Toàn văn Bài phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24

Sau khi kết thúc hội nghị ASEAN, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nói sau 20 năm, đây là lần đầu tiên ASEAN có một tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông.

“Điều này thể hiện sự lo ngại của tất cả các nước ASEAN chứ không chỉ là sự lo ngại của các nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, vì nó ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực, đến hòa bình và an ninh, tự do hàng hải,” ông Minh nói.

Ông Minh cho biết tại hội nghị, “tất cả các nước đều phát biểu về tình hình Biển Đông”, cho rằng tuyên bố thể hiện sự “đồng thuận” của mọi nước thành viên.

Phân tích của hãng tin AFP chia sẻ quan điểm này, cho rằng ASEAN đã lập nên “mặt trận thống nhất hiếm hoi” trước Bắc Kinh.

Bài của phóng viên Martin Abbugao nói Việt Nam và Philippines “đã thúc đẩy thành công để Asean đưa ra sự phê phán ngầm với Trung Quốc”.

Nói với AFP, Giáo sư người Úc Carl Thayer chỉ ra rằng Hội nghị tại Myanmar đã có giọng khác với Hội nghị 2012 tại Campuchia. Khi đó Phnom Penh khước từ các đề nghị liên quan Biển Đông vì sợ mất lòng Trung Quốc.

Tuyên bố lần này “thể hiện sự cứng rắn hơn một chút trong lập trường của ASEAN”, theo Giáo sư Thayer.

“Tuyên bố đó tế nhị đến mức nó sẽ không làm Bắc Kinh giận dữ, nhưng lãnh đạo ASEAN bày tỏ rõ là họ chia sẻ quan ngại chung,” cũng theo ông Thayer.

Trong khi đó, tại Manila, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III nói ông hài lòng vì sự “đồng thuận” của các lãnh đạo ASEAN và bản tuyên bố chung...

Tuy vậy, cũng có nhà quan sát cho rằng tuyên bố của ASEAN chẳng có gì mới.

Nói với báo Wall Street Journal, ông Ian Storey, nhà nghiên cứu về an ninh Đông Nam Á làm việc ở Singapore, nói tuyên bố của các ngoại trưởng ASEAN “chỉ nhắc lại lập trường của ASEAN về tranh chấp, và chẳng có gì mới”.

Phân tích của Wall Street Journal nói vẫn có chia rẽ trong ASEAN – có nước muốn cứng rắn hơn với Bắc Kinh, nhưng có những nước ngại gây mất lòng đối tác kinh tế.

Wall Street Journal nói Việt Nam “đã không có được sự ủng hộ mà nước này hy vọng” từ ASEAN, sau lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

(Theo BBC Xin xem tại đây)

Xem thêm bình luận của Đức Tâm, đài RFI trong phần Phụ lục .

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh rằng hòa bình, ổn định ở Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển của Việt Nam.

clip_image001

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 24 đang được tổ chức tại thủ đô Nay Pyi Taw-Myanmar sáng ngày 11/5, Tổng thống Myanmar, Thein Sein nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể thực hiện sứ mệnh nếu chúng ta hành động trong thống nhất vì thống nhất là sức mạnh”.

Bên lề phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi hội đàm với Tổng thống U Thein Sein và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono.

Vào cuối buổi làm việc đầu tiên của Hội nghị, tại phiên họp toàn thể cấp cao ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu quan trọng, trong đó có đề cập đến vấn đề an ninh Biển Đông.

Đây là lần tiên một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam có phát ngôn chính thức về vấn đề này.

Infonet xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng:

Thưa Tổng thống U Thên Sên, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN,

Thưa Quốc vương,

Thưa các vị đồng nghiệp!

Trước hết, Việt Nam xin cảm ơn sự đón tiếp chu đáo và xin chúc mừng Mi-an-ma trên cương vị Chủ tịch ASEAN lần đầu tiên. Việt Nam sẽ hợp tác và ủng hộ Mi-an-ma hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2014. Theo chủ đề của Hội nghị, chúng tôi xin chia sẻ một số ý kiến sau:

1. Về hòa bình và an ninh khu vực

Việt Nam xin thông báo và nhấn mạnh về vấn đề Biển Đông như sau:

Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển  Đông – mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Từ ngày 01/5/2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Các tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một Bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.

Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam cũng luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của Khu vực và Thế giới. Song, lãnh thổ là thiêng liêng, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với Luật pháp quốc tế.

Chúng tôi trân trọng cám ơn và khẩn thiết kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, các cá nhân và Tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động xâm phạm nghiêm trọng nêu trên và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.

Trước tình hình đặc biệt nghiêm trọng này, Việt Nam đề nghị ASEAN, chúng ta tăng cường đoàn kết, thống nhất và khẳng định lại mạnh mẽ các nguyên tắc đã được nêu tại Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, đặc biệt phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Và cùng ASEAN thương lượng thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử COC.

Việt Nam đề nghị ASEAN đưa các nội dung nêu trên về vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung của Hội nghị và Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này. Việt Nam đánh giá cao việc các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, ngày 10/5/2014, đã nhất trí thông qua một Tuyên bố riêng về tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông, thể hiện rõ sự đoàn kết, vai trò trung tâm, tinh thần chủ động và trách nhiệm cao của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực.

2. Về lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN

Việt Nam đánh giá cao Báo cáo của ngài Tổng Thư ký ASEAN về các hoạt động xây dựng Cộng đồng ASEAN. Chúng tôi cho rằng ASEAN chúng ta cần phải làm nhiều việc hơn nữa và tập trung vào những trọng tâm:

Trước hết, mỗi quốc gia và cả khu vực đều phải nỗ lực thực hiện đúng thời hạn Lộ trình xây dựng Cộng đồng. Cùng với việc đẩy mạnh chất lượng của gần 80% dòng hành động đã và đang được triển khai, ASEAN cần ưu tiên thực hiện 20% phần còn lại. Việt Nam ủng hộ việc thông qua Tuyên bố Nay-pi-tô về xây dựng Cộng đồng ASEAN làm văn kiện định hướng cho các hoạt động trong năm 2014.

Chúng ta cần tăng cường phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực, cũng như ứng phó hiệu quả với những thách thức đang đặt ra.

Cùng với nỗ lực xây dựng Cộng đồng, ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo ở khu vực, nhất là trong bối cảnh có nhiều sáng kiến về khuôn khổ an ninh khu vực đang được các nước lớn đưa ra. ASEAN cần chủ động, tích cực có tiếng nói chung về các vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực; đặc biệt cần đề cao các nguyên tắc giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế,…

Theo đó, ASEAN cần đẩy mạnh đối thoại xây dựng lòng tin, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực  ứng xử chung cũng như phát huy các công cụ  và cơ chế hợp tác hiện có như Hiệp  ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Tuyên bố Bali về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi, Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Vì các mục tiêu trên, chúng tôi nhất trí với đề xuất xây dựng một khuôn khổ các quy tắc ứng xử và hợp tác chung ở khu vực Đông Á, dựa trên các nguyên tắc của Hiệp ước TAC và các thỏa thuận đã có, cũng như các sáng kiến có liên quan được đưa ra gần đây. Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục gắn kết mục tiêu này trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng và Tầm nhìn ASEAN sau 2015.

Để làm được điều đó, ASEAN cần tiếp tục giữ vững đoàn kết và thống nhất, đề cao trách nhiệm vì lợi ích chung của khu vực trên cơ sở các nguyên tắc và phương cách đã thỏa thuận, góp phần bảo đảm tốt hơn môi trường hòa bình, an ninh và ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để ASEAN tiếp tục phát triển vững mạnh trong giai đoạn tiếp theo.

ASEAN chúng ta cũng cần đẩy mạnh các nỗ lực nhằm ứng phó hiệu quả đối với các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên, bao gồm các thách thức môi trường, nguồn nước, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Trước những thiên tai, thảm họa xảy ra liên tiếp gần đây, tôi đề nghị các cơ quan chức năng của ASEAN cần phải rà soát và đưa ra các kiến nghị về việc tăng cường khả năng hợp tác, ứng phó kịp thời và hiệu quả của ASEAN trong lĩnh vực này.

Nhân dịp này, một lần nữa, tôi xin gửi lời chia sẻ  sâu sắc tới nhân dân Phi-líp-pin về những hậu quả  nặng nề do cơn bão Hải Yến gây ra và tới gia đình các nạn nhân của thảm họa máy bay MH370. Những thảm họa này càng đòi hỏi chúng ta phải quan tâm hơn nữa việc tăng cường năng lực ứng phó, hợp tác của ASEAN. Chúng tôi đề nghị sớm tổ chức tổng kết kinh nghiệm về sự phối hợp của khu vực trong công việc quan trọng này.

3. Về tương lai Cộng đồng ASEAN. Việt Nam đánh giá cao thỏa thuận Cấp cao ASEAN về xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015.

Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 phải là sự  tiếp nối và phát huy các thành tựu đã đạt được trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009-2015. Sau khi trở thành Cộng đồng, ASEAN cần hướng tới những mục tiêu liên kết cao hơn trên cả ba trụ cột. Đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò chủ đạo trong cấu trúc khu vực, chủ động thúc đẩy và mở rộng liên kết ở khu vực Đông Á. Tầm nhìn sau 2015 phải giúp đưa Cộng đồng ASEAN vì phúc lợi người dân, khơi gợi ý thức cộng đồng và khuyến khích sự tham gia tự nguyện, tích cực của người dân vào tiến trình này. ASEAN cần chú trọng củng cố và tăng cường hơn nữa các cơ chế hợp tác nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả với những rủi ro, bao gồm cả thiên tai, dịch bệnh, tai nạn. Chúng tôi đề nghị giao Hội đồng Điều phối ASEAN xây dựng kế hoạch kỷ niệm thiết thực về sự kiện Cộng đồng ASEAN ra đời.

4. Về kiểm điểm và định hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN

Việt Nam đề nghị ASEAN gia tăng vai trò và hợp tác với các đối tác tại các diễn đàn khu vực; phát huy vai trò chủ đạo trong diễn đàn Đông Á; xây dựng một khuôn khổ các quy tắc ứng xử và hợp tác tương tự như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) mở rộng ra phạm vi toàn Đông Á.

Là điều phối viên quan hệ ASEAN-EU, Việt Nam đề nghị Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU lần thứ 20 sắp tới cần bàn kỹ việc tăng cường quan hệ đối tác ASEAN-EU, trong đó có đề xuất của EU về tổ chức các cuộc gặp cấp cao giữa Lãnh đạo hai Bên. Chúng tôi cũng ủng hộ đề xuất rà soát và đề ra những định hướng chỉ đạo về việc tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN.

Thưa quý vị,

Việt Nam trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-xi-lô Bam-bang Giu-đô-giô-nô vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Xin chúc Ngài Tổng thống mọi điều tốt đẹp.

Xin cám ơn./.

Nguồn: infonet.vn

Phụ lục

Lần đầu tiên tại Thượng đỉnh ASEAN, lãnh đạo Việt Nam công khai tố cáo Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông

clip_image002

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (trái) cùng với Tổng thống Miến Điện Thein Sein và phu nhân Khin Khin Win tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Naypyidaw ngày 11/05/2014. REUTERS/Soe Zeya Tun

Đức Tâm

Hôm qua, 11/05/2014, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, ở Miến Điện, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã công khai tố cáo Trung Quốc có «hành động cực kỳ nguy hiểm», «đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông», khi «ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam».

Theo lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, các tàu hộ tống của Trung Quốc «rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng» vào các tàu Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh, hành động của Trung Quốc «vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982» cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông – DOC mà Trung Quốc đã ký kết.

Đây là lần đầu tiên, kể từ đầu tháng 5 khi Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào vùng biển của Việt Nam, một lãnh đạo cấp cao trong «bộ tứ» chóp bu của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội), công khai tố cáo Trung Quốc. Trước đó, mới chỉ có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, (không phải Ủy viên Bộ Chính trị) lên tiếng.

Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông giữa Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei – thành viên ASEAN và Trung Quốc đã có từ lâu. Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã nhiều lần tố cáo hành động ngang ngược của Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền. Thế nhưng, cho đến trước Thượng đỉnh ở Miến Điện, chính quyền Việt Nam hầu như không lên tiếng công khai tại diễn đàn này, chỉ vận động hành lang, ngầm ủng hộ các đề nghị của Philippines.

Theo giới quan sát, những bình luận của Thủ tuớng Nguyễn Tấn Dũng mạnh mẽ một cách khác thường so với truyền thống cố hữu của ASEAN trong các hội nghị của khối này, nhưng Việt Nam không thành công trong việc thuyết phục được các nước ASEAN khác có lập trường chung lên án đích danh Trung Quốc.

Trong bản thông cáo chung được công bố hôm qua, các lãnh đạo ASEAN đã không nêu cụ thể vụ tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà chỉ bày tỏ «các quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông» và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Ông Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, tại Washington, cho rằng, rõ ràng Việt Nam và Philippines «muốn có một điều gì đó mạnh hơn thế».

ASEAN hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận chung, một số nước chịu sức ép mạnh mẽ của Trung Quốc. Do vậy, theo Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Châu Á, trong bài trả lời phỏng vấn dành riêng cho RFI Tiếng Việt, thì «Việt Nam đã ghi được một thắng lợi nhỏ về ngoại giao khi Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN tại Miến Điện ra được một thông cáo riêng về tình hình Biển Đông. Đây là một động thái quan trọng bởi vì thông thường, tất cả những gì nói tới Biển Đông đều bị gạt ra khỏi thông cáo chung. Bản thông cáo này cũng không nêu tên Trung Quốc, nhưng lại nói rõ là các Ngoại trưởng quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm gia tăng tình hình căng thẳng tại khu vực. Tuyên bố này làm cơ sở cho các lãnh đạo ASEAN ra thông cáo chung của Thượng đỉnh».

Thái độ mạnh mẽ của Việt Nam tại Thượng đỉnh ASEAN cũng như việc khối này ra được các tuyên bố về tình hình căng thẳng tại Biển Đông tạo sức ép đối với Trung Quốc. Điều này thể hiện rõ qua phản ứng của Bắc Kinh. Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), đã vội vã lên tiếng cho rằng hồ sơ Biển Đông không phải là một vấn đề giữa Trung Quốc và khối ASEAN.

Đ.T.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn