Nguyễn Thượng Long: Hải Phòng!... Còn đâu nữa niềm tin?

(hay: “Chiều mưa Tiên Lãng… anh đi về đâu?)

Nhà báo Nguyễn Thượng Long

clip_image002

Rời quán Cafe Internet ven con đường Hải Phòng ra Tiên Lãng, giai điệu mượt mà và quá biểu cảm của ca khúc “Chiều mưa biên giới” của Nguyễn Văn Đông qua giọng ca Giao Linh rất tự nhiên hoà quyện với non nước mây trời một vùng đất mà con người đang bền bỉ ngày đêm chế ngự thiên nhiên, trồng rừng lấn biển:

“Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?

Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu

Kìa rừng chiều âm u rét mướt

Chờ người về vui trong giá buốt

người về bơ vơ…”

Giai điệu này cứ vương vấn, quấn quýt trong tôi như một ám ảnh thôi thúc tôi dấn bước tìm đến với những con người của nơi ngọn nguồn bờ bãi này.

***

Lần đó trong vai trò là cộng tác viên của nhiều tờ báo đang rất ăn khách về đề tài chống tiêu cực trong giáo dục, tôi bước vào phòng Tổng Biên tập báo Thanh Tra ngày còn ở cuối đường Đội Cấn - Hà Nội để nộp bài như đã hẹn, chưa trao đổi được gì thì tôi đã nghe thấy ở bên kia bức tường rào văng vẳng vọng đến những âm thanh rất lạ. Bằng linh cảm, tôi ngờ ngợ đó là tiếng réo chửi thì phải. Thấy tôi tò mò, ngơ ngác, người bạn biên tập giải thích:

“Chúng tôi ở đây quen với cảnh đó rồi. Đó là tiếng của một bà má Nam Bộ nhiều ngày dắt theo đàn con lếch thếch trong đám đông dân oan mất đất, mất nhà lặn lội tìm ra đây, những tưởng sẽ tìm được công bằng. Sau nhiều ngày lang thang, vạ vật đói rét, đáp lại chỉ là sự đun đẩy, hứa suông để nay thành ra thân tàn ma dại nơi đất lạ và nỗi đau đã hoá thành những âm thanh của sự nguyền rủa ghê rợn như vậy đấy, chúng tôi ở đây lúc đầu thấy cũng lạ, thấy riết rồi cũng quen”.

Tôi thấy, chuỗi những âm thanh đó, lúc như nghẹn ngào, lúc như uất hận, như cố dướn tới toà nhà lớn cửa đóng im ỉm treo biển THANH TRA CHÍNH PHỦ nằm ngay kề bên dãy nhà của toà soạn. Không hiểu những người đang làm việc trong toà nhà đó đã nghĩ gì về những âm thanh này? Phần tôi, tiếng người miền Tây Nam Bộ nói bình tĩnh đã khó nghe, nghe tiếng chửi của họ lúc giận dữ thì tôi chịu, chẳng hiểu bà má đó đã rủa sả những gì, nhưng tôi hiểu những âm thanh đó đã bật ra từ những khổ đau bất tận, dồn nén sau quá nhiều những dối lừa, nên dù chẳng hiểu bà má nói gì thì trong tôi đã u ám một nỗi buồn và hôm nay nỗi buồn đó theo chân tôi đến vùng đầm phá của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn, người đã chọn cách phản ứng của những sinh linh khi bị dồn đuổi đến chân tường để giáng trả những hành vi không được pháp luật cho phép. Theo tôi, sự kiện Đoàn Văn Vươn đánh dấu một bước ngoặt trọng đại liên quan đến đời sống dân oan Việt Nam đương đại. Sự kiện này đã đi vào lịch sử vì nó nói lên được quá nhiều điều về cuộc sống này:

Trước hết để cưỡng chế một cái “chòi”, lấy cớ rằng anh em họ Đoàn đã chống lại người thi hành công vụ, mà huy động cả một bộ sậu gồm Đại tá Giám đốc Sở Công an thành phố Hải Phòng cùng các Phó Giám đốc, cộng sự, hàng trăm công an, bộ đội với vũ khí, trang thiết bị hiện đại cùng đàn chó nghiệp vụ tràn ngập vùng đầm phá của gia đình Đoàn Văn Vươn, vãi đạn như mưa rồi ủi đổ tan tành ngôi nhà của người ta, thuỷ sản, hoa màu ở đó bị cướp phá, anh em họ Đoàn lọt vòng lao lý, chưa cần biết đúng sai phải quấy thế nào đã bị cạo đầu, mặc áo sọc dưa, vợ con thì bị xích tay dong đường cho ê chề nhục nhã đã.

clip_image004

Hình ảnh này gợi nhớ hình ảnh

tù binh Al Qaeda trong nhà tù của Mỹ ở Guantanamo

clip_image006

Đại tá Công an Đỗ Hữu Ca đang chỉ huy tác chiến tại Đầm Vươn

Đại tá tư lệnh chiến dịch Đỗ Hữu Ca nhiều lần xuất hiện trong bộ đồ cảnh sát dã chiến rất ngầu, ăn đứt hình ảnh Thiếu tướng Chánh Cảnh sát Đô thành Sài Sòn Nguyễn Ngọc Loan kè súng vào mang tai đặc công Bảy Lốp, xiết cò hạ gục ông này giữa đường phố Sài Gòn trong biến cố Mậu Thân 1968, chỉ khác là lần này ông Ca không hạ sát được ai trong gia đình ông Vươn, nhưng đã tổ chức được cuộc họp báo để hể hả tuyên bố đại ý: “Cuộc hành quân cảnh sát đã thành công, chúng tôi được quần chúng nhân dân hoàn toàn ủng hộ. Đây là một trận đánh hợp đồng tác chiến nhiều quân binh chủng đẹp chưa từng có trong các giáo án, có thể viết thành truyện!”, cùng lúc là màn phối hợp hấp tấp của Tuyên Giáo huyện Tiên Lãng để “Quán triệt tư tưởng đảng viên trong huyện”, “cảnh giác với các thế lực thù địch”.

clip_image008

Thiếu tướng Cảnh sát VNCH Nguyễn Ngọc Loan xử bắn tù binh Bảy Lốp

Tiếp đó báo chí “Lề Phải”, “Lề Đảng” của Hải Phòng thì nhao nhao rằng Đoàn Văn Vươn chẳng làm gì lợi cho cộng đồng, cho xã hội, ngoài tư lợi cho bản thân và gia đình mình, rằng Đoàn Văn Vươn là “giang hồ đất Cảng có số má, vô cùng nguy hiểm”. Như cảm thấy chưa đủ, chưa yên tâm, Phó Chủ tịch Hải Phòng Đỗ Trung Thoại đi nước cờ khoá đuôi, đón lõng sẵn, chạy tội cho đệ tử: “Do bức xúc mà người dân đã dật đổ ngôi nhà”, hai tuần sau lại đổi giọng: “…không biết ai đã giật đổ ngôi nhà?”. Và cuối cùng, ngày 10 – 2 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về diễn xuất luôn cả ba vai Lập Pháp – Hành Pháp – Tư Pháp trong kết luận cuối cùng: “…vụ Tiên Lãng là trái pháp luật”, ông Dũng nhắc nhở: “…khẩn trương đưa vụ án giết người và chống người thi hành công vụ ra xét xử”. Với ban lãnh đạo Hải Phòng, chỗ dựa vững chắc cho các cái sai thì chỉ là “…kiểm điểm làm rõ trách nhiệm”“… rút kinh nghiệm”…

Những gì mà ông Dũng đã nói trong chuyến vi hành này đã gây nên một cơn bão táp tán tụng, tung hô ông Dũng trên các trang báo “Lề Đảng”. Nhưng có một thực tế không thấy mấy ai nói tới:

Trước thời điểm 10 -2 – 2012, nếu ai ai cũng viện dẫn “Phản biện xã hội không phải là việc của mình” như Giáo sư Ngô Bảo Châu chủ trương, cũng “trùm chăn” như các ông “Trí Ngủ”, nếu không có những phản biện kịp thời của những trí thức dấn thân, các lão thành cách mạng, những chia sẻ của những người có lương tri… không biết bản chất thật của vụ cưỡng chế này còn bị đánh tráo, bị xuyên tạc, bị bóp méo tới đâu và đã chắc gì có ngày 10 - 2 – 2012, ngày ông Dũng vì bất đắc dĩ đã phải ghé mắt đến cái bãi biển này để “ra tay cứu rỗi!” và làm gì có cơ hội để đám bồi bút múa bút tung hô!?

Đến nay rất dễ thấy, sau những gì đã xảy ra trên đất Tiên Lãng, đã le lói phát lộ một cách chân thực nhất cả một đường dây đặc quyền đặc lợi từ cơ sở xã Vinh Quang – huyện Tiên Lãng vắt qua thành phố Hải Phòng và có thể lắm, đường dây đó sẽ kết thúc ở nơi cao hơn, xa hơn Hải Phòng, nơi mà bác Lê Hiền Đức nói là “hình ảnh phóng to của Tiên Lãng”, nơi đó sẽ lấp ló là những ai nữa đây? Vì sao đã có nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 về chỉnh đốn Đảng rồi mà nhiều vị “vua” trong các vị “vua tập thể”, các Uỷ viên Trung ương Đảng, các Đại biểu Quốc hội của Quốc hội khoá 13 cứ 6 tháng lại nhóm họp một lần, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng… đến hôm nay vẫn chưa một lần lên tiếng! Đường dây đó đang được mô tả là “nhóm lợi ích” !? Thuật ngữ mang tính nửa vời và hết sức trung dung, trung tính này là sản phẩm của ai? Của những lý luận gia cao cấp nào, hay của những phản biện gia theo trường phái “phản biện trung thành”? Của ai thì cũng là không ổn, không thuyết phục. Tôi nghĩ nếu nói “nhóm lợi ích” là đám “cướp ngày” thì có thể hơi quá, nhưng sẽ chẳng hề oan khi gọi đó là đường dây của những kẻ có “đặc quyền - đặc lợi”, được ăn trên ngồi trốc.

Một khi quan niệm “đầu tư cho chức quyền” là đầu tư sẽ có lãi khủng nhất và điều đó vẫn mặc nhiên tồn tại như một tư tưởng chính thống của thời đại thì việc không ai phải kỷ luật cả sau khi “quả bom nguyên tử Vinashin 4,5 tỉ USD” của nhân dân phát nổ là không có gì khó hiểu và đương nhiên ông Dũng hay bất cứ ông nào khác dính dấp tới vụ này cũng chẳng dại gì mà phải từ chức như đã hứa. Như vậy vấn nạn “chạy quyền – chạy chức” vẫn ngang nhiên thách thức, ngang nhiên tồn tại trong mọi hang cùng ngõ hẻm của cuộc sống này… thì cũng sẽ chẳng có gì là đảm bảo là không còn xuất hiện những vụ “Đoàn Văn Vươn” mới dữ dội và quyết liệt hơn nữa trong tương lai.

Chưa biết rồi những kết luận của ông Dũng có đem lại một kết quả nào cho dân Tiên Lãng nói riêng, cho dân oan Việt Nam nói chung không? Trong khi đó những đổ bể của thương vụ làm ăn này cũng đã làm bật tung ra những hình dong đích thực của những “đầy tớ” trung thành của dân. Hoá ra sau những danh xưng trí trá này, lại là những gương mặt nếu không cô hồn thì cũng là dị hợm, nếu không nhẫn tâm thì cũng là ác đức. Họ đang đi đứng vào ra những toà nhà, những xe hơi sang trọng, đang sở hữu những vi la, biệt thự nguy nga và họ không thôi bôi bác dè bỉu những nhà “chòi trông cá”, những lều lán mà anh em Đoàn Văn Vươn cùng biết bao nông dân , dân oan Việt Nam đang nương náu. Họ là những kẻ tráo trở ở cơ quan tư pháp Tiên Lãng và Hải Phòng trong trò lừa đảo anh em nhà Đoàn Văn Vươn rút đơn khởi kiện. Đó là kẻ hể hả tự sướng, coi vụ tập kích vào ngôi nhà của anh em Đoàn Văn Vươn đang sở hữu hợp pháp là “trận đánh đẹp, chưa từng thấy trong các giáo án hiện hành!”. Đó là kẻ chạy tội cho đồng bọn, bằng chiêu đổ thừa vụ phá nhà anh em Đoàn Văn Vươn cho nhân dân xã Vinh Quang - Tiên Lãng…

Ngôi nhà của anh em họ Đoàn đã bị ủi đổ thì cũng làm sập đổ luôn cái huyền thoại dai dẳng lâu nay rằng “chính quyền là của dân, do dân và vì dân!”, phơi bày đầy đủ luôn giữa thanh thiên bạch nhật những nỗi bất công, thiệt thòi mà người nông dân Việt Nam nhiều thập kỷ nay phải chấp nhận.

Những mất mát của anh em họ Đoàn thực ra chẳng là gì so với những bất công, mất mát, thiệt thòi, khổ đau của biết bao nông dân trong Nam, ngoài Bắc đã từng mất nhà, mất đất cho cuộc vinh thân phì gia của một nhúm những kẻ có đặc quyền đặc lợi trong cái “Mô hình Tiên Lãng phóng to” đó, nhưng… lời minh định của người em dâu ông Đoàn Văn Vươn: “Gia đình chúng em chấp nhận mất để cả xã hội được!” … là một phát lộ nhân cách, biểu đạt một thái độ sống cao đẹp hơn hẳn mấy ông lớn ở Tiên Lãng, Hải Phòng nhà cao cửa rộng và chắc là toàn xài bằng giả đang nhớn nhác lo không kịp thu hồi vốn liếng đã đầu tư vì phi vụ đổ bể này. Câu nói của người phụ nữ nông dân ít học đó xứng đáng là câu nói hay nhất trong năm và có giá trị làm tỉnh thức các “Trí Ngủ” đang ngáp ngắn, ngáp dài. Và như thế họ là hiện thân của ÁNH SÁNG đẩy lùi ĐÊM ĐEN. Hành động của họ, việc làm của họ chỉ ra một thực trạng: Điều gì phải đến rồi sẽ đến, không thể đảo ngược được.

***

Giã biệt một chiều Tiên Lãng hiếm hoi, trong tôi hỗn độn là những tạp niệm vui buồn, âu lo, hy vọng và thất vọng. Lang thang trong cái se lạnh của những đợt gió mùa Đông Bắc đang ào ạt kéo về, giữa dòng người, dòng xe cộ đang cuộn trôi… không biết những người đồng bào của tôi đang ở phía trước tôi, sau lưng tôi, bên phải tôi, bên trái tôi, những người bạn học chí thân của tôi gốc Hải Phòng từ hơn 40 năm trước đang ở rất gần nơi tôi đang đứng… những ngày này mọi người đang nghĩ ngợi gì về các địa danh Vinh Quang – Tiên Lãng – Hải Phòng quê hương mình, về những anh em và gia đình họ Đoàn, về những lời tán thán, tâng bốc quá vội dành cho những gì mà ông Dũng mới kết luận trong chuyến vi hành tới Hải Phòng ngày 10 – 2 – 2012? Họ đang nghĩ gì về những ông lớn mang tên họ Ngô…, họ Lê…, họ Đỗ…, họ Nguyễn… ở mảnh đất này và không biết mọi người có tin rồi mai này vấn đề Tiên Lãng sẽ được xét xử công bằng đúng pháp luật, đúng đạo lý? Nếu ai hỏi tôi câu hỏi đó, tôi sẽ trả lời thẳng:

Tin sao được khi những người làm sai, làm trái ở Hải Phòng như Đại tá Đỗ Hữu Ca và Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng Đỗ Trung Thoại lại là những người nhân danh công lý đi thực thi những kết luận của Thủ tướng!?… nên không có gì là lạ, túp lều ở tạm của vợ con anh em họ Đoàn vừa dựng lên dịp tết lại vừa bị người xấu giật đổ, bàn thờ tổ tiên ông bà bị ném xuống sông!?

Tin sao được khi chỉ một tuần lễ sau chuyến công cán tại Hải Phòng (10 – 2) với những kết luận, thực ra cũng chỉ là nửa vời của ông Dũng thì… trong bài nói chuyện với các cán bộ trung cao tại câu lạc bộ hưu trí Bạch Đằng (17 – 2) ông Nguyễn Văn Thành – Trung ương Uỷ viên Đảng Cộng sản, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng chắc là có “vua” nào đó đỡ lưng, đã dám hùng hổ phủ nhận gần như hoàn toàn những kết luận của ông Dũng, xúc phạm báo chí, coi thường người nghe… làm các lão thành cách mạng của Thành phố Cảng nổi giận đòi Bộ Chính trị cách chức ông này.

Tin sao được khi vấn đề nhạy cảm, hệ trọng hơn vấn đề Tiên Lãng nhiều, vấn đề liên quan đến sự vẹn toàn của lãnh thổ, đến danh dự của cả dân tộc là vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa mà chỉ mình ông Nguyễn Tấn Dũng là được nói “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” còn những công dân yêu nước như Phạm Thanh Nghiên, Vũ Cao Quận, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Văn Nhàn, Nguyễn Văn Túc, Phạm Văn Trội, Nguyễn Văn Hải, Vũ Hùng, Cù Huy Hà Vũ, Vi Đức Hồi, Bùi Thị Minh Hằng… và nhiều người khác cũng nói thế, lại còn nói trước ông Dũng rất lâu thì người bị đi tù, người thì phải đi phục hồi nhân phẩm? Tôi nghĩ có ngày tôi, đồng nghiệp của tôi đang còn đứng bục giảng, học trò của chúng tôi trong các nhà trường… cũng có thể lọt vòng lao lý vì thầy trò chúng tôi cũng luôn dạy nhau câu: “Hoàng Sa – Trường Sa là của người Việt Nam”.

Trong một môi trường sống loạn chuẩn như thế, điều gì cũng có thể xảy ra và sẽ không thể có một niềm tin nào hết. Có lẽ câu cửa miệng của người đời “Hãy Đợi Đấy” và lời nhắn gửi của Juliút Phuxích, nhà báo cộng sản Tiệp Khắc nhiều thập kỷ trước, viết trong “Viết dưới giá treo cổ”: “NHÂN LOẠI HỠI! HÃY CẢNH GIÁC!” đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Vậy đến bao giờ người Việt Nam sẽ thôi phải nơm nớp lo cảnh giác để niềm tin trở lại? Trả lời câu hỏi này không khó. Đó là lúc người Việt Nam bước ra khỏi “Mê Lộ” của những giáo điều đã quá xơ cứng, là lúc người trí thức Việt Nam không phải “…rụt rè gà phải cáo” và “…cố đấm ăn sôi” nữa, là lúc nông dân với 70 % dân số được trao trả quyền sở hữu thực sự trên chính mảnh đất của mình, là lúc người Việt Nam được hưởng quyền con người như các dân tộc văn minh đang được hưởng… tức là lúc xã hội Việt Nam có dân chủ thực sự.

Tôi đến với Tiên Lãng trong cảm hứng da diết của lời ca trong bài “Chiều mưa biên giới…” của Nguyễn Văn Đông:

“…kìa rừng chiều âm u rét mướt

Chờ người về vui trong giá buốt… người về bơ vơ!”

Tôi giã từ Hải Phòng, trong tâm khảm phảng phất một cảm xúc rất Thiền:

“…lòng trần còn tơ vương Khanh – Tướng

Thì đường trần mưa bay gió cuốn… còn nhiều anh ơi!”

Cảm xúc này xin gửi cho các “đầy tớ” của nhân dân ở xã Vinh Quang, ở huyện Tiên Lãng, ở thành phố Hải Phòng và ở cả cái thực thể phóng to từ những địa danh này mà bác Lê Hiền Đức đã nói tới. Xin gửi tới những Khanh Tướng đã tham gia cuộc cưỡng chế vì “nhóm lợi ích” và gửi cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng người đã có công vỗ về gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn những ngày vì khát vọng được sống trong tư cách NGƯỜI, được hy sinh phần cá nhân, để cả xã hội được, mà phải thành thân tàn ma dại, tan cửa nát nhà ./.

Tiên Lãng một chiều đầu năm Nhâm Thìn

N. T. L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn