MỘT SỐ GÓP Ý VỀ TÌNH TRẠNG ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI XUỐNG CẤP HIỆN NAY

Vi Anh

Tôi là người làm ngành kỹ thuật, không am hiểu nhiều về chính trị nhưng trước tình hình đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng, hình ảnh người Việt càng ngày càng xấu như hiện nay, tôi thấy âu lo. Thịnh suy của một quốc gia, dân tộc, nghĩ cho cùng, cũng từ đây.

Từ nhiều năm nay tôi đã trăn trở lý do tại sao xã hội ta ngày nay lại như thế, con người với con người ít còn tử tế với nhau? Các suy nghĩ của tôi về nguyên nhân có thể chưa đúng và chưa đủ, nhưng để góp phần lý giải hiện tượng này, tôi xin trình bày như sau:

- Nền tảng đạo đức xã hội, triết lý giáo dục ngàn năm đã ăn sâu vào từng thế hệ người dân Việt, từng dòng họ, làng mạc bổng chốc bị thay thế bởi lý thuyết đạo đức mới. Đạo đức mới này được xây dựng trên nền tảng một lý thuyết ngoại nhập, được áp đặt ngay vào xã hội Việt, không trải qua một sự tiêm nhập tự nhiên. Tôn ti trật tự bị đảo lộn: con tố cha, vợ tố chồng, trò phê bình thầy, tớ đấu tố chủ được khuyến khích và tán dương. Các bậc thánh nhân bị đem ra nhạo báng. Các nhà tu hành bị mỉa mai. Đình, chùa, nhà thờ, tu viện thành nơi hội họp, phơi thóc. Tầng lớp trí thức bị coi rẻ…..

- Đối với người dân Việt, sự giáo dục, uốn nắn từ gia đình, dòng họ là nền tảng quan trọng nhất để hình thành tính cách, đạo đức con người. Nhưng có một thời, sự thoát ly khỏi gia đình được khuyến khích. Thoát ly càng sớm càng được đánh giá cao. Người ta muốn tách các trẻ em ra khỏi ảnh hưởng của gia đình sớm để uốn nắn, giáo dục theo cách người ta muốn, để đào tạo thành các cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”. Các thế hệ trẻ em này, khi lớn lên thành chủ gia đình, chủ xã hội, đương nhiên sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của phương thức giáo dục mà mình đã trải qua.

-  Giao sự giáo dục về nhân cách, đạo đức, lý tưởng sống của lớp trẻ cho Hội, Đoàn thanh niên rõ ràng là không hiệu quả và phiêu lưu. Các cán bộ Hội, Đoàn chưa đủ trải nghiệm cuộc sống để giáo dục, khuyên bảo thanh niên. Họ chỉ răn dạy theo mớ lý thuyết giáo điều, lỗi thời được nhồi nhét một cách sống sượng. Lại nữa, liệu có chắc các cán bộ Hội, Đoàn toàn tâm toàn ý, trong sáng, vô vụ lợi với nhiệm vụ bất khả thi này không? Phương pháp giáo dục nhồi sọ có thể phù hợp nhất thời trong chiến tranh, thế nhưng đến thời bình thì cần phải thau đổi về cơ bản, nếu không muốn thế hệ trẻ bị suy thoái về nhân cách, lý tưởng.

- Cách thức thông tin, tuyên truyền không đúng bản chất sự việc, không lương thiện trên các phương tiện truyền thông có thể giúp chính quyền đạt một số hiệu quả nhất thời nhưng ngược lại, dần dà gieo vào người nghe - thế hệ này tiếp nối các thế hệ khác- các mầm xấu như chính quyền đã làm.

- Cách thức chọn công chức trong các cơ quan Nhà nước như hiện nay khó lòng tìm được người tài đức vẹn toàn. Thượng bất chính, hạ tắc loạn, điều ấy từ lâu đã được khẳng định như một chân lý.

- Ngoài ra, thêm một điều đau xót: Nói dối. Nói dối tràn lan trong xã hội, từ trên xuống dưới. Nói dối phá hủy nhân cách, làm băng hoại đạo đức con người. Trong guồng máy xã hội hiện nay, để tự vệ, để kiếm miếng cơm manh áo, để vươn lên cần phải biết nói dối. Sự sợ hãi cũng tạo ra nói dối. Dần dà nói dối trở thành phổ biến trong xã hội VN. Mọi người theo nhau nói dối. Nói dối nhan nhản. Đọc báo: nói dối, nghe radio, tivi, nói dối, học hành, thi cử: nói dối; cấp trên nói với dưới: nói dối, cấp dưới báo cáo lên cấp trên: nói dối…

Như vậy việc xuống cấp đạo đức xã hội ngày nay là hệ quả của hệ thống tổ chức xã hội xuyên suốt từ khi lập quốc theo hệ ý thức Marx- Lenin. Đây không phải là hậu quả của nền kinh thế thị trường. Kinh tế thị trường có thể chỉ là chất xúc tác. Khi nền tảng đạo đức không vững mạnh, bén rễ thì sự lung lay là tất yếu do không đủ sức đề kháng với những cái không phù hợp.

Đã có nhiều đề xuất đáng trân trọng của các bậc nhân sĩ, tí thức nhằm cải thiện tình trạng đạo đức xã hội, nay tôi cũng xin mạo muội hiến thêm thêm một số giải pháp:

1- Thành lập Ủy ban Quốc gia Chấn hưng Văn hóa Đạo đức xã hội. Nếu được Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban là tốt nhất, còn không, phải là một Quốc Vụ khanh đứng đầu. Ủy ban này gồm các vị nhân sĩ, trí thức, các nhà mô phạm, các bậc tu hành và một số viên chức nhà nước liên quan.

2- Tổ chức điều tra xã hội học cả nước về tình trạng đạo đức xã hội, tội phạm. Điều tra và thống kê chi tiết từng vùng miền, thành phần, nhân thân của các đối tượng vi phạm đạo đức và pháp luật. Công tác điều tra phải khách quan, trung thực và độc lập, không bị can thiệp bởi các nhà chính trị. Báo cáo kết quả điều tra này sẽ được cung cấp cho Ủy ban Quốc gia Chấn hưng Văn hóa Đạo đức xã hội nghiên cứu.

3- Giảm bớt hoặc loại bỏ các chương trình, phong trào học tập đạo đức mang tính hình thức, tốn kém mà hiệu quả thấp. Thậm chí, một cách vô tình, các chương trình này đẩy các tổ chức, tập thể và cá nhân vào tình cảnh phải nói dối.

4- Loại bỏ các phong trào thi đua, các danh hiệu thi đua. Các phong trào này góp phần tập cho cán bộ công chức, người dân nói dối.

5- Cho phép phục hưng phong trào giáo dục thanh niên như phong trào Hướng đạo. Phần lớn các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng phục vụ trong chính phủ Hồ Chí Minh sau ngày giành độc lập đều xuất thân từ phong trào này. Các hoạt động của phong trào Hướng đạo mang tính giáo dục kỹ năng sống cho thanh niên rất tốt. Từ các kỹ năng này, thanh niên biết cách làm chủ bản thân, phụng vụ xã hội, biết làm điều thiện, tránh điều ác. Được như vậy là do các huynh trưởng toàn tâm, trong sáng, vô vụ lợi trong việc hướng dẫn cho thanh niên, họ không hề nghĩ đến đây là bàn đạp để từ đó nắm giữ các chức tước chính quyền trong tương lai.

6- Cho phép phục hưng các cơ sở giáo dục của các tôn giáo. Tôi biết trước đây các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học của các tôn giáo có uy tín rất cao trong xã hội về mặt rèn luyện tư cách, đạo đức cho học sinh, sinh viên. Các bậc phụ huynh thường thích gửi con em vào học ở các trường này vì tính kỷ luật nghiêm khắc của nó.

7- Tôi cũng xin đề xuất mục đích và cũng là khẩu hiệu để đào tạo lớp trẻ trở thành người hữu ích cho xã hội, đất nước là: Danh dự - Trung thực – Trách nhiệm.

Tôi biết rằng mục 4 và 5 là rất khó được chấp nhận trong hoàn cảnh chính trị đất nước hiện nay nhưng vì đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, tôi xin mạnh dạn đề xuất.

V.A.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn