Những câu trả lời lạc hướng

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

clip_image001

Vietnamnet ngày 29 tháng 12 năm 2012

 

Bức thư được công bố trên trang mạng Bauxit Việt Nam do ông Phan Trung Lý ký tên gửi cho nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc trả lời về bản kiến nghị Dự thảo Hiến pháp năm 1992 cho thấy quan điểm của Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp tỏ ra rất khập khiễng khi thực hiện việc thu thập ý kiến của người dân mà ở đây là 72 nhân sĩ trí thức cùng với hơn 4 ngàn người đồng ký tên.

Nói một đằng làm một nẻo

Điều 1 của bức thư ghi rõ: Ý kiến đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố dự thảo Hiến Pháp do ông Lộc và một số công dân soạn thảo là không đúng với quy định tại Điều 1 của Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội ghi rằng “Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố.

Đọc nội dung của điều 1 trong bức thư nhiều người không khỏi kinh ngạc khi ông Phan Trung Lý lấy Nghị quyết 38 của Quốc hội để từ chối sự đóng góp ý kiến của 72 nhân sĩ trí thức trong góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Điều này đi ngược hoàn toàn những tuyên truyền rộng khắp đang diễn ra trên khắp các cơ quan truyền thông nhà nước hiện nay.

Người ta ghi nhận sự đánh tráo khái niệm trong cách sử dụng chữ nghĩa của ông Phan Trung Lý khi bác bỏ kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức bằng Nghị quyết nhưng sau đó vẫn khăng khăng chào mời người bị ông từ khước là nguyên Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc với câu chữ bóng bẩy trong đoạn văn kế tiếp:

“Các ý kiến của các cơ quan tổ chức trong đó có ý kiến của ông sẽ được tập hợp nghiên cứu trong quá trình chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo đúng yên cầu của Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội.

clip_image002

Ông Phan Trung Lý phát biểu tại Thường vụ Quốc hội. Photo: N.H/vnexpress

Rồi lại ngay sau đó ông Phan Trung Lý đã đi quá xa khi nhắc nhở một cựu Bộ trường Tư pháp phải thực hiện đúng quy định của pháp luật khi viết:

“nhiều người không khỏi kinh ngạc khi ông Phan Trung Lý lấy Nghị quyết 38 của QH để từ chối sự đóng góp ý kiến của 72 nhân sĩ trí thức trong góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Điều này đi ngược hoàn toàn những tuyên truyền rộng khắp đang diễn ra trên khắp các cơ quan truyền thông nhà nước”

Vì vậy, trân trọng đề nghị Ông thực hiện đúng quy định của pháp luật và Nghị quyết số 38/2012 của QH về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992.

Vừa đen lại vừa trắng. Vừa phản bác vừa hứa sẽ xem xét. Không ngại ngùng khi đưa ra cảnh cáo người đóng góp ý kiến phải tôn trọng pháp luật chỉ trong một bức thư ngắn ngủi khiến người dân nghi ngờ về khả năng của ông Phan Trung Lý khi lãnh trọng trách Trưởng ban biên tập của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nơi có bổn phận soạn thảo bản Hiến pháp với ngôn từ rõ ràng, trong sáng và nhất là không thể được diễn giải theo nhiều cách.

Người đọc báo còn nhớ tại cuộc họp báo vào chiều ngày 29/12, ông Phan Trung Lý đã khẳng định: “Ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp”.

Ông Lý cũng đựơc báo chí trích lời và in đậm hàng chữ "nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả".

Không có gì cấm kỵ vào ngày 29 tháng 12 năm ngoái, chỉ một hơn tháng sau đã bị vất đi vào ngày 07 tháng Hai năm 2013 trong bức thư gửi cho 72 nhân sĩ trí thức.

Phủ nhận quyền lập hiến của nhân dân?

Ngay khi bức thư được công bố, nhóm nhân sĩ trí thức 72 người đã ra thông báo phản hồi, trong đó mạnh mẽ từ khước sự độc quyền của Quốc hội khi là nơi duy nhất có quyền sửa Hiến Pháp, tức quyền lập hiến của nhân dân bị bẻ gãy. Thông báo có đoạn viết:

Theo chúng tôi, quy định nêu trên của Hiến pháp hiện hành phủ nhận quyền lập hiến của nhân dân; đây chính là điều đầu tiên cần sửa trong Hiến pháp và quá trình sửa đổi HP lần này phải thấu suốt tinh thần tôn trọng quyền của nhân dân quyết định Hiến pháp

Nhóm nhân sĩ trí thức

clip_image003

Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992. RFA file

- Theo chúng tôi, quy định nêu trên của Hiến pháp hiện hành phủ nhận quyền lập hiến của nhân dân; đây chính là điều đầu tiên cần sửa trong Hiến pháp và quá trình sửa đổi Hiến pháp lần này phải thấu suốt tinh thần tôn trọng quyền của nhân dân quyết định Hiến pháp.

Chúng tôi đề nghị Ủy ban tôn trọng và đưa ra công khai một cách trung thực các kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp, kể cả những ý kiến khác với dự thảo của Ủy ban, để nhân dân bàn bạc, tranh luận; đó là điều kiện nhất thiết phải có để đi tới tổ chức trưng cầu ý dân nhằm xây dựng một bản Hiến pháp đúng là của nhân dân Việt Nam.

Ông Hồ Ngọc Nhuận, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc chính trị nhật báo Tin Sáng, một dân biểu đối lập trong Quốc hội VNCH thuộc đơn vị Sài Gòn từ năm 1967-1975, không thể nói rằng ông hoàn toàn không hiểu khả năng từ chối này sẽ xảy ra nhưng cứ ký tên vào kiến nghị. Ông Hồ Ngọc Nhuận cho biết cảm tưởng của mình khi nhận được bức thư của ông Phan Trung Lý:

- Tất nhiên bây giờ ở trong nước dưới chế độ này nếu có chuyện gì xảy ra thì tôi cùng với những người có tâm huyết đều phải tham gia thôi. Người ta nói sửa đổi Hiến pháp thì mình cũng tham gia ý kiến nhưng mà thú thật trong thâm tâm tôi, riêng cá nhân tôi thì tôi hỏi ai sửa?

Tôi cũng ký kiến nghị, tôi hoan nghênh hết nhưng tôi chỉ thử coi thôi chứ tôi không lạ gì chuyện họ trả lời. Nếu mà sửa, tôi là Hồ Ngọc Nhuận, tôi đề nghị sửa nhưng mà ai sẽ sửa? Tôi đâu có ngồi trong Quốc hội mà sửa? Tôi cũng không ngồi ở trong Đảng để mà sửa. Mà tôi ngồi trong đảng đi nữa nhưng đứng hạng thứ hai, ba triệu thì tôi sửa gì được? Thì cũng là mấy ông chóp bu trong đảng, rồi cái Quốc hội này cũng là đảng thì mấy ổng sửa với nhau thôi… nhưng mà mấy ổng có chịu sửa đâu?

Khi nào người ta kêu mình góp ý thì mình góp ý vậy thôi, mình nói thẳng bởi vì mình không tẩy chay, mình không giận lẫy cũng không chống lại gì cả. Người ta kêu mình góp ý thì mình làm nhưng mà thâm tâm tôi không tin chút nào hết tại vì họ có chịu sửa hay không? Mà họ có sửa đi nữa thì đâu có chịu sửa những điều mà rất cấm kỵ?

Tôi ở chế độ cũ, chế độ mới đã bao nhiêu năm rồi. Có nhiều thứ họ đâu cho mình có ý kiến đâu. Bây giờ có cho lấy ý kiến nhưng mình nói là một chuyện mà họ sửa hay không là chuyện khác. Tôi không bao giờ tin họ sửa đâu!

Ông Phan Quang Tuệ, Thẩm phán tòa án liên bang San Francisco cho chúng tôi biết cảm nghĩ của ông về sự đóng góp của 72 nhân sĩ trí thức:

- Tôi đặt trường hợp của tôi ở trong nước, tôi nghĩ rằng người ở trong nước dù là đảng viên hay không khi đặt bút ký cùng với tên tuổi, địa chỉ đòi sửa đổi Hiến pháp, và trong bản dự thảo đó của họ không thấy có hình bóng nhắc nhở gì đến Đảng Cộng sản thì tôi cho đó là hành động can đảm. Dù mình không hỗ trợ cho kiến nghị đó thì mình vẫn hỗ trợ cho hành động can trường của những người đó. Họ dám đứng lên, họ dám làm.

Ông Hồ Ngọc Nhuận khẳng định rằng chỉ có một Quốc hội Lập Hiến do người dân bầu ra một cách tự do mới có thể hình thành một bản hiến pháp đúng nghĩa, ông nói:

Mỗi lần trình và thảo luận đều có những vấn đề cụ thể được sửa đổi, nhưng những định hướng lớn, nguyên tắc cơ bản vẫn giữ nguyên

ông Phan Trung Lý

- Tôi nói thật, ngày nào mà họ nói rằng cho chúng tôi bầu cử, bầu cử tự do nha! Bầu cử một Quốc hội lập hiến của nhân dân đàng hoàng để làm hiến pháp mới thì cái đó may ra còn tin được còn vần đề ai bầu cái Quốc hội lập hiến ấy thì còn hạ hồi phân giải nữa chứ còn bây giờ tôi có đựơc bầu ai đâu? Thành thử cái này không có được thí dụ như điều bốn Hiến pháp, sao cứ để trên đầu tôi hoài?

Trong buổi nói chuyện vào ngày 29 tháng 12 năm ngoái ông Phan Trung Lý, người đang chịu trách nhiệm trưởng ban biên tập Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp có nêu một ý kiến rất quan trọng mà nếu chú ý thì mọi nỗ lực góp ý của nhân sĩ trí thức đều là muối bỏ biển. Ông Lý nói rằng: “Mỗi lần trình và thảo luận đều có những vấn đề cụ thể được sửa đổi, nhưng những định hướng lớn, nguyên tắc cơ bản vẫn giữ nguyên”.

Những định hướng lớn và nguyên tắc cơ bản ấy là điều 2 và điều 4 của Hiến pháp hiện hành đã được 72 nhân sĩ trí thức bác bỏ trong đề nghị của họ. Câu hỏi đặt ra: cách giải thích của một viên chức thẩm quyền theo thói quen tùy tiện và coi thường khả năng diễn giải của nhân dân có phải là chính sách khuyến khích người dân góp ý cho bản Hiến pháp hay ngược lại?

M.L.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn