Đông Á suy trầm, Việt Nam lao đao

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

Trong vòng một tuần, ba định chế tài chính quốc tế là Ngân hàng Phát triển Á châu, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đưa ra những dự báo bi quan về đà tăng trưởng kinh tế của thế giới, trong đó có các quốc gia đang phát triển tại Đông Á và Thái Bình Dương.

JAPAN-ECONOMY-IMF-WORLDBANK

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Koriki Jojima (giữa), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim (trái) và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde (phải) tại Sendai, Nhật hôm 10/10/2012. AFP photo

Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về nguyên nhân của tình trạng suy trầm đó qua phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Khi Việt Nam đang lo sợ nạn vỡ bóng đầu tư bất động sản sẽ lan vào lĩnh vực ngân hàng với một núi nợ khó đòi và sẽ mất thì tuần qua ba định chế tài chính quốc tế cùng đưa ra dự báo bi quan về tình hình kinh tế toàn cầu. Chúng tôi đề nghị là trong tiết mục chuyên đề kinh tế kỳ này ta sẽ cùng tìm hiểu về dự báo đó. Trước hết xin ông giới thiệu về những dự báo này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa rằng đầu tiên là báo cáo do Ngân hàng Phát triển Á châu công bố hôm mùng ba tuần trước tại hội sở ở Philippines. Với tiêu đề là "Viễn ảnh Phát triển Á châu" báo cáo dày 190 trang này cập nhật hóa những dự báo về các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á. Thứ nhì là phúc trình ngắn gọn hơn của Ngân hàng Thế giới được phổ biến hôm mùng tám về các nền kinh tế Đông Á Thái Bình Dương, cũng với điều chỉnh bi quan hơn dự báo mới công bố hồi Tháng Năm. Thứ ba là báo cáo thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về "Viễn ảnh Kinh tế Toàn cầu", đưa ra hôm Thứ Ba mùng chín với dự báo đầy lo ngại về nạn suy trầm toàn cầu.

Về hoàn cảnh xuất hiện thì Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới có kỳ họp thường niên, năm nay tổ chức tại Tokyo từ mùng chín đến 14. Nhân dịp này, hai định chế tài chính quốc tế phổ biến công trình nghiên cứu và cập nhật hoá để 188 quốc gia hội viên và thế giới tham khảo. Đáng chú ý là cả ba định chế ấy đều rà soát lại các dự báo mới chỉ xuất hiện mấy tháng trước nhưng theo chiều hướng bi quan hơn về kinh tế toàn cầu nói chung và của châu Á nói riêng.

Vũ Hoàng: Thưa ông, vì thời lượng không cho phép chúng ta đi vào từng bản báo cáo, xin đề nghị ông tóm lược những điểm tương đồng chính yếu của các dự báo này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi lại xin bắt đầu bằng bối cảnh chung của thế giới, trước khi tập trung vào kinh tế Á châu rồi Đông Á và Việt Nam.

Thế giới bị Tổng suy trầm trong các năm 2008-2009 và phục hồi quá chậm trong ba năm sau. Bây giờ, vào Thu 2012, người ta thấy ra là sự hồi phục đó còn có thể bị đẩy lui. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng năm nay đà tăng trưởng bình quân của toàn cầu chỉ còn là 3,3% với giả thuyết lạc quan là hai khối kinh tế dẫn đầu là Hoa Kỳ và Âu Châu sẽ vượt qua những khó khăn hiện tại.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì tập trung vào Đông Á Thái Bình Dương, nhưng cũng dự phóng là đà tăng trưởng toàn cầu cho năm nay chỉ còn khoảng 2,3%. Ta nên chú ý đến con số 2,3% ấy vì theo định nghĩa thông thường của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khi sản lượng trung bình của toàn cầu chỉ tăng có 2,5% thì thế giới bị suy trầm, hay "recession". Tức là, sau vụ Tổng suy trầm 2009, toàn cầu có thể lại bị suy trầm lần nữa vào năm 2012-2013.

Theo Quỹ Tiền tệ, lý do chính vẫn là chính sách kinh tế bất cập của các nước đã phát triển, là khối Euro và Hoa Kỳ, mà lần này khả năng ứng phó của các nước lại còn nan giải hơn năm 2009. Phúc trình của Quỹ Tiền tệ có nội dung toàn cầu và bao gồm nhiều khối kinh tế khác biệt nên được các thị trường quốc tế chú ý và tường thuật nhiều hơn hai báo cáo của Ngân hàng Phát triển Á châu và Ngân hàng Thế giới.

Kinh tế Âu - Mỹ

GERMANY-STOCK-EUROPE

Các nhà đầu tư chứng khoán ngồi trước màn hình hiển thị các chỉ số DAX tại Sở Giao dịch chứng khoán Đức hôm 01/1/2012. AFP

Vũ Hoàng: Thưa ông, xin đề nghị là mình sẽ đi từ đầu bằng cách phân biệt các khối kinh tế này để thấy ra vị trí của Đông Á và Việt Nam ở bên trong.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Rất chí lý thưa ông. Khi người ta nói đến đà tăng trưởng là 2 hay 3% của toàn cầu thì đấy là kết số chung của nhiều khối kinh tế.

Trước hết, ta có nhóm tiên tiến của các nước công nghiệp hóa, chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu châu, trong đó có khối Euro của 17 nước. Nhóm tiên tiến này có mức tăng trưởng chỉ ở cỡ 1,3% thôi. Kế tiếp, ta có các nước "tân hưng" hay mới nổi, kết hợp với các nước công nghiệp hóa thì ra khối kinh tế của tổ chức OCDE gồm 34 quốc gia coi như giàu nhất mà cũng có tốc độ tăng trưởng khá thấp và làm giảm số bình quân của toàn cầu. Bước thứ hai là nhóm đang phát triển, từ Nam Mỹ châu qua Á châu với đà tăng trưởng cao hơn nhóm công nghiệp vì là các nước đi sau.

Trong khối này mới có các nước đang phát triển tại Á châu, từ Nam Á bên trong có Ấn Độ, qua Trung Á tới Đông Á Thái Bình Dương. Đáng lưu ý nhất là nhóm Đông Á, có sức tăng trưởng khá cao là hơn 7%, đó là Trung Quốc và 10 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trong nhóm này, người ta còn phân biệt Đông Á ngoài Trung Quốc, với đà tăng trưởng dự báo năm nay là cỡ 5,3%. Những con số rắc rối ấy đáng chú ý ở một khía cạnh là các nước đang phát triển Á châu vẫn lệ thuộc vào các nước đã phát triển, và khi kinh tế Âu-Mỹ bị suy sụp thì đà tăng trưởng của Á châu bị giảm vì mất thị trường xuất khẩu.

Những con số rắc rối ấy đáng chú ý ở một khía cạnh là các nước đang phát triển Á châu vẫn lệ thuộc vào các nước đã phát triển, và khi kinh tế Âu-Mỹ bị suy sụp thì đà tăng trưởng của Á châu bị giảm vì mất thị trường xuất khẩu.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Vũ Hoàng: Có bức tranh toàn cảnh rồi, mình mới đi vào phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thưa ông hình như là với cách đánh giá không lạc quan về hai khối kinh tế Âu-Mỹ.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta nhớ lại bối cảnh Tổng suy trầm 2008-2009 và những nỗ lực có phối hợp của các nước để chặn đứng sự đình trệ lan rộng từ hai khối kinh tế Âu-Mỹ ra toàn cầu. Ba năm sau, tình hình chưa khả quan và bội chi ngân sách trong khối Âu-Mỹ vẫn tăng, mà mâu thuẫn chính trị về các giải pháp ứng phó lại gây thêm vấn đề và đánh sụt niềm tin của thiên hạ.

Có một nghịch lý rất đáng quan tâm ở đây. Đó là sau khi liên tục điều chỉnh dự báo, coi như hai tháng một lần, ước tính mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế thật ra vẫn lạc quan hơn cách đánh giá của giới đầu tư quốc tế vì dựa vào giả thuyết là khối Euro sẽ ra khỏi khủng hoảng và Hoa Kỳ sẽ tránh được hố sâu ngân sách vào đầu năm tới, khi mà quyết định của Quốc hội Mỹ từ tháng Tám năm ngoái sẽ tự động giảm chi và tăng thuế cả ngàn tỷ. Nhiều người không tin vào hai giả thuyết đó và xác suất của một vụ tổng suy trầm có thể cao hơn ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là khoảng 17%. Xin nhắc lại rằng chỉ mấy tháng trước thôi, quỹ này dự báo suy trầm với xác suất là 4%, bây giờ, rủi ro ấy đã tăng gấp bốn và đó là bối cảnh chung của các nền kinh tế đang phát triển nếu vẫn còn quá lệ thuộc vào việc xuất khẩu qua các thị trường Âu-Mỹ.

Tình hình Việt Nam

clip_image005

Bên trong siêu thị Big C Hà Nội hôm 03/10/2012. RFA photo

Vũ Hoàng: Thưa ông, rõ ràng là chúng ta chứng kiến hiện tượng gọi là "kinh tế nhất thể hóa" vì sự vận hành của khối kinh tế này tác động vào đà tăng trưởng của khối kia qua những yếu tố như ngoại thương hay đầu tư tài chính. Bây giờ mình mới trở lại tình hình Á châu, Đông Á và Việt Nam. Ba báo cáo vừa được công bố cho thấy những gì là đáng chú ý nhất?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Cũng khởi đi từ hai rủi ro lớn nhất cho thế giới là vụ khủng hoảng của khối Euro và hố thẳm ngân sách Hoa Kỳ, Ngân hàng Phát triển Á châu dự đoán là hai nền kinh tế mạnh nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc đều bị đình trệ vì số cầu của thị trường nội địa chưa đủ mạnh để bù đắp vào thiếu hụt mậu dịch. Khi hai đại gia Hoa Ấn đều sa sút thì đà tăng trưởng chung của châu Á bị giảm mất một điểm bách phân, từ 7,1% sẽ chỉ còn là 6,1%. Trong số này, kinh tế Trung Quốc sẽ hạ cánh từ tốc độ 9,3% năm ngoái, năm nay sẽ chỉ còn chừng 7,7%, tức là thấp hơn cái ngưỡng sinh tử là 8%. Đáng lưu ý hơn nữa trong báo cáo này của ngân hàng mà ta gọi tắt là ADB, các nước Á châu đều còn tiềm năng ứng phó nhờ ít bội chi, ngoại hối dồi dào và lạm phát thấp. Ngoại lệ đáng ngại ở đây chính là kinh tế Trung Quốc và Việt Nam.

Riêng về Việt Nam, Ngân hàng ADB dự đoán đà tăng trưởng năm nay là 5,1% so với chỉ tiêu từ 6 đến 6,5% của chính quyền. Sau các biện pháp ngăn ngừa lạm phát, Việt Nam có hy vọng giữ đà vật giá ở mức 9,1% cho toàn năm nhưng phải cải tổ hệ thống tài chính và ngân hàng đầy rủi ro vì khối nợ xấu đang chồng chất. Những vấn đề đáng chú ý nhất là cải cách cơ chế, yểm trợ tiểu doanh thương và giảm trừ vai trò quá nặng nề tốn kém của hệ thống doanh nghiệp nhà nước.

Dự báo của Ngân hàng Thế giới thì nói đến hoàn cảnh của các quốc gia đã cố kích thích kinh tế bằng cách ào ạt bơm tín dụng, là trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam, với những hậu quả bất lợi trong lần đối phó này. Riêng Việt Nam, hiện tượng ngân hàng thiếu vốn và ngập nợ sau khi kích thích bằng tín dụng cũng là một rủi ro khác.

Vũ Hoàng: Chúng ta đi vào phần kết luận thưa ông. Báo cáo dồn dập của các định chế tài chính quốc tế cho thấy một viễn ảnh u ám chung của toàn cầu sau ba năm hồi phục trong èo uột. Bài học của hiện tượng "kinh tế nhất thể hóa", tức là các nền kinh tế đều giao dịch với nhau và chịu chung ảnh hưởng ngoại nhập từ bên ngoài vào, có đáng cho chúng ta quan tâm hay không?

Sau các biện pháp ngăn ngừa lạm phát, Việt Nam có hy vọng giữ đà vật giá ở mức 9,1% cho toàn năm nhưng phải cải tổ hệ thống tài chính và ngân hàng đầy rủi ro vì khối nợ xấu đang chồng chất.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa là rất đáng quan tâm. Tôi thiển nghĩ rằng trong trào lưu chung của thế giới, mình có thể rút tỉa vài kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam.

Trước hết, Việt Nam có dân số đủ đông và thị trường nội địa đủ lớn, với tài nguyên tương đối đa dạng, để tạo sức kéo cho bộ máy sản xuất. Cho nên, sau vụ khủng hoảng Đông Á vào các năm 1997-1998, diễn đàn này của chúng ta cứ nói mãi đến một nhu cầu chiến lược là đi tìm sự quân bình giữa trong và ngoài. Cụ thể là phải cải tiến hạ tầng để phát triển thị trường nội địa thay vì chỉ lấy xuất khẩu làm đầu máy tăng trưởng như nhiều xứ khác. Nhiều xứ Đông Á khác như Thái Lan hay Indonesia đã chuyển hướng theo chiến lược đó nên ít bị hiệu ứng ngoại nhập.

Thứ hai, Việt Nam cần cải tổ lại cơ cấu kinh tế, nâng cao khả năng quản lý của chính quyền và chấn chỉnh hệ thống tài chính và ngân hàng. Vào lúc hữu sự như trong giai đoạn vừa qua, nhược điểm về cấu trúc và chính sách bên trong sẽ khiến xứ này bị dao động và không có lối thoát. Quá lạc quan với thời thịnh đạt, những yếu kém và thậm chí mờ ám trong hạ tầng cơ sở luật pháp và chính sách đã thổi lên bong bóng đầu cơ và lạm dụng, tai họa ấy hiện đe dọa cả nền kinh tế và viễn ảnh suy trầm toàn cầu đang là những thách thức nan giải. Con bệnh mà bị nội thương thì môi trường èo uột và bất trắc của thế giới sẽ là mối nguy sinh tử. Các nước Âu-Mỹ tiên tiến mà còn suy sụp như người ta đang lo sợ thì phải nói rằng hoàn cảnh của Việt Nam quả là nguy ngập hơn nhiều.

Vũ Hoàng: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

V.H. –N.X.N.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn