Báo Trung Quốc: Trung Quốc không thể từ bỏ chủ trương "Đường 9 đoạn" – xuyên tạc Tuyên ngôn Cairo và Thông cáo Amsterdam

Hoàng Loan giới thiệu

Miệng lưỡi cộng sản thì cực kỳ kinh khủng mà cộng sản Trung Quốc là loại cộng sản trộn lẫn với phong kiến từ Tần Thủy Hoàng đến Mãn Thanh nên mưu sâu kế hiểm trong lời lẽ của chúng còn tăng lên gấp trăm. Đằng nào chúng nói cũng xuôi cả. Nhưng cứ xem cả thế giới đang ngày càng cảnh giác, nghi ngờ và căm ghét chúng thì đủ biết thủ đoạn nói ngược nói xuôi của chúng hiệu quả đến thế nào.

Âm mưu thôn tính lãnh hải của các nước Đông Nam Á bằng kế hoạch đường lưỡi bò cầm chắc thế nào cũng thất bại, Tuy nhiên cảnh giác không bao giờ thừa, và cảnh giác ở một nước như Việt Nam phải coi là nhiệm vụ hàng đầu vì bọn tiếp tay cho giặc hôm nay ma mãnh hơn nhiều những kẻ bán nước dưới thời phong kiến, bởi những kẻ ấy dầu sao trong lương tâm cũng còn chút xấu hổ, điều mà bọn phản quốc hôm nay có bói cũng không thấy. Mặt của chúng chường ra ở đâu cũng cho ta một cảm giác rất rõ chúng là loài... máu lạnh.

Bauxite Việt Nam

Để biện luận cho “Đường 9 đoạn”, các học giả [Trung Quốc] chủ yếu dựa vào lập luận “lịch sử” khi cho rằng Công ước Luật biển ra đời sau “đường 9 đoạn” nên do đó không thể áp dụng Công ước đối với yêu sách “đường 9 đoạn" của Trung Quốc. 

Thời gian qua, tranh chấp Đông Hải không ngừng nóng lên, tranh chấp chủ quyền Biển Đông cũng tiếp tục diễn biến phức tạp. Gần đây, tại một cuộc hội thảo về vấn đề Biển Đông, có học giả công khai yêu cầu Chính phủ TQ phải từ bỏ chủ trương “đường chín đoạn”; nhấn mạnh “TQ không thể đi ngược lại Công ước Luật biển LHQ mà TQ đã tham gia ký kết, TQ cần đi chung con đường với thế giới”; cho rằng từ bỏ chủ trương “đường chín đoạn” sẽ giải quyết được cục diện bế tắc tại Biển Đông; thậm chí còn cho rằng ý tưởng này là “phương sách Nam Hải mới” mà không nhìn đến hậu quả chính trị của nó.

Báo Hải dương TQ đăng bài bình luận nói, việc giới chuyên gia nghiên cứu vấn đề biển đảo nhanh chóng chỉnh lý các thành quả nghiên cứu, đăng tải công khai trên truyền thông nhằm cung cấp thông tin đúng đắn cho công chúng và xã hội trước những sự kiện bột phát trên biển, đây là trách nhiệm đáng quý và hành động cần thiết của giới trí thức. Tuy nhiên, một số học giả lại quên mất lập trường chính trị của mình, phát ngôn cẩu thả trong việc đại sự quốc gia, đã làm tổn hại đến cục diện tổng thể.

Việc TQ chủ trương “đường chín đoạn” để bảo vệ quyền lợi biển, đó trước hết là vấn đề lập trường chính trị. Về tình hình khu vực Biển Đông hiện nay, với tranh chấp của 5 nước 6 bên, thêm vào đó là sự xúi giục của Mỹ và các nước lớn bên ngoài, thì cho dù TQ không có chủ trương 'đường chín đoạn' cũng không tránh khỏi xảy ra tranh chấp. Cho dù một nước láng giềng nào đó bị TQ “thuyết phục”, thì các nước còn lại cũng sẽ không ngồi chờ TQ đến phân chia ranh giới với họ. Hơn nữa là, các nước xung quanh vào những thời điểm khác nhau cũng đều đã đưa ra chủ trương ranh giới trên biển của mình, vì vậy không thể yêu cầu TQ đơn phương từ bỏ chủ trương chủ quyền “đường chín đoạn”, mà các nước khác cũng phải từ bỏ chủ trương quyền lợi của họ để ngồi vào đàm phán hợp tác với TQ.

Theo tác giả, việc hoạch định “đường chín đoạn” trên Biển Đông là phù hợp với thông lệ pháp lý và sự thật lịch sử. Sau khi TQ đánh thắng NB, căn cứ theo “Tuyên ngôn Cairo” và “Thông cáo Postdam”, TQ thu lại những phần lãnh thổ bị Nhật chiếm đóng, đồng thời trên danh nghĩa nhà nước vạch ra ranh giới các vùng biển quy thuộc, thể hiện bằng các đường đứt đoạn, điều này phù hợp với luật pháp quốc tế. Đường biên giới trên biển này chưa bao giờ mất đi, cho dù là trong thời kỳ chính quyền dân quốc hay thời kỳ nhà nước cộng hòa nhân dân, và trên các bản đồ khu vực hành chính do hai bờ xuất bản công khai, bản đồ của nhiều nước trên thế giới xuất bản cũng đều thể hiện chủ trương này. Bởi vậy, một số học giả nào đó phát ngôn dễ dãi cho rằng “đường chín đoạn không phù hợp luật pháp quốc tế” thì chính phát ngôn đó mới là không đúng luật pháp quốc tế, hơn nữa còn là một hành động lạm dụng và làm thiên lệch học thuật.

Tác giả cho rằng, chủ trương 'đường chín đoạn' thực chất không hề mâu thuẫn với “Công ước Luật biển LHQ” mà TQ là nước thành viên. Trong vấn đề Biển Đông, căn cứ pháp lý TQ kiên trì lâu nay là “quyền lợi có tính lịch sử”; do những hạn chế về kỹ thuật và trình độ khai thác hải dương tại thời điểm đưa ra chủ trương “đường chín đoạn”, quyền lợi lịch sử này chủ yếu để chỉ quyền quản hạt và khai thác nghề cá. Đến thời kỳ xây dựng và ban hành “Công ước Luật biển”, do năng lực chinh phục hải dương của con người đã tăng lên, cùng với phong trào khoanh vùng đăng ký chủ quyền, quyền lợi nghề cá và quản hạt được mở rộng thành vùng đặc quyền kinh tế và quyền tài phán. Về mặt logic là cái ra đời sau phải bao hàm cái ra đời trước, chứ không thể là hai khái niệm quyền lợi hoàn toàn khác nhau và xung đột với nhau. Một số chuyên gia lấy Công ước là cái có sau để bác bỏ tập quán pháp lý là cái đã hình thành và tồn tại suốt mấy trăm năm trong quan hệ quốc tế, điều này về mặt tư duy pháp lý cũng không thể chấp nhận được.

TQ kiên trì chủ trương 'đường chín đoạn', lý do có rất nhiều và cũng rất đầy đủ, TQ không bao giờ từ bỏ chủ trương này, nhưng TQ cũng sẽ không phủ nhận quyền tự do đi lại vô hại trong phạm vi “vùng nội hải” của 'đường chín đoạn'. Bảo vệ quyền lợi hải dương xét cho cùng là chuyện của mỗi quốc gia, nó phản ánh ý chí và lợi ích của nhân dân mỗi quốc gia, TQ đang dùng hành động thực tế để giải thích cho 'đường chín đoạn' đã tuyên bố suốt 60 năm qua, đồng thời dùng hành động thực tế để bảo vệ cho chủ trương không thể từ bỏ này.

Theo Bình luận Trung Quốc

H.L.

Nguồn: nghiencuubiendong.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn