Thân phận nhà báo ngồi dưới đất – vì đâu?

Trần Quí Cao

Tôi rất đồng cảm với tác giả Lê Phú Khải khi đọc những dòng viết của anh:

“Xem hình ảnh phóng viên phải ngồi dưới sàn để tường thuật họp Quốc hội trên tuoitre.vn ngày 22/10/2014, là một nhà báo lâu niên, đã cả đời cầm bút “phục vụ” chế độ, tôi thấy ngậm ngùi, đau xót và căm phẫn”(1).

Nỗi Đau Xót và Căm Phẫn của anh Lê Phú Khải qua các câu hỏi

Anh đặt câu hỏi:

“Người ta khinh miệt các nhà trí thức, các nhà báo… đến thế kia à?”

Anh ơi, nước Việt Nam có tự do báo chí không? Chắc chắn là không.

Đã không có tự do báo chí, thì về bản chất, Việt Nam chỉ có một tờ báo với 700 tên gọi, 700 hình thức khác nhau.

Đã không có tự do báo chí, thì nhà báo chỉ là người làm thuê, hay tôi dùng chữ ngày xưa nhé, là tôi đòi thôi.

Tôi đòi thì ông chủ, bà chủ muốn cho ngồi đâu, ăn đâu thì phải ngồi đó, ăn đó. Thậm chí không cho ngồi, không cho ăn cũng được nữa mà! Anh còn hỏi câu hỏi đó làm chi? Gặp chủ hiểu biết, nhân từ, tôi đòi dễ thở một chút; gặp chủ thiếu học, ác đức thì ngồi dưới đất cũng còn là may. Toàn Trị mà anh, nghĩa là cái ăn, cái học, tất tất mọi sinh hoạt đều nằm trong tay chủ. Có quyền gì mà đòi hỏi anh?

Nếu chỉ Toàn Trị thôi thì cũng còn đỡ, nghĩa là tôi đòi bị đày ải quá có thể tìm chỗ khác làm. Nhưng lại còn Độc Tài nữa chứ, nghĩa là dưới gầm trời này, trong nước Việt Nam này, chỉ có một ông chủ bà chủ đó mà thôi. Anh còn tính chạy đi đâu?

Anh lại hỏi: “Hay là họ quên mất thời đại này là thời đại thông tin, thế giới phẳng… nhà báo có một vai trò quan trọng trong thế giới @ đó!

Họ quên hay không tôi không biết, nhưng tôi biết chắc rằng “vai trò quan trọng của nhà báo” đối với họ “chẳng là cái đinh gì cả”! Nhà báo chỉ có vai trò quan trọng và phát huy được vai trò đó khi đứng trên cái nền của quyền Tự Do Báo Chí. Cái quyền căn bản đó chẳng hề có trên đất nước này, vậy thì “vai trò” của nhà báo có gì là quan trọng đối với họ? Khi chính quyền đã phá bỏ được cái nền móng làm cho vai trò của nhà báo quan trọng, thì nhà báo chỉ còn hai con đường: bỏ nghề, hoặc làm nhà báo tôi đòi. Tất nhiên vẫn có những nhà báo nhẫn nhục chấp nhận vai trò tôi đòi để chờ ngày thực hiện ý chí của mình. Nhưng đó là chuyện cá nhân. Còn về mặt cộng đồng thì càng ngày càng ít đi các nhà báo có lương tâm chức nghiệp, trách nhiệm xã hội và càng nhiều các nhà báo viết chỉ-để-kiếm-tiền. Nghĩa là viết ca tụng cái mà họ biết chỉ đáng chê bai, viết đả phá, chửi bới cái mà họ biết là nên khuyến khích, ủng hộ, hoặc, viết bài về các sự kiện để nhận tiền từ các nhà tổ chức sự kiện! Rõ ràng, các nhà báo thực-là-nhà-báo ngày càng ít đi, và các nhà báo tôi đòi ngày càng nhiều.

Chắc hẳn ông bà chủ hài lòng về đội ngũ nhà báo này. Hài lòng và xem rẻ. Bởi các người tự nguyện nhận công việc như vậy thì không ông chủ nào tôn trọng. Lúc vui họ vuốt đầu, khi buồn họ đá đít!

Trách nhiệm của việc này có nguồn gốc từ ai, từ đâu?

Trong tinh thần Cộng Đống Trách Nhiệm và Bao Dung, cố gắng tìm hiểu sự việc khách quan nhất để góp phần tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất, tôi xin thưa:

Trách nhiệm đó có nguồn gốc, trước hết, ở các nhà báo.

Chẳng phải, ngay cả dưới thời Pháp thuộc, các nhà báo từng có những tờ báo Đông Dương, Nam phong, Phong hóa, Ngày nay, Tiếng dân, Thanh nghị, Tri tân, Đông Pháp thời báo, Phụ nữ thời đàm, Phụ nữ tân văn,… những tờ báo tư nhân truyền bá bao điều hay, đẹp, hợp truyền thống dân tộc, hợp lẽ sống duy tân? Thay vì sống hòa bình với chúng, và thuận theo đà tiến hóa của thời thế, cùng nhau vun bồi thêm, cải tiến thêm, các nhà báo vứt tất cả chúng vô cái mà họ gọi một cách thiển cận và tự đắc “sọt rác lịch sử”. Những ai thấy trước điều tai hại này, như cụ Phan Khôi chẳng hạn, thì bị bao đồng nghiệp cánh nhà báo đập cho tả tơi!

Chẳng phải, từng có lúc, say máu chiến tranh, các nhà báo đã quên đi sạch các tiêu chuẩn đạo đức trung thực của nhà báo để mà chỉ biết tung hô và đả đảo? Cái gì của phe “địch, thù” thì tốt cũng viết thành xấu, cái gì của phe “ta, bạn” thì xấu cũng viết thành tốt. Hãy nhìn lại những cuộc “lên đồng tập thể” trong đó các nhà báo say men chém giết tước đi sinh mạng chính trị của các đồng nghiệp dám “Yêu ai cứ bảo là Yêu, Ghét ai cứ bảo là Ghét”. Các nhà báo, trong khi chém giết tập thể những Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán… tức là đang chém giết những người muốn chống lại sự “tôi đòi hóa” các nhà báo. Họ chết hết rồi, ai cứu được nhà báo khỏi phận tôi đòi đây? Đó là chuyện những năm 50-60 thế kỉ trước ở miền Bắc. Ở miền Nam, thuế TVA, các chương trình quốc kế dân sinh… đều bị các nhà báo công kích một cách vô lí và phá hoại tàn nhẫn. Miền Nam trù phú bị các nhà báo nói láo là bị bóc lột đói nghèo cùng cực, miền Nam Tự Do bị các nhà báo nói láo là nằm dưới ách nô lệ! Miền Nam có chương trình Cải Cách Điền Địa, Người Cày Có Ruộng được tiến hành sâu rộng và êm thắm, thực sự đem lại ruộng đất cho nông dân mà không có một oan khuất hay chết người nào, tốt đẹp biết bao, mà các nhà báo không bao giờ nhắc tới, lại ca ngợi cuộc Cách Mạng Nông Dân, Cải Cách Ruộng Đất trời long đất lở của miền Bắc. Cuộc nội chiến tương tàn thảm khốc do miền Bắc khởi xướng nhằm thôn tính miền Nam bị các nhà báo tung hô là cuộc chiến Giải Phóng Miền Nam. Các nhà báo đã góp phần phá tan thành trì Tự Do Dân Chủ chung của đất nước, bây giờ còn nơi nào trú ngụ để tránh phận “tôi đòi” đây?

Chẳng phải, từng có lúc, đê mê vì đắc thắng, các nhà báo hết mình ca tụng và suy tôn lãnh tụ? Trong bài viết của mình, anh Lê Phú Khải đề cập tới Chủ tịch Hồ Chí Minh như một tấm gương nhắc nhở. Anh ơi, thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm đại quyền:

a) Tự do báo chí bị xóa đi triệt để

b) Vụ việc Nhân Văn Giai Phẩm tiêu diệt tất cả các nhà báo, nhà văn tiêu biểu cho tinh thần trung thực báo chí, và đặt cái búa, cái liềm đe dọa lên đầu tất các các nhà báo còn lại

c) Sự suy tôn lãnh tụ được đẩy cao. Cái bóng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao trùm đất nước. Toàn bộ dân tộc phải đứng sau lưng một người. Không ai được có nhận định khác, suy nghĩ khác

Khi suy tôn và ủng hộ một lãnh tụ như vậy, có phải các nhà báo tự đặt mình trong một vị trí vô cùng thấp bé trước Bác và Đảng, và tự chuẩn bị cho mình thân phận tôi đòi?

Anh Khải ơi, tấm hình làm anh căm phẫn chỉ mới hé lộ một phần thân phận tôi đòi của báo giới. Tôi tin rằng sự thực còn nhiều hơn. Một quan chức tuyên giáo của đảng trách mắng các nhà báo vì đăng một tường thuật đúng sự thật. Nỗi ê chề này có nhà báo tự trọng nào chịu nổi hở anh? Và, nhìn rộng ra, thân phận cả dân tộc này có khác gì đâu?

Trong thế giới văn minh ngày nay, tôn trọng con người và tôn trọng quyền con người là một giá trị sống cốt lõi. Sự Bình Đẳng giữa mỗi thành viên trong cộng đồng là đương nhiên. Bất hạnh thay cho Việt Nam, dân tộc nằm dưới một chính thể mà trong đó dân chúng không có bất kì một quyền tự do căn bản nào. Hai chữ “tôi đòi” dùng ở đây không phải để chỉ bất kì người dân nào, nhà báo nào, mà để vạch rõ ý muốn của chính quyền. Một ý muốn mà nhiều người dân, trong đó có rất nhiều nhà báo thực-là-nhà-báo, phản kháng để giành lại quyền được sống như người dân đường hoàng trong một chính thể thực chất Dân Chủ, Tự Do và Pháp Trị.

T.Q.C.

Chú thích:

(1) Lê Phú Khải . SUY NGHĨ VỀ THÂN PHẬN NHÀ BÁO VIỆT NAM. Bauxite VN, 26/10/2014. http://boxitvn.blogspot.com/2014/10/suy-nghi-ve-than-phan-nha-bao-viet-nam.html#more

Tác giả gửi BVN. Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của người viết.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn