LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÔNG DÂN CÓ THỂ TRỞ THÀNH CHỦ THỂ ĐÍCH THỰC CỦA QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN HIỆN NAY?

PGS. TS. Vũ Trọng Khải - Chuyên gia độc lập về KTNN và PTNT

Hiện nay, nền nông nghiệp nước ta còn chiếm khoảng 20% GDP hằng năm của cả nền kinh tế, nhưng phải sử dụng 58 – 60% lực lượng lao động xã hội, để nuôi sống khoảng 70% dân cư của cả nước. Mấy con số này đã khái quát tình trạng hiện nay là: Nông dân còn cực khổ, nông thôn còn rất nghèo, nông nghiệp còn rất lạc hậu. Vậy làm thế nào để nông dân trở thành chủ thể của quá trình phát triển trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay, nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của họ, xóa bỏ dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa nông thôn và đô thị?

1. Nông dân – họ là ai?

1.1. Thông thường, người ta vẫn nghĩ những người lao động làm việc và sống bằng nghề nông là nông dân. Có đúng như vậy không? Trước hết, để trả lời câu hỏi này, cần có cách hiểu thống nhất thế nào là ngành nông nghiệp. Ngành nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất, lấy sinh vật làm đối tượng sản xuất; lao động của con người tác động vào sinh vật – đối tượng sản xuất, phải phù hợp với quy luật sinh trưởng, phát triển của chúng. Như thế, sản xuất nông nghiệp bao gồm các ngành trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, nuôi, trồng thủy, hải sản. Sản phẩm của nó là nhu yếu phẩm của con người, trước hết là thực phẩm (bao gồm cả lương thực) và nguyên liệu của các ngành công nghiệp, như dệt – may, chế biến cao su, nhiên liệu sinh học…; Theo nghĩa rộng hơn, người ta còn coi ngành khai thác, đánh bắt thủy, hải sản cũng là một bộ phận của ngành nông nghiệp.

Tất cả những người lao động trong ngành nông nghiệp theo quan niệm như trên, có phải là nông dân?

1.2. Lý thuyết Mác – Lênin:

Trước đây, đứng trên quan điểm của Karl Marx về đấu tranh giai cấp để xóa bỏ quan hệ chủ - thợ, quan hệ người bóc lột người, người ta chia những người hoạt động trong ngành nông nghiệp thành các loại sau:

· Cố nông là những người không có ruộng đất – tư liệu sản xuất cơ bản không thể thay thế được của ngành trồng trọt. Họ phải đi làm thuê hoặc nhận “phát canh thu tô” và “nuôi rẽ” cho người có nhiều ruộng đất và đàn gia súc, để có thu nhập ở mức tối thiểu, chỉ đủ để tồn tại, duy trì sự sống của mình. (Tuy rằng hiện nay, đã xuất hiện nghề trồng trọt không dùng đất, nhưng chưa phổ biến, nên ruộng đất vẫn là tư liệu sản xuất chưa thể bị thay thế của nghề nông).

· Bần nông là người có ít ruộng đất, vẫn phải đi làm thuê hoặc nhận “phát canh thu tô” hoặc “nuôi rẽ”, để có thể sống ở mức thấp.

· Trung nông là người có đủ ruộng đất hoặc đàn gia súc, tự lao động trên mảnh đất hoặc chuồng trại của mình để sống và có tích lũy, tuy không nhiều, có xu hướng phát triển thành phú nông.

· Phú nông là người có nhiều ruộng đất hoặc đàn gia súc lớn, nên họ chỉ làm quản lý và sử dụng sức lao động làm thuê. Vì thế, người ta coi phú nông là tư sản kinh doanh nông nghiệp, bóc lột sức lao động của người làm thuê.

· Địa chủ phong kiến là người có nhiều đất hoặc có đàn gia súc lớn, nhờ việc tước đoạt ruộng đất của người khác bằng quyền lực phi thị trường. Họ không quản lý và càng không lao động trực tiếp trên đồng ruộng và chuồng trại của mình, mà “phát canh thu tô” hoặc “nuôi rẽ” đàn gia súc cho những người lao động nông nghiệp không có hoặc có ít ruộng đất, gia súc. Họ được coi là kẻ bóc lột người lao động bằng địa tô. Còn người lao động nhận “phát canh thu tô” và “nuôi rẽ” được gọi là tá điền.

Như vậy, nông dân chỉ bao gồm những người thuộc thành phần cố nông, bần nông và trung nông.

Vì thế, cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra để xóa bỏ giai cấp địa chủ phong kiến và phú nông, lấy ruộng đất và đàn gia súc của họ chia cho cố nông và bần nông – những tá điền, thực hiện “người cày có ruộng”. Nhưng theo quan điểm của Lênin, quyền tư hữu nhỏ về ruộng đất và đàn gia súc của những người lao động được gọi là nông dân này lại từng ngày từng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản, bằng quá trình phân hóa giàu – nghèo. Cho nên sau khi thực hiện người cày có ruộng, người ta lập tức tập thể hóa quyền sở hữu ruộng đất, xóa bỏ tư hữu nhỏ của nông dân để lập nên các hợp tác xã với tư cách là chủ sở hữu ruộng đất theo quan điểm của Lênin. Người nông dân trở thành xã viên hợp tác xã, mà thực chất là người làm thuê cho một pháp nhân (hợp tác xã) vô trách nhiệm do “cha chung không ai khóc”. Điều đó đồng nghĩa với việc xóa bỏ nền kinh tế hàng hóa nhỏ trong nông nghiệp, nên nền kinh tế thị trường không còn đất để hình thành và phát triển. Nhưng khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, lý thuyết phát triển này đã bị thực tế bác bỏ, như ta đã thấy ở tất cả các nước theo chủ nghĩa Lênin, trong đó có Việt Nam.

1.3. Nông dân trong nền kinh tế thị trường

Trong kinh tế thị trường, “tế bào” cấu tạo nên nó là các tổ chức kinh doanh tự chủ, tồn tại dưới nhiều hình thức, như hộ kinh doanh cá thể, các loại hình doanh nghiệp, bao gồm: doanh nghiệp cá nhân, trách nhiệm vô hạn do 1 người làm chủ sở hữu và quản lý, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn có 1 hay nhiều thành viên, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần không hoặc có niêm yết trên thị trường chứng khoán, công ty dự phần, v.v.

Đặc điểm quan trọng nhất của các tổ chức kinh doanh là hoạt động vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, có quyền tự do kinh doanh bất kỳ ngành hàng nào mà pháp luật không cấm, có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về lời – lỗ trong kinh doanh. Vì thế trong cơ cấu tổ chức của nó, không có doanh nghiệp cấp trên, doanh nghiệp cấp dưới như các tổ chức khác (bộ máy nhà nước, các hội đoàn…). Cho nên, các tổ chức kinh doanh được coi là “tế bào” của nền kinh tế thị trường. Mặt khác, trong quá trình phát triển, do qui luật kinh tế về lợi thế theo qui mô, trong các ngành công nghiệp và dịch vụ, quá trình tích tụ và tập trung tư bản diễn ra nhanh chóng nhờ sự tiến bộ vượt bậc của khoa học – công nghệ, đã tạo nên những tổ chức kinh doanh cực lớn, đa ngành, đa quốc gia. Nhưng điều này đã không diễn ra trong nông nghiệp. Vì sao vậy? Bởi vì, đặc điểm quan trọng nhất của kinh doanh sản xuất nông nghiệp là tính sinh học; đối tượng sản xuất nông nghiệp là sinh vật, cây và con. Do vậy, muốn đạt năng suất, chất lượng nông phẩm và hiệu quả kinh tế cao, con người phải kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quá trình sản xuất mang tính sinh học diễn ra trên đồng ruộng, ao nuôi, chuồng trại, chăm sóc tỉ mỉ đến từng cá thể cây, con, bằng các tác động kỹ thuật đúng lúc, đúng cách theo qui luật sinh học, “nhất thì nhì thục”. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi và chỉ khi (i) người lao động nông nghiệp vừa có tinh thần trách nhiệm cao, vừa nắm vững kỹ thuật nuôi, trồng đối với từng loại cây, con và (ii) qui mô sản xuất (diện tích canh tác, nuôi trồng, đầu con gia súc, gia cầm) vừa với tầm hạn quản lý của những người lao động trong mỗi đơn vị sản xuất nông nghiệp.

Vì thế các loại hình tổ chức sản xuất phổ biến trong nông nghiệp không giống trong các ngành kinh tế khác. Trong nông nghiệp, những tổ chức kinh doanh có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm lời, lỗ với tư cách là “tế bào”, được gọi là trang trại. Nói cách khác, trang trại là tổ chức kinh doanh tự chủ trong nông nghiệp. Cho nên, trang trại cũng có nhiều loại hình như trong doanh nghiệp ở các ngành kinh tế khác, thường bao gồm: trang trại gia đình (kinh tế nông hộ), trang trại hợp danh, trang trại trách nhiệm hữu hạn có 1 hay nhiều thành viên, trang trại cổ phần, trang trại nhà nước (doanh nghiệp nhà nước trong nông nghiệp), trang trại dự phần… Tuy nhiên, do đặc điểm của sản xuất mang tính sinh học, nên trang trại gia đình là hình thức tổ chức kinh doanh nông nghiệp tốt nhất do thỏa mãn được 2 điều kiện nói trên.

Bởi vì, trong trang trại gia đình, người chủ và các thành viên vừa là đồng chủ sở hữu vừa là người quản lý và trực tiếp lao động trên đồng ruộng, ao nuôi, chuồng trại… Qui mô sản xuất và khối lượng nông sản hàng hóa tuy ngày càng lớn do tích tụ ruộng đất nhưng nhờ cơ giới hóa, tự động hóa sản xuất, nên trang trại gia đình vẫn chủ yếu sử dụng sức lao động của nông hộ. Nếu cần, trang trại gia đình có thể thuê mướn thêm sức lao động trong lúc thời vụ khẩn trương, nhưng người chủ quản lý trang trại vẫn trực tiếp kiểm soát được chất lượng làm việc của người làm thuê và họ không bao giờ thuê người quản lý. Vì thế, năng suất, chất lượng nông phẩm, hiệu quả kinh tế của trang trại gia đình cao hơn các loại trang trại khác và trở thành lực lượng sản xuất nông phẩm hàng hóa chủ yếu ở tất cả các quốc gia, kể cả ở các nước có kinh tế thị trường phát triển nhất. Vì vậy, chỉ có những người lao động trong trang trại gia đình (kinh tế nông hộ), bao gồm người chủ gia đình và những người lao động thành viên khác, mới được gọi là NÔNG DÂN. Họ tự “thuê mướn” và “bóc lột” sức lao động của chính mình. Họ là những đồng sở hữu chủ trang trại, nhưng không nhất thiết là chủ sở hữu đất đai hay chủ sở hữu quyền sử dụng đất. Trang trại gia đình có thể thuê đất canh tác của người chủ sở hữu đất. Ngoài ra, các trang trại hợp danh, trang trại cá nhân do người chủ sở hữu quản lý trực tiếp, phải thuê mướn sức lao động để thực hiện khâu sản xuất mang tính sinh học, với qui mô vừa với tầm hạn quản lý, không phải thiết lập cấp quản lý trung gian tức là không phải thuê người quản lý, cũng là một loại trang trại có thể đạt hiệu quả kinh tế cao. Những loại trang trại khác, như trang trại trách nhiệm hữu hạn, trang trại cổ phần, trang trại nhà nước, có qui mô lớn, sử dụng nhiều người lao động làm thuê, dù đạt trình độ cơ giới hóa cao, nên phải thiết lập một hay vài cấp quản lý trung gian, không thể đạt hiệu quả kinh tế, thậm chí phá sản. Nên chúng không tồn tại phổ biến như các doanh nghiệp lớn trong các ngành kinh tế khác. Để có thể tồn tại và phát triển, các loại trang trại này phải áp dụng hình thức trang trại dự phần trong các khâu sản xuất mang tính sinh học, thực chất là tái lập trang trại gia đình trong lòng trang trại đó. Theo đó, trang trại lớn chỉ thực hiện các dịch vụ đầu vào – đầu ra của sản xuất nông nghiệp cho trang trại dự phần (thường gọi là khoán hộ) theo cơ chế thị trường, thuận mua, vừa bán. Còn các trang trại dự phần đầu tư một phần hay toàn bộ tiền vốn, sức lao động để thực hiện các khâu sản xuất mang tính sinh học trên đồng ruộng, ao nuôi, chuồng trại, theo hợp đồng kinh tế ký với trang trại lớn. Như vậy, trang trại dự phần là một hình thức tổ chức kinh doanh, theo đó, hai hay nhiều chủ thể cùng đầu tư vốn, sức lao động trong cùng một quá trình kinh doanh (ở đây là sản xuất nông nghiệp) và phân chia lợi ích giữa các chủ thể theo thỏa thuận, nhưng không làm nảy sinh một tổ chức kinh doanh mới, có tư cách pháp lý hay pháp nhân, mà sử dụng tư cách pháp lý hiện hữu của một trong các chủ thể tham gia đầu tư. Điều này đã được thực tế chứng minh ở công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu hiện nay và nông trường quốc doanh Sông Hậu trước đây. Như vậy, những chủ đầu tư trong các loại trang trại có qui mô lớn, sử dụng sức lao động làm thuê có thể đồng thời là người lao động quản lý hoặc đơn thuần chỉ là nhà tư sản đầu tư vốn kinh doanh nông nghiệp. Họ không phải là nông dân. Còn những người lao động làm thuê cho tất cả các loại hình trang trại, tuy là người lao động nông nghiệp, dù có kỹ năng cao, sống bằng lao động nông nghiệp, cũng không phải là nông dân. Họ là công nhân nông nghiệp như công nhân làm việc trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp.

Ngoài ra còn có những nhà đầu tư vốn khác trong nông nghiệp, như mua đất canh tác, mua tư liệu sản xuất để cho các trang trại thuê. Đó là một hoạt động bình thường trong nền kinh tế thị trường, và chính là hình thức cho thuê tài chính, rất phổ biến trong các ngành kinh tế, nhất là trong công nghiệp (đất để lập khu công nghiệp và khu dân sinh cho các doanh nghiệp thuê xây dựng nhà xưởng, kho bãi…, làm nhà cho thuê). Họ là nhà tư sản đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Họ có nhiều ruộng đất theo cơ chế kinh tế thị trường, không phải bằng bạo lực tước đoạt ruộng đất của người khác như trong thời phong kiến và thực dân. Như vậy, trong kinh tế thị trường, chỉ có những chủ trang trại gia đình (bao gồm chủ hộ và các thành viên lao động khác) mới được coi là nông dân. Những người khác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và sống bằng thu nhập từ nông nghiệp, chỉ có thể là nhà đầu tư, nhà tư sản kinh doanh và nhà quản lý, công nhân làm thuê.

Vì vậy, trang trại gia đình là lực lượng chủ yếu trong sản xuất nông sản, nên nông dân là lực lượng chiếm tỉ lệ đông đảo trong ngành kinh tế nông nghiệp. Họ cần và có thể trở thành lực lượng quan trọng nhất của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nói theo cách chính thống của nhà nước hiện nay, nông dân phải là chủ thể của tiến trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng không phải đương nhiên người nông dân có thể trở thành chủ thể của quá trình ấy.

2. Xây dựng nông thôn mới theo cơ chế thị trường với vai trò chủ thể của người nông dân

Trước hết, phải nhận thức rằng, sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững hay xây dựng nông thôn mới là một tiến trình dài lâu, không phải là một danh hiệu thi đua. Quá trình ấy chỉ kết thúc khi không có sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn về đời sống vật chất và văn hóa. Nhưng khi đó, quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vẫn tiếp diễn trong đời sống của mỗi quốc gia. Nội dung của xây dựng nông thôn mới gồm 4 quá trình: i) công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; ii) đô thị hóa nông thôn; iii) bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn; iiii) kiểm soát dân số và di dân cả về số lượng và chất lượng. Bốn nội dung này phải được quán triệt trong các chính sách, kế hoạch và giải pháp phát triển nông thôn (xây dựng nông thôn mới).

Quá trình này chỉ có thể diển ra với hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường ở mức cao nhất nếu tuân theo cơ chế thị trường và người nông dân là chủ thể đích thực của quá trình đó.

2.1. Nông dân và trang trại

Nông dân phải trở thành chủ các trang trại gia đình, trang trại dự phần sản xuất nông phẩm hàng hóa, có qui mô lớn về đất đai, ao nuôi, đàn gia súc, gia cầm, nhờ cơ giới hóa, hiện đại hóa và tích tụ ruộng đất bằng việc mua bán, thuê mướn, sáp nhập các trang trại nhỏ… Những “thanh nông tri điền” phải thay thế “lão nông tri điền”. Nông dân trẻ tuổi phải được đào tạo thành nông dân chuyên nghiệp, thay thế nông dân “cha truyền con nối”, có năng lực quản lý trang trại gia đình và các hợp tác xã của họ theo cơ chế thị trường

2.2. Hợp tác xã trong nông nghiệp

Trong mỗi vùng nông nghiệp sinh thái, nhiều trang trại cùng sản xuất một hay một số loại nông sản hàng hóa. Chúng cùng có nhu cầu chung về các yếu tố đầu vào của sản xuất, như giống, phân bón, thuốc bảo vệ cây trồng, vật nuôi… và về tiêu thụ những loại nông sản hàng hóa của mình. Nếu mỗi trang trại tư đảm bảo nhu cầu ở cả đầu vào – đầu ra, sẽ không có hiệu quả. Do vậy, các trang trại cần thực hiện liên kết ngang để tạo lập các hợp tác xã. Hợp tác xã có chức năng cung ứng dịch vụ đầu vào – đầu ra cho các trang trại, không thay thế trang trại trong các khâu sản xuất mang tính sinh học. Nó được sinh ra để thỏa mãn nhu cầu phát triển kinh doanh của các trang trại thành viên. Trong giai đoạn đầu, hợp tác xã có thể làm khâu trung gian, cầu nối giữa trang trại và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản để làm tăng vị thế của người nông dân trong quan hệ mua – bán với nhà doanh nghiệp. Đến giai đoạn phát triển cao, hợp tác xã sẽ có đủ năng lực về vật chất và nhân lực để chế biến và tiêu thụ nông sản của các trang trại thành viên và các trang trại khác trong vùng, trở thành đối thủ cạnh tranh của các doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, vị thế và lợi ích của nông dân được nâng cao trên thương trường. Cần lưu ý là, người nông dân sản xuất tự cấp tự túc hay sản xuất hàng hóa nhỏ với 5 – 7 công đất, vài chục con gia súc, gia cầm, không có nhu cầu gia nhập hợp tác xã và càng không có khả năng quản lý hợp tác xã. Chỉ có những nông dân và trang trại sản xuất nông sản hàng hóa có qui mô lớn mới cần và có khả năng tạo dựng và quản lý hợp tác xã của mình, biết thuê mướn các nhà quản lý và kỹ thuật chuyên nghiệp, có trình độ cao để làm việc trên các vị trí khác nhau của hợp tác xã theo cơ chế thị trường. Như vậy, hợp tác xã sẽ phát triển theo qui mô lớn, trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Nhờ có hợp tác xã, việc liên kết dọc theo chuỗi giá trị trong mỗi ngành hàng nông sản được thiết lập, mang lại lợi ích cao cho nông dân, vì nông dân là chủ thể quan trọng nhất, tích cực nhất của mỗi liên kết này.

2.3. Doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản và tổ chức sản xuất theo hợp đồng

Một đặc điểm khác của sản xuất nông nghiệp trong kinh tế thị trường là dù có qui mô lớn đến đâu, một trang trại không thể đáp ứng nhu cầu của một tổ chức chế biến, tiêu thụ nông sản. Do đó, nhiều trang trại cùng sản xuất một loại nông sản hàng hóa để cung ứng cho một cơ sở chế biến, tiêu thụ. Điều đó tất yếu hình thành mối liên kết dọc giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản với các trang trại một cách trực tiếp hay gián tiếp qua các hợp tác xã của nông dân. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò “nhạc trưởng” của quá trình liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, từ trang trại đến bàn ăn (hay mạn tàu xuất cảng). Bởi vì, doanh nghiệp có ưu thế so với trang trại trong việc giải quyết 3 vấn đề: (i) thị trường cung ứng đầu vào, tiêu thụ nông sản (đầu ra) và xây dựng thương hiệu; (ii) ứng dụng công nghệ mới, thực hiện sản xuất và chế biến nông sản theo GAP và HCCP; (iii) vốn. Vai trò “nhạc trưởng” của doanh nghiệp thể hiện qua việc tổ chức sản xuất theo hợp đồng (không phải hợp đồng sản xuất) trong mỗi chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, bằng các hoạt động sau:

- Cung ứng đủ giống xác nhận phù hợp với nhu cầu của thị trường cho các trang trại liên kết.

- Hướng dẫn nông dân thực hiện qui trình và tiêu chuẩn sản xuất nông sản theo GAP đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, cho người sản xuất và cho môi trường, nhờ đội ngũ khuyến nông của doanh nghiệp cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân.

- Tự mình hay liên kết với các doanh nghiệp khác trong việc cung ứng các loại vật tư cho các trang trại dưới hình thức tạm ứng và thanh toán khấu trừ khi mua nông sản.

- Liên kết với ngân hàng thương mại để cung ứng vốn tín dụng với lãi suất có lợi cho nông dân, thông qua việc cho vay trực tiếp hay gián tiếp qua việc doanh nghiệp ứng trước giống và vật tư sản xuất cho trang trại.

Chính những hoạt động này của doanh nghiệp đã tạo nên các cánh đồng hay trại chăn nuôi, ao nuôi liên kết theo kiểu “cùng trà giống, liền đồng, khác chủ”, làm chân hàng có qui mô lớn, ổn định với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

- Có cơ sở chế biến, bảo quản và tổ chức kênh tiêu thụ, được áp dụng công nghệ cao, để mua hết nông sản của các trang trại tham gia chuỗi giá trị ngành hàng, theo hợp đồng kinh tế đã ký kết.

- Thực hiện cơ chế phân chia lợi ích công khai, minh bạch, hài hòa giữa các chủ thể tham gia chuỗi giá trị, trước tiên là giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp.

- Liên kết với các nhà khoa học công nghệ và quản lý ở các viện, trường để giải quyết các vấn đề kinh tế, quản lý, kỹ thuật, nảy sinh ở tất cả các khâu trong chuỗi giá trị ngành hàng, từ tạo giống, xác định cơ cấu mùa vụ, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, chế tạo và sử dụng máy móc thiết bị ở tất cả các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đến nghiên cứu thị trường, chiến lược sản phẩm, marketing, xây dựng thương hiệu, quản lý chuỗi, cơ chế phân chia lợi ích và rủi ro giữa các chủ thể tham gia chuỗi…

Như vậy, mỗi loại nông sản hàng hóa chủ lực của quốc gia, ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái, đều được tổ chức sản xuất theo hợp đồng và quản lý theo chuỗi giá trị, với vị thế bình đẳng giữa các chủ thể, trước hết là giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản trên thị trường trong và ngoài nước. Đó chính là mô hình quản lý nông nghiệp phổ biến và đạt hiệu quả cao ở tất cả các nước phát triển.

3. Nhà nước kiến tạo phát triển nông thôn

3.1. Nguyên tắc chung

clip_image001 Luật pháp và chính sách của nhà nước tác động và phân biệt đối xử (khuyến khích hay hạn chế kinh doanh) theo các đối tượng là ngành hàng và vùng nông nghiệp sinh thái, tuyệt đối không theo đối tượng là chủ thể kinh doanh.

clip_image001[1] Luật pháp và chính sách bảo đảm bình đẳng cạnh tranh trong kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh, chế tài nghiêm khắc các chủ thể kinh doanh gian lận, như làm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, làm ô nhiễm môi trường, trốn thuế, bội tín trong thực thi hợp đồng kinh tế…

clip_image001[2] Luật pháp và chính sách bảo đảm việc phân phối nguồn lực đầu vào của sản xuất theo cơ chế thị trường. Các nguồn lực như đất đai, tiền vồn, sức lao động, vật tư nguyên, nhiên vật liệu, trang thiết bị, máy móc… được “chảy” vào các tổ chức có khả năng sử dụng chúng đạt hiệu quả cao nhất; đồng thời, luật pháp, chính sách cũng bảo đảm việc tiêu thụ nông sản, với gía cả hợp lý, có lợi nhất cho cả người bán và người mua, xóa bỏ triệt để cơ chế xin – cho trong phân phối nguồn lực và tiêu thụ hàng hóa.

3.2 . Quản lý vĩ mô của nhà nước

clip_image001[3] Xác định các loại nông sản hàng hóa chủ lực của quốc gia và của mỗi vùng nông nghiệp sinh thái, không theo đơn vị hành chính (tỉnh, thành phố, huyện, xã), để có chính sách tác động đúng hướng, làm cho cả doanh nghiệp và trang trại cùng đầu tư theo chiều sâu.

clip_image001[4] Xây dựng khung pháp lý cho thị trường mua – bán, cho thuê quyền sử dụng ruộng đất, ao nuôi, chuồng trại… diễn ra thuận lợi, công khai, minh bạch để tạo ra các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa qui mô lớn, được cơ giới hóa, áp dụng công nghệ cao theo GAP. Không thể thực hiện việc “dồn điền đổi thửa” theo kiểu “đất đổi đất” như hiện nay, mà phải áp dụng việc mua, bán đất nông nghiệp theo cơ chế thị trường, thuận mua, vừa bán.

clip_image001[5] Xây dựng các khu đô thị nhỏ ở các vùng nông nghiệp sinh thái, bao gồm khu công nghiệp – dịch vụ và khu dân sinh. Điều đó tạo lập được kế sinh nhai ổn định, lâu dài, “an cư, lạc nghiệp” cho những người nông dân kém khả năng sản xuất nông nghiệp theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích tụ ruộng đất của những nông dân giỏi nghề nông, đồng thời, hạn chế tối đa việc di dân tự phát từ nông thôn vào các khu công nghiệp ở các thành phố lớn như hiện nay.

Trong thời gian qua, chúng ta chỉ đầu tư xây dựng khu công nghiệp, ở các thành phố lớn, không có khu dân sinh theo kiểu đô thị văn minh với các tiện ích công cộng, như nhà ở, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, chợ, cửa hàng, nhà văn hóa, vệ sinh môi trường…

Do vậy, việc di dân tự phát từ nông thôn đã tạo ra các siêu đô thị với đầy rẫy những nan đề về kinh tế, xã hội và môi trường. Luật pháp và chính sách mới chú trọng bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư mà chưa bảo vệ đúng mức lợi ích chính đáng của người làm thuê trong các khu công nghiệp. Do vậy, người nông dân ra thành phố làm công nhân với tâm lý tạm bợ, vì thu nhập rất bấp bênh, đời sống vật chất, văn hóa nghèo nàn, môi trường sống bị ô nhiễm nặng. Họ trở thành công dân hạng 2, sống trong các nhà ổ chuột, không được hưởng các dịch vụ công, như giáo dục, y tế… Khi sinh con, họ lại phải gửi chúng về quê, nhờ ông bà nuôi dạy hộ. Hơn nữa, khi bước vào tuổi trên dưới 40, không còn trẻ để chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng lại đã già so với áp lực công việc ở các khu công nghiệp, nên họ bị giới chủ sa thải để tuyển lớp công nhân mới trẻ hơn. Khi đó, nan đề về kinh tế, xã hội là hết sức lớn hầu như không có giải pháp khắc phục. Mặt khác, nhiều khi họ còn bị giới chủ và quản lý đối xử tệ bạc, coi thường nhân phẩm. Uất ức dồn nén lâu ngày, chỉ cần có sự kiện làm “giọt nước tràn ly”, họ có thể trở nên hung bạo, như đã xảy ra trong thời gian qua. Họ luôn ở tư thế, nếu có biến động, gặp khó khăn, lại trở về nông thôn, chia lại công việc vốn đã quá ít với người nông dân. Điều đó đã cản trở quá trình tích tụ ruộng đất.

Các khu đô thị nhỏ, bố trí phân tán ở các vùng nông nghiệp sinh thái không chỉ tạo việc làm, thu hút sức lao động dôi dư trong nông nghiệp mà còn đóng vai trò cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu dịch vụ đầu vào - đầu ra của sản xuất nông nghiệp.

clip_image001[6] Cần xóa bỏ các chính sách bao cấp theo cơ chế xin – cho. Ví dụ: chính sách miễn thủy lợi phí đã buộc các trang trại, hợp tác xã phải xin cung cấp dịch vụ tưới - tiêu nước từ các công ty thủy nông; còn công ty thủy nông phải xin cơ quan quản lý tài chính của nhà nước cấp bù kinh phí hoạt động. Điều đó làm nảy sinh tiêu cực và giảm chất lượng dịch vụ tưới-tiêu nước. Cuối cùng là nông dân và nông nghiệp chịu thiệt thòi. Chính sách tài trợ lãi suất tín dụng cho doanh nghiệp mua tạm trữ lúa gạo cũng vậy, gây lãng phí tiền thuế của dân mà nông dân trồng lúa không được hưởng lợi. Chỉ có doanh nghiệp kinh doanh mua – bán lúa gạo được hưởng lợi từ chính sách này. Mặt khác, cũng cần xóa bỏ sự độc quyền kinh doanh của một số doanh nghiệp và xóa bỏ các hiệp hội có vai trò “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lí nhà nước đang tồn tại ở một số ngành hàng nông sản.

clip_image001[7] Trong khuôn khổ “hộp xanh” của WTO, nhà nước cần tài trợ kinh phí cho các hoạt động như: (i) Đào tạo thanh niên nông dân thành nhà nông chuyên nghiệp, đủ khả năng quản lý trang trại và hợp tác xã của mình theo cơ chế kinh tế thị trường; (ii) Tài trợ kinh phí khuyến nông, lãi suất tín dụng, miễn hay giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sơ chế biến, bảo quản nông sản áp dụng công nghệ cao, đóng vai trò “nhạc trưởng” trong chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chủ lực, ở những vùng sản xuất hàng hóa lớn theo qui hoạch của nhà nước; (iii) Tài trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận sản xuất theo GAP, nhất là Global GAP cho các hợp tác xã và trang trại trong 2-3 năm đầu; (iv) Tài trợ kinh phí cho các hợp tác xã qui mô lớn thuê giám đốc và các nhà quản lý, kỹ thuật chuyên nghiệp có trình độ cao trong 2-3 năm đầu; (v) Đầu tư kinh phí cho các đề tài khoa học công nghệ và quản lý giúp cho việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong các khâu hoạt động của chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực ở các vùng nông nghiệp sinh thái do nhà nước quy hoạch.

Thực hiện đồng bộ những giải pháp nêu trên chính là tạo điều kiện cho người nông dân trở thành chủ thể đích thực của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, bền vững, hay là xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo cơ chế kinh tế thị trường.

V.T.K.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn