Hiệu ứng Boomerang

Mặc Lâm, Biên tập viên RFA

Một văn bản từ văn phòng chính phủ ra lệnh điều tra đóng cửa những trang mạng phản động bôi đen chế độ như Quan Làm Báo, Dân làm báo, Biển Đông… đang dấy lên sự tò mò của người dân khiến hai trang này tăng thêm số lượng độc giả một cách bất ngờ.

clip_image001

Một bài viết chỉ trích trang blog "Quan làm báo" trên trang http://nguyentandung.org. Screen capture

Lòng yêu nước

Trong nhiều năm qua, người theo dõi tin tức trên mạng nếu chú ý sẽ thấy sự ra đời của những trang báo cá nhân mà thông tin của chúng nhiều và đa dạng đến nỗi các tờ báo lớn trong nước có mơ cũng không thể theo kịp.

Những trang mạng như Boxitvn, Vietstudies, Basam, Nguyễn Xuân Diện, Quê Choa, Phạm Viết Đào, Nuvuongcongly, Truongduynhat, Danlambao, Maithanhhai, Nguyentuongthuy, Huynhngocchenh… là nơi thân quen với hàng triệu người đọc báo mạng. Những trang báo lớn nhỏ nằm dưới dạng blog này trong một thời gian dài thoải mái post lên bài viết ghi nhận ý kiến phản biện rất giá trị của nhiều người, nhiều giới.

Thủ tướng ra công văn để mà tố cáo trang Dân làm báo và Quan làm báo thực tế chỉ là quảng cáo mà thôi, chỉ phản tác dụng vì càng cấm thì người dân càng tò mò.

Nguyễn Chí Đức

Những vụ án oan sai, áp bức dân chúng ở các địa phương khó ai biết tới. Nhiều vụ trấn áp nhằm chiếm đất của các quan tham hay vô cớ bắt giam trái phép, tra tấn chết nguời…. cưỡng bức tôn giáo, sách nhiễu người dân… tất cả cùng nhau xuất hiện hàng ngày trên những trang báo mạng này gây sức ép lên nhà nuớc rất lớn và không ít trường hợp, từ các phản biện gay gắt buộc chính phủ phải nhượng bộ như vụ Tiên Lãng, Văn Giang đã chứng minh trước đây.

Đỉnh điểm quan trọng chung của hầu hết những trang này là các bài viết chống lại sự bành trướng của Trung Quốc qua nhiều cách nhìn khác nhau. Có lẽ đây là một yếu tố khiến những trang báo công dân này được nhà nuớc tảng lờ đối với những bài viết có vấn đề khác. Khi chủ đề Trung Quốc bị buộc chặt trên các trang lề phải thì các bài phân tích sự nguy hiểm của Trung Quốc trên các trang báo công dân sẽ nói giúp phần nào chủ đề nghiêm trọng nhức nhối cho chính quyền hiện nay.

Tuy nhiên nói nhà nước tảng lờ có khi thiếu chính xác vì có thể sự tảng lờ này phát xuất từ lòng yêu nước tiềm tàng trong tâm hồn những nhân viên an ninh mạng, những chuyên gia IT của chính phủ, hay công an văn hóa những người đủ khả năng làm cho một trang blog biến mất trong vòng vài tiếng đồng hồ.

Nếu công bình mà nói thì trong số những trang mạng nổi tiếng ấy không có trang nào vuợt giới hạn phê phán như hai trang “Dân làm báo” và “Quan làm báo” đang làm.

Vì sao chọn Dân làm báo?

clip_image002

Giao diện trang blog Dân Làm Báo ngày 12/09/2012. Screen capture

“Dân làm báo” đúng như tên gọi của nó, bài vở hình ảnh được đóng góp từ người dân bình thường, làm báo vì bức xúc trước thời cuộc, vì những trái tai gai mắt trong lĩnh vực chính trị không được các tờ báo chính quy chạm tới.

Những bài viết trên Dân làm báo không coi trọng nguyên tắc báo chí và thuờng sử dụng từ ngữ nặng nề đôi khi cực đoan. Tuy nhiên để bù lại, gần như những thông tin mà Dân làm báo đưa ra đều dựa từ người thật việc thật, thậm chí từ chính nạn nhân của một vụ việc nào đó có thể dễ dàng kiểm chứng. Nhà báo Nguyễn Thượng Long, một cộng tác viên của Dân làm báo cho biết động cơ khiến ông tham gia vào trang mạng này:

“Tôi chọn lựa Dân làm báo để bỏ bài viết xuất phát từ suy nghĩ rất chủ quan của tôi. Tôi là người viết báo, là người thực thi điều 69 của hiến pháp tức là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận mà hiến pháp CHXHCN Việt Nam đã quy định. Sống trong thời đại bùng nổ thông tin như thế này mà nhà nuớc lại đưa cả Internet vào đất nuớc này hòa nhập vào cộng đồng Internet của thế giới thì những gì không bình thường đều khiến chúng tôi suy nghĩ và những suy nghĩ đến mức độ không dám thực thi thì với ai tôi không bíêt nhưng đối với tôi thì không có điều gi khiến tôi phải phủ nhận tôi được”.

Quan làm báo viết gì?

Bên cạnh Dân làm báo, trong thời gian gần đây xuất hiện thêm một trang mạng gây xôn xao ngay từ lúc ra mắt, nó có cái tên rất ngộ nghĩnh: Quan làm báo.

Một bên là dân, một bên là quan, hai cái tên đối nghịch này cùng chung một tôn chỉ: tố cáo những đen tối trong lòng chế độ. Tuy giống nhau về mục đích nhưng lại khác hoàn toàn về cách đưa những thông tin mà hai bên có được.

Hầu hết những thông tin mà Quan làm báo đưa ra đều nhắm tấn công Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh của ông ta. Những khuôn mặt mà Quan làm báo tố cáo đều liên quan trực tiếp đến Thủ tướng và vụ bắt giữ bầu Kiên chứng minh nó biết tường tận là một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy Quan làm báo có tay trong cung cấp thông tin chính xác của từng trường hợp.

clip_image003

Trang blog Quan làm báo . Screen capture

Quan làm báo xuất hiện đã đẩy tin đồn Thủ tướng và Chủ tịch nuớc đấu đá với nhau để tranh giành quyền lực lên cao trào mặc dù trước đó các dấu hiệu này đã lác đác xuất hiện trên ViệtStudies, Ba Sàm và Phạm Viết Đào. Thông tin từ Quan làm báo khiến người ta tin cuộc đấu đá bắt đầu và rồi Dương Chí Dũng và Đặng Thành Tâm cùng lúc được PetroTimes và VietnamNet thay nhau đưa lên mặt báo đã dẫn tới quyết định tiêu diệt xuất xứ của những đồn đóan có thể tạo bất ổn chính trị.

Biện pháp chống đỡ

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng không thể ngồi im, ông đích thân ra lệnh cơ quan an ninh bằng mọi cách phải triệt tiêu hai trang mạng này và một số trang khác. Trên cổng thông tin chính phủ phổ biến văn bản và sau đó hầu như toàn bộ các phương tiện truyền thông đều lặp lại, trong đó có VTV: “một số trang thông tin điện tử như: “Dân làm báo”, “Quan làm báo”,”Biển Đông”… và một số trang mạng khác, đã đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội. Đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch”.

Khi được hỏi liệu blogger còn tiếp tục viết sau khi văn bản này ra đời hay không, blogger Huỳnh Công Thuận, một người thường xuất hiện trên Dân làm báo cho biết.

“Như vậy lại càng dễ cho blogger nữa. Từ trước tới giờ những người viết báo nếu nhà nước cần đưa tin chính xác thì người ta đưa tên ra ngay chứ có gì khó đâu. Trong khi ông Nguyễn Tấn Dũng nói rằng viết sai sự thật, xuyên tạc mới cấm chớ người ta viết đúng thì làm sao cấm?”

Tác dụng ngược

Anh Nguyễn Chí Đức, người vừa gửi đơn xin ra khỏi đảng và lá đơn này lại xuất hiện trên Dân làm báo sau khi lệnh cấm ban hành một ngày cho biết nhận xét:

Thủ tướng mà cứ soi mói vào blog thế này thế kia thì không phải tầm của một Thủ tướng.

Nguyễn Chí Đức

“Thủ tướng mà cứ soi mói vào blog thế này thế kia thì không phải tầm của một Thủ tướng. Tôi nói thẳng luôn. Tầm của thủ tướng mà lại dùng quyền lực của mình để huy động cả một hệ thống đồ sộ như vậy chỉ để dọa nạt một trang Dân làm báo, chỉ là một blog rất nhỏ bé mà không biết nó đang ở đâu, như vậy theo tôi thì không xứng đáng làm thủ tướng, là người đại diện quốc gia mà tầm rất thấp, tôi rất coi thường trong chuyện này.

Thủ tướng ra công văn để mà tố cáo trang Dân làm báo và Quan làm báo thực tế chỉ là quảng cáo cho Dân làm báo mà thôi, chỉ phản tác dụng vì càng cấm thì người dân càng tò mò”.

Đúng như tiên đoán của anh Nguyễn Chí Đức về hiệu ứng ngược của văn bản, ngay sau khi lệnh này phát hành, một bài viết của Chris Brummitt của hãng thông tấn AP ghi nhận trong vòng nửa ngày số người truy cập trang Dân làm báo lên tới 500 ngàn lượt.

Hơn nữa người ta chú ý đến một điều nữa khi văn bản này nhấn mạnh trong điều 3 và 4: “Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và chủ động phản bác các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, chống Đảng và Nhà nước. Các Bộ, ngành, các địa phương lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động”.

Câu hỏi đặt ra: người dân sẽ có lợi gì nếu các phương tiện truyền thông đại chúng cùng nhau phản bác lại những thông tin mà chính phủ nói là không đúng sự thật? Rõ ràng đây là cơ hội lớn cho toàn dân để họ thấy được sự thật từ hai phía. Riêng điều cuối cùng của văn bản cấm cán bộ công chức không được xem hai trang blog này giống như cách mà Boomerang quay ngược trở lại với người ném nó.

M.L.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn