường buổi lễ. Ảnh bổ sung: Hy Tuệ

Từ năm 1954, Lê Văn Hòe làm giáo viên giảng dạy văn học và lịch sử ở trường Albert Sarraut cho đến 1964, sau đó về trường cấp 2 Tam Hiệp, Thanh Trì dạy học tiếp và ông mất ngày 13 tháng 12 năm 1968 tại nhà riêng 74 phố Tô Hiến Thành, Hà Nội.

Trong suốt cuộc đời, Học giả Lê Văn Hòe đã viết nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Truyện Kiều chú giải, Tự vị chính tả, Khai tâm luân lý… Có thể nói, trong hàng chục tác phẩm đã ấn hành của Lê Văn Hòe thì Truyện Kiều chú giải là cuốn sách dụng công, đồ sộ và nổi bật nhất, bộc lộ vốn tri thức uyên thâm về cả Đông - Tây, kim - cổ và tài năng, học thuật của ông. Khá nhiều nhà nghiên cứu và học giả tên tuổi, sau khi xem Truyện Kiều chú giải đã nhận xét rất chân thành về sự tài tình và kỹ lưỡng trong chú giải, cẩn trọng trong bình luận, nghiêm túc khách quan trong hiệu đính mà vẫn bày tỏ được chính kiến cá nhân, đồng thuận với nhận thức và suy nghĩ của đại đa số độc giả.

Học giả Vân Hạc Lê Văn Hòe cũng chính là một trong những dịch giả đầu tiên đưa thơ Nga tới bạn đọc Việt Nam. Ông nổi tiếng với tập thơ dịch Gió Tây (Quốc học thư xã 1952) gồm 37 bài thơ của 32 tác giả thuộc 20 nền văn học trên thế giới.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả Lê Văn Hòe, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Đông Tây cũng giới thiệu cuốn sách khảo cứu về Truyện Kiều có tên Truyện Kiều chú giải xuất bản từ 60 năm trước vừa được tái bản.

V.H.

Nguồn: dangcongsan.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn