Cẩn trọng với điện hạt nhân

Tô Văn Trường

Hạt nhân là nguồn năng lượng chiến lược, có thể thay thế nguồn năng lượng hóa thạch trong tương lai. Với trình độ công nghệ hiện nay, việc sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất điện (nhà máy điện hạt nhân) vấp phải hai vấn đề lớn về kỹ thuật, đó là kỹ thuật đảm bảo an toàn cho lò phản ứng và kỹ thuật xử lý chất thải. Một lò phản ứng có tuổi thọ khong 50-60 năm, nhưng cũng phải mất ngần ấy năm để tháo gỡ, để xử lý chất thải và môi trường.

Trong trường hợp có sự cố lớn thì cái giá phải trả sẽ là thảm họa cả về chính trị, kinh tế xã hội và môi trường vì thế mà sự tồn tại của một lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân, dù an toàn đến mấy cũng khiến cho dân cư sống quanh nhà máy và khu vực bị ám ảnh, tâm lý bất an.

Ngày nay, nhận thức về hữu ích điện hạt nhân đang thay đổi, như Cộng hoà Liên bang Đức, hay Nhật Bản đã đi đến nhận thức rằng điện hạt nhân không phải là tương lai của loài người. Các nước đang có điện hạt nhân rồi, người ta cũng phải nghĩ tới tái cơ cấu tỷ lệ điện hạt nhân.

Nhận thức về điện hạt nhân

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Thế giới (IAEA): Hiện nay, trên thế giới có 443 lò phản ứng hạt nhân các loại với tổng công suất điện dòng 381.365 MW đang hoạt động ở 30 quốc gia chủ yếu ở các nước công nghiệp phát triển ( phương Tây, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan), vài quốc gia đang phát triển: Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Pakistan; và đang xây dựng 66 lò nữa với tổng công suất điện dòng 84.482 MW.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia lớn về kinh tế, dân số, đất đai, nhu cầu năng lượng lớn, và tiềm năng khoa học kỹ thuật hạt nhân rất hùng hậu. Pakistan cũng có tiềm năng khoa học, kỹ thuật hạt nhân, có thông tin họ còn bán kỹ thuật này cho Iran và Triều Tiên. Iran cũng là nước sở hữu kỹ thuật và thiết bị hạt nhân, khiến cho các nước phương Tây ái ngại.

Xác suất xảy ra một sự cố hạt nhân đẫn đến thảm họa (nổ lò phản ứng, chảy thanh nhiên liệu,...) là rất nhỏ (khoảng một phần triệu). Con số này, nhỏ không thể tin được, bởi vì xác suất phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tuy nhỏ những có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào. Ngày nay, bằng công nghệ hiện đại, kỹ thuật an toàn hạt nhân đã được cải thiện đáng kể đương nhiên vẫn không thể được coi là an toàn tuyệt đối vì sai sót do con người và do yếu tố khách quan như động đất, sóng thần, v.v. Chỉ trong vòng 50 năm qua mà đã xảy ra một số vụ cháy tâm lò gây thảm họa: một ở Three Miles Island (Mỹ), một ở Tchernobyl (Nga) và ba ở Fukushima (Nhật Bản).

Nhìn quanh ta: Indonesia ngừng việc xây dựng một cơ sở điện hạt nhân do dân chúng phản đối. Philippines hủy bỏ nhà máy điện hạt nhân trị giá 2 tỷ USD xây dựng năm 1984 tại khu vực có địa chấn hoạt động mạnh.

Vấn đề rò rỉ phóng xạ, xử lý chất thải hạt nhân

Ngay các nước tiên tiến trên thế giới, càng ngày càng quan tâm đến vấn đề rò rỉ phóng xạ, xử lý chất thải hạt nhân và làm mát các lò phản ứng. Nga và Pháp là hai nước có công nghệ xử lý chất thải hạt nhân tiên tiến nhất, tuy nhiên chưa có quốc gia nào giải quyết vấn đề xử lý chất thải hạt nhân một cách triệt để.

Lò phản ứng có nhiều loại, sự khác nhau giữa các loại chủ yếu là kết cấu lò và hệ thống tản nhiên (làm mát) bằng nước thường, nước nặng hay muối nóng chảy. Nóng chảy lò là hiện tượng nóng chảy thanh nhiên liệu chứa uranium (235) dioxide (UO2) và phần vỏ bọc thanh (thông thường bằng ziriaconi). Bình thường, các thanh nhiên liệu UO2 được ổn nhiệt ở khoảng nhiệt độ an toàn dưới xa ngưỡng nóng chảy. Nước làm mát được bơm mạnh liên tục qua lõi của lò phản ứng. Nhưng nếu nước không được bơm với tốc độ đủ lớn, nó sẽ nóng rất nhanh do nhận lượng nhiệt lớn từ quá trình phản ứng.

Khi lõi lò phản ứng hạt nhân tan chảy, các sản phẩm của phản ứng phân rã hạt nhân sẽ thoát ra ngoài phát tán vào môi trường, vào nước và khí quyển gây ô nhiễm phóng xạ. Theo các chuyên gia ước tính, lượng phóng xạ từ vụ nổ Chernobyl cao gấp hàng trăm lần hai quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945.

Kinh nghiệm của Pháp cho thấy: Trước khi Tổng Công ty Điện lực Pháp (EDF) bắt đầu xây cất các nhà máyđiện hạt nhân vào năm 1957, Cơ quan Năng lương nguyên tử Pháp (CEA) đã xây dựng các lò phản ứng nghiên cứu và đào tạo nhân lực, từ 1956 đến 1978, quốc gia này đã có 30 lò nghiên cứu và đào tạo. Hiện nay chỉ 15 lò nghiên cứu còn hoạt động.

Ta thấy, khi sự cố hạt nhân xảy ra ở Fukushima ở Nhật Bản, ngoài tiêu tốn tiền của khổng lồ, nước này đã huy động hàng vạn các nhà khoa học, kỹ thuật hàng đầu tham gia, được các nước đồng minh và IAEA giúp sức, mặc dù vậy vẫn còn rất lúng túng trong phương án và thực hành xử lý.

Ngoài một lượng lớn các chất phóng xạ tung vào không khí (cao hơn 3000 m), người ta ước tính rằng gần 100 kg chất phóng xạ plutonium (trên tổng số 400 kg chứa trong lò) nguy hiểm sinh ra trong quá trình hoạt động của lò đã lan tỏa vào môi trường lúc xảy ra vụ cháy. Sự chảy tâm lò và các cấu trúc kim loại tạo nên một lớp corium nằm dưới lò phản ứng. Trong chất thải này có chứa 300 kg plutonium. Cho tới nay, vẫn chưa có cách xử lý nóng chảy hạt nhân một cách nhanh chóng, hiệu quả.

clip_image002

Tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi Nhật Ban sau thảm họa động đất (ảnh trên mạng)

Tại nhà máy Chernobul, người ta phải bơm nước vào lò phản ứng để dập tắt nóng chảy và làm sạch nitrogen lỏng, sử dụng trực thăng để thả bột chì và cát xuống lò phản ứng, lặn xuống hồ nước bồn chứa để mở cống, hoặc đào dưới chân móng lò phản ứng để lắp đặt một hệ thống ống dẫn.

Ở Nhật Bản, người ta xử lý bằng cách bơm nước biển vào lò phản ứng khi hệ thống làm lạnh không hoạt động của nhà máy Fukushima. Tuy nhiên, các thanh nhiên liệu đã tan chảy một phần. Nước biển dùng chữa cháy đã kéo phóng xạ đi theo gây thiệt hại cho môi trường không biết đến quy mô, mức độ nào và cho đến bao giờ. Các kỹ sư Nhật Bản đã dự trù một số biện pháp đối phó như đào đường hầm thoát nước từ đáy lò ra ngoài. Nước chứa những vật liệu phóng xạ trong lò sẽ chảy vào đường hầm và người ta sẽ bơm nước này ra để khử vật liệu phóng xạ trước khi trả lại thiên nhiên.

Khi những thanh nhiên liệu bị nung chảy, nhiệt độ cao làm thùng lò phản ứng bằng thép chảy ra, làm nứt gãy nền móng dưới lò và nước trong lò chảy ra ngoài. Nước này mang theo những vật liệu phóng xạ chứa trong thùng lò, ngấm vào mạch nước ngầm và người ta không biết được nước ngầm này sẽ chảy đi đâu.

Bức xạ từ vụ nổ nhà máy Fukushima đã thâm nhập vào hệ thống nước sinh hoạt và tới sản xuất nông, ngư nghiệp, khiến cho một số nước cấm nhập khẩu các sản phẩm nông - ngư của Nhật Bản.

Mức độ bức xạ cao cũng đã được phát hiện ở Thái Bình Dương trong khu vực lân cận nhà máy. Trung Quốc đã yêu cầu Nhật Bản có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường biển, Hàn Quốc cũng lên tiếng về việc Nhật Bản bơm nước nhiễm phóng xạ ra biển.

Nếu sự cố hạt nhân xảy ra ở Việt Nam?

Xử lý sự cố nhà máy điện hạt nhân tùy thuộc vào khả năng kinh tế, trình độ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý.

Qua những số liệu từ các nguồn của các tổ chức tài chính WB, IMF, chúng ta thấy: Quy mô GDP bình quân đầu người tính bằng USD của Việt Nam còn rất thấp: đứng thứ 7/11 nước trong khu vực, đứng thứ 34/47 nước và vùng lãnh thổ ở Châu Á và đứng thứ 136/191 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổng GDP của Việt Nam chúng ta ở Đông Nam Á đứng thứ 5/11 nước và đứng thứ 50 trên thế giới với 170 tỷ USD (Bảng xếp hạng của năm 2012). Do GDP bình quân đầu người tính bằng USD còn quá thấp, nên Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn về quy mô tuyệt đối, trong khi tốc độ tăng GDP tính theo gia so sánh mấy năm nay đã tăng chậm lại.

Rủi ro hạt nhân có phần là do sự cẩu thả và lỗi thao tác của cán bộ vận hành. Đội ngũ nhân lực hạt nhân của ta thì hầu như chưa chuẩn bị. Mà khi nhân lực chưa được chuẩn bị kỹ càng, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức, thì nguy hiểm của điện hạt nhân phải nhân lên gấp bội.

Nhân lực hạt nhân có trình độ cao không phải chỉ về khoa học, chuyên môn, kỹ thuật, mà còn cả về quản lý và an toàn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần rất nhiều chuyên gia làm việc cho cơ quan pháp qui hạt nhân để đảm bảo an toàn an ninh cho điện hạt nhân, đội ngũ xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Việt Nam là nước nông nghiệp, nền sản xuất còn lạc hậu, dân trí còn thấp. Hiện tại, cán bộ của Việt Nam chưa có tác phong công nghiệp, tác phong xã hội, văn hóa an toàn, thậm chí còn quan liêu so với các nước tiên tiến. Thế mà ở ngay các nước có trình độ vượt xa ta về mọi mặt nhưng vẫn xảy ra thảm họa về phóng xạ điện hạt nhân như Three Miles Island, Tchernobyl hay Fukushima là do lỗi ở con người, chứ không phải hoàn toàn ở thiết bị.

Nếu một thảm họa hạt nhân xảy ra ở một trong những nhà máy điện hạt nhân xây dựng ở Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, thì chi phí khắc phục hậu quả sẽ là rất lớn, vượt qua khả năng tài chính, kỹ thuật, y tế hiện nay của Việt Nam. Giao thông thủy bộ và hàng không bị gián đoạn lâu dài do ô nhiễm phóng xạ bao trùm cả khu vực. Người dân sẽ phải dời đi nơi ở mới để sinh sống, xã hội hỗn loạn. Phóng xạ tồn tại hàng trăm năm, phuc hồi môi trường sau thảm họa là công việc vô cùng khó khăn, tốn kém và nguy hiểm. Lào, Campuchia và các nước ở Đông Nam Á khác sẽ phản ứng như thế nào, ứng phó ra sao khi có thảm họa?

Về địa điểm, các chuyên gia địa chất cho hay Việt Nam nằm trong vành đai núi lửa Thái Bình Dương, thường có các dư chấn động đất ở Miền Trung và cả Nam Bộ.

Theo tôi được biết khi gặp sự cố về nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Thủ tướng Nhật gọi ông cố vấn lên và hỏi cần di dân với bán kính bao nhiêu là được 15km, 20km hay 30km? và phải quyết định ngay tức khắc vì thời gian xử lý sự việc được tính từng phút. Việc này cho thấy nếu quyền quyết định thuộc về tập thể như cơ chế quản lý điều hành của nước ta thì không thể đáp ứng được trong tình trạng khẩn cấp này.

Nạn tham nhũng cũng là nguy cơ tiềm tàng gây ra thảm họa, trong đó hợp đồng xây dựng có thể được giao cho nhà thầu kém năng lực. Chủ trương phải minh bạch, công khai, không vì lợi ích nhóm, không thể vì để lại cái gì đó sau nhiệm kỳ lãnh đạo, và những dự án đầu tiên phải là “chìa khóa trao tay” và không có “nội địa hóa”.

Một vấn đề khá quan trọng là nguồn nhiên liệu đầu vào để vận hành nhà máy điện hạt nhân và vấn đề tái chế nhiên liệu. Vì ở Việt Nam không sản xuất được nhiên liệu đầu vào cho nhà máy điện hạt nhân cũng như tái chế nhiên liệu, phải phụ thuộc vào nước cung cấp công nghệ (không thể dùng nhiên liệu theo công nghệ của Nga để vận hành nhà máy theo công nghệ của Nhật). Vấn đề này không những phụ thuộc vào công nghệ mà còn phụ thuộc vào chính trị.

Giải pháp

Chính phủ đã lùi tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đến năm 2026 là giải pháp rất đúng đắn và kịp thời.

Điện hạt nhân rất đắt. Chi phí vận hành nghe thì rẻ, chỉ vài cent/kWh. Nhưng tổng chi phí bao gồm cả chi phí vốn sẽ rất đắt. Đó chính là lý do mà hơn 30 năm nay nước Mỹ không xây nhà máy điện hạt nhân nào khi giá điện than và gas còn rẻ như hiện nay. Với cách làm như Việt Nam thì chi phí vận hành và đầu tư sẽ cao hơn nhiều các nước khác.

Toàn bộ vốn là đi vay, trong đó đã có “gửi giá” làm cho nghe có vẻ lãi suất thấp nhưng tổng chi phí lại cao. Thời gian thi công ở Việt Nam bao giờ cũng dài hơn ở các nước khác vì hạ tầng kém, không có sẵn dịch vụ hậu cần, giải phóng mặt bằng đắt đỏ và chậm. Thường những công trình chậm sẽ đội vốn gấp đôi. Vận hành toàn bộ sẽ phải do người nước ngoài vì Việt Nam chưa có sự chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Vậy nên càng sản xuất thì điện hạt nhân càng lỗ. Mà bỏ không một hoặc hai lò phản ứng công suất 1000 Megawatt thì càng nguy hiểm. Nó sẽ là cái “cục nợ” hơn cả Vinashin vì phải bỏ tiền ra nuôi cả thế kỷ, không bỏ được.

Không có điện hạt nhân thì nguồn điện thay thế chỉ có nhiệt điện than và khí hoặc nguồn từ năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, than và khí là hữu hạn nên không đáp ứng được lâu dài.

Khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo như gió, năng lượng mặt trời, biogas, biomass, địa nhiệt, thủy triều, thủy điện cột nước thấp, điện rác,... thì có khả năng đáp ứng. Tuy nhiên, khả năng không đủ vốn để đầu tư. Tiềm năng năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện cột nước thấp ở Việt Nam là khá lớn.

Chúng ta cần có những đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, có kinh nghiệm lập quy hoạch (Master Plan) so sánh giữa các phương án nguồn về kinh tế, chính trị, kỹ thuật, môi trường để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Lời kết

Công nghệ hạt nhân là một công nghệ hết sức tinh vi, hiện đại nhưng cũng rất nguy hiểm, “sai một li đi vạn dặm”. Công nghệ này chỉ có thể phát triển, áp dụng được ở các quốc gia có một nền công nghệ phát triển và dân trí cao.

Xin lưu ý nếu Việt Nam đầu tư xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân, hai công nghệ khác nhau cùng một lúc, theo chương trình phân tích rủi ro của chuyên gia thì đây có khả năng là "thảm họa". Chỉ nên đầu tư xây dựng một nhà máy điện hạt nhân và đưa vào vận hành khai thác ít nhất 5 năm để có kinh nghiệm rồi mới tính đến việc đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân tiếp theo.

Việt Nam là nước nhỏ mà hẹp, nghĩa là vấn đề an toàn hạt nhân phải được quan tâm đặc biệt. Việt Nam chỉ nên có điện hạt nhân khi nào nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển thực sự, dân trí có tác phong công nghiệp, trình độ văn hóa xã hội cao, văn hóa và trách nhiệm an toàn.

T. V. T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn