Họ không đơn độc!

André Menras, Hồ Cương Quyết

Nguyễn Ngọc Giao dịch ra tiếng Việt

Tôi vừa sang Cộng hòa Liên bang Đức một chuyến ngắn ngày để trình chiếu cuốn phim «Hoàng Sa Việt Nam nỗi đau mất mát». Chuyến trước, tôi được mời tới Berlin và Köln. Lần này, từ ngày 20 đến ngày 23 tháng chín, cuốn phim được chiếu tại Leipzig, Hannover, Frankfurt-Offenbach và Saarbrücken. Tại mỗi thành phố tôi đều được các ban tổ chức phối hợp đưa đón, lo chỗ ăn chỗ ở. Họ còn chịu chi phí đi lại của tôi từ miền Nam nước Pháp đi xuyên suốt nước Đức. Tôi xin thành thực cảm ơn những tình cảm mà họ đã dành cho đồng bào ngư dân miền Trung cũng như tinh thần yêu nước mà họ đã thể hiện cụ thể mặc dầu hoàn toàn không có sự giúp đỡ nào từ phía nhà cầm quyền tại chỗ (đại sứ quán và lãnh sự quán Việt Nam).

Cũng phải nói nhiều người trong ban tổ chức rất chỉ trích chế độ hiện tồn ở Việt Nam, có người đã công khai chống đối một cách hòa bình. Trong số họ, có người đã được cấp chiếu khán về nước thăm gia đình, nhưng đến sân bay thì bị trục xuất. Nhưng, qua thái độ của họ, tôi thấy họ đã làm được nhiều điều để dư luận quốc tế được thông tin về sự hung hãn của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam nói riêng và đối với đất nước Việt Nam nói chung. Rõ ràng là họ đã làm hơn hẳn những gì nhà cầm quyền làm được cho đến nay, trên trường quốc tế cũng như ở quốc nội.

Cho dù có những ý kiến chính trị khác biệt đối với người ngày người kia, hội đoàn nọ hội đoàn kia trong các ban tổ chức, tôi phải thừa nhận lòng yêu nước của họ, sự gắn bó của họ đối với đất nước và đồng bào, và ý muốn hành động một cách thiết thực của họ. Đối với tôi, điều ấy mới là quan trọng. Ngoại trừ sự lạnh nhạt của một vài người mà tôi gặp trong buổi chiếu phim ở Saarbrücken, những thuyền nhân tội nghiệp bíu chặt, như người ta bíu chặt cái phao cứu hộ, vào lá cờ đối với họ là tượng trưng cho sự thống khổ, cho sự tha hương, cho gia đình còn ở lại quê hương, đâu đâu tôi cũng được tiếp đãi nồng hậu, và trong các cuộc thảo luận sau chiếu phim, các ý kiến bất đồng được bao giờ cũng được phát biểu một cách nhã nhặn.

Sau mỗi buổi chiếu, đều có tổ chức quyên góp giúp ngư dân, tổng cộng tới hơn hai nghìn Euro. Ở mọi nơi, tôi được yêu cầu chuyển về đồng bào Lý Sơn, Bình Châu ngày ngày ra khơi đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa một thông điệp: «Đồng bào thân mến, đồng bào không đơn độc và sẽ không bao giờ đơn độc!». Những bài thơ được đọc, được ngâm, những tấm áp phích tráng nhựa được thực hiện, cùng với những tờ rơi dễ dán lên kính xe, những tờ rơi mang hình Việt Nam với đầy đủ các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, với ghi chú trình tự những ngày tháng Trung Quốc xâm lược, và hai khẩu hiệu: «Việt Nam lãnh thổ vẹn toàn! Paracel and Spratly islands belong to Vietnam!». Tôi được chứng kiến những sự xúc động thành khẩn nhất. Trong bóng tối của giờ chiếu phim cũng như dưới ánh sáng đèn lúc thảo luận, tôi đã thấy những dòng nước mắt tuôn trào.

Tuần sau, vào ngày mồng 1 tháng Mười, tôi được mời dự buổi chiếu phim «Hoàng Sa Việt Nam nỗi đau mất mát» trong khuôn khổ Liên hoan phim tài liệu được tổ chức ở gần thành phố Montpellier miền Nam nước Pháp.

Đây sẽ là dịp để nhắc lại cho báo chí việc chính quyền thành phố Montpellier đã từ chối không cho tôi mượn một hội trường đàng hoàng để chiếu phim, chỉ vì sợ mếch lòng những người khách Trung Quốc sang dự một hội chợ rượu nho trong vùng. Khen cho lòng tự trọng và dũng cảm của những đại diện dân cử ấy, ngay tại quê hương của tự do, bình đẳng và bác ái đã trở thành một đất nước mà các quyền con người không đáng giá mấy thùng rượu chát!

Sự hèn nhát và thái độ cơ hội chủ nghĩa đậm đà «hơi đồng» ấy, tôi đã gặp lại nó ở thành phố Leipzig: những nhà báo địa phương, được ban tổ chức mời tới dự buổi chiếu phim, đã trả lời một cách bán chính thức là họ sẽ không viết về sinh hoạt này vì thành phố Leipzig đang làm ăn rôm rả với Trung Quốc. Đây thực sự là tình trạng bị bắt làm con tin về mặt kinh tế. «Nạn nhân» cuộc bắt cóc này lại tự nguyện, họ đã đớn hèn phản bội lại lý tưởng dân chủ và các giá trị của dân tộc. Một ngày kia, chính quyền Bắc Kinh sẽ đơn phương cắt đứt quan hệ lệ thuộc kinh tế, sử dụng nó như một vũ khí chính trị nhằm đe dọa, bắt chẹt, như họ đã làm với Nhật Bản, Na Uy, Philippines và nhiều nước khác. Trái lại, chừng nào nhà cầm quyền Bắc Kinh còn duy trì chính sách cưỡng đoạt, hiếu chiến, đi ngược lại các quyền con người và quyền dân tộc sơ đẳng nhất, chừng nào thương gia của họ còn coi thường đạo lý thương mại quốc tế, phải có đủ dũng cảm để tẩy chay sản phẩm Trung Quốc, làm như thế để bẻ gãy vũ khí kinh tế của họ, và buộc họ phải hành xử đàng hoàng hơn, tôn trọng lân bang và các nước trên thế giới. Nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa trên xuất khẩu, lẽ nào ta không làm được chuyện đó? Khách hàng không phải, không thể là vua hay sao? Ít ra trong trường hợp này, tôi «bảo hoàng» 100%, ngược lại với chính quyền Việt Nam đã để cho con số nhập siêu mậu dịch với Trung Quốc tăng 18% trong tám tháng qua…

Nhân viết bài này, tôi cũng xin trả lời những lời cáo buộc trái nghịch nhau mà tôi đã nhận được trong chuyến vừa qua. Với những người chỉ trích vì trong quá khứ, tôi đã đấu tranh bên cạnh nhân dân Việt Nam, tôi xin an nhiên khẳng định rằng tôi không hề nuối tiếc những gì tôi đã làm. Ngược lại, tôi rất tự hào, cũng như tôi tự hào được mang quốc tịch Việt Nam. Với những người trách tôi vì những công việc hiện tại, cho rằng việc đoàn kết với ngư dân Việt Nam làm phương hại đến quan hệ hữu nghị giữa hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, tôi xin trả lời: «dù ai nói ngả nói nghiêng», tôi vẫn tiếp tục hoạt động, vì tôi biết rằng sẽ không bao giờ có thể «hữu nghị» với kẻ xâm lược và kẻ cướp, vì tôi nghĩ rằng bảo vệ đồng bào, bảo vệ những người lao động trên biển cả, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ tối thượng.

Những màn kịch quan phương về tình hữu nghị đời đời bền vững giữa Hà Nội và Bắc Kinh chỉ là trò bịp không lừa được ai. Đó là những trò hề thiếu lành mạnh, thậm chí nguy hiểm, trái nghịch với thực tế thực địa, đi ngược lại lợi ích của đất nước và nhân dân Việt Nam, cũng như của nhân dân các nước.

Trên trang mạng còn tự do này, tôi xin khẳng định một lần nữa, là: cũng với vài người bạn, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để phiên dịch cuốn phim tài liệu trung thực «Hoàng Sa Việt Nam nỗi đau mất mát», tiếng nói đích thực của ngư dân, ra tiếng Nhật, tiếng Anh, và cả tiếng Trung Hoa, rồi đưa lên YouTube, để thế giới hiểu rằng người ta không thể làm bạn với một Nhà nước hải tặc đang chà đạp con người, chà đạp công pháp quốc tế và các quyền dân tộc. Xin long trọng cam kết như vậy.

Xin kết thúc bằng một tin vui. Tôi chưa được chính thức xác nhận, nhưng được tin là «Hoàng Sa Việt Nam nỗi đau mất mát» đã được chiếu hai lần trên đài truyền hình Quảng Ngãi. Lần đầu, tối 28.7.12 trên kênh PTQ2, lần thứ nhì, tối 19.9.12 trên kênh PTQ1. Điều này xác nhận niềm tin chưa hề lay chuyển của tôi: trên đất nước Việt Nam ngày nay, mặc dầu Trung Quốc gây áp lực ghê gớm, vẫn còn những nhà lãnh đạo dũng cảm, yêu nước, trung thực và có tinh thần trách nhiệm, mong muốn sự thật được phổ biến. Tôi như được thêm năng lực và hi vọng để tiếp tục một cách hòa bình, trong khuôn khổ luật pháp, cuộc đấu tranh chung để ủng hộ đồng bào ngư dân.

A.M. H.C.Q.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn