Hội chứng “đường cong” và người Việt hạnh phúc nhất thế giới

Kỳ Duyên

clip_image002Liệu nước Việt có dấn thân suôn sẻ trong hành trình này không? Hay vẫn cam chịu, chấp nhận cách tư duy có những “đường cong mềm mại”? Và người Việt thỏa mãn với thước đo văn minh lúa nước, tự nhận dân tộc mình vẫn là dân tộc hạnh phúc nhất nhì thế giới?

I-Những ngày này, “con đường cong mềm mại” hẳn cười thầm. Vì hóa ra, mốt “đường cong” rất được các ngành ưa thích ứng dụng, vô tình thành một “hội chứng”, dù không được… hoàn hảo lắm. Ngành tiên phong trong tuần qua là giáo dục.

Năm trước đó, ngành GD đã làm cả xã hội “cảm nặng” vì con số 70.000 tỷ đồng. Tranh cãi, phản biện chán chê, rồi tất cả… hạ nhiệt. Cả bên 70.000 tỷ đồng, lẫn bên gần 90 triệu (dân).

clip_image004

Ảnh: Văn Chung

Nay cơn sốt chương trình, SGK bất ngờ lại quay trở lại - giống dịch sởi - dù chỉ còn 34.275 tỷ. Thông tin đó được báo chí đưa ra cùng một lúc vào ngày 14/4, khi Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Nguyễn Vinh Hiển trình Dự thảo Đề án đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông trước cuộc họp Thường vụ Quốc hội. Con số lẻ 275 tỷ đồng thể hiện sự dự toán cẩn thận, chi tiết.

Tại cuộc họp báo định kỳ vào chiều 15/4 tiếp đó, ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ GD trung học (Bộ GD&ĐT) - thường trực Ban soạn thảo CT, SGK sau năm 2015, được coi như người “bảo vệ thử đề án” trước báo chí.

Chả biết sự bảo vệ thử đề án thế nào, nhưng sự phản biện ngoài xã hội thì quá bất ngờ. Không chỉ hàng trăm bài báo mạng, báo giấy, ý kiến các trang mạng xã hội, mà ngay các GS, các nhà giáo có tên tuổi như Hoàng Tụy, Chu Hảo, Nguyễn Ngọc Lanh, Văn Như Cương, Nguyễn Lân Dũng…, đều lên tiếng không đồng tình với con số tiền tỷ đưa ra, ở các góc độ khác nhau.

Còn  trong phòng họp Thường vụ QH, các thành viên đã đặt dấu hỏi về chất lượng đề án: Thiếu cụ thể, thiếu định hướng, mới chỉ "chép lại Nghị quyết TƯ", “không giúp nhận diện được hình hài nền GDVN 10 năm tới”. Hay “cái mới là cái gì, đột phá là cái gì?”, “chỉ thấy hoang mang”… Thậm chí, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Lê Văn Học nhận xét: Bộ GD không biết cách làm một đề tài khoa học.

Đùng một cái, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời trên báo chí cho biết, con số hơn 34.000 tỷ đồng chỉ là một sơ xuất, ước tính của các nhóm chuyên gia.

“Đường cong” đột ngột này của ngành khiến cả xã hội té ngửa, dúi dụi. 

Mới bước vào “trận đánh lớn” diệt “cái dốt”, mà ông phó thổi kèn xuôi, ông trưởng thổi kèn ngược, xem ra năng lực điều hành chiến lược ngay từ bộ chỉ huy đầu não cũng không giỏi lắm. Chả lẽ việc trình Dự thảo Đề án lẫn việc họp báo bảo vệ “thử” lại chỉ là một trò … đùa dai, hoặc đùa thử?

Nhưng khi con số khủng hơn 34.000 tỷ đồng cóm róm tạm lui vào cánh gà sân khấu, cũng là lúc xã hội cần xem xét Dự thảo Đề án đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông có những gì mới “đột phá”, nhất là khi xem xét các cuộc CCGD, hoặc đổi mới GD trước đó.

Trong lịch sử GDVN, ở bất cứ cuộc CCGD nào, CT, SGK cũng được ngành GD chọn lựa coi như là khâu “đột phá”, với quan điểm SGK là nguồn tri thức đầu tiên của người học. Việc đổi mới CT, SGK chính là góp phần lớn làm thay đổi mục tiêu GD, tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Điều đó phản chiếu rất rõ qua 03 cuộc CCGD lớn, 01 cuộc đổi mới GDPT.

CCGD năm 1950: Hệ thống GD từ 12 năm (chế độ thuộc địa) chuyển sang hệ 09 năm. Đương nhiên, CT, SGK phải viết lại.

CCGD năm 1956: Hệ thống GD từ 09 năm chuyển sang 10 năm. CT, SGK của cuộc CCGD này chủ yếu là ‘sao chép” lại của các nước XHCN, nặng tính hàn lâm, và quá tải.

CCGD năm 1980: Hệ thống GD chuyển từ 10 năm sang 12 năm (bỏ lớp vỡ lòng), đổi mới CT, SGK và cải tiến chữ viết. Thực tiễn cho thấy, CT, SGK của cuộc CCGD năm này lại bị chính các nhà trường kêu quá tải.

Đổi mới GDPT năm 2000: Với hai nội dung cơ bản. 1) Đổi mới CT, SGK. 2) Đổi mới phương pháp. Đổi mới phương pháp tại cuộc đổi mới GD này được ngành xác định là mục tiêu lớn nhất, duy nhất, chi phối toàn bộ công cuộc đổi mới. Nhưng kết quả ra sao, xã hội, và ngành GD đến tận bây giờ, tự thấy rõ nhất (*)

Như vậy, đổi mới CT, SGK ở bất cứ cuộc CCGD nào cũng được coi là khâu đột phá. Và hầu như chưa cuộc nào, việc đổi mới CT, SGK với hy vọng nâng cao chất lượng GD, là… thành công!

clip_image006

Ảnh: Văn Chung

Ở cuộc đổi mới toàn diện GD lần này, đổi mới CT, SGK cũng được lựa chọn là số 01. Cũng tức là ngành hy vọng khâu này sẽ là khâu đột phá, tạo ra những thay đổi chất lượng?

Nhưng nếu xem xét toàn bộ những thông tin trên báo chí, người viết thấy rằng, Dự thảo Đề án đổi mới này hầu như không có cái mới. Vì sao?

Tại cuộc họp báo chiều 15/4, trả lời báo chí, ông Đỗ Ngọc Thống cho rằng, lần đổi mới này khác căn bản ở chỗ là tiếp cận năng lực học sinh. Bản chất của sự thay đổi này không chỉ yêu cầu học sinh biết cái gì mà phải biết làm gì khi vận dụng kiến thức đó.

… Quan trọng nhất của lần đổi mới này không phải là nội dung, mà đổi mới cách dạy, cách học là chính v.v.. và v.v.. (VietNamNet, ngày 15/4).

Thứ nhất, đọc kỹ về ngôn từ và khái niệm có vẻ “hoành tráng”, đẹp đẽ, nhưng thực chất, tinh thần này có khác gì quan niệm về mục tiêu của cuộc đổi mới GDPT năm 2000? Có khác gì nguyên lý dạy học mà ngành GD quy định? Đó là dạy học sát đối tượng (tiếp cận năng lực), dạy cho học sinh năng lực hành động, chứ không phải chỉ có kiến thức (Bản chất của sự thay đổi lần này, là không chỉ yêu cầu học sinh biết cái gì mà phải biết làm gì khi vận dụng kiến thức đó).

Thứ hai, điều gọi là quan trọng nhất của đổi mới lần này là đổi mới cách dạy, cách học, thì nó cũng từng là… điều quan trọng nhất, mục tiêu lớn nhất, thậm chí duy nhất của cuộc đổi mới GDPT năm 2000. Đó là đổi mới phương pháp dạy và học. Do rất nhiều nguyên nhân, mục tiêu này thực chất đã thất bại.

Thứ ba, một CT nhiều bộ SGK cũng không phải cái gì mới mẻ. Nó là cách làm sách Văn- Toán của CCGD năm 1980. Tuy nhiên, chủ trương này cũng đã không thành công. Rút cục, lại quay về một CT, một bộ SGK.

Thứ tư, việc đổi mới GD muốn thành công không thể không gắn liền với đổi mới thi cử. Chủ trương chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia, một chủ trương “đúng”… hiếm hoi của ngành, đã gây ra những tranh luận quyết liệt, kiểu 50/50. Nhưng ngành GD đã không đủ cả lý luận, bản lĩnh và sự quyết đoán để bảo vệ. Rút cục, chủ trương này lúc thò lúc thụt, đi vào sự quên lãng trời chiều. Số phận của đổi mới thi cử ra sao, còn nằm ở thì tương lai.

Trong khi, đổi mới thi cử mới đây dường như có vẻ một lần nữa được ngành hâm nóng lên. Tiếc thay, chỉ là những thay đổi vụn vặt, khi giảm bớt môn thi từ 06 xuống thành 04 môn, và ra đề mở ở môn Văn. Thực chất, chỉ là sự lắp lại “nhàm chán” cách làm của những năm trước đây mà thôi. Và việc ra “đề mở” thì đã từng có năm thì mở, năm thì… khép chặt!

Xét cho công bằng, Đề án Đổi mới GD chỉ có hai điểm mới: Đó là … đổi mới CT, SGK. Và một điểm mới nho nhỏ nữa, việc viết SGK lần này làm một mạch xuyên suốt từ lớp 1 -12, hạn chế sự trùng lặp, và không liên thông (nếu làm đúng như ngành đã tuyên bố).

Đầu xuôi thì đuôi lọt. Nhưng cho dù, Dự thảo Đề án lần này có xuôi, thì đuôi của nó- chất lượng GD chắc chắn không lọt với yêu cầu một sự biến đổi về chất.

Vậy, một sự đổi mới GD như thế nào mới thật sự mang ý nghĩa đổi mới?

Chừng nào ngành GD thay đổi được, từ tư duy đến tổ chức hoạt động GD, xây dựng một nền GD mở theo tinh thần “Học để làm”, không phải “Học để thi”.

Chỉ có 03 chữ ngắn gọn, nhưng thực chất đó là một cuộc cải cách, cuộc cách mạng GD thật sự.

Tư tưởng đó phải được quán xuyến trong toàn bộ các khâu từ biên soạn CT, SGK, tổ chức dạy học, phương pháp, đặc biệt là thi cử. Nếu không, rốt cục Dự thảo Đề án đổi mới GD, cho dù có triển khai, sẽ chỉ đi vào vết xe đổ muôn đời- “Học để thi”.

Tư tưởng “Học để làm” của GD rất cần một điều kiện căn cốt. Đó là thể chế quản lý Nhà nước phải được cải cách, được đổi mới, tạo điều kiện cho “sự làm” thực chất, khuyến khích năng lực sáng tạo cá nhân, không vì cái bằng cấp ĐH, hay TS nhiều phần “dỏm”. Cũng tức là ứng xử công tâm các thang bậc giá trị đúng nghĩa, hạn chế bớt sự rối loạn giá trị, hạn chế việc tạo ra những “đường cong” vô lý- những kẽ hở và tiêu cực.

Hôm qua, Bộ GD xin rút Dự thảo Đề án hơn 34 000 tỷ, chưa trình vào kỳ họp QH khóa tới. Vừa tuyên bố “trận đánh lớn”, Bộ GD đã phải… kéo pháo ra. Có điều, Bộ trưởng cũng không phải là Đại tướng.

                                                             *********

II- Cái ‘đường cong mềm mại” ấy, dường như cũng đang mềm mại nằm trong … tư duy tiểu nông vốn dễ thỏa mãn hoàn cảnh của người Việt, và đang trở thành vật cản cho sự phát triển nước Việt?

Đó là câu chuyện “cái bẫy trung bình” mà nước Việt, hoặc thoát khỏi, hoặc sẽ mãi rơi vào không lối thoát, trước cơ hội và thách thức hội nhập kinh tế thế giới, thông qua việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

clip_image007

Tác phẩm dự thi tranh biếm họa VACI 2014. Tác giả: Leo/Tiền phong

Khái niệm “cái bẫy TB” với VN không còn xa lạ. Nó là một tình trạng trong phát triển kinh tế khi một quốc gia đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có), giẫm chân tại mức thu nhập ấy, không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn (theo Wikipedia tiếng Việt), đã được cảnh báo từ 05 năm trước đây- 2009.

Năm năm sau, “cái bẫy TB” đã hiển hiện trong những tham luận về chủ đề này tại hội thảo “Tránh bẫy thu nhập TB ở VN” do Ban Kinh tế TƯ và Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức sáng 15/4. Theo ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế TƯ, có không ít quốc gia gặp phải tình trạng này. Cụ thể, từ giữa thế kỷ 20 (1950) đến 2010, trong số 124 nền kinh tế trên thế giới được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, có 52 nền kinh tế ở mức thu nhập TB, đã có 35 nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập TB, trong đó 30 nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập TB thấp.

Chỉ có 13/52 nền kinh tế vượt qua được bẫy thu nhập TB, trở thành nước có thu nhập cao. Trong đó có 05 nền kinh tế là Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore (VnEconomy, ngày 16/4)

Việt Nam có mức thu nhập TB thấp 1.960 USD (2013) đang đứng ở đâu?

Câu trả lời đang ở thì… phía trước. Khi mà “luật chơi” TPP cùng lúc chìa ra cho VN những viễn cảnh huy hoàng, nhưng cũng chính “luật chơi” khắc nghiệt ấy cảnh báo cho VN sự sập tối, nếu không nỗ lực và bản lĩnh vươn lên bằng trí tuệ, tài năng sáng tạo và năng suất lao động toàn xã hội, để trở thành quốc gia phát triển bền vững.

Huy hoàng, bởi theo ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng Đoàn đàm phán HĐTM Việt Nam-Hoa Kỳ), cái ước mơ "sánh vai các cường quốc năm châu" của người Việt có thể được nhen nhóm từ đây, từ sân chơi đẳng cấp này, nếu chúng ta thành công trong cuộc chơi. (Tuần Việt Nam, ngày 18/4)

clip_image009

Nhưng đây cũng là một cuộc chơi khắc nghiệt chỉ dành cho những quốc gia dám ra gió. Trong khi VN chúng ta còn là một nước yếu kém về kinh tế, hệ thống pháp luật lại rất nhiều khiếm khuyết.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Lương, TPP mang đậm màu sắc địa chính trị, sân chơi của những nước có nền kinh tế thị trường có sức cạnh tranh rất cao, rất mở, đặc biệt là Hoa kỳ, Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore... Tất cả những cái gì không phải là kinh tế thị trường, phải xóa bỏ bằng hết. Điều đó có nghĩa, nó sẽ tác động vào cả thể chế, cách điều hành kinh tế, quản lý xã hội…v.v.. và v..v

Như vậy, nếu chấp nhận dám ra gió, cùng lúc, VN phải thay đổi rất nhiều: Xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp mạnh, tạo sân chơi kinh tế cạnh tranh bình đẳng ngay trong nước, đặc biệt trên nền tảng cải cách thể chế chính trị, thể chế kinh tế, xây dựng và bảo đảm pháp luật thượng tôn…, những chủ đề vừa vĩ mô, vừa nhạy cảm, đòi hỏi cả lý luận vững vàng với một tư duy mềm dẻo, sáng suốt.

Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp mạnh, cũng thực chất là thực hiện công cuộc tái cơ cấu DNNN mà VN đang trầy trật thực hiện. Nói trầy trật, vì đến thời điểm này, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng số DNNN đã sắp xếp được là 6.376, trong đó cổ phần hóa được 3.659 DN, chuyển thành công ty TNHH một thành viên 1.033 DN… Sau quá trình sắp xếp, đổi mới, số DN 100% vốn Nhà nước đã giảm từ 5.655 (năm 2001) xuống còn 1.254 DN.

Nhưng tốc độ cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN đang giảm đáng kể. Nếu 2001-2011 có 3.000 DN cổ phần hóa thì giai đoạn 2011-2013, cổ phần hóa có 99 DN. Đặc biệt, hai năm 2012-2013, con số DN cổ phần hóa chỉ đạt 87, theo kiểu phú quý giật lùi, trong khi mục tiêu phải cố phần hóa được 432 DNNN (2014-2015).

Điều đáng nói, các DNNN đang hoạt động giống như thành ngữ ăn rồng cuốn nói rồng leo làm mèo mửa, khi sử dụng tới 60% tổng số vốn của ngành kinh tế, lại chỉ đóng góp trong GDP có khoảng 32%, nợ đọng tích tụ lên tới 145000 tỷ đồng, trong đó 20-30% là nợ không thể hoàn trả (Tạp chí Tài chính, ngày 21/2)

Những nguyên nhân nào khiến cho các DNNN lúc là rồng, lúc lại hóa… mèo, chắc chắn chỉ có các DNNN hiểu rõ mình nhất. Có nhiều ý kiến phân tích nguyên nhân "hóa nọ, hóa kia" của các chuyên gia kinh tế, nhưng ý kiến của bà Phạm Chi Lan (VietNamNet, ngày 03/03) rất đáng chú ý: Đằng sau đó là chuyện nhóm lợi ích. Nếu chúng ta cắt đường của nhóm lợi ích ở khu vực DNNN, đồng thời áp dụng sự minh bạch mới trong cải cách thể chế thì dần dần các nhóm lợi ích ở hai khu vực tư nhân, FDI vốn là những kẻ “ăn theo” cũng sẽ bị triệt tiêu.

Rõ ràng, cải cách thể chế, tạo sự minh bạch, là một đòi hỏi của thời đại, của đất nước trước hành trình hội nhập kinh tế thế giới, trước khát vọng đổi mới GD thành công. Nếu như VN không muốn suốt đời lẻ loi một mình một chợ, chẳng giống ai, không muốn, nói như ông Nguyễn Đình Lương, áo the khăn xếp đi lạy xin ai công nhận cho VN có nền kinh tế thị trường. Bởi sự hội nhập hàm chứa ý nghĩa, vị thế giữa các quốc gia trước hết phải bình đẳng về sức mạnh kinh tế và sức mạnh một thể chế văn minh.

Năm 2001-2005, VN đổi mới mình, sửa đổi hệ thống luật, từ quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường, gia nhập WTO.

Năm 2014, VN sẽ phải tiếp tục tự đổi mới mình, cải cách thể chế, xây dựng một nhà nước pháp quyền thực chất, đúng nghĩa, chuẩn bị cho một cuộc chơi mới- gia nhập TPP.

Hai cuộc chơi khác nhau về thời gian, khác nhau cả về tầm vóc, và đẳng cấp, thử thách cả sức vóc, ý chí và nội lực quốc gia.

Liệu nước Việt có dấn thân suôn sẻ trong cuộc hành trình này không? Hay vẫn cam chịu, chấp nhận cách tư duy có những “đường cong mềm mại”? Và người Việt thỏa mãn với thước đo văn minh lúa nước, tự nhận dân tộc mình vẫn là dân tộc hạnh phúc nhất nhì thế giới?

K.D.

--------

(*)Tham khảo: Cải cách GD- đâu là giải pháp đột phá (Kim Dung)- http://huc.edu.vn/index.php

Nguồn: vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn