Tái quân bình lực lượng hướng về châu Á nằm ở đâu trong bài diễn văn Obama đọc tại Học viện quân sự West Point?

Bài diễn văn chính sách đối ngoại của Obama thiếu rõ ràng (hoặc thiếu tập trung) về vai trò của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

By Shannon Tiezzi

29-5-2014

Trần Ngọc Cư dịch

Hôm thứ Tư, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đọc một bài diễn văn tốt nghiệp tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ tại West Point, New York. Bài diễn văn này được quảng cáo trước là một diễn văn quan trọng về chính sách đối ngoại, một cơ hội để Obama vừa bênh vực những động thái trước đây trong chính sách đối ngoại của mình, vừa đưa ra viễn kiến cho tương lai. Bài diễn văn này chỉ là bước khởi đầu của điều mà nhiều người kỳ vọng là một nỗ lực quan trọng của Chính quyền Obama nhằm tạo thông điệp về các quyết định trong chính sách đối ngoại của mình, trong quá khứ cũng như trong tương lai. Vì chiêu bài chính sách đối ngoại tiêu biểu của Obama là “tái quân bình lực lượng hướng về châu Á”, một diễn văn về chính sách đối ngoại tổng quát của ông đương nhiên có những ngụ ý trực tiếp liên quan châu Á-Thái Bình Dương. Hoa Kỳ sẽ tìm kiếm vai trò nào trong khu vực này và quanh thế giới? Những ưu tiên và mục tiêu của Mỹ là gi?

Chủ đề chính trong bài diễn văn của Obama là việc Hoa Kỳ vẫn tiếp tục địa vị “quốc gia tối cần thiết duy nhất”. Với hệ thống toàn cầu gồm những liên minh và tiềm năng vô địch của mình, Hoa Kỳ là nước duy nhất có khả năng lãnh đạo toàn cầu, theo quan điểm của Obama. “Mỹ phải luôn luôn giữ vai trò lãnh đạo trên sân khấu thế giới. Nếu chúng ta không làm điều này, thì không ai làm nổi,” ông nói trong bài diễn văn tốt nghiệp tại West Point. Ông còn bác bỏ những “kẻ cho rằng Mỹ đang xuống dốc” bằng cách tranh luận rằng “hiếm khi Mỹ mạnh hơn so với phần còn lại của thế giới như hiện nay”.

Lối mô tả không ngại ngùng về tính biệt lệ của Mỹ [American exceptionalism] chắc chắn sẽ gây phẫn nộ tại Trung Quốc, một nước vốn từ lâu đã lên án “địa vị bá quyền” của Hoa Kỳ. Bắc Kinh có viễn kiến về một trật tự thế giới mới, một trật tự quốc tế “công bình hơn”, trong đó các quốc gia đang phát triển có một chỗ ngồi bình đẳng tại bàn nghị sự và Hoa Kỳ không còn khống chế các hệ thống quốc tế. Obama tiếp tục coi vai trò lãnh đạo toàn cầu là lãnh vực đặc thù Mỹ. Mặc dù điều này sẽ làm Trung Quốc bực bội, nhưng những quốc gia nhỏ hơn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (vốn mong Hoa Kỳ quân bình lại sự trỗi dậy của Trung Quốc) sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe rằng Obama không muốn từ bỏ vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, khi bàn về vấn đề Hoa Kỳ sẽ lãnh đạo như thế nào, lập trường của Obama lại mù mờ hơn. Như thường lệ, ông bác bỏ việc lựa chọn dứt khoát giữa chủ nghĩa can thiệp [interventionism] và chủ nghĩa cô lập [isolationism]; ông tranh luận rằng lựa chọn đúng đắn sẽ là một con đường trung đạo. Theo quan niệm của Obama, “chủ nghĩa cô lập Mỹ không phải là một phương án lựa chọn”, nhưng Hoa Kỳ cần phải chống lại xu thế “lao vào những phiêu lưu quân sự”.

Như vậy, điều này có ý nghĩa gì đối với châu Á? Trước hết, Obama nói rất rõ ràng rằng “Hoa Kỳ sẽ dùng sức mạnh quân sự, đơn phương nếu cần, khi những lợi ích cốt lõi của chúng ta đòi hỏi tới”. Một kịch bản như thế sẽ diễn ra, Obama nói, nếu “an ninh của các đồng minh của chúng ta bị đe dọa”. Trước đó, Obama đã cho thấy biển Hoa Nam [biển Đông] là một vùng mà “các hành động xâm lấn khu vực nếu không được ngăn chặn… có thể lôi kéo quân đội chúng ta vào”. Cũng như các lời hứa về vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, tuyên bố này sẽ gây lo ngại cho Bắc Kinh đồng thời trấn an các đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản và Phi Luật Tân.

Tuy nhiên, nếu đọc kỹ hơn những phát biểu của Obama, người ta thấy ít có khả năng ông ta sẽ chấp nhận can thiệp quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương. Obama đã xếp Ukraine vào cùng một phạm trù với biển Đông và cho đến nay ông không tỏ ra muốn quân đội Mỹ dính líu vào cuộc khủng hoảng đó. Ukraine, cũng như biển Đông và các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra khác tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có thể rơi vào phạm trù thứ hai của Obama: “những vấn đề toàn cầu đáng quan tâm nhưng không đe dọa trực tiếp đến Hoa Kỳ”. Về những vấn đề ấy, Obama nói, “ngưỡng hành động quân sự phải cao hơn”. Thay vào đó, Hoa Kỳ sẽ tìm kiếm các phương thức khác để đối phó vấn đề, dàn trải từ các biện pháp trừng phạt kinh tế đến việc sử dụng luật pháp quốc tế. Hành động quân sự đa phương sẽ chỉ được coi như biện pháp cuối cùng.

Chiến lược này dường như là mô hình được áp dụng tại Ukraine, theo đó Hoa Kỳ ít có động lực dính líu một cuộc xung đột quân sự, mà chỉ muốn ngăn chặn việc Nga sáp nhập lãnh thổ của Ukraine. Trong bài diễn văn của ông, Obama biện hộ cách đối phó cuộc khủng hoảng Ukraine của mình – ông tranh luận rằng “khả năng ảnh hưởng lên dư luận thế giới của Hoa Kỳ đã giúp cô lập Nga ngay lập tức”. Điều này sẽ gửi tín hiệu đến các nước, gồm Trung Quốc và Ấn Độ, vốn tiếp tục hoặc âm thầm hoặc trực tiếp hậu thuẫn hành động của Nga tại Ukraine. Nếu một liều lượng của “biện pháp cô lập” do Mỹ dẫn đầu sẽ là hình phạt duy nhất đối với các hành động xâm lăng khu vực, thì điều này sẽ làm gia tăng những lo ngại tại châu Á. Sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế là điều mà chính bản thân Trung Quốc đã từng chứng tỏ sẵn sàng trả giá.

Khi bàn về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, Obama có vẻ muốn dùng các diễn đàn đa phương để thảo luận và đi đến hành động. Ông nói đến việc “hậu thuẫn các quốc gia Đông Nam Á đàm phán một bộ qui tắc ứng xử biển Đông với Trung Quốc” và “làm việc để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải thông qua luật pháp quốc tế”. Câu hỏi chưa có lời đáp, dĩ nhiên, là việc gì sẽ xảy ra nếu những nỗ lực này thất bại, nhất là khi chưa có tiến triển gì về Bộ qui tắc ứng xử [COC] và Trung Quốc đã từ chối tham gia toà án trọng tài quốc tế. Obama gần như không đưa ra được những phương án thay thế nếu chính sách ngoại giao đa phương chứng tỏ không có hiệu quả.

Bất chấp cả đề tài “chính sách tái quân bình lực lượng hướng tới châu Á”, trên thực tế bài diễn văn chính sách đối ngoại quan trọng của Obama đã tập trung vào đề tài quen thuộc: chủ nghĩa khủng bố, điều mà Obama gọi là “đe dọa trực tiếp nhất đối với Mỹ ngay ở trong nước cũng như ở nước ngoài”. Trong bài diễn văn của ông, Obama hứa làm đối tác với những nước trong khu vực “từ Nam Á đến vùng Sahel [dải đất khô cằn ở phía nam sa mạc Sahara – ND]” để tiến hành các hoạt động chống khủng bố tại các nước khác. Ông tiết lộ một kế hoạch cho một “Quĩ Đối tác Chống Khủng bố” mới nhất trị giá 5 tỉ USD để tài trợ cho việc huấn luyện và trang bị cũng như các hoạt động chống khủng bố tại các nước khác. Đặc biệt là, các quĩ sẽ được dùng để giúp các nước láng giềng của Syria.

Như vậy, rõ ràng là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tập trung nỗ lực vào việc chống khủng bố. Hoạt động này bao gồm việc giải quyết khủng hoảng tại Syria – với các ngân khoản từ Quĩ Đối tác Chống Khủng bố mới nhất sẽ được đổ vào giúp các nước láng giềng của Syria nuôi người tị nạn và kìm hãm các hoạt động khủng bố xuyên biên giới. Obama cũng dành nhiều chỗ trong bài diễn văn để bàn về phản ứng của Hoa Kỳ đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine và các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran. Trong khi đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương tương đối bị sao nhãng. Thành tựu chính mà Obama xác nhận tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là cải tổ chính trị tại Miến Điện – rõ ràng không phải là một thành tựu mà Hoa Kỳ có thể lấy điểm trực tiếp.

Đối với một diễn văn có chủ đích đưa ra các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Obama, người ta rất ngỡ ngàng là sáng kiến chính sách đối ngoại tiêu biểu của ông, “chiến lược quân bình lực lượng hướng về châu Á” thậm chí không được nhắc đến trong văn bản. Những vùng địa lý được nhấn mạnh trong bài diễn văn chủ yếu nằm tại Trung Đông và Đông Âu; chỉ có vài lần nhắc đến biển Đông và nỗi lo lắng chung chung do sự trỗi dậy của Trung Quốc tạo ra. Bài diễn văn của Obama sẽ không trấn an được những người chỉ trích vì họ cảm thấy khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn còn đóng một vai trò thứ yếu so với các vùng quan tâm truyền thống của Hoa Kỳ.

T.N.C.

Dịch giả gửi BVN

Nguồn bản gốc: The Diplomat

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn