Trung Quốc và Nga giúp truyền bá dân chủ như thế nào?

Bài của Ban Biên tập báo The Christian Science Monitor, 8/5/2014

Phạm Nguyên Trường dịch

· clip_image002

Trên bức ảnh do Việt Nam cung cấp (ngày 7 tháng 5 năm 2014) có thể thấy tàu Trung Quốc (bên trái) đang bắn súng nước vào tàu Việt Nam (bên phải), trong khi tàu của lực lượng cảnh sát biển của Trung Quốc đi bên cạnh. Các tàu của Trung Quốc đang lao vào và bắn súng nước vào tàu Việt Nam trong khi những con tàu này ngăn chặn không cho Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan dầu trên biển Đông.

Ảnh của hãng AP

Các quốc gia không nằm trong liên minh phòng vệ của nền dân chủ đã phải chú ý khi Nga sáp nhập một phần đất của Ukraine và Trung Quốc bắn súng nước vào tàu của Việt Nam trong vụ tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa. Hiệp ước an ninh dựa trên các giá trị dân sự có sức răn đe mạnh mẽ.

Trong hai tháng vừa qua, các nước nhỏ ít hoặc không có dân chủ đã học được một bài học khó khăn về việc ai sẽ giúp họ nếu họ bị tấn công.

Đầu tiên, trong tháng Ba, Ukraina bất lực khi quân đội Nga chiếm bán đảo Crimea của nước này. Sau đó, trong tuần này, Trung Quốc đã đưa hàng chục tàu vào vùng biển ngoài khơi Việt Nam và bắt đầu tiến hành những mũi khoan dầu đầu tiên trong vùng nước sâu mà nước khác tuyên bố là có chủ quyền. Các tàu Trung Quốc đã đâm vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam và bắn súng nước vào những con tàu này.

Hai hành động xâm lược đó đã đặt dấu chấm hết cho giả định về trật tự thế giới hiện hành là dựa trên các siêu cường riêng lẻ. Bây giờ họ phải tập trung chú ý vào sự bảo hộ của liên minh giữa các quốc gia chia sẻ các giá trị dân sự về quyền cá nhân và quyền tự do.

Ukraine nằm cạnh Nga, còn Việt Nam nằm cạnh Trung Quốc, đấy đều là những anh hàng xóm khổng lồ. Nhưng họ lại không phải là thành viên của bất kỳ hiệp ước phòng thủ nào, tức là không nằm trong những hiệp ước gắn kết nhiều chế độ dân chủ ở châu Âu và châu Á. Sau khi bị lật đổ được chế độ tham nhũng và độc tài, chính phủ Ukraine rơi vào bế tắc chính trị. Còn Đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam thì tìm cách đàn áp mọi bất đồng chính kiến​​. Bởi không nằm trong một câu lạc bộ dân chủ, họ trở thành mục tiêu của những kế hoạch bành trướng của những anh láng giềng to xác.

Nga sẽ phải suy nghĩ nhiều trước khi chiếm những phần đất của Ba Lan hay các nước Baltic, vì đấy là những nước dân chủ nằm trong khối NATO. Còn trong khi lực lượng hải quân Trung Quốc quấy rối những hòn đảo mà Nhật Bản và Philippines tuyên bố là có chủ quyền thì Bắc Kinh biết rằng các nước dân chủ này nằm trong một chuỗi các liên minh ở châu Á, được sức mạnh của Mỹ chống lưng. Như vậy là, đối với Trung Quốc, Việt Nam vẫn con mồi dễ xơi nhất.

Sức mạnh của những hiệp ước an ninh giữa các nước dân chủ nói chung không phải nằm những con tàu chiến và máy bay chiến đấu. Như Tổng thống Obama nói trong chuyến đi châu Á năm 2011: “Nguồn gốc tối thượng của quyền lực và tính hợp pháp của nó là ý chí của nhân dân.” Đó là bài ​​học quan trọng nhất của Thế chiến I và II, cũng như Chiến tranh lạnh. Nhưng nhiều nước chưa hấp thu được.

Trong bài phát biểu tại trụ sở NATO hôm Thứ tư (7 tháng 5 – ND) vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe, đã đưa ra sự tương đồng giữa những cuộc xâm lăng của Nga và Trung Quốc. Ông đề nghị liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa vai trò tương tự như nó đã giữ trong thời Chiến tranh lạnh. “Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản và châu Âu lại một lần nữa trở nên ngày càng căng thẳng”, ông Abe nói.

Việt Nam đã tìm cách mua vũ khí của Mỹ để tự vệ trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Nhưng những ghi nhận về việc xâm phạm tự do của nước này vẫn là một trở ngại đối với Hoa Kỳ. Tháng Mười Hai vừa qua, Ngoại trưởng John Kerry công bố một thỏa thuận nhằm giúp tăng cường lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Nhưng chỉ có 18 triệu USD mà thôi. “Thành thật mà nói, Việt Nam cần phải thể hiện sự tiến bộ liên tục về nhân quyền và các quyền tự do, trong đó có tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, và tự do lập hội”, ông Kerry đã tuyên bố rõ như thế trong thời gian đến thăm Hà Nội.

Ngược lại, Philippines và Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận mới vào tháng Tư nhằm thúc đẩy liên minh phòng thủ của họ bằng cách cho phép các lực lượng Mỹ sử dụng những căn cứ ở quốc gia Đông Nam Á này. Hiệp ước mới sẽ gia tăng khả năng răn đe của Philippines đối với Trung Quốc. Mỹ và Nhật Bản cũng đã tăng cường liên minh sau khi Trung Quốc đưa ra những đòi hỏi mới đối với quần đảo Senkaku.

Việc ông Obama “xoay trục” sang châu Á thường được xem xét chủ yếu dưới góc độ quân sự, ví dụ như đưa nhiều hơn tàu chiến và máy bay Mỹ tới khu vực. Tuy nhiên, chiến lược chính của Mỹ là thúc đẩy dân chủ trong khu vực, ví dụ như ở Myanmar, Malaysia, Thái Lan, và Việt Nam. Ở châu Âu cũng vậy, phương Tây tìm cách ủng hộ những kế hoạch của Ukraina trong việc tiến hàng bầu cử Tổng thống vào ngày 25 tháng Năm.

Phòng vệ tốt nhất trong cuộc chiến chống sự xâm lăng là sức mạnh vô hình – những quyền tự do phổ quát và tôn trọng phẩm giá của từng cá nhân. Quốc gia đoàn kết xung quanh những giá trị này cho thấy sức mạnh đủ sức lôi kéo thêm ngày càng nhiều nước liên kết với họ. Ukraina hiện nay đang cố gắng. Việt Nam còn phải đi một chặng đường dài nữa. Nhưng họ có những lý do chính đáng để đi nhanh hơn.

Dịch giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn