Cần sớm sửa Luật Đất đai – Góp ý về lĩnh vực giao và thu hồi đất

Thái Bình

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết đưa Luật Đất đai sửa đổi ra Quốc hội cho ý kiến vào năm 2013, tôi có vài ý kiến về sửa Luật Đất đai sau đây.

Chúng ta có quá nhiều bất cập trong thực hiện Luật Đất đai. Khiếu kiện, tham những nhiều năm qua chủ yếu từ đất đai, tham nhũng làm giàu bất chính cũng từ đất đai, bao nhiêu nỗi đau tủi nhục, oan ức của người dân cũng có nguồn gốc đất đai...

Hai vụ cưỡng chế thu hồi đất đai ở huyện Tiên Lãng - Hải Phòng hồi tháng 1-2012 và huyện Văn Giang - Hưng Yên cuối tháng Tư vừa qua gây xôn xao dư luận trong nước và quốc tế. Vụ cưỡng chế thu hồi đất huyện Tiên Lãng có thương vong, vụ cưỡng chế thu hồi đất Văn Giang tuy không có thương vong, nhưng chính quyền tỉnh Hưng Yên đã huy động một lực lượng lớn công an, dân phòng, nghe nói có cả xã hội đen, tính theo biên chế quân đội thì tương đương một Trung đoàn và được trang bị tương đối đầy đủ, từ lựu đạn cay , khiên, súng... để chống lại hàng trăm nông dân chân lấm tay bùn.

Câu hỏi đặt ra là thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội là nhu cầu của của phát triển đất nước, trong đó có nhu cầu và quyền lợi của người dân, nhưng sao dân không đồng tình và chống đối quyết liệt vậy?

Cần đi sâu phân tích bản chất sự việc là gì? Có tìm được bản chất thì mới có giải pháp khắc phục. Ở đây đã hình thành hai phe: một bên là chính quyền đứng hẳn về phía chủ đầu tư, kiên quyết thu hồi bằng được đất của nông dân; một bên là nông dân kiên quyết chống lại việc thu hồi đất đó.

Phân tích kỹ ở đây vẫn là quyền lợi, quyền lợi của nông dân mất ruộng đất, quyền lợi của chủ dự án, có thể cả quyền lợi của các quan tham trong các cấp chính quyền. Lợi dụng sơ hở của luật pháp mà ở đây là Luật Đất đai, chính quyền có thể đã cấu kết với chủ đầu tư gần như cướp không (đền bù được trên dưới 40 triệu đồng/360m2 của Dự án Ecopark) tư liệu sản xuất duy nhất của người nông dân và – rất vô lý – lấy tư liệu sản xuất cướp được của nông dân giao cho người khác làm giàu trên chính tư liệu sản xuất đó, đẩy nông dân vào thế trắng tay, không cần biết người nông dân cầm được mấy chục triệu đồng, tiêu hết tiền thì cuộc sống của họ ngày mai thế nào, tương lai con cái họ ra sao. Nông dân không chống lại mới là chuyện lạ.

Trong khi đó, ngay sát mảnh đất Văn Giang - Hưng Yên, các xã huyện Gia Lâm - Hà Nội, nếu thu hồi đất người nông dân ở đó được bồi thường hàng trăm triệu đồng/360m2 ( trên dưới 1 triệu đồng/m2)

Chúng ta thấy rằng chỉ có khi chiến tranh, nhà nước mới huy động cả Trung đoàn đánh giặc, hoà bình rồi thì nếu không có ma lực của đồng tiền chắc chính quyền tỉnh Hưng Yên không làm mạnh đến thế?

Chúng ta còn thấy ở đây một hiện tượng nữa là chính quyền các cấp cố tình làm sai, như vụ Tiên Lãng - Hải Phòng, vụ Văn Giang chưa có kết luận của cấp có thẩm quyền.

Để khắc phục tình trạng trên có hai vấn đề cơ bản:

1/ Trừng trị nghiêm khắc các quan tham các cấp cố tình làm sai luật.

2/ Sửa tận gốc Luật Đất đai năm 2003.

Vấn đề 1 - thực hiện như tiêu đề.

Vấn đề 2 - Đối với nông dân, đất là tư liệu sản xuất duy nhất nuôi sống họ và gia đình hàng ngàn đời nay, vì thế giao đất và thu hồi đất nên theo hướng sau:

+ Giao đất - Xác định đất là tư liệu sản xuất chủ yếu của nông nên phải giao lâu dài để họ yên tâm đầu tư sản xuất. Tại sao Luật Đất đai hiện chỉ giao 20 năm?

+ Thu hồi đất - Khi thu hồi phải có chính sách để nông dân có cuộc sống sau thu hồi đất ổn định và tốt hơn. Nếu không giải quyết được vấn đề đời sống nông dân sau thu hồi đất, thì vấn đề thu hồi đất vẫn là nan giải, người nông dân vẫn bức xúc, kiện cáo vẫn tiếp tục và việc chống lại thu hồi đất vẫn xảy ra.

Mục đích thu hồi đất được phải chia làm hai loại:

Loại thứ nhất vì nhu cầu phát triển công cộng, như giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện...

Loại thứ hai để phục vụ kinh doanh, trong đó có cả dự án phát triển đô thị như Dự án Ecopark...

Nếu thu hồi đất để phục vụ công trình công cộng thì nhà nước phải lo cho người dân bị mất đất; lo nhà ở, lo việc làm cho người mất đất còn độ tuổi lao động, hết tuổi lao động phải có khoản trợ cấp để họ sống quãng đời còn lại.

Nếu thu hồi đất vì mục đích kinh doanh, đất đai của người dân là tư liệu sản xuất duy nhất thì coi đây là tài sản được góp vào dự án. Nếu là nhà máy sản xuất thì đất là cổ phần của người dân, khi nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh họ sẽ được hưởng cổ tức để ổn định đời sống; nếu người mất đất có đủ năng lực phải được nhà máy nhận vào làm người lao động của nhà máy. Làm theo hướng này chúng ta tin rằng người bị thu hồi đất sẽ không có gì phản đối và rất nhiệt tình ủng hộ.

Nếu là dự án phát triển đô thị và nhà ở thì người mất đất cũng góp vốn bằng đất đai vào dự án, khi đó người có đất và chủ đầu tư cùng nhau lập dự án kinh doanh và khi bán sản phẩm sẽ cùng nhau phân chia lợi nhuận theo vốn góp. Dự án có sử dụng lao động nên ưu tiên tuyển dụng cho người có đất góp vào dự án. Nếu người bị thu hồi đất không muốn cùng chủ đầu tư lập dự án, chủ đầu tư phải thoả thuận giá đền bù với người dân.

Vấn đề đặt ra là xác định giá trị đất góp vào dự án. Theo tôi không khó, chúng ta có thể thuê tư vấn hoặc do hai bên thoả thuận, nhà nước chỉ đóng vai trò trọng tài và giám sát quá trình thỏa thuận sao cho công bằng và hai bên có thể chấp nhận được.

Nhà nước nên bỏ ngay việc định giá đất cho mục đích kinh doanh, vì giá cả thị trường biến động hàng ngày và từng vị trí cũng khác nhau, diện tích khác nhau giá cả cũng khác nhau; trong khi theo quy định hiện nay, Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh mỗi năm công bố giá một lần, chính vì thế giá luôn lạc hậu, không sát thực tế như trên đã đề cập, dẫn đến việc tước đoạt quyền lợi của người này giao cho người khác làm giàu. Chính sách này bãi bỏ càng sớm càng tốt. Và ngay khi chưa sửa được Luật đất đai thì nên sử dụng Nghị định để khắc phục những bất cập trên.

Về quản lý và sử dụng đất đai còn rất nhiều nội dung như giao đất, thuê đất, quản lý đất là những lĩnh vực rất phức tạp tôi không đủ khả năng đề cập hết. Chỉ biết đất đai hiện nay nhiều nơi sử dụng rất lãng phí và bị lấn chiếm rất nhiều, đặc biệt những công trình công cộng như hồ ao, các sông nội đô Hà Nội, có đoạn sông bị lấn chiếm đến nay dòng chảy còn 1/3 so với trước.

Lĩnh vực nhà nước cho thuê đất cũng cần xem lại. Giá thuê đất năm ngoái với quy định mới của Chính phủ tỷ lệ % tăng từ 0,5%/năm lên 1,5% nhân với giá đất thị trường. Như vậy giá thuê đất tăng lên rất nhiều, hầu hết các doanh nghiệp chịu không nổi; nhiều doanh nghiệp phá sản vì tiền thuê đất. Sau 67 năm thì doanh nghiệp coi như mua xong đất của Nhà nước và sau đó doanh nghiệp có được sử dụng tiếp hay vẫn phải nộp tiền thuê tiếp? Đất là của “trời cho”, nhà nước không bỏ tiền đầu tư thì nên chăng thu với mức độ vừa phải để doanh nghiệp còn tồn tại và phát triển được, doanh nghiệp tồn tại và phát triển được thì mới nộp thuế để nuôi bộ máy nhà nước và phát triển đất nước. Không nên xác định tiền thuê đất quá cao như hiện nay làm suy kiệt rất nhiều doanh nghiệp, có rất nhiều doanh nghiệp phá sản vì khó khăn đầu vào tăng cao, trong đó có tiền thuê đất.

Hà Nội, ngày 13/06/2012

T.B.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn