Vật liệu xây dựng từ tro và bùn thải chứa chất độc: mang độc hại đến mọi nhà mọi người!

Dương Thạch

Ngày 12/11/2012 báo Thanh niên [1] có đăng một bản tin ngắn về việc Xí nghiệp Xử lý chất thải Bình Dương đã sản xuất thành công sản phẩm gạch tái chế và vật liệu xây dựng từ tro và bùn thải. Bản tin viết: „Hiện nay, xí nghiệp có thể cung cấp các sản phẩm như bê tông, tấm đan, trụ rào và các loại gạch không nung như gạch block tự chèn, gạch lót sân vườn, vỉa hè… dùng trong các hạng mục công trình như công viên, nhà xưởng, khu đô thị, KCN. Được biết, Xí nghiệp xử lý chất thải được UBND tỉnh Bình Dương giao nhiệm vụ thu gom và xử lý các loại chất thải trên địa bàn. Trong quá trình xử lý rác bằng nhiệt, xí nghiệp đã tận dụng các loại tro và bùn thải để sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường được dùng trong ngành xây dựng“.

Đọc bản tin này, những ai quan tâm và có tìm hiểu về vấn đề an toàn môi trường không khỏi ngao ngán và lo ngại vì những công trình „thân thiện với môi trường“ với quá trình „xử lý rác bằng nhiệt“ mà Xí nghiệp Xử lý chất thải Bình Dương đã hãnh diện công bố!

clip_image002

Nếu ai lên mạng tìm mấy chữ „sông bị bức tử“ sẽ được hàng chục nghìn kết quả, đáng chú ý nhất là bản tin ngày 8/11/2012 của báo Dân trí [2] như sau: „Cùng với những bất cập về vệ sinh môi trường, nông thôn Việt Nam còn đang phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm môi trường nước thải, chất thải, không khí, đất đai gây ra bởi các làng nghề. Theo kết quả tổng điều tra mới nhất, chỉ hơn 4% số làng nghề ở nông thôn trong cả nước sử dụng thiết bị xử lý nước, chất thải độc hại.

Điều tra của Cảnh sát Môi trường cho thấy, có tới gần 70% khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) trên cả nước không đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; số còn lại cũng chỉ theo kiểu “gọi là có”. Tại tất cả các KCN-KCX, chỉ tiêu về BOD, COD, coliform, chất rắn lơ lửng, kim loại nặng, phốt pho… đều vượt chỉ tiêu cho phép. Nguồn ô nhiễm này đang ngày đêm hủy hoại môi trường, nhất là môi trường nước trên các hệ thống sông ngòi. Theo thống kê, mỗi ngày sông Đồng Nai phải gánh chịu 1.740.000 m³ nước thải công nghiệp, trong đó chứa đựng 671 tấn cặn lơ lửng, 104 tấn nitơ, 15 tấn phốt pho và kim loại nặng“.

Ngoài những khó khăn vô vàn về kinh tế tài chính qua những bê bối của các ngân hàng, tập đoàn, những nguy hiểm đang rình rập qua công trình khai thác bauxite hay nhà máy điện hạt nhân đã khởi công ở Ninh Thuận, cả nước Việt Nam đang bị nhiễm độc, từ các thực phẩm độc hại không được kiểm soát cho đến chất thải công nghiệp không được xử lý đang phát tán đi khắp nơi và thấm vào mọi thứ kể cả đồ ăn và cơ thể con người. „Đỉnh cao trí tuệ“ để đâu rồi?

Trở lại bản tin của báo Thanh niên, Bình Dương là thành phố kỹ nghệ lớn nhất ở miền Nam (có lẽ cũng lớn nhất VN), riêng số nhân công lao động tại các xí nghiệp trong tỉnh Bình Dương khoảng 700.000 người, con số này đủ để chỉ ra mức độ lớn lao của chất thải từ các xí nghiệp. Xí nghiệp xử lý chất thải Bình Dương có nhiệm vụ „thu gom và xử lý các loại chất thải trên địa bàn“. Các loại chất thải bao gồm rác và nước thải nhưng bản tin chỉ nói đến „ xử lý rác bằng nhiệt “. Chất thải công nghiệp từ các hãng không được kiểm soát mà chỉ xử lý „bằng nhiệt“ như đốt rác hay nung gạch, xử lý như thế chỉ có khả năng diệt trùng nhưng không loại được những chất hóa học độc hại, kim loại nặng. Nước thải công nghiệp (tương đối dễ xử lý hơn rác công nghiệp) không được lọc cẩn thận và đúng cách hoặc có nhưng chỉ „gọi là có“ trước khi thải vào sông thì không cần phải nói đến những chất bùn thải của Bình Dương chứa bao nhiêu chất kim loại nặng. Các hoá chất độc hại, kim loại nặng sẽ theo những vật liệu sản xuất từ tro và bùn Bình Dương phân tán đi khắp nơi trong môi trường sống. Chất độc hại trong không khí thì bay đi khắp nơi, trong đất thì thấm vào rau cỏ và mạch nước, trong nước thì thấm vào cá tôm, rồi nước sông con người dùng trực tiếp hoặc dẫn thuỷ nhập điền, nước có đun sôi chỉ diệt trùng nhưng chất độc vẫn còn đó, trong tất cả các trường hợp con người lãnh hậu quả sau cùng. Điều nguy hiểm đáng nói là khi chất hóa học độc hại, kim loại nặng nhiễm vào cơ thể, người ta sẽ không thấy được hậu quả ngay lập tức mà thường sau một thời gian lâu, đôi khi quá muộn không cứu vãn được nữa.

Câu hỏi lớn đặt ra là ai phải chịu trách nhiệm cho tình trạng ô nhiễm môi trường này? Chắc chắn không phải dân chúng!

Người dân thấp cổ bé miệng, biểu tình phản đối thì bị cấm đoán, khiếu kiện thì không được giải quyết, họ cũng không đủ „rủng rỉnh xu hào“ để có vườn trồng rau sạch trên sân thượng biệt thự như các quan chức đại gia hay để giải quyết theo cách „văn hóa phong bì“ như kiểu đại gia vẫn áp dụng để các công ty của họ tiếp tục xả rác và nước thải chứa chất độc hại một cách vô tội vạ. Ngày nào người dân chưa có đầy đủ hiểu biết về nạn ô nhiễm môi trường, chưa nhận thức đúng về hậu quả của ô nhiễm cho chính bản thân, chưa có tiếng nói thì nằm ở chặng cuối cùng trong chu trình ô nhiễm họ vẫn phải chấp nhận hậu quả độc hại của tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay ở VN mà không có pháp luật vô tư nào bênh vực cho họ!

D.T.

19-11-2012

[1] Sản xuất vật liệu xây dựng từ tro và bùn thải. Thanh Niên Online 12/11/2012

[2] Hệ thống sông ngòi Việt Nam đang bị "bức tử". Dân Trí 08/11/2012

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn