Vụ nữ sinh bị đánh hội đồng ở Trà Vinh – nên nhìn nhận, xử lý thế nào?

Mạc Văn Trang

Mấy hôm nay báo, đài liên tục đưa tin, dư luận xã hội xôn xao về vụ nữ sinh P. (Loan?) học lớp 7 trường THCS Lý Tử Trọng, TP Trà Vinh, bị 7 học sinh (HS) ở những lớp 7 bên cạnh xúm vào hành hạ tàn bạo, được một HS ghi hình, đưa lên mạng ngày 8/3/2015. (Xem vidéo tại đây:

https://www.youtube.com/watch?v=xsfE5Pmy_Ps

clip_image002

Theo xác minh, vụ việc này xảy ra lúc 12h ngày 13/1 tại lớp 7/5, nạn nhân bị đánh trong đoạn clip là em Nguyễn Thị Hồng P. (học sinh lớp 7/5).

1. Tóm tắt sự việc:

Tham gia đánh em P. là một nhóm gồm 7 học sinh (cả nam lẫn nữ) của các lớp 7/4, 7/5, 7/13, 7/15. Cụ thể các nữ sinh gồm Dương Thúy V., Trần Ngọc Anh T., Trần Hồng G., Kim Thảo N., Cam Kim T. và hai nam sinh Lâm Trần Bình Tr., Lâm Trí Nh. Người cuối đoạn video clip phang chồng ghế xuống đầu em P. được xác định là nam sinh Lâm Trần Bình Tr..”(Tin Mới11.3.2015).

Về lý do bị đánh. P kể: “Lúc vào lớp, bạn V (lớp trưởng) sai em đi mua đồ cho bạn nhưng em không đi. Sau đó, V lại bảo em đánh một bạn khác trong lớp nhưng em không chịu. Một lúc sau, khi em đang ngồi thì cả nhóm vây lại. Các bạn thay nhau tát, giật tóc, đấm, đá, đập ghế vào đầu và khiến em chảy máu cằm. Lúc đó, em cố gắng van xin các bạn đừng đánh và cứu em nhưng không ai giúp mà đứng hò hét và cổ vũ. Chỉ đến khi một số bạn hét lên nó bị chảy máu be bét rồi kìa thì các bạn mới dừng lại”.

Về lý do không thông báo cho gia đình và nhà trường biết mình bị đánh, P chia sẻ do sợ bị đánh tiếp, vì "Bạn V nói nếu để thầy cô và bố mẹ biết thì em con bị đánh dài dài"(Vietnamnet. 11.3.2015)

2. Những người có trách nhiệm nói gì?

- Ông Phan Thanh Nguyên, hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng xác nhận, những hình ảnh đau lòng trong đoạn video clip trên xảy ra tại lớp 7/5 của trường. Theo ông Nguyên, nhà trường đã yêu cầu các em học sinh liên quan đến vụ việc viết bản tưởng trình. Thông tin từ những tờ tường trình, nguyên nhân xảy ra vụ việc là do em P. không nghe lời lớp trưởng Dương Thúy V. nên lớp trưởng tổ chức đánh hội đồng "dằn mặt" (MVT nhấn mạnh)

- Ông Huỳnh Huệ Minh (Phó Bí thư Chi đoàn Trường THCS Lý Tự Trọng) cho biết, các học sinh tham gia đánh Loan nói rằng không thích em này nên đánh chứ hoàn toàn không có chuyện mâu thuẫn tình cảm, yêu đương. Hiện sức khỏe của Loan đã bình thường, em vẫn đi học nhưng tâm lý bị ảnh hưởng. (Thanh niên 11/3/2015).

- Rồi thấy dư luận dữ quá, ông hiệu trưởng lại nói với PV báo Lao Động: “Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã có thông tin đến các thành viên Ban Giám hiệu, Giáo viên chủ nhiệm lớp 7/5, 7/4, 7/3, Tổ Phòng chống học sinh vi phạm pháp luật trong nhà trường, Ban Phụ trách Đội, Ban Chấp hành Chi Đoàn và các bộ phận liên quan, thông báo đến Công an Phường 1, TP Trà Vinh, báo cáo vụ việc lên Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo... ; thông báo đến phụ huynh học sinh liên quan, mời và tiếp phụ huynh” (LĐ 12/3/2015).

- Ông Diệp Thanh Phong - Phó phòng Giáo dục và Đào tạo TP Trà Vinh xác nhận: "Sự việc xảy ra tại trường THCS Lý Tự Trọng, hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và có hình thức xử lý" (Lao Động 12.3.2015).

- Ông Nguyễn Thành Nguyện, Giám đốc Sở GD-ĐT Trà Vinh cho biết: "Sở GD-ĐT Trà Vinh sẽ kết hợp với phụ huynh có học sinh liên quan trong clip, Trường THCS Lý Tự Trọng họp hội đồng kỉ luật có biện pháp xử lý. Do các cháu tham gia đánh nhau trong clip còn nhỏ, ở độ tuổi 12 - 13 tuổi nên việc xử lý kỷ luật phải kết hợp với phụ huynh để giáo dục các cháu” (Vietnamnet 11.3.2015).

- Ông đại tá Lê Văn Tư - Trưởng công an TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh - cho biết đang phối hợp cùng công an phường 1 làm rõ việc… "Các em còn nhỏ nên không thể xử phạt hành chính hay truy tố. Sau khi làm rõ, chúng tôi sẽ đề xuất nhà trường xử lý theo quy định, giáo dục răn đe. Đồng thời cùng các ngành thường xuyên quan tâm để các em tập trung học tập, đề phòng các em có sự thù oán lâu dài" (Vietnamnet 11.3.2015).

- Ông Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Đồng Văn Lâm, đã chủ trì cuộc họp và yêu cầu xử lý nghiêm… (Dân Trí 12/3/2015).

- Ông Vụ trýởng Vụ Công tác Học sinh - Sinh viên Bộ GD-ÐT Ngũ Duy Anh nói với Vietnanet:Tôi đã nắm bắt được vụ việc thông qua các cơ quan báo chí. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu sở GD-ĐT Trà Vinh báo cáo rõ sự việc và hướng xử lý.

Bộ GD-ĐT rất quan tâmthường xuyên chỉ đạo việc giáo dục, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, trong đó có tình trạng học sinh đánh bạn; ban hành các quy định về quản lý học sinh, sinh viên, điều lệ nhà trường

Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch về công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trường học, trong đó xác định trách nhiệm của nhà trường, cơ quan công an trong việc đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống bạo lực trong trường học.

Hiện nay, Bộ đang phối hợp với với TƯ Đoàn TNCSHCM và Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án “Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống và bồi dưỡng lí tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên giai đoạn 2015-2020”.

Chắc còn nhiều người liên quan nữa sẽ lên tiếng, nào là “bức xúc”, “nghiêm trọng”, nào là “làm rõ nguyên nhân”, “chỉ đạo kiên quyết”, “kiểm điểm nghiêm khắc”, “huy động các lực lượng giáo dục”, “răn đe”, “tiếp tục đẩy mạnh”… “Tăng cường phối kết hơp” …vân vân.

Phải nói ngay rằng, tất cả những lời nói trên đây đều vô giá trị, chỉ cốt nói cho tròn trách nhiệm của mình, chứ không hề biết xử lý đúng đắn sự việc như thế nào. Cái cách nói, cách làm như thế, từ trước đến nay cứ lặp đi, lặp lại từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, không giải quyết được gì, mà tình trạng ngày càng trầm trọng hơn mà thôi!

3.Nguyên nhân từ đâu?

Nhiều người biết nhưng cứ né tránh, vòng vo. Xin nói thẳng ra là: Xã hội nào nhà trường ấy! Nhà trường là con đẻ của xã hội, HS là sản phẩm của nền giáo dục XHCN này. Đây nhé, Cụ K. Marx, Tổ sư của chế độ đã tổng kết: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội” (C. Mác và Ph. ăngghen (1995), toàn tập t. 3, tr.11, Nxb. CTQG, Hà Nội).

Lại xin dẫn thực tế nhé: Hồi cải cách ruộng đất 1956, nhiều con địa chủ là HS cũng bị các bạn đem ra đấu tố, đánh đập như cha mẹ các em. Nhiều HS vừa sợ, vừa đói phải bỏ học. Nhưng lúc đó có những thầy giáo hiểu biết, tử tế nên nhiều HS con địa chủ được các thầy che chở, cưu mang. Một anh bạn con địa chủ hồi CCRĐ học lớp 5, kể với tôi: mẹ chết, bố bị bắt đi, anh, chị ở xa không dám về, một mình ở nhà, một buổi đi mót khoai về ăn, một buổi đi học (vì cha dặn không được bỏ học). Anh được thầy giáo chủ nhiệm che chở, khuyên ngăn các bạn không đấu tố và thỉnh thoảng lén đưa cho một củ khoai, một túm gao... Rồi thầy cũng sợ. Thầy khuyên anh nên trốn ra Hà Nội tìm anh, chị để tiếp tục học… Như vậy, dù chính trị - xã hội có tồi tệ, nhưng nếu người thầy có hiểu biết, tử tế, có bản lĩnh, biết thương yêu che chở cho HS của mình trước những cơn sóng dữ của xã hội, HS cũng có thể tỉnh táo vượt lên.

Các thầy giáo ngày nay hình như đã hòa tan vào xã hội, với chính quyền là một. Thật lạ kỳ, thầy giáo gì, hơi tí đi mời CA vào khám xét, tra khảo HS của mình(!?); thế thì nhà trường là cái gì? thầy còn giáo dục được ai!?

Tất cả các hiện tượng xã hội trong nhà trường hiện nay diễn ra y như các hiện tượng ngoài xã hội, và cách giải quyết cũng y như cách giải quyết của toàn hệ thống chính trị. Nguyên nhân sâu xa từ đó. Nhưng nếu nhà trường và các thầy giáo tử tế, biết xử lý vấn đề theo đúng bản chất của giáo dục thì vẫn cứu vãn được thế hệ trẻ. Những người được nhà trường Pháp đào tạo để làm tay sai cho chính quyền thực dân, đã trở thành những người lãnh đạo chủ chốt cuộc cách mạng tháng Tám 1945 đấy thôi!

4. Qua vụ này thấy gì?

- Em P đeo khăn quàng đỏ (là đội viên của tổ chức Đội), là thành viên của tập thể lớp 7/5 của trường. Nhưng khi em bị 7 HS từ các lớp khác sang đánh, không một “đồng chí, đồng đội” nào trong cái tập thể, em là thành viên xông ra cứu em! Tại sao lại thế? Vì em lớp trưởng V rất có uy quyền, sai khiến được các học sinh khác, ai không tuân lệnh sẽ bị trừng phạt, mà không ai dám can ngăn. Ai cho lớp trưởng V cái uy quyền lớn như vậy? Một thứ quyền lực vô hình, bí ẩn, gây ác, không bị trừng phạt, y như chính quyền vậy!

- 7 em HS kia cũng đeo khăn đỏ (là đồng chí, đồng đội của em P) và không thù oán, ghen tuông gì với em P; nhưng lớp trưởng V (đại ca?) gọi sang đánh P là cả 7 em xông vào đánh, đánh nhiệt tình, hăng say, nhảy cả lên bàn, giật tóc, tát, đạp, đập ghế vào đầu… đánh với thái độ căm thù như nông dân đấu địa chủ vậy. Đây là điều ghê sợ nhất. Em lớp trưởng V và 7 em HS đánh bạn, chẳng khác nào như đám xã hội đen mất tính người, ai thuê đánh, giết là làm, không cần biết lý do! Hay như những CA, dân phòng, bảo bắt người là bắt, nhiều người vào đồn CA là chết!

- Cha mẹ của em P thấy con đau đớn, u uất mấy tháng mà không hỏi han, tìm hiểu, chăm nom để rõ nguyên nhân, cũng có lỗi vô tâm quá! Khi rõ sự việc rồi cũng chẳng biết xử lý vấn đề sao cho đúng đắn.

- Những người có trách nhiệm xã hội đều “nắm rõ tình hình” và lên tiếng mạnh mẽ, nhưng chỉ vì mình, chỉ lặp lại những câu nói, những biện pháp cũ kỹ, nhàm chán và vô vọng.

- Các cơ quan truyền thông thì được dịp khoe tài tác nghiệp đủ trò, gây thêm bức xúc cho xã hội, giải thích vòng vo, chẳng dám nói thẳng vảo “tử huyệt” để thức tỉnh xã hội!

- Các cơ quan nghiên cứu, chỉ đạo giáo dục lại được dịp phối hợp “điều nghiên”, hội thảo, ban hành các văn bản chỉ thị, quy chế... Tư lệnh ngành lại phát động: “ba bốn không”, “trận đánh lớn”… Tốn bao nhiêu tiền bạc, thời gian, sức lực rồi mọi việc lại tan biến vào cái môi trường xã hội đầy ô nhiễm, mà u bướu từ trong ruột nó đã “di căn” sang mọi ngóc ngách của đời sống!

5. Nên xử lý thế nào?

- Trước hết CA và “toàn hệ thống chính trị” đừng có xía vô. Điều cơ bản ở đây là chính những HS trực tiếp đánh bạn và cha mẹ các em cùng các giáo viên chủ nhiệm liên quan hãy tĩnh tâm cùng ngồi lại, dưới sự chỉ dẫn của hiệu trưởng nhà trường, hãy cùng xem lại cái vidéo clip, nhìn thẳng vào sự thật, tự bày tỏ những sai lầm, tội lỗi của mình, tự thức tỉnh lương tâm mình, tự phán xét những lỗi lầm của mình, tự sám hối và tự đề ra cách chuộc lỗi lầm để giải thoát những mặc cảm tội lỗi cho chính bản thân mình. Việc này có thể diễn ra trong nhiều buổi. Chỉ khi tự các đương sự - không vì những áp lực đe dọa từ bên ngoài – tự mình nhận thức, tự cảm nghiệm nỗi xấu xa, hổ thẹn từ lương tâm mình về những sai lầm và thực lòng muốn nói, muốn làm điều gì đó chuộc lỗi, để mình trở về con người tử tế, thì lúc đó mọi lời nói, việc làm “đền bù” với nạn nhân mới thực sự có tác dụng giáo dục. Các đương sự cũng cần nhận thức rằng, 7 HS kia không chỉ có lỗi với em P và gia đình em, mà còn có lỗi với toàn trường, vì làm xấu đi hình ảnh, truyền thống nhà trường trước toàn xã hội. (Em HS quay vidéo và tung lên mạng không có lỗi, mà chỉ tố cáo một sự thật).

- Sau bước một thành công, nhà trường cần họp các giáo viên, đại diện HS, đại diện cha mẹ HS các lớp để thông báo kết quả và cách xử lý vụ việc. Hiệu trưởng, các GV chủ nhiệm liên quan và đại diện gia đình 7 HS có lỗi đến gia đình em P nhận lỗi và “động viên”. 7 gia đình các hung thủ cần phải đóng góp một khoản tiền nhất định để em P khám chữa bệnh. Việc đó cũng cần công khai tuyên bố.

- Tổ chức một buổi Lễ tạ lỗi” cho 7 HS có lỗi và cha mẹ các em trước tất cả HS, GV toàn trường và đại diện cha mẹ HS, đại diện chính quyền với sự có mặt của em P nạn nhân và gia đình. Lễ cần trang nghiêm, nhưng nhẹ nhàng, tình cảm. Lễ này không nhằm đe dọa, hạ nhục người có lỗi mà để người có lỗi được công khai trút bỏ lỗi lầm, được nhẽ nhõm trở về với con người bình thường…

Trước hết, một đại diện của gia đình các HS có lỗi phát biểu nhận lỗi trước; lỗi về việc chưa dạy dỗ con được chu đáo, con dại cái mang. Do đó mong em P và gia đình tha lỗi, mong được các bậc cha mẹ HS và nhà trường cảm thông…

Một HS đại diện cho nhóm 7 em có lỗi lên nhận lỗi, mong bạn P và gia đình, các thầy cô, các bạn toàn trường và cha mẹ tha lỗi…(Cũng không cần hứa hẹn, thề thốt làm gì!).

Tất cả mọi người đứng lên! 7 HS có lỗi quỳ xuống, cúi đầu xin tha lỗi! Em P đến nâng từng bạn đứng dậy và nói: “Tôi đã tha thứ cho bạn”! (Có thể bắt tay, ôm lấy bạn, bầy tỏ sự cảm thông với nỗi niềm của ban). Cha mẹ 7 HS có lỗi và các GV chủ nhiệm liên quan, đến bắt tay, xin lỗi cha mẹ em P.

clip_image004

Cảnh sát Ukraina quỳ tạ lỗi trước nhân dân

Thầy hiệu trưởng nói mấy lời. Các em còn bồng bột, dễ mắc sai lầm. Điều quan trọng là có lỗi biết thành khẩn nhận lỗi và tự mình mình trở nên tử tế hơn. Hôm nay. Các em đã sửa lỗi rồi, tất cả các em lại là bạn tôt của nhau, là con ngoan của cha mẹ! Toàn trường hoan hô! Thế là đủ! (Chớ để một đại diện chính quyền nào lên răn dạy nữa, Càng không để CA nên hăm dọa HS!). Nhà trường là mảnh đất thiêng liêng của giáo dục, nó có sứ mệnh và năng lực giải quyết mọi vấn đề của nó. (Nếu nó không làm được thì thay hiệu trưởng đi, chọn người đủ tài đức trong số GV). “Toàn hệ thống chính trị” có việc của mình là, hãy “ra sức” dẹp bớt những gì xấu xa quanh nhà trường đi, để trẻ em được sống trong môi trường xã hội trong lành.

-Thầy hiệu trưởng cho ghi hình buổi lễ cùng với lời tạ lỗi củả nhà trường trước xã hội và đưa lên mạng.

- HS về từng lớp, dưới sự hướng dẫn của GV chủ nhiệm, chia ra các nhóm 5-6 em một, thảo luận (em nào cũng nói ra): 1. Lỗi của 7 hung thủ kia ở chỗ nào? 2. Lỗi của đồng đội với P ở chỗ nào? 3. Trường hợp thấy bạn bị hành hung như vậy, em cần làm gì? 4. Em suy nghĩ gì về buổi “Lễ tạ lỗi” hôm nay? Sau đó đại diện các nhóm lên nói những bài học nhóm mình đã rút ra, những kiến nghị…

- Mỗi HS về nhà hãy viết một bài văn nói lên suy nghĩ của em về vụ 7 HS đánh bạn P và cách xử lý của nhà trường. Các bài viết này được dán vào khung liếp ở hành lang các lớp để các bạn cùng chia sẻ…trong một, hai tuần, rồi chọn những bài hay đóng lại để vào thư viện hay phòng truyền thống của trường.

“Tư lệnh ngành” nên chỉ thị cho tất cả các trường Trung học trong cả nước xem 2 Vidéo clip “7 HS đánh hội đồng một nữ sinh và “Lễ tạ lỗi”, rồi cùng thảo luận, rút ra bài học…

Cách xử lý này nhằm làm cho người có lỗi, tự biết lỗi, tự sửa lỗi để giải thoát mặc cảm tội lỗi, trở lại sống bình thường và hy vọng sẽ tử tế hơn. Qua đó tác động đến lương tâm của tất cả HS. Rất mong mọi người cùng hiến kế những cách làm khác hay hơn, có tác dụng giáo dục với HS tốt hơn.

Ngày 13/3/2015

M.V.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn