Đôi điều lạm bàn về lịch sử hiện đại Việt Nam từ sau Tháng 8 năm 1945

Trần Quí Cao

Bài 2: Cuộc Kháng chiến chín năm giành độc lập từ Pháp.

Nếu không có cuộc Cách mạng Tháng Tám (CMT8) thì rất có thể các đảng phái khác nhau, các thành phần khác nhau của dân tộc VN đã đoàn kết trên một mặt trận đối phó với Pháp. Hoàn cảnh đó, thực lực đó, Việt Nam có thể giành được độc lập mà không phải trả giá bằng cuộc chiến 9 năm. Nhà sử học và nhà hoạt động văn hóa chính trị đáng kính của Việt Nam, người từng nghiêng về ủng hộ cuộc kháng chiến 9 năm, ông Hoàng Xuân Hãn, nhớ lại: “Chiến tranh sở dĩ xảy ra vì bên ngoài ta không thuyết phục được Pháp tôn trọng chúng ta hơn, bên trong ta không dẫn dắt được dân chúng đấu tranh hòa bình”.

Dù sao cuộc chiến cũng đã nổ ra. Truyền thống chống ngoại xâm được hun đúc ngàn năm đã biến Việt Nam thành một chiến trường toàn diện.

1) Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nơi nào cũng có thể trở thành chiến trường.

2) Các thành phần dân tộc đồng loạt xung phong lao ra trận. Cả đất nước xếp lại mọi sinh hoạt đời thường để cầm vũ khí xông vào bắn giết.

Cuộc chiến 9 năm là cuộc ra trận của cả một dân tộc. Từ những nông dân chân lấm tay bùn, người thợ lam lũ cực nhọc trong nhà máy, cho tới ông Thầy giáo dạy chữ, vị Bác sĩ cứu người, các Đại điền chủ điền sản bạt ngàn, các ông Quận trưởng, Đô trưởng đầy đủ tri thức và tài năng quản trị, các nhà chuyên môn trong mọi mọi ngành nghề, tất cả bỏ hết quyền lợi riêng tư, đem cả gia đình vào kháng chiến. Họ không biết chủ nghĩa Cộng sản, chỉ theo tiếng gọi Độc lập cho Tổ Quốc, Hạnh Phúc cho Nhân dân: “Người sau kẻ trước lao vào giặc/Lưu lại ngàn thu một giống nòi” ( Hoàng Cầm)

Đối với rất nhiều người trong họ, cuộc kháng chiến chống Pháp là cuộc chiến thiêng liêng, là lẽ sống cao nhất của cuộc đời.

Trong khi rất kính trọng nhân cách của đa số con người tham gia kháng chiến, trong khi nghiêng mình trước những hy sinh quá lớn lao mà họ tự nguyện chấp nhận vì công cuộc giành độc lập cho tổ quốc, Tôi vẫn thường tự hỏi:

1) Những ai chủ trương đưa dân tộc vào cuộc “Kháng chiến trường kỳ” làm hao tổn nguyên khí Quốc gia, mài mòn sinh lực và tài lực của đất nước?

2) Có phải không còn cách nào để đoàn kết toàn dân đấu tranh chính trị, ngoại giao với Pháp?

3) Tại sao trong khi nền độc lập non trẻ của nước nhà đang “ngàn cân treo sợi tóc” lại tiến hành loại bỏ không khoan nhượng những đảng phái khác cũng đang hoạt động cùng mục tiêu bảo vệ nền độc lập đó?

Tôi tin rằng nhiều người Việt Nam cũng thắc mắc với những câu hỏi như trên hay những câu tương tự. Đặt ra những câu hỏi đó không phải là bới móc lịch sử, mà là để hướng tới xây dựng tương lai. Không thể xây dựng tương lai với quyết tâm và tinh thần mạnh mẽ vượt mọi khó khăn, nếu không biết rõ quá khứ.

Những câu hỏi này bị cấm đoán hay chưa từng được nêu lên rộng rãi trong dân chúng, nhất là các nhân sĩ, trí thức, với mục đích phản biện trong tinh thần thực sự khoa học và cầu thị. Chúng phải được trả lời bởi những sử gia, chính trị gia công tâm. Không thể tìm câu trả lời trong tinh thần “minh họa”, “chứng minh” cho một đường lối, một chính sách của đảng Cộng sản Việt Nam.

Trở lại cuộc chiến tranh với người Pháp , cuộc chiến mà Đảng Cộng sản Việt Nam tự hào là đã lãnh đạo toàn dân “kháng chiến thành công”. Cuộc chiến bắt đầu từ “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” tháng 12 năm 1946 của ông Hồ Chí Minh và kết thúc bằng trận Điện Bên Phủ mà phần bại thuộc về đội quân viễn chinh Pháp. Ta hãy phân tích xem, sau “cuộc kháng chiến thần thánh” đó, những người Cộng sản Việt Nam đã đem lại những thành quả gì cho dân tộc xứng đáng với hàng núi xương sông máu họ đã tự nguyên hy sinh.

Hậu Quả của Cuộc Chiến:

1) Các số liệu thống kê cho thấy khoảng ba triệu người Việt Nam ưu tú đã nằm xuống. Hãy nhớ, trong ba triệu vong nhân đó, có không ít trí thức nổi tiếng với kỹ năng quản trị, có trình độ chuyên môn cao được đào tạo từ các nước văn minh có nền giáo dục tiên tiến. Đó là cái vốn nhân lực quý giá để xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh trong tương lai. Một điều cần ghi nhận nữa là, hầu hết trong số ba triệu người ngã xuống đó đang trong lứa tuổi thanh niên. Những người trẻ tuổi đồng loạt hy sinh tất yếu là nguyên khí Quốc gia hao tổn, phải nhiều thế hệ sau mới bù đắp được.

2) Cả nước biến thành chiến trường trong suốt chín năm. Thời gian chiến tranh gần gấp đôi thời gian Thế chiến thứ 2. Cơ sở hạ tầng và nền kinh tế (chủ yếu là nông nghiệp) bị tàn phá nặng nề.

3) Nền tảng văn hóa truyền thống bị phá vỡ, đạo đức xã hội bị xuống cấp nghiêm trọng.

4) Hận thù được gieo rắc và nuôi dưỡng.

5) Nước Việt Nam chính thức bị chia đôi. Lịch sử phân tranh Trịnh-Nguyễn tái lập với cấp độ tàn khốc gấp rất nhiều lần.

Dọc theo 9 năm chiến tranh, trong khi máu đang chảy thành sông, xương đang chất thành núi, thì những người lãnh đạo kháng chiến lại phát động cuộc thảm sát man rợ trên quy mô lớn dưới chiêu bài Cải cách ruộng đất.

Tại sao gọi là thảm sát man rợ?

1) 172.008 * người vô tội bị đấu tố, sát hại dưới mọi hình thức trên diện tích khoảng 20 ngàn km vuông, chỉ với một dân số khoảng 5 triệu người (vùng giải phóng miền Bắc), trong khoảng thời gian tương đối ngắn.

2) Việc giết người được quyết định bởi những mệnh lệnh sai lầm của những người Cộng sản cực tả (do các Cố vấn Tàu chỉ đạo), thiểu năng trí tuệ nhưng thừa lập trường “đấu tranh giai cấp” kiên định.

3) Việc giết người được thi hành trước đám đông cuồng nhiệt, mà lòng căm thù mang hội chứng bầy đàn bị kích động bởi những kẻ cuồng tín ngu dốt.

4) Việc giết người được tiến hành ngay lập tức bằng cách treo lên cao hay trói vào cột, rồi cho năm bảy dân quân xả súng bắn, thậm chí có nơi còn đào hố chôn đến cổ rồi cho trâu bừa lên.

5) Việc giết người được tiến hành trước sự chứng kiến của dân làng, trong đó có nhiều trẻ em.

(Hãy so sánh với cách thức xử tử con tin mà phiến quân IS tiến hành và quay phim tung lên mạng hiện nay, để cảm nhận mức độ man rợ của những người chủ trương Cải cách ruộng đất đối với đồng bào của mình 60 năm trước)

Qua 9 năm chiến tranh, mâu thuẫn xã hội bị đẩy lên cao. Dân tộc bị phân chia làm “ta” và “địch”. Không có thành phần đứng giữa hay đứng ngoài. Người nào không cầm súng chiến đấu trong phe “ta”, người đó là “địch”. Người Việt không được quyền sống hòa bình và yên ổn. Người Việt không được quyền làm thường dân, nếu sống trong vùng Pháp kiểm soát thì đương nhiên là theo Pháp. Người Việt không được quyền sống theo tôn giáo của mình, giáo dân có khuynh hướng được xếp vào hàng ngũ địch.

Để có ngân sách theo đuổi chiến tranh, càng về sau, mức độ lệ thuộc của Việt Nam vào nước Tàu Cộng sản càng sâu. Cố vấn Tàu có ảnh hưởng lớn đến đường lối cai trị của ban lãnh đạo Việt Nam. Những giọt nước mắt của ông Hồ chí Minh khi xin lỗi đồng bào về hậu quả Cải cách ruộng đất, cùng những lập luận Việt Nam tiến hành CCRĐ là do áp lực của Tàu, với mục đích chạy tội, càng chứng tỏ Việt Nam lệ thuộc Tàu tới chừng nào!

Cuối cuộc chiến, khi đất nước bị chia đôi, rất nhiều người Việt không chấp nhận sống dưới chế độ Cộng sản. Do chính quyền Cộng sản lúc đó chưa hoàn toàn kiểm soát được tình hình, và việc thi hành hiệp định Geneve được đặt dưới sự giám sát của Quốc tế, chính quyền phải chấp nhận việc đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Tuy nhiên, chính sách bắt ép dân ở lại vẫn được tiến hành không chính thức. Rất nhiều người không đi được , bị Chính quyền bạc đãi, phân biệt đối xử, bị tù đày, bị thủ tiêu… chính là nguyên nhân của lòng hận thù dân tộc không thể hóa giải được trong một sớm một chiều.

Sau cuộc chiến 9 năm, rất nhiều gia đình lại có con em bị đẩy vào cuộc chiến 20 năm được gọi bằng dánh xưng mỹ miều là “Chống Mỹ Cứu Nước”, để rồi sau năm 1975 mới ngộ ra mình chỉ là con tốt trên bàn cờ chính trị. Tấm lòng yêu nước bằng truyền thống và tinh thần chống ngoại xâm của của những người tham gia cuộc chiến thực đáng kính trọng. Khi đối chiếu tấm lòng của họ, sự hy sinh của họ với thực tế thoái hóa trầm trọng trên hầu như tất cả các mặt của đất nước hôm nay, lòng tôi lại dâng niềm thương cảm và đau xót.

Hãy phóng tầm mắt sang các lân bang có cùng cảnh ngộ:

Phi Luật Tân độc lập năm 1945; Indonesia độc lập năm 1945; Ấn Độ độc lập năm 1947; Mã Lai độc lập năm 1957; Thái Lan không chịu hoàn cảnh thuộc địa.

Những nước này độc lập mà không phải trải qua một cuộc chiến khốc liệt nào, đất nước không phải chia cắt, dân tộc đoàn kết xây dựng cuộc sống hạnh phúc, không hận thù, trốn chạy và truy sát lẫn nhau. Nền dân chủ của họ ngày càng bền vững, người dân được hưởng các quyền tự do căn bản trong một thể chế tiến bộ, làm bệ khai phóng cho đất nước phát triển một cách hài hòa với mỗi cá nhân. Các nước này, hiện nay có mức phát triển kinh tế cao hơn hẳn Việt Nam, có GDP/đầu người cao hơn Việt Nam ba bốn lần.

Cuộc kháng chiến 9 năm đã nên hay đã không nên nổ ra?

Do đó, trong khi những câu hỏi ở đầu chương này chưa được công khai nêu lên với đông đảo đồng bào, tôi bắt buộc phải có những câu hỏi khác:

Khi quyết định đưa dân tộc vào một cuộc chiến tranh lớn và lâu dài tới như vậy, những người lãnh đạo cuộc chiến này:

1) Họ thực lòng yêu nước chống ngoại xâm hay lợi dụng lòng yêu nước chống ngoại xâm để chiếm độc quyền thống trị? Họ có yêu qúy đất nước không? Có trân trọng mạng sống của người dân không? Có trân trọng tài nguyên, nguyên khí của dân tộc để dành cho sự phát triển lâu dài?

2) Họ có kiến thức chính trị đủ rộng và đủ sâu để nắm bắt khuynh hướng chính trị của Thế giới, thời cơ Quốc tế, vận hội Quốc gia, thực lực và tiềm năng dân tộc mà vạch ra hướng đi có lợi nhất cho Tổ quốc hay không?

T.Q.C.

Tác giả gửi BVN

Ghi chú:

*Số liệu đươc công bố chính thức của Đảng CSVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn