Luật pháp và nhân dân, nhìn từ cưỡng chế đất đai

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

Bài viết sau đây của Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương cho thấy cuộc cưỡng chế Văn Giang tàn nhẫn đối với người sống ra sao. Nhưng có lẽ Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương cũng như nhiều người khác chưa biết một góc khuất nữa: nó tàn nhẫn cả đối với người đã chết. Người ta ủi trắng cả mồ mả ông cha người dân Văn Giang, khiến họ sau cuộc cưỡng chế phải lần tìm từng mẩu xương của người thân. Xin xem video clip sau đây:

 

Bauxite Việt Nam

Vụ cưỡng chế thu hồi 5,8 ha đất của 166 hộ dân Xuân Quan, Văn Giang, sử dụng tới ngàn nhân viên công lực, tỷ lệ áp đảo 6-7 nhân viên công lực / 1 đối tượng cưỡng chế, kéo dài từ 7 giờ sáng tới 11 giờ trưa, được Phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Khắc Hào báo cáo trước Thủ tướng là đã “hoàn thành” và “đúng luật”, mà không hề tự đặt ra bất cứ một câu hỏi nào day dứt về trách nhiệm chính quyền điạ phương đối với lợi ích, số phận sống còn, mưu sinh của 166 hộ dân bị cưỡng chế, vốn cũng là nhân dân; không thể không đặt ra câu hỏi: chẳng nhẽ chính quyền sinh ra cứ miễn hành xử đúng luật là xong? Hay 166 đối tượng cưỡng chế không thuộc nhân dân? Cách đây 22 năm, năm 1990, Helmut Kohl, Thủ tướng CHLB Đức lúc đó, long trọng cam kết, nước Đức tái thống nhất sẽ không có một người dân Đông Đức nào cuộc sống thấp hơn trước. Ngay sau đó, Ngân hàng Liên bang Đức đưa ra tỷ lệ đổi tiền, 2 Đông Đức mark ăn 1 Tây Đức mark, lập tức nhiều thành phố Đông Đức, hàng trăm ngàn người dân từng hừng hực biểu tình đòi thống nhất đất nước, đổ xuống đường phản đối tỷ lệ trên với khẩu hiệu: Chúng tôi cũng là nhân dân, chúng tôi không phải một nửa người Đức, buộc Dự thảo Hiệp ước Liên minh Tiền tệ hai nước Đức phải thay đổi. Vụ Văn Giang ở ta, 166 hộ bị cưỡng chế rõ ràng không nằm ngoài nhân dân, họ chống thu hồi, chỉ do bị thua thiệt quyền lợi so với Ecopark, mà lẽ ra chính quyền điạ phương của dân do dân vì dân, phải có bổn phận công bộc đứng về phiá họ bênh vực, tương tự như người dân Đông Đức biểu tình vì thấy mình bị thua thiệt một nửa so với Tây Đức hoàn toàn không nhằm chống phá hay lật đổ nhà nước vốn được chính họ vừa mới trước đó đấu tranh tạo dựng nên.

Cùng thời gian từ vụ cưỡng chế Tiên Lãng tới vụ cưỡng chế Tiên Lãng Văn Giang, đến nay ở Đức dư luận vẫn tiếp tục lên tiếng, đòi Bộ trưởng Nội vụ các Tiểu bang phải rút ra bài học cay đắng từ sự kiện Bộ trưởng Nội vụ Tiểu bang Niedersachsen ra lệnh cưỡng chế, trục xuất một gia đình người Việt 4 thành viên, nhưng sau 83 ngày, dưới áp lực chính trường, các tổ chức dân sự, hội đoàn, công luận, buộc phải đón trở lại, gánh chịu toàn bộ phí tổn trục xuất lẫn tái nhập cảnh, bảo đảm mọi điều kiện ăn, ở, đi lại, học hành, việc làm cho gia đình họ; mặc dù vụ trục xuất hoàn toàn đúng cả về văn bản pháp lý áp dụng, lẫn trình tự, thủ tục thi hành: Hai vợ chồng người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Đức hai mươi năm trước, được chính quyền vận dụng mọi điều khoản Luật Tỵ nạn, Luật Ngoại kiều xét quyền ở lại, nhưng đều không đủ điều kiện; cho khiếu nại lên Quốc hội xem xét nhân đạo cũng bị từ chối, đệ đơn lên Ủy ban cứu xét các trường hợp đặc biệt cũng bị bác bỏ, với lý do người chồng đã vi phạm pháp luật trong quá khứ, từng 1 lần khai tên giả, 1 lần trốn sống lưu vong, 1 lần vào nhà Thờ tỵ nạn, để trốn tránh trục xuất. Khi mọi khả năng pháp lý cứu xét ở lại chấm hết, Bộ trưởng Nội vụ Tiểu bang vốn chịu trách nhiệm pháp lý về trục xuất, liền ký lệnh cưỡng chế. Tuy nhiên, tới thời điểm này, gia đình người Việt đã có 20 năm, tức 1/5 đời người gắn chặt với nước Đức, con cái sinh ra ở Đức đi học trường Đức, bố mẹ làm việc cho công ty Đức, đóng thuế, sinh hoạt cộng đồng với người Đức như người Đức, nay bỗng chốc bị trục xuất ra khỏi nước Đức làm dân xóm, các đảng phái, nghị sỹ các cấp, các tổ chức dân sự, công ty, trường học nơi gia đình người Việt làm việc, con cái theo học, tất cả đều cảm giác như nhà nước Đức đã đuổi một công dân Đức ra khỏi tổ quốc họ, lập tức đồng loạt lên tiếng bảo vệ, chỉ trích Bộ trưởng hành xử không nhân tính, dù đúng pháp luật, đòi dứt khoát phải đón trở lại. Bởi nhà nước dân chủ, thực chất chỉ là công cụ phục vụ người dân, chứ không phải ngược lại; pháp luật cũng vậy, do nhà nước đẻ ra, chứ không phải từ trên trời rơi xuống; nhà chức trách không thể như “thiên lôi”, pháp luật “chỉ đâu đánh đấy”, phải biết “dừng tay” một khi cuộc sống, mệnh hệ người dân bị đe doạ dù đó là văn bản pháp lý gì. Nguyên lý pháp luật phải vì dân nói trên, chắc chắn ở cấp Phó Chủ tịch tỉnh không thể không biết, nhưng báo cáo của ông Nguyễn Khắc Hào cho thấy một sự ngộ nhận trầm trọng khi áp dụng vào thực tế, cần được công luận làm sáng tỏ, nếu không muốn lặp lại làm dân chúng bất bình, chính quyền bị tai tiếng, châm ngòi cho mọi nguy cơ bất ổn xã hội bùng nổ, vốn trong thế giới hiện đại có khi chỉ từ một hiện tượng đơn lẻ bất ngờ như vụ tự thiêu ở Tunisia.

Dù đất đai thuộc sở hữu gì, thì bất cứ nhà nước nào cũng có quyền “thu hồi” để phục vụ lợi ích công cộng, không phải chỉ khi đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước mới có quyền đó, như nhiều ngộ nhận. Nhưng thu hồi đất ở Văn Giang hoàn toàn không phải để nhà nước sử dụng với mục đích công mà để giao lại cho Ecopark cũng là tư nhân, chủ tư bản đầu tư sử dụng. Do đó, vụ cưỡng chế, dù văn bản luật nào cho phép, thì thực chất vẫn là nhà nước áp dụng biện pháp hành chính để giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất đai vì mục đích kinh tế chứ không phải mục đích công, vốn bình đẳng ngang nhau giữa một bên là 166 hộ dân và bên kia Ecopark; nhưng nhà nước lại đứng về phiá chủ tư bản Ecopark. Đây chính là bản chất, gốc rễ dẫn tới chống thu hồi, có thể xảy ra bất cứ đâu, không chỉ ở ta, mà bất kỳ quốc gia nào, trong thời đại nào, không phụ thuộc người dân là ai, cấp chính quyền nào hành xử, một khi thay vì lấy chuẩn mực công bằng làm thước đo giải quyết tranh chấp lợi ích để cả hai bên cùng thoả mãn, thì lại sử dụng cưỡng chế, vốn là một biện pháp hành chính, đồng nghĩa sử dụng bạo lực nhà nước nhắm vào người dân – chủ nhân của mình. Đó là ngọn nguồn của mọi bất ổn.

Để lý giải cưỡng chế là đúng đắn, báo cáo xuất phát từ quan điểm so sánh giữa lợi ích Ecopark sử dụng đạt “hiệu quả kinh tế cao” hơn để nguyên cho hộ nông dân sử dụng, dẫn tới ngộ nhận, thu hồi đất giao cho Ecopark (chủ tư bản) sử dụng là “chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Quan điểm này hoàn toàn mâu thuẫn với tôn chỉ mục đích của mọi đảng Cộng sản theo học thuyết Mác trên thế giới dù nước họ theo chế độ xã hội nào, được chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên cáo trong chuyến thăm Cuba vừa qua: “Quyền lực đó (của nhà nước tư bản) vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có, phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản”. Chính để tránh nguy cơ tiềm ẩn từ định đề trích kinh điển chủ nghĩa Mác trên, các nước công nghiệp hiện đại vốn thừa nhận, kích thích “hiệu quả kinh tế cao” của tư bản, đã không bao giờ đứng về phiá tư bản trong bất kỳ giải quyết tranh chấp quyền lợi nào với người dân. Ở Đức, đố ông chủ nhà nào dám đuổi lập tức người thuê nhà ra đường dù họ không trả tiền nhà, đố ông chủ doanh nghiệp nào dám thải hồi ngay người lao động mà họ không hề vi phạm pháp lý gì, đố ông chủ ngân hàng nào dám xiết nợ chỗ ở dùng thế chấp, một khi họ không chốn nương thân, đố ông chủ bệnh viện nào dám đuổi bệnh nhân ra khỏi bệnh viện dù họ không trả viện phí… Trong các trường hợp trên, để đảm bảo lợi ích cho nhà tư bản, nhà nước chỉ còn cách đứng ra bảo lãnh cuộc sống cho người dân, một khi họ không thể tự đảm đương nổi, chứ không phải đứng về phiá giới chủ cưỡng chế người dân, bất chấp vận mệnh của họ. Vụ cưỡng chế mang bản chất tranh chấp lợi ích giữa tư bản và nông dân như ở Văn Giang chưa và không bao giờ xảy ra ở Đức, tính từ Hiến pháp 1949. Quan điểm lấy “hiệu quả kinh tế” làm thước đo giải quyết tranh chấp quyền lợi có thể phân tích sâu xa hơn cả trên bình diện quốc tế, nếu biết rằng thực dân Pháp từng mang “lá cờ bình đẳng tự do bác ái”, “khai hoá văn minh” cho An Nam, để “cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”.

Từ ngộ nhận trên đã dẫn tới hàng loạt hệ lụy gây bức xúc dân chúng, công luận, đặt cho nhà nước nhiều vấn đề chính sách phải trả lời, nếu không muốn bất ổn đất đai tiếp tục. Trước hết chính quyền điạ phương vốn là cấp thi hành, nhưng hoàn toàn quan liêu, thiếu dẫn liệu, khi báo cáo với Thủ tướng, cưỡng chế “được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ [cụ thể bao nhiêu 51% hay 99% và họ là ai?]”, “không thể vì một số người chống đối [166 người là số nhiều hay số ít?] mà không triển khai thực hiện”, trong khi đó, mức độ chênh lệch lợi ích giữa hai bên tranh chấp, có thể định lượng được: Ecopark bán giá căn hộ trên dưới 20 triệu đồng/ m2, giá biệt thự và nhà phố trên dưới 45 triệu đồng/ m2, so với giá đền bù chỉ 135.000 đồng/m2, vốn quyết định tầm cấp tranh chấp lại không đề cập tới, để giải quyết. Ở Đức, với siêu bất bình đẳng lợi ích này, không cần công luận lên tiếng, nhà nước đã phải can thiệp, nếu xảy ra ở nước họ. Đến như xăng dầu hay thực phẩm, khi giá cả leo thang, lo ngại tư bản đầu cơ nâng giá gây thiệt hại người dân, luật pháp buộc chủ kinh doanh phải bạch hoá ngay với cơ quan chức năng, đầu vào, đầu ra, thậm chí quy định cả thời điểm nâng giá, để khống chế lợi nhuận đầu cơ (chứ không phải cưỡng chế, bởi kinh doanh thuộc quyền tự do).

Tranh chấp lợi ích giữa 166 hộ dân với Ecopark là tranh chấp dân sự, vì lợi ích kinh tế, nhưng để biện minh cho cưỡng chế hành chính, báo cáo đã chính trị hoá, không cần bằng chứng, đẩy lên thành tranh chấp đối kháng địch ta giữa “bọn phản động trong nước và nước ngoài” với đảng và nhà nước, lẫn hình sự hoá, quy kết người dân không chấp hành là “chống đảng và nhà nước”, “lợi dụng dân chủ”, “hùa theo” những “phần tử tiêu cực, bất mãn, phản động”. Một khi cưỡng chế được xác định chống lại “bọn phản động”, phải chiến thắng, thì nó sẽ tuân theo quy luật cuộc chiến; một số người dân, phóng viên tại hiện trường bị vô cớ bắt bớ đánh đập như đã xảy ra chính nằm trong quy luật đó. Hệ lụy chưa biết rồi sẽ tới đâu, khi báo cáo còn đề xuất: “xử lý được 9 người [cầm đầu] sẽ khắc phục được tình trạng tập trung đông người, kéo lên cơ quan Trung ương hiện nay”, mặc dù họ chỉ cùng nhau bảo vệ lợi ích mình, vốn dĩ bản năng của con người. Rốt cuộc, người thiệt hại không phải “bọn phản động” nào cả, mà chính 166 hộ dân không được nhà nước bảo vệ lợi ích so với Ecopark; bao ngưòi dân, lẫn nhà báo tại hiện trường bị hành hung, bắt giữ; những tiếng nói bảo vệ lợi ích cho người dân bị coi như “bọn phản động”. Về mặt chính trị xã hội, nếu đề xuất xử lý trên được thực hiện, tương lai người dân sẽ bị cô lập ở điạ phương, tiền đề cho một chính quyền cát cứ, đồng thời gây hội chứng đạo đức vô cảm trước nỗi khốn cùng của đồng loại, bởi ai muốn giúp đỡ bảo vệ, đều sợ liên lụy.

“Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội”, không chỉ Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Hào, mà chắc chắn bất cứ ai ngồi vào vị trí đó cũng có thể hành xử tương tự, khi báo cáo khẳng định, cưỡng chế “do chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh và sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công an”, nghĩa là trách nhiệm thuộc toàn bộ hệ thống chính trị cả dọc lẫn ngang, nên ai ký lệnh cưỡng chế cũng vậy, dù hậu quả tới đâu, đều không phải chịu trách nhiệm pháp lý như trường hợp Bộ trưởng Nội vụ Niedersachsen Đức. Mối quan hệ đảng, các cấp ban ngành nhà nước, ở quốc gia nào cũng có, không một quyết định chính sách nhà nước nào theo chế độ dân chủ nghị viện không qua những rào cản như chính phủ, quốc hội, tổng thống, đảng họ, nhưng ở các quốc gia hiện đại, bất cứ quyết định chính trị, hành chính nào, người ký lệnh thi hành đều phải gánh trách nhiệm, chịu đào thải, bằng từ nhiệm hoặc miễn nhiệm, cho dù bao nhiêu cấp thông qua. Guido Westerwelle, người tiền nhiệm của Philipp Rösler Chủ tịch đảng FDP, Phó Thủ tướng Đức, gốc Việt hiện nay, từng phải từ chức, do mắc sai lầm bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Lybia bị công luận chính trường phản đối kịch liệt, mặc dù đó là quyết định của Chính phủ Đức, không phải chỉ cá nhân Westerwelle.

Lời cảnh báo của Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An ngay giữa nghị trường trước đây: “Đừng lôi Đảng vào!”, phản ảnh chính nguyên lý đào thải trên. Niềm tin vào đảng cầm quyền và nhà nước chính nhờ nguyên lý đó, bảo đảm cho người dân luôn yên tâm với chính sách luật pháp nhà nước, không bị biến thái bởi những nhân sự yếu kém của bộ máy nhà nước lấy uy danh đảng, nhà nước làm bình phong che chắn. Vì vậy, nguyên lý đào thải trên, ở ta cần được hiến định và luật hoá như các nước hiện đại, sử dụng chế tài điều chỉnh mọi hoạt động, chức danh, trong bộ máy chính quyền từ tổng thống trở xuống; trong đó dấu hiệu đặc biệt quan trọng quyết định niềm tin ở dân chính là tính trung thực của quan chức, chính khách; mỗi phát ngôn trước chính trường hay báo chí phải được coi là tuyên thệ, nghĩa là sai phải chịu đào thải. Chỉ khi đó, cơ quan dân cử mới đủ sức mạnh thực sự, thay mặt dân giám sát cơ quan công quyền cùng bộ máy nhân sự của nó. Cựu Tổng thống Đức buộc phải từ chức ngày 31.5.2010, chỉ bởi phát ngôn trước quân đội đồn trú Đức ở Afghanistan, sai đúng một câu: “Trường hợp khẩn cấp, can thiệp quân sự là cần thiết để bảo vệ lợi ích nước Đức, như tự do thương mại chẳng hạn”, bị chính trường chỉ trích kịch liệt, cáo buộc có tư tưởng sử dụng quân đội sai Hiến pháp. Tới ngày 17.2.2012, Tổng thống kế nhiệm Christian Wulf cũng buộc phải từ chức với nhiều lý do, trong đó có vụ xảy ra hồi còn làm Thủ hiến Tiểu bang Niedersachsen trả lời chất vấn Quốc hội Tiểu bang sai sự thực. Với câu hỏi có hay không mối quan hệ với doanh nhân Egon Geerkens khi vay ưu đãi tín dụng vợ ông ta để làm nhà, Wulf trả lời không, nhưng tới thời điểm trở thành Tổng thống bị dư luận phát hiện là có.

Là công cụ phục vụ lợi ích từng người dân (chứ không phải nhân dân chung chung), bất cứ văn bản luật nào một khi có nguy cơ đe doạ cuộc sống, mệnh hệ của họ đều buộc phải dừng lại. Chính thế, luật pháp phải luôn bổ sung, sửa đổi, thay thế, cải cách, bất cứ lúc nào lợi ích người dân đặt ra. Vậy liệu 70% vụ khiếu kiện nước ta thuộc về đất đai đã đủ gióng lên hồi chuông báo động đòi hỏi khẩn thiết sửa đổi luật đất đai hiện hành hay chưa? Nếu không, còn phải đợi tới tỷ lệ bao nhiêu nữa? Liệu tiếng nói tới 70% cử tri khiếu kiện vướng mắc về đất đai đó, có đến được những Đại biểu Quốc hội mà chính họ đã từng gửi gắm niềm tin bảo vệ quyền lợi cho bản thân mình nơi lá phiếu?

N. S. P.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn