Thủ tướng có thực tâm để cho trí thức tham gia phản biện?

Anh Vũ, thông tín viên RFA

clip_image006

Website Chính phủ cho biết, Thủ tướng vừa ban hành quyết định 501/QĐ-TTg nhằm thí điểm tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Thủ tướng vừa quyết định cho thí điểm tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức, để cho trí thức tham gia hoạt động tư vấn, phản biện các chủ trương, chính sách. Tuy nhiên nội dung của quyết định này cho thấy không chỉ vi Hiến, mà còn cho thấy Thủ tướng không thực sự cởi mở và thậm chí còn nhiều nghi ngại.

Vậy Thủ tướng có thật tâm mong  muốn để trí thức tham gia phản biện hay không?

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra các quyết sách của nhà nước đối với các chính sách phát triển kinh tế -xã hội, an ninh quốc phòng của mỗi quốc gia.

Hoạt động này nhằm bổ sung thêm các luận cứ khoa học, dựa trên cơ sở thực tiễn chân thực, khách quan, nhằm tạo ra sự đồng thuận xã hội, đồng thời phát huy tính hiệu quả của các dự án hay chính sách của nhà nước.

Nói về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội dưới góc độ khoa học,  Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên - Trường ĐH Hoa Sen cho biết:

“Tư duy phản biện là một khả năng phân tích đánh giá, tìm hiểu thông tin rồi sau đó lập luận và chứng minh cái lập luận của mình bằng các chứng minh đo đạc được, kiểm chứng được để đưa ra một kết luận cuối cùng mang tính thuyết phục phù hợp với quy luật logic. Cái chữ phản biện nghĩa thật là cãi ngược lại, song phản biện không có nghĩa là như thế, mà nó có thể là đồng ý hoàn toàn, cũng có thể là đồng ý một nửa hoặc là không đồng ý hay không cãi lại. Nhưng nó là quá trình suy nghĩ cân nhắc sâu và rộng.”

Theo website Chính phủ cho biết, Thủ tướng vừa ban hành quyết định 501/QĐ-TTg nhằm thí điểm tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, đây là diễn đàn khoa học chuyên nghiệp hoạt động trên nguyên tắc bảo đảm tính khoa học, trung thực, khách quan, để đóng góp tích cực cho sự phát triển đất nước, bảo vệ lợi ích của quốc gia và tuân thủ luật pháp VN.

Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Quang A nói với chúng tôi:

“Tôi cũng không quan tâm lắm khi ông Thủ tướng vẽ ra cái phản biện hay là cái nghiên cứu, ông ấy có giỏi hay cởi mở thì ông hãy hủy cái quyết định 97 của ông ấy 5-7 năm trước đi thì lúc ấy tôi mới có thể tin được. Chứ còn cái quy định về phản biện hay về thế nọ thế kia cho các nhà khoa học thì cũng là cái chả ra đâu vào đâu cả. Một mặt thì ông ấy vẫn muốn nghe, nhưng một mặt thì ông ấy vẫn muốn bịt mồm những người khác và ông ấy chỉ muốn nghe để cho ông ấy nghe thôi thì tôi nghĩ rằng một môi trường như thế chẳng phải là một môi trường phản biện và cũng chẳng phải là một môi trường khuyến khích .”

Cái chữ phản biện nghĩa thật là cãi ngược lại, song phản biện không có nghĩa là như thế, mà nó có thể là đồng ý hoàn toàn, cũng có thể là đồng ý một nửa hoặc là không đồng ý hay không cãi lại. Nhưng nó là quá trình suy nghĩ cân nhắc sâu và rộng

Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên

Đánh giá về vai trò của trí thức trong việc tham gia phản biện các vấn đề của nhà nước cũng như cộng đồng xã hội, GS. Nguyễn Huệ Chi cho biết:

clip_image008

Các thành viên Viện IDS. Ảnh: Tư liệu (Internet)

“Đã nói đến trí thức thì phải có cái tầm nhìn để dẫn dắt xã hội được, muốn thế thì trước các vấn đề lớn của đất nước hay của cộng đồng thì anh phải có ý kiến. Mà ý kiến này phải là một ý kiến độc lập tự anh, chứ không phải bị lệ thuộc bởi một thế lực nào hết. Đã là trí thức thì phải là người có cái tầm, và có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với xã hội như thế. Cho nên tôi nghĩ rằng phản biện xã hội là chức năng của trí thức chứ không phải của ai hết. ”

Chính quyền vi phạm pháp luật nhiều nhất

Viện IDS là một viện nghiên cứu chính sách tư nhân độc lập đầu tiên ở VN, chỉ trong một thời gian ngắn viện này đã thu hút nhiều sự chú ý của giới quan tâm chính trị - thời sự trong và ngoài nước. Đây là tổ chức khoa học và công nghệ được các nhà khoa học tự thành lập. Tuy vậy, Viện IDS đã phải giải tán trước các áp lực của Chính phủ dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nói về sự kiện này, TS. Nguyễn Quang A – nguyên Viện trưởng Viện phản biện IDS cho biết:

“Cái Viện (IDS) của chúng tôi ra đời khi ông Nguyễn Tấn Dũng đã là Thủ tướng rồi, chúng tôi hoạt động được 2 năm thì ông Thủ tướng ra một cái quyết định 97, ông ấy thay đổi môi trường pháp lý để chúng tôi không thể hoạt động được. Với tư cách là những người phản biện độc lập về chính sách, thì chúng tôi đã tự giải tán. Tôi nghĩ rằng nếu thực sự ông ấy muốn phản biện thật thì ông ấy hãy hủy cái quyết định do chính ông ấy ký 5-7 năm trước. Lúc đó mới có thể tin được một chút gì, chứ còn bây giờ vẽ ra cái quy chế phản biện thì tôi nghĩ không có ý nghĩa gì”.

Trên trang Văn Việt, nhà báo Huy Đức đã bình luận cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thí điểm tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức, nếu so với cung cách “đóng cửa làm chính sách” của nhà nước VN lâu nay thì quyết định 501/QĐ-TTg đã có vẻ như cởi mở hơn. Tuy vậy, theo Điều 25 - Hiến pháp VN năm 2013 quy định công dân có quyền “Tiếp cận thông tin và phát biểu công khai ý kiến của mình về các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế – xã hội” thì thấy quyết định của Thủ tướng quy định“chỉ những trí thức được chọn mới có quyền phản biện" lại là vấn đề vi hiến.

Tôi nghĩ rằng với quyết định như thế chứng tỏ rằng ông Thủ tướng đã vi phạm Hiến pháp. Và rất đáng tiếc là Đảng CSVN, Chính phủ và các cơ quan của nhà nước VN đã là các tổ chức vi phạm Hiến pháp, vi phạm luật của chính họ đưa ra là nhiều nhất

TS. Nguyễn Quang A

Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Quang A khẳng định:

“Tôi nghĩ rằng với quyết định như thế chứng tỏ rằng ông Thủ tướng đã vi phạm Hiến pháp. Và rất đáng tiếc là Đảng CSVN, Chính phủ và các cơ quan của nhà nước VN đã là các tổ chức vi phạm Hiến pháp, vi phạm luật của chính họ đưa ra là nhiều nhất. Do đó các tổ chức XHDS và người dân hãy lên tiếng để nói cho họ biết rằng họ là những người vi phạm Hiến pháp, vi phạm pháp luật nhiều nhất. Hãy bớt vi phạm đi!”

Trả lời câu hỏi để trí thức có thể góp phần vào việc phản biện các chính sách phù hợp và đạt hiệu quả thì Nhà nước VN cần phải làm gì?

Với một thái độ rất thẳng thắn, TS. Nguyễn Quang A ghi nhận:

“Tôi nghĩ rất đơn giản, nhà nước hãy thực hiện đúng cái Hiến pháp mà họ đã nêu ra, nhà nước hãy thực hiện đúng những cái luật của họ đã thông qua, cho dù nó vẫn chưa thực sự tốt lắm, nhưng họ vẫn phải nghiêm túc thực hiện. Đó là cái thứ nhất. Nhưng mà người dân và các nhà khoa học, đừng phải đợi họ tạo điều kiện gì cả, hãy đối chiếu theo đúng Hiến pháp là chúng tôi có quyền tiếp cận thông tin và góp ý. Và cứ thế góp ý, bất luận là ông ấy có thích hay không? Bất luận có theo các quy định của các ông ấy không, vì quyết định của các ông ấy là quyết định vi Hiến.”

Phản biện của trí thức không có nghĩa là phản đối, nhưng nó là quá trình suy nghĩ cân nhắc sâu và rộng của các trí thức trước các vấn đề quan trọng của đất nước hay cộng đồng xã hội. Để thấy hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách của mỗi quốc gia có tầm hết sức quan trọng. Ở các quốc gia phát triển, chính quyền luôn coi trọng và có các chính sách phù hợp để khuyến khích các hoạt động này đối với các trí thức.

A.V.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pm-truly-wn-intel-joi-rvw-04262015094950.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn