Trường Sa cho tôi lòng yêu nước và lý tưởng sống

Hồ Cúc Phương

“Chỉ cần thả tầm mắt ra xa là có thể nhìn thấy tàu tên lửa nước ngoài đang lừ lừ đe dọa, thấy những hòn đảo từng thuộc về chúng ta đang bị chiếm đóng với những tên lính lúp xúp chạy bên trên.” Một câu văn như thế về Trường Sa nếu xuất hiện trên blog nào đó, thì không có gì lạ. Như đây là trên báo Nhân dân! Là do một phút sơ sẩy của biên tập viên hay là sự chuyển hướng của tờ báo về danh nghĩa là to nhất nước?

Đem câu hỏi này hỏi một người bạn quen. Đáp lại chỉ là một tiếng cười khẩy.

Bauxite Việt Nam

clip_image001

Trước hải trình gần chục ngày lênh đênh sóng nước Trường Sa, Đinh Tiến Dũng là một chàng trai tếu táo, vô tư, làm và chơi đều "cháy hết mình". Về lại đất liền, anh chợt "ngộ" ra, "yêu nước là bớt đi những so đo cá nhân, là làm những gì cụ thể nhất cho biển đảo quê hương yêu dấu".

Chuyến đi "ngỡ ra đảo để động viên những người lính nhưng hóa ra chính họ đã động viên ngược lại chúng tôi" vẫn còn để lại những dư chấn mạnh mẽ trong anh. "Tôi tự hỏi sao cảm xúc lại có trong tôi mạnh đến vậy?" - Dũng nói.

Một hành trình quý giá, khi giúp chàng thanh niên đến được với đảo chìm Cô Lin. Đây là nơi vị thuyền trưởng tàu HQ 505 quyết định lao lên đảo để biến cả con tàu thành cột mốc chủ quyền, sau đó chỉ có ba chiến sĩ được tìm thấy thi thể, 61 liệt sĩ còn lại đã vĩnh viễn hòa mình vào sóng nước đại dương. Một cảm xúc nghẹn ngào, khi nghe kể về những hy sinh lặng thầm mà vĩ đại của những người lính trên đảo. Có người mẹ mất mà không thể về chịu tang. Có người nghe tin vợ chết vì hậu sản, đứa con bé bỏng nằm lồng kính tháng trời mà không thể làm gì, chỉ biết âm thầm đêm đêm thắp nén hương cúng vọng về đất liền. Lại có anh lính quyết bám trụ bảo vệ nhà giàn giữa bão tố, khi bị bão quật đổ chỉ kịp gửi lời vĩnh biệt đồng đội qua bộ đàm... Còn nhiều những câu chuyện như thế, thật lắm mà cứ ngỡ như huyền thoại.

Cũng nhờ đến được với những hòn đảo xa xôi này, Dũng mới hiểu tận cùng ý nghĩa của cụm từ "chủ quyền biển đảo". Chỉ cần thả tầm mắt ra xa là có thể nhìn thấy tàu tên lửa nước ngoài đang lừ lừ đe dọa, thấy những hòn đảo từng thuộc về chúng ta đang bị chiếm đóng với những tên lính lúp xúp chạy bên trên. Chỉ có ở đây, anh mới hiểu, lòng yêu nước không chỉ là những lời hô hào khô cứng trong sách vở mà còn được hiển hiện sống động qua ánh mắt kiên cường cùng dáng đứng hiên ngang giữa bốn bề sóng vỗ.

Cũng chỉ giữa sắc xanh ngăn ngắt của biển trời Tổ quốc, Dũng mới thấy mầu cờ đỏ cháy lên rực rỡ, đáng tự hào làm sao. Và chuyến đi ấy đã thật sự trở thành cú hích khi "giúp tôi quyết tâm dấn thân vào những dự án xã hội mà tôi đang lừng khừng, so đo trong những con tính bấy nay".

Trở về từ chuyến đi không thể nào quên ấy, FPT đã cho ra đời đĩa nhạc Người Việt Nam, như món quà tinh thần vô giá dành tặng lính đảo. Dũng "góp mặt" ca khúc Lời đảo xa, bên cạnh những Ghi ta lính đảo, Trường ca người Việt Nam, Thư gửi mẹ, Tiền lá... của nhạc sĩ Trương Quý Hải. Nhưng vừa góp giọng, vừa biên tập cho đĩa nhạc, sản phẩm cây nhà lá vườn được ghi ngay tại FPT Studio này, nhờ công đầu của GS Xoay đã tới với các chiến sĩ hải quân thuộc Quân cảng Cam Ranh, chỉ sau khi anh cập bến đất liền có dăm tháng.

Rồi anh có Nụ cười chiến sĩ – chùm hài kịch ngắn với bốn đêm diễn khai màn vào trung tuần tháng tám tại Vùng bốn Hải quân – đánh dấu cơ hội đầu tiên các nghệ sĩ Nhà hát kịch Tuổi Trẻ được đến với những người lính biển. Nghệ sĩ Đức Khuê - "con bệnh nói nhiều" kể lại, một sĩ quan hải quân thậm chí đã thốt lên, suốt 15 năm nay, họ mới được cười một trận ra trò đến vậy.

Mỗi bài viết về Trường Sa thân yêu mà Dũng đưa lên trang Facebook cá nhân của mình được cả ngàn cư dân mạng nghiền ngẫm, nhận hàng trăm phản hồi - phần đa rất tích cực. Ví như bạn Thu Trang, sau nỗi xúc động từ Nhà giàn và những giọt nước mắt giữa biển khơi của anh đã chia sẻ, "Vậy đó, trước nay toàn buồn khổ vì những người không ra gì. Trong khi đó, có biết bao hy sinh lặng thầm vĩ đại đến vậy mà mình chẳng khi nào để tâm tới". Rất nhiều bạn bình luận ngắn ngọn, "Vinh quang Việt Nam", "Việt Nam quê hương tôi", "Yêu quá Việt Nam ơi"... Trải nghiệm thú vị được sẻ chia qua góc nhìn hóm hỉnh của Dũng đã trở thành "giáo cụ trực quan" giúp lòng yêu nước trong mỗi thành viên thành hình.

Tham gia Cặp đôi hoàn hảo, là bởi vì sau Gặp nhau cuối năm, với Hỏi xoáy đáp xoay, Dũng quá hiểu sức lan tỏa của truyền hình. Và khi có cơ hội lồng ghép tình yêu nước, yêu biển đảo vào những phần thi dung dị, chân thành của mình, anh đã làm được điều lớn lao vượt qua khuôn khổ một cuộc thi giải trí đơn thuần. Dũng cũng bảo, "con người có sai lầm, có thất bại chứ không phải lúc nào cũng thành công. Nhưng có một điều không thể thiếu, đó là phải có cái tâm sáng, luôn nỗ lực hết sức mình phục vụ cho xã hội, cho cộng đồng".

Điều quan trọng ấy, Dũng đã được truyền lại, từ ngọn lửa Trường Sa. Nơi dạy lại cho anh "bài học về lòng yêu nước và lý tưởng sống".

Dũng nghe câu nói giản dị của một cậu lính trẻ chưa tròn tuổi đôi mươi, “được ra đảo là một vinh dự lớn, nếu có phải hy sinh cũng không thấy có gì hối tiếc”. Anh bỗng thấy rằng “mình sao nhỏ bé với những toan tính thường nhật vụn vặt cỏn con”, rằng “cuộc sống của mình trước kia sao nhạt nhòa và quẩn quanh đến vậy”.

H. C. P.

Nguồn: nhandan.com.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn