Thêm một chứng cứ về chủ quyền của Việt Nam đối với Biển Đông

Phan Thuận An*

Lâu nay, biển Đông đã trở thành một vấn đề thời sự chẳng những của Việt Nam mà còn của khu vực và của một số nước khác nữa trên thế giới. Trong thời gian gần đây, vấn đề chủ quyền trên biển Đông vừa được đưa ra thảo luận và tranh cãi trong các cuộc hội thảo, hội nghị quốc gia và quốc tế với hình thức đối thoại song phương hoặc đa phương. Hiện nay, vấn đề đang được đề cập hầu như là hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Riêng ở Việt Nam, trong những năm trở lại đây, các tài liệu liên quan đến biển đảo đã được công bố ngày càng nhiều và làm cho vấn đề ngày càng sáng tỏ. Nay, để góp phần làm cho vấn đề được sáng tỏ hơn, chúng tôi xin cung cấp thêm một tài liệu nữa từ Huế. Đó chính là hình ảnh biển Đông trên Cửu đỉnh hiện còn được bảo tồn tại hoàng cung triều Nguyễn bên bờ sông Hương.

Cửu đỉnh 九鼎 là một bộ tác phẩm bằng đồng gồm chín cái đỉnh to lớn được Bộ Công đúc tại kinh đô Huế vào năm 1836 dưới thời Minh Mạng và được đặt thành một hàng ngang trước sân Thế Miếu, nơi thờ các vua triều Nguyễn. Kích thước và trọng lượng các đỉnh không hoàn toàn bằng nhau. Đỉnh cao nhất là 2,50m và nặng nhất là 2.601kg (Cao đỉnh). Đỉnh thấp nhất là 2,31m và nhẹ nhất là 1.935kg (Huyền đỉnh). Mỗi đỉnh đối diện với một gian thờ trong tòa miếu ấy. Riêng đỉnh tương ứng với gian thờ vua Gia Long thì đặt hơi nhích về phía trước vì vua Minh Mạng cho rằng đó là vị Hoàng đế khai sáng và có công lớn nhất của triều đại.

Ở mặt trước hông các đỉnh đều đúc nổi hai đại tự mà chữ dưới là chữ đỉnh và chữ trên là tên gọi tắt miếu hiệu (tên chọn để thờ sau khi mất) của từng vua. Chẳng hạn như Cao đỉnh 高 鼎 (Cao là miếu hiệu của vua Gia Long-Thế Tổ Cao Hoàng Đế), Nhân đỉnh 仁 鼎 (Nhân là miếu hiệu của vua Minh Mạng-Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế), Chương đỉnh 章 鼎 (vua Thiệu Trị-Hiến Tổ Chương Hoàng Đế), Anh đỉnh 英 鼎 (vua Tự Đức-Dực Tông Anh Hoàng Đế), cứ thế lần lượt cho đến đỉnh thứ 9, bao gồm: Nghị đỉnh 毅 鼎, Thuần đỉnh 純 鼎, Tuyên đỉnh 宣 鼎, Dụ đỉnh 裕 鼎, Huyền đỉnh 玄 鼎.

clip_image002

Bộ Cửu đỉnh trước sân Thế miếu.

clip_image004

Hình ảnh biển Đông trên Cao đỉnh.

clip_image006

Hình ảnh biển Nam trên Nhân đỉnh.

clip_image008

Hình ảnh biển Tây trên Chương đỉnh.

clip_image010

Hình ảnh Thuận An hải khẩu trên Nghị đỉnh.

clip_image012

Hình ảnh Đà Nẵng hải khẩu trên Dụ đỉnh.

clip_image014

Hình ảnh Cần Giờ hải khẩu trên Thuần đỉnh.

Đáng để ý nhất ở đây là 153 hình ảnh được thể hiện chung quanh hông các đỉnh. Ở hông mỗi đỉnh, người xưa đã đúc nổi 17 cảnh vật, được phân bố theo một quy tắc chung: chia làm 3 hàng ngang, mỗi hàng gồm một chủng loại. Tại mỗi hình ảnh đều có chữ chỉ tên từng cảnh vật.

Bằng kỹ thuật đúc đồng điêu luyện và nghệ thuật chạm khắc tinh vi, các nghệ nhân thời Minh Mạng đã thể hiện một cách khái quát nhưng súc tích sự phong phú và đa dạng của các cảnh vật tạo nên sự giàu đẹp của tổ quốc, bao gồm núi sông, lãnh hải, cửa biển, cửa ải, động vật, thực vật, binh khí, xe thuyền, v.v. Nếu ở Nhân đỉnh có hình ảnh sông Hương (香 江­ Hương Giang) thì ở Tuyên đỉnh có sông Hồng (珥 河 Nhĩ Hà) và Huyền đỉnh có sông Cửu Long (後 江­ Hậu Giang, 前 江­ Tiền Giang). Nếu ở Cao đỉnh có hình ảnh biển Đông (東 海 Đông Hải) thì ở Nhân đỉnh có biển Nam (南 海 Nam Hải) và ở Chương đỉnh có biển Tây (西 海 Tây Hải). Nếu ở Nghị đỉnh có cửa biển Thuận An (順 安 海 口 Thuận An hải khẩu) thì ở Thuần đỉnh có cửa biển Cần Giờ (clip_image016海口 Cần Giờ hải khẩu) và ở Dụ đỉnh có cửa biển Đà Nẵng (沱 曩 海 口 Đà Nẵng hải khẩu). Nếu ở Cao đỉnh có cọp (hổ) trên rừng thì ở Nhân đỉnh có cá voi (仁 魚 nhân ngư) dưới biển… Các hình ảnh ở Cửu đỉnh đều biểu hiện những cảnh vật rất thật và quen thân với dân tộc Việt Nam.

Khi đánh giá 153 hình ảnh trên Cửu đỉnh, một nhà nghiên cứu Tây phương là R. P. Barnouin đã nhận xét rằng bộ hiện vật bằng đồng này “tạo thành một bảng tài liệu biểu thị kiến thức bách khoa của các Nho sĩ thông thái trong triều đình Huế năm 1836, tài liệu được giữ nguyên vẹn dưới mắt chúng ta, trong khi đó thì những tài liệu khác đã bị tiêu hủy hoặc sai lạc” (The urns constitute a text expressing the encyclopedic knowledge of the learned men of the Court of Hue in 1836, a text preserved intact under our eyes whereas many others have perished or been deformed).(1)

Một nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam là Huỳnh Hữu Ủy cũng đã nhận định một cách sâu sắc về Cửu đỉnh trong một bài viết của ông như sau: “Đây là một cuộc triển lãm… xây dựng trên đời sống trí tuệ và tâm linh của cả một dân tộc mà cho đến ngày nay, giá trị ấy càng được xác định hơn. Tâm hồn của đất nước truyền thống biểu hiện tài tình... để ca ngợi Tổ quốc hoa gấm, nước biếc non xanh giàu đẹp, vững bền”.(2)

Có thể nói thêm rằng cuộc triển lãm lộ thiên này, trong một chừng mực nào đó, cũng là một bảng kiểm kê tài sản quốc gia vào những thập niên đầu thế kỷ XIX. Trong những tài sản quý báu nhất của đất nước được thể hiện trên Cửu đỉnh có phần lãnh hải của tổ quốc, mà cụ thể là biển Đông, biển Nam và biển Tây.

Biển Tây là vùng biển nằm ở phía tây của Nam Bộ, tiếp giáp với hải phận của Thái Lan, được gọi chung từ xưa là vịnh Thái Lan (Gulf of Siam). Biển Nam là phần lãnh hải nằm ở phía nam của Nam Bộ, tiếp giáp với hải phận của các nước Malaysia, Indonesia, v.v. Riêng hải phận của biển Đông thì rộng lớn hơn nhiều so với hai biển kia. Mức độ rộng lớn này đã được phản ánh trong câu tục ngữ có từ thời xưa:

Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn.

Thuận trai thuận bạn, tát cũng cạn biển Đông.

Nội dung câu tục ngữ cho thấy nếu có sự đồng thuận và quyết tâm trong hành động thì công việc dù khó khăn và to lớn đến mấy cũng làm được, chẳng hạn như tát hết nước của biển Đông sâu rộng.

Dù sao, các hải phận của nước ta cũng đã được triều đình nhà Nguyễn bấy giờ quan tâm một cách đặc biệt. Hình ảnh biển Đông được thể hiện trên Cao đỉnh (Gia Long), biển Nam trên Nhân đỉnh (Minh Mạng) và biển Tây trên Chương đỉnh (Thiệu Trị) là 3 cái đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất, tượng trưng cho 3 ông vua đầu tiên của triều đại. Trong 3 vùng biển ấy, theo quan niệm của triều đình Minh Mạng, biển Đông nằm ở vị trí thiết yếu số một, cho nên hình ảnh của nó đã được đúc nổi ở Cao đỉnh, cái đỉnh trọng đại nhất trong Cửu đỉnh, xét về nghĩa đen cũng như nghĩa bóng.

Cửu đỉnh ở Huế đang được nhà nước Việt Nam xét duyệt để công nhận là một Bảo vật Quốc gia. Trong các giá trị của nó, chắc hẳn người đời nay không ai không quan tâm đến chủ đề lãnh hải mà cổ nhân đã lưu lại một cách cụ thể bằng cả hình ảnh lẫn ký tự ở trên đó.

Dù đã trải qua 175 năm (1836-2011) với bao cơn bão táp của thiên nhiên và của thời cuộc, Cửu đỉnh vẫn còn đứng vững giữa lòng đất nước. Bộ tài liệu bằng đồng này cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin cần thiết, trong đó có những hình ảnh khẳng định chủ quyền của dân tộc về lãnh hải nói chung, biển Đông nói riêng.

Với giá trị mang tầm quốc gia của Cửu đỉnh, hình ảnh này xứng đáng được đưa vào hồ sơ biển Đông của Việt Nam để đấu tranh ngoại giao trên trường quốc tế.

Hy vọng bộ đỉnh đồng này vẫn đứng vững mãi tại chỗ để làm chứng cho chủ quyền của dân tộc đối với phần lãnh hải thiêng liêng ấy của tổ quốc.

P. T. A.

(*) Thành phố Huế.

CHÚ THÍCH

(1) R. P. Barnouin, “Les bas-reliefs des urnes dynastiques de Huế”, Bulletin de la Société des Études Indochinoises, Bộ mới, tập XLIX - số 3, 1974, Sài Gòn, tr. 426.

(2) Huỳnh Hữu Ủy, “Cửu đỉnh - Biểu tượng của văn hóa và nghệ thuật Huế”, tạp chí Đất mới, Canada, bộ 2, số 3, tháng 3/1990.

TÓM TẮT

Cửu đỉnh là một bộ tác phẩm bằng đồng gồm 9 cái đỉnh lớn được vua Minh Mạng cho đúc tại kinh đô Huế vào năm 1836 và được đặt thành một hàng ngang trước Thế Miếu, nơi thờ các vị vua nhà Nguyễn. Trong những giá trị nổi bật của Cửu đỉnh, đáng chú ý là 153 hình ảnh đúc nổi quanh thân đỉnh, thể hiện một cách khái quát nhưng súc tích sự phong phú và đa dạng của các yếu tố làm nên sự giàu đẹp của đất nước Việt Nam. Trong những tài sản quý báu nhất của đất nước được thể hiện trên Cửu đỉnh có phần lãnh hải của Việt Nam mà cụ thể là biển Đông, biển Nam và biển Tây. Với những giá trị mang tầm vóc quốc gia của Cửu đỉnh, những hình ảnh này xứng đáng được đưa vào hồ sơ biển Đông để đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước.

ABSTRACT

ONE MORE EVIDENCE OF VIETNAM’S SOVEREIGNTY OVER THE EAST SEA

The nine dynastic urns, including nine greatest bronze urns in Vietnam, were cast by Emperor Minh Mạng in 1836 and placed in a horizontal row in front of the Thế Miếu Temple, where the Nguyễn Emperors were worshipped. Among great values of the nine dynastic urns, the most outstanding are 153 molded images around the body of the urns reflecting the abundant and diverse factors of the prosperous Vietnam, generally but concisely. Among the most valuable assets of the country shown on the nine dynastic urns, there are images of Vietnam’s territorial sea, including the East Sea, South Sea and West Sea. With the national value of the nine urns, these images deserve to be recorded in the East Sea documents as evidence of the struggle for national sovereignty.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, số 6(89), 2011, tr. 90-93.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn