Xem phim “Hoàng Sa Việt Nam - nỗi đau mất mát” tại Offenbach am Main

Lương Nguyễn

Thứ Bảy 22.09.2012, người Việt tại Frankfurt, Offenbach và vùng phụ cận, được một dịp may đón tiếp một người bạn Pháp rất Việt Nam tên là Hồ Cương Quyết André Menras. Anh ghé qua Offenbach trong chuyến đi trình làng cho cộng đồng Việt Nam tại Đức cuốn phim «Hoàng Sa Việt Nam nỗi đau mất mát» mà anh là tác giả.

Truớc đó, anh đã đi tới chiếu phim ở Leipzig, Hannover và cuối cùng ở Saarbrücken, bốn ngày bốn thành phố khác ở nước Đức, mỗi thành phố cách nhau cả mấy trăm cây số và đi liên tục không nghỉ ngày nào. Hỏi anh có mệt không? Anh trả lời không mệt mà vui! Lý do anh đi? Anh cho biết phim anh bị cấm chiếu một cách thô bạo (cúp điện) ở Việt Nam vào tháng 11.2011, mặc dù đầy đủ giấy phép hợp lệ. Bị cấm, thì anh mang cuốn phim của anh về  Pháp và đi đây đi đó để chiếu cho mọi người xem, ngoại trừ ở nước Việt Nam. Anh còn cẩn thận đưa cuốn phim anh lên YouTube để người muốn xem vì lý do nào đó không tới được, cũng có thể ngồi ở nhà coi cuốn phim của anh. Cuộc sống thường có nhiều điều nghịch lý, càng cấm thì người ta càng coi, người Việt coi phim của anh trên YouTube càng đông.

Đây là một cuốn phim tài liệu quý giá về cuộc sống, về nỗi đau mất mát của ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), do anh André Menras thực hiện vào năm 2011.

Ngư dân ở Lý Sơn sống bằng nghề đánh bắt cá như cha ông của họ đã ở đây, đã sống và đã chết với đảo, với vùng biển của mình bao nhiêu trăm năm qua. Giờ đây, họ bị cấm đoán đánh bắt cá ngay nơi vùng biển của cha ông để lại, nỗi đau mất mát tưởng chừng không bút mực nào tả cho hết, không lời lẽ nào viết cho xong. Nỗi đau thương sự chết chóc hay là sự bị bắt cóc của người thân yêu, sự phá hủy hay tịch thu tàu bè là vốn liếng sinh nhai của họ, là khoản tiền chuộc mà cả đời họ đi làm cũng không đủ trả, nỗi thê lương của người vợ chờ chồng với đàn con nheo nhóc không biết ngày mai sống ra sao khi vùng biển của họ đã thành tử địa và sự mất mát là những người chồng ra khơi không trở lại, những đứa con đang bị giam giữ, khắc khoải vô vọng chờ ngày trả tiền chuộc. Từ ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm, đời sống của ngư dân ở Lý Sơn thật là thương tâm, thanh niên trai tráng từ từ bỏ đảo ra đi vào đất liền kiếm sống và những ngôi mộ mới mọc lên như nấm, có những ngôi mộ được gọi ngôi mộ gió không có hài cốt mà thay vào đó là một con búp bê bằng đất, tượng trưng người chết không tìm được xác. Nhiều khi ngư dân cũng không có tiền để xây lên cho người quá vãn một ngôi mộ gió, tiền mua gạo cho đàn con nheo nhóc còn không có thì lấy đâu có tiền để xây mộ gió cho người chết! Cuộc sống của những người quả phụ ở Lý Sơn thật là quá tội nghiệp. Trong buổi chiếu phim ở Ba Lan tháng 3.2012, anh André Menras có nói: “Số lượng những người bị giết, bị bắt, hoặc mất tích ở vùng đảo Hoàng Sa từ năm 2002 đến nay ước chừng khoảng một ngàn hai trăm”.

Mặc dù hội trường khá đông, trên dưới 50 người, nhưng tôi nghe đâu đây có tiếng sụt sùi nhẹ của một vài khán giả quá cảm động trước nỗi thống khổ của ngư dân Việt Nam. Cuốn phim thật là cảm động. Sau phần chiếu phim là phần hội thảo, những câu hỏi được đưa ra, anh André Menras đã trả lời cho từng người một. Anh nói đây là một cuốn phim có tính cách nhân bản, muốn chia sẻ và nói lên nỗi đau mất mát của ngư dân ở Lý Sơn đang chịu đựng và quan trọng hơn hết là làm sao giữ người dân ở lại đảo vì hiện tại họ phải bỏ đảo ra đi kiếm sống, mà bỏ đảo là bỏ biển. Không ai quan tâm đến biển Việt Nam bằng ngư dân ở Lý Sơn, họ là những người duy nhất còn dám ra khơi, bởi vì chỉ có biển mới mang lại sự sống cho họ. Anh André Menras đề ra một số phương án cụ thể để giúp ngư dân ở đó như máy lọc nước biển ra nuớc ngọt, xây nhà máy điện nhỏ chạy bằng năng lượng mặt trời, giúp một số gia đình đang túng quẫn,… Đề nghị của anh được mọi người hưởng ứng, có người còn yêu cầu anh mở một một trương mục trong ngân hàng, để mọi người có thể đóng góp giúp đỡ có tính cách lâu dài hơn. Về cuốn phim, anh nói là anh đang nhờ dịch ra tiếng Đức, tiếng Anh vì theo anh: “Không ai có thể ngăn chận mãi tiếng nói của sự thật!”. Quả thật con người anh như tên của anh «Cương Quyết».

Cuối cùng thì cũng phải chia tay. Trước khi ra về, anh Phong đại diện ban tổ chức đứng lên cám ơn và trao tận tay cho anh André Menras số tiền  630 Euro + 100 USD đã quyên góp  được tối hôm đó để giúp ngư dân, đồng thời cũng nhắc lại xúc động trước những ngôi mộ gió nhưng không quên những người thuyền nhân vượt biển không có được một ngôi mộ, đã vậy các chính phủ Malaysia, Thailand, Indonesia… những năm vừa qua bị áp lực phải hủy bỏ luôn cả những bia tưởng niệm thuyền nhân tại các trại tỵ nạn.

Tôi tin rằng cuốn phim đã mang lại sự xúc động cho nhiều người coi, sự xúc động đó hy vọng sẽ là chất xúc tác cho những hành động thiết thực để giúp đỡ cho những con người đang chiến đấu giữ đảo giữ biển, bởi vì như Stéphane Hessel đã viết: ”Không có gì xấu hơn là sự thờ ơ”.

09.2012

L.N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn