Tư liệu liên quan đến bản Kiến nghị 2009 (16) – Hai bài viết của GS TS Nguyễn Thế Hùng

LỜI NÓI DỐI VÔ LIÊM SỈ VỀ SỰ AN TOÀN CỦA HỒ CHỨA BÙN ĐỎ Ở TÂY NGUYÊN

GS TS Nguyễn Thế Hùng

Phó Chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí Việt nam

Chúng ta biết các thiên tai xảy ra theo luật xác suất; các hiện tượng như mưa lũ, động đất, trượt lở núi… xảy ra không thể đoán trước lúc nào và cường độ là bao nhiêu!

Khi thiết kế các công trình đập giữ bùn đỏ, hồ chứa nước…, người ta chỉ dự tính được sự an toàn của nó ứng với lượng mưa, động đất… xảy ra nhỏ hơn với các giá trị tính toán nào đó (tương ứng với tần suất nào đó do cấp công trình qui định).

Với các công trình có tuổi thọ hữu hạn (như hồ chứa nước để tưới, phát điện…) mà có hiệu quả kinh tế, thì người ta chấp nhận xây dựng; bởi lẽ trong thời gian vận hành (50 ÷ 100) năm, công trình sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt nếu nó không bị sự cố (như vỡ đập chẳng hạn); còn việc có bị vỡ đập hay không do thiên tai (vượt tần suất thiết kế) xảy ra trong lúc nó vận hành, trong một thời gian hữu hạn, là mang tính xác suất – có nghĩa là có thể có hoặc không. Ngoài nguyên nhân thiên tai, đập còn có thể bị vỡ do con người gây ra như thi công không đảm bảo chất lượng, do chiến tranh, khủng bố…

Với một công trình tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm lớn, và tồn tại lâu dài như hồ chứa bùn đỏ, do khai thác bauxite ở Tây Nguyên, mà nói đến sự an toàn không bị vỡ đập là lời nói dối vô liêm sỉ!

Mặt khác, cho dù không bị vỡ đập thì trong khoảng thời gian rất dài sự thẩm lậu bùn đỏ vào tầng nước ngầm (do khả năng thẩm thấu của vật liệu chống thấm, sự tương tác với hóa chất…) là rất lớn và không có biện pháp gì ngăn cản được (xem bài đã đăng trong BauxiteVN của GS Nguyễn Thế Hùng; PGS Nghiêm Hữu Hạnh).

Trái đất này là của chung, mọi quốc gia cần phải góp phần giữ gìn bảo vệ nó; sự phá hoại môi trường, gây ô nhiễm xảy ra do khai thác bauxite Tây Nguyên sẽ bị loài người tiến bộ lên án, đặc biệt là các nước anh em Campuchia, Lào do bị ảnh hưởng trực tiếp.

Chúng ta cần phải vun xới tình hữu nghị lâu dài với các nước anh em láng giềng, phải chứng tỏ là một nước văn minh trong cộng đồng nhân loại.

Dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên không mang hiệu quả kinh tế, hủy hoại môi trường, và tiềm ẩn các nguy cơ khác về an ninh quốc phòng, bảo tồn văn hóa… Nên việc dừng khai thác nó là quyết định mang tính sống còn của dân tộc Việt Nam.

Ngày 27 tháng 10 năm 2010

N. T. H.

* * *

Ý KIẾN NGẮN VỀ CHUYỆN CHỐNG THẤM Ở HỒ BÙN ĐỎ

GS TS Nguyễn Thế Hùng

Bản Báo cáo số 91/BC-CP của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 22/5/2009, về việc triển khai các dự án bauxite Tây Nguyên, cho biết hồ bùn đỏ được thiết kế có đáy lót bằng hai lớp đất sét dày 0,6 mét ở giữa có lớp vải địa kỹ thuật để chống thấm.

Về mặt kỹ thuật, đất sét có hệ số thấm bé: K = 10-5 ÷10-7 cm/s; trong khi đó vải địa kỹ thuật có hệ số thấm bé hơn đất sét: K = 10-8 ÷10-12 cm/s; hệ số thấm bé nhưng không phải là không thấm. Cần phải lưu ý điều này. Hai chất liệu này nếu dùng trong thời gian ngắn, một vài năm, thì khả năng thấm là ít. Tuy nhiên, đối với các hồ chứa bùn đỏ tồn tại hàng trăm  năm hoặc vĩnh viến. Với chiều cao bùn đỏ vài chục mét, tổng diện tích đáy hồ hàng vài trăm hecta, thì khoảng 100 năm thôi, lượng nước ngấm từ hồ bùn đỏ xuống đáy hồ để đi vào các mạch nước ngầm cũng đến hàng trăm triệu m3. Hơn nữa, vải địa kỹ thuật có còn đảm bảo tính năng kỹ thuật dưới tương tác của hóa chất hay không, là vấn đề chưa được thực nghiệm làm sáng tỏ.

Hồ bùn đỏ tồn tại vĩnh viễn, lại nằm trên cao nguyên, có độ chênh cao so với mặt biển tối thiểu cũng đến vài trăm mét; nên theo thời gian, lượng nước trong hồ sẽ ngấm xuống đáy hồ ngày một nhiều, không có gì ngăn cản được, di chuyển theo các mạch nước ngầm vào sông suối hay các công trình lấy nước khác, gây hậu quả khôn lường đến môi sinh.

Hay nói cách khác là việc sử dụng hai chất liệu đất sét và vải địa kỹ thuật cho quy trình chống thấm bùn đỏ trong hồ chứa ở khu vực Tây Nguyên chưa có đủ bằng chứng là bảo đảm. Với một lượng chất thải khổng lồ bùn đỏ, tính đến cuối công trình có thể lên đến hàng tỷ tấn mà lại dựa trên biện pháp xử lý như vậy là một việc làm quá mạo hiểm.

Vì lý do này, vị trí nơi khai thác bauxite phải là những vùng hoang vắng và xa các khu dân cư, xa các nguồn nước mặt và nước ngầm; vùng trũng nhất trong lưu vực, để nước ngầm không di chuyển đến nơi khác. Do đó nhất thiết không nên làm hồ chứa bùn đỏ ở vùng thượng lưu của các lưu vực sông. Bài học tại Úc, ở đó họ đã sử dụng một vùng hoang mạc đất trũng để làm nơi chứa bùn đỏ. 

Tóm lại, bài toán về hồ chứa bùn đỏ ở khu vực Tây Nguyên Việt Nam do TKV và Bộ Công thương Việt Nam đưa ra không đáp ứng về yêu cầu kỹ thuật. 

N.T.H.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn