‘Hoàng Sa, nỗi đau mất mát’ sẽ được chiếu ở Quảng Ngãi?

Việt Hà, Phóng viên RFA

Trong vài tuần gần đây, có nhiều thông tin liên quan đến việc bộ phim ‘Hoàng Sa, nỗi đau mất mát’ của ông Andre Hồ Cương Quyết sẽ không được chiếu ở Quảng Ngãi như dự định của địa phương trước đó.

clip_image001

Áp phích phim Hoàng Sa, nỗi đau mất mát. RFA file

Vậy lãnh đạo địa phương Quảng Ngãi nói gì về thông tin này? những người làm phim mong mỏi gì về tương lai của bộ phim ở ngay tại chính nơi bộ phim được thực hiện?

Chính quyền hứa cho chiếu

Đã hơn một năm đã trôi qua kể từ khi bộ phim ‘Hoàng Sa, nỗi đau mất mát’ của tác giả Andre Hồ Cương Quyết ra đời, nói về những mất mát và khó khăn của ngư dân Quảng Ngãi khi đánh bắt hải sản tại quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Trung Quốc. Cho đến bây giờ, nhiều ngư dân Quảng Ngãi, những nhân vật của bộ phim, bao gồm cả những người đã tham gia trực tiếp vào bộ phim, vẫn chưa được xem bộ phim về mình.

Ông Võ Hiển Đạt, 80 tuổi, người đã từng có thời ra khơi khi còn trẻ, và đã tham gia vào việc phục chế các tư liệu về Hoàng Sa thời gian gần đây, cho biết:

Chưa được xem vì tỉnh Quảng Ngãi chưa trình chiếu mà. Ông Hồ Cương Quyết có xin trình chiếu mà Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh chưa thống nhất.

Ông Võ Hiển Đạt cũng là người đã tham gia trả lời phỏng vấn trong bộ phim.

Vào khoảng cuối tháng 7, ông Hồ Cương Quyết cho biết đã có những thông tin tích cực từ lãnh đạo Quảng Ngãi về việc cho phép bộ phim được trình chiếu rộng rãi trong tỉnh. Trả lời đài Á châu tự do, ông Hồ Cương Quyết xác nhận:

Tôi đã đi Quảng Ngãi 2 lần trong tháng rồi. Một lần để trao quỹ hỗ trợ cho ngư dân ở đó. Lần thứ hai tôi đến làm việc với lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi và ông Giám đốc đài truyền  hình Quảng Ngãi. Trong thời gian 2 tiếng đồng hồ trao đổi và họ quyết định là sẽ chiếu phim ở tỉnh nhưng với điều kiện phải gửi bản gốc tiếng Pháp để họ đọc lời bình để giọng giống tiếng địa phương để đồng bào ở đó nghe rõ hơn. Tôi chấp nhận.

Không những thế, theo ông Hồ Cương Quyết, lãnh đạo Quảng Ngãi hứa sẽ quảng bá rộng rãi về bộ phim trước khi chiếu. Ông nói tiếp:

Họ hứa là sẽ báo đồng bào trước. Mỗi huyện, mỗi xã họp sẽ thông báo trước là phim này sắp chiếu để số khán giả đông và tốt để xem phim này. Họ đã hứa sẽ tạo điều kiện tối đa để có hiệu quả về dư luận.

Tuy nhiên chỉ khoảng một tuần sau đó, trên các trang mạng truyền đi thông tin về việc bộ phim sẽ không được chiếu ở Quảng Ngãi như dự định vì thiếu tính đảng. Từ Pháp, ông Hồ Cương Quyết vẫn chưa nhận được thông tin nào từ đại diện chính quyền địa phương về việc không cho phép chiếu bộ phim của mình nhưng ông tỏ ra không ngạc nhiên về thông tin này.

Họ hứa là sẽ báo đồng bào trước. Mỗi huyện, mỗi xã họp sẽ thông báo trước là phim này sắp chiếu để số khán giả đông và tốt để xem phim này. Họ đã hứa sẽ tạo điều kiện tối đa để có hiệu quả về dư luận.

Ông Hồ Cương Quyết

Nói thật trong tình hình bây giờ ở Việt Nam thì thấy Trung Quốc đang có chiến lược chiến thuật lấy cả biển Đông bằng bạo lực, mà không thấy lãnh đạo nào của Việt Nam, Chủ tịch nước, Tổng Bí Thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng phản đối. Tất cả đều im lặng, nên tôi không ngạc nhiên phim của tôi tiếp tục bị cấm đoán mặc dù có lời hứa của lãnh đạo địa phương.

Vào ngày 29 tháng 11 năm 2011, lực lượng an ninh đã tìm mọi cách ngăn cản buổi chiếu phim khi những người làm phim dự định trình chiếu bộ phim ở Sài Gòn. Vụ ngăn cản thô bạo này của chính quyền đã gây bất bình đối với những người quan tâm đến bộ phim và đặc biệt là tác giả Hồ Cương Quyết. Ngay vào thời điểm đó, bộ phim đã bị chính quyền quy kết là thiếu tính đảng.

Ông Hồ Cương Quyết cho biết nếu các cấp lãnh đạo trong nước không nghe tiếng nói của các ngư dân bị nạn, thì ông chỉ còn một lựa chọn là chiếu phim ở nước ngoài và đặt câu hỏi trước dư luận là tại sao và vì ai mà lãnh đạo bịt miệng đồng bào mình đang bị nước ngoài hành hạ.

Để tìm hiểu thêm sự việc từ phía đại diện chính quyền địa phương. Chúng tôi liên hệ với bà Huỳnh Thị Phương Hoa, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi thì được bà cho biết:

Chưa có thông tin về việc không được chiếu đâu, cái đó bây giờ tôi mới nghe chị nói thôi. Bây giờ bên đài truyền hình vẫn đang lồng tiếng. Theo tôi biết thì đến giờ vẫn chưa có ý kiến gì của lãnh đạo địa phương về việc không được chiếu.

Bộ phim là tiếng nói ngư dân

VIETNAM-US-CHINA-NAVY

Ngư dân vùng biển Đà Nẵng. AFP photo

Bộ phim ‘Hoàng Sa, nỗi đau mất mát’ của tác giả Hồ Cương Quyết được thực hiện vào khoảng giữa năm 2011 với sự cộng tác của các ngư dân và người dân ở huyện Bình Châu và huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây cũng là địa phương có nhiều ngư dân chịu thiệt hại nặng nề nhất khi đi đánh bắt hải sản tại khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Trung Quốc.

Tính từ năm 2009 đến tháng 7 năm 2012, Trung Quốc đã bắt và đòi tiền chuộc, thu giữ tài sản của trên 70 tàu của ngư dân Quảng Ngãi. Nhiều ngư dân bị bắt, tịch thu tài sản, nộp tiền chuộc nhiều lần đã rơi vào cảnh nợ nần, khó khăn chồng chất. Nhiều phụ nữ đã mất chồng khi đi đánh bắt hải sản tại Hoàng Sa. Trong khi đó những hỗ trợ về vật chất từ chính quyền không đủ để họ có thể ổn định cuộc sống. Đó cũng là nguyên nhân mà tác giả Hồ Cương Quyết muốn làm bộ phim để tạo điều kiện hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho những người chịu thiệt thòi tại đây. Ông nói:

Tình hình biển Đông và thái độ Trung quốc càng ngày càng rõ, cho thấy nguy cơ của ngư dân Việt Nam và của nhiều nước ở ven biển Đông Nam Á như Philippines đang phải đối phó. Tôi thấy dư luận càng ngày càng ý thức được điều đó, nên có điều kiện để họ biết rõ hơn và bày tỏ tinh thần đoàn kết và hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho ngư dân của mình.

Mặc dù phim không được chiếu ở Việt Nam, nhưng tác giả đã mang phim sang chiếu ở các nước châu Âu như Pháp, Ba Lan, Đức.

Đối với những ngư dân tham gia bộ phim, thì đây là một cơ hội cho họ được nói lên tiếng nói của mình, mặc dù họ biết bộ phim có thể sẽ bị cấm đoán tại Việt Nam. Chị Ngô Thị Việt, vợ góa của ngư dân Lê Minh Tăng cho biết:

Tình hình biển Đông và thái độ Trung quốc càng ngày càng rõ, cho thấy nguy cơ của ngư dân Việt Nam và của nhiều nước ở ven biển Đông Nam Á như Philippines đang phải đối phó.

Ông Hồ Cương Quyết

Chị biết là người ta cấm nhưng với tấm lòng của chị thì chị không sợ bất cứ cái gì hết bởi vì chồng chị đã hy sinh ngoài đó, đã nhiều lần mất của, tính ra của nhà chị mất ở Hoàng Sa là trên tỷ bạc. Với nguyện vọng chồng chị ra đó giữ đảo, của của chị bỏ ra ở đó to lớn mà chị nói lên để người ta biết rằng là không sợ… với tấm lòng của chị, chị nói lên sự thật để mọi người hiểu đó là như vậy, vì đảo Hoàng Sa mà chồng chị mất, gia tài chị mất, giờ chỉ còn mấy mẹ con bơ vơ, không nơi nương tựa.

Chồng chị Ngô Thị Việt mất tích vào năm 2010 khi đi đánh bắt hải sản ngòai Hoàng Sa. Trước đó anh đã hai lần bị Trung Quốc bắt giữ và tịch thu tàu. Chị Ngô Thị Việt nghi ngờ chồng mình bị Trung Quốc bắt giữ và thủ tiêu vì đợt anh đi biển không có gió bão.

Cho đến bây giờ chị Việt vẫn chưa được xem bộ phim. Chị và những người tham gia bộ phim cho biết họ rất mong muốn được xem bộ phim tại địa phương của mình. Đối với họ, hoàn toàn không có lý do gì để địa phương không cho trình chiếu bộ phim mà họ đã bỏ tâm huyết khi tham gia và trông đợi từ rất lâu.

V.H.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn