CÁCH MẠNG 1989 (Kỳ 16)

 Victor Sebestyen

 Dịch giả:  Phan Trinh
CHƯƠNG 14
HUNGARY: CHÔN SỐNG QUÁ KHỨ
KHU “VUI NHẤT” DOANH TRẠI – XANH VỎ ĐỎ LÒNG – “NEM”: HẦM NHỪ KIỂU HUNG – MỘNG KHÔNG THÀNH – VÒNG TRÒN DANUBE: CHỐNG XÂY ĐẬP – ÍT ĐIỆN NHƯNG NHIỀU TIỀN – QUẦN CHÚNG ĐỒNG LÒNG – BỊT MIỆNG QUÁ KHỨ, CƯỠNG HIẾP LỊCH SỬ – BẤT ĐỒNG TRONG VÒNG KIỂM SOÁT – KADAR: ĐƯỜNG ĐẾN QUYỀN LỰC – “KHÔNG CHỐNG LÀ THEO” – ÔNG NGỒI LÂU QUÁ
***

Budapest. Thứ bảy, ngày 18 tháng 1, năm 1986
KHU “VUI NHẤT” DOANH TRẠI
1.
CÓ MỘT NƠI TRONG ĐẾ QUỐC XÔ-VIẾT được xem như vùng thử nghiệm một số cải cách do các nhà tư tưởng thân Gorbachev đề ra. Đó là Hungary, đất nước thường được phương Tây xem là “khu vui nhất doanh trại”.
Nhìn bên ngoài, Hungary có dáng vẻ của một nơi dễ chịu hơn, thân thiện hơn, ít ảm đạm hơn những nước khác trong khối xã hội chủ nghĩa. Hạn chế đi lại đã được nới lỏng cho người dân Hungary vào thập niên 1970, nhưng giá du lịch đến các nước xã hội chủ nghĩa khối COMECON quá cao, nên chỉ một số ít người có tiền mới tận dụng được quyền đi lại này.
Việc người dân Hungary biết mình có thể rời đất nước, khác với người dân Tiệp Khắc hoặc Rumani láng giềng, đã tạo được một sự khác biệt lớn về tâm lý, cụ thể là không ai trong thập niên 1980 thấy sợ, vì lý do chính trị, khi nói chuyện công khai với du khách nước ngoài về gần như bất cứ điều gì.
Budapest là thủ đô đầu tiên trong một nước cộng sản có khách sạn Hilton, xây dựng trên phế tích một tu viện cổ. Hilton ở đây cũng lại là một tòa nhà hiện đại chướng mắt, thường thấy ở các nước xã hội chủ nghĩa, nhưng nhìn ra cảnh quan tuyệt đẹp bên Sông Danube.
Đó là nơi đầu tiên trong khối đón tiếp nhà truyền đạo Mỹ Billy Graham đến thăm. Graham nghĩ Hungary là nơi đất lành, thức ăn cũng ngon lành, nên ông đã trở lại ba lần trong thập niên 1980. Đó là nơi đầu tiên trong khối, vào tháng 2/1984, đón tiếp thủ tướng Anh Margaret Thatcher, và bà được dịp nói về giá trị của chủ nghĩa tư bản tiêu dùng trên hệ thống truyền hình vốn bị nhà nước kiểm soát nghiêm ngặt.
Khoảng thời gian bà Thatcher ở Budapest, nước chủ nhà Hungary còn đón tiếp một vị khách quan trọng khác, một trong những ông chủ thuộc địa từ Nga đến, Mikhail Gorbachev. Gorbachev, lúc đó phụ trách nông nghiệp, đã đi thăm Hungary trong ba tuần, và theo lời Miklos Nemeth, một trong những quan chức tháp tùng Gorbachev, ông đã đi khắp Hungary để “nghiên cứu thành tựu và kết quả cải cách của chúng tôi. Ông nói ông thấy có nhiều điều tốt trong thử nghiệm Hungary và muốn thấy chúng được thực hiện tại Liên Xô”.[i]
*
XANH VỎ ĐỎ LÒNG
2.
Theo cách Liên Xô nhìn, Hungary được xem như một tấm bảng chỉ đường sống động để đi đến những cải cách có kiểm soát tinh vi. Một cố vấn của Gorbachev nhận xét: “Không bi đát như Ba Lan, Hungary là một nước ổn định, thịnh vượng, và không có vẻ là một ngày nào đó sẽ bỗng dưng nổ tung”. Thực ra, dưới bề ngoài thịnh vượng của Hungary, nhất là của thủ đô Budapest, lại ẩn giấu những vấn đề trầm trọng và những chấn thương tinh thần sâu nặng.
Vào giữa thập niên 1980, nếu một du khách phương Tây đi dạo với một người Hungary xuống khu mua sắm chính của Budapest, phố Vaci, thì du khách này sẽ ngạc nhiên vì diễn biến tâm lý của anh bạn Hungary. Đầu tiên, anh Hungary sẽ tự hào vì vài cửa hiệu có bán một số ít hàng xa xỉ phương Tây, những món không thể tìm thấy ở Praha, Warsaw hay Berlin, càng không có ở Moscow hoặc Bucharest. Tự hào xong, có lẽ anh ta thế nào cũng than phiền, và than về những điều rất thường nghe trong khối xã hội chủ nghĩa: nhà cửa khan hiếm đến nỗi các cặp vợ chồng đã ly dị vẫn phải sống với nhau thêm nhiều tháng, hoặc nhiều năm nữa, trước khi có chỗ để dọn đi; các cặp mới cưới thì phải chờ bảy năm mới có chỗ ở.
Đời sống phụ nữ dưới chế độ cộng sản gặp nhiều khó khăn, ở Hungary cũng như ở các nước đang nếm mùi “chủ nghĩa xã hội trong thực tế”. Ngoài mặt, vì không có thất nghiệp nên hầu như mọi phụ nữ đều có việc làm, nhưng vào thập niên 1980 tại Hungary, trung bình phụ nữ được trả lương kém hơn đàn ông 30% cho cùng một công việc, trong nhà máy cũng như văn phòng, nên họ phải làm thêm việc khác. Và tương tự các nước Đông Âu còn truyền thống trọng nam khinh nữ, ở đây nam giới hiếm khi làm việc nhà trong khi phụ nữ luôn là nội tướng.
***
“NEM”: HẦM NHỪ KIỂU HUNG
3.
Chế độ tự hào với tên gọi “chủ nghĩa cộng sản hầm nhừ”* một biệt hiệu được các tay phù thủy chữ nghĩa nhào nặn ra. Thực vậy, Hungary đã tiến hành thử nghiệm chính sách có tên là Cơ chế Kinh tế Mới (New Economic Mechanism – NEM) vào năm 1968, nhưng chính sách chỉ cất cánh vào đầu thập niên 1970.
NEM mở cửa cho chính sách ngoại thương đa phương và tự do nhất so với bất cứ nước nào trong khối COMECON. Các nông trường tập thể có nhiều tự do để tự quản trị một cách hiệu quả. Nông dân được khuyến khích có những mảnh đất nhỏ ngoài luồng để canh tác, hoa màu trồng được có thể đem bán tại chợ nhà. Và đúng như dự đoán, khi có tự do làm ăn thì chỉ trong vài năm, những mảnh đất tư nhỏ bé kia của nông dân đã trồng được một sản lượng gần bằng với sản lượng của tất cả các nông trường quốc doanh gộp lại.
Một số độc quyền kinh tế đã bị hủy bỏ. Ban lãnh đạo các nhà máy được hoạt động độc lập hơn và được yêu cầu phải tạo ra “lợi nhuận” – một chữ từng bị xem là bẩn thỉu – thay vì tập trung đạt chỉ tiêu trên giao xuống. Giá một số mặt hàng phản ảnh được giá thị trường quốc tế, thay vì là giá cố định phi thực tế quy định trong “Kế hoạch Năm năm”. Một số cửa hàng tư nhân và doanh nghiệp nhỏ như nhà hàng hoặc tiệm quần áo, cùng một số người làm dịch vụ như thợ điện, được cho phép hoạt động.
4.
Kết quả lường trước là “chợ đen” bùng nổ, lớn mạnh, trở thành nền kinh tế “thứ hai” ngoài khu vực nhà nước, nhưng không hề được chính thức công nhận. Không công nhận nhưng nhà nước không dẹp bỏ mà còn khuyến khích phát triển.
Dĩ nhiên, kinh tế chợ đen hoạt động hiệu quả hơn hẳn kinh tế nhà nước. Đến giữa thập niên 1980, chỉ cần khoảng 80.000 lao động tư nhân là đã đáp ứng được gần hai phần ba nhu cầu về mọi loại dịch vụ, từ sửa chữa ống nước đến nhảy múa khiêu gợi.
Các nhà kinh tế đỡ đầu cho chính sách NEM nói rằng nếu không có những cải cách kể trên, toàn bộ hệ thống cộng sản sẽ sa vào nghèo đói, hoặc dùng chữ của Janos Kornai, nhà kinh tế nổi tiếng nhất trong số, hệ thống sẽ cứ thế “tái tạo khan hiếm”. Chính sách NEM được nhiều người phương Tây ngưỡng mộ, và được ủng hộ ngày càng nhiều nhưng e dè hơn ở các nước như Đông Đức và Tiệp Khắc, nơi chế độ đã ngoảnh mặt với cải cách. Lãnh đạo Đông Đức Honecker từng nói: “Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản khác nhau và không thể sống với nhau, như nước không hòa được với lửa”. Và theo ông, Cộng hòa Dân chủ Đức “sẽ không trở thành nơi để làm thí nghiệm”.
*
MỘNG KHÔNG THÀNH
5.
Nhưng, vấn đề lớn của NEM lại là: Nó không thành công. Sự phồn vinh của Hungary chỉ là giả tạo, và mọi công nhân xây dựng hoặc tài xế taxi, mọi thợ điện hay đầu bếp – đang phải nai lưng ra làm việc thứ hai hoặc thứ ba ngoài giờ để kiếm sống – đều hiểu rõ, nhờ kinh nghiệm cá nhân.
Sandor Zsindely, nhà nghiên cứu hóa học tại một viện nghiên cứu ở Budapest trong thập niên 1980, chia sẻ: “Cứ mỗi lần các nhà báo hay học giả nước ngoài đến thăm và ca tụng thành công của Hungary trước mặt chúng tôi, là chúng tôi lại phải kiên nhẫn giải thích sự thật cho họ hiểu, và rồi mắt họ như mờ đi. Đó không phải là câu chuyện họ muốn nghe. Họ lại nghĩ chúng tôi dở hơi thích càm ràm, như những tay Trung Âu chỉ thấy khoái trá khi nuối tiếc quá khứ vàng son”.[ii]
Cải cách thất bại vì đã kết thúc ở điểm tệ hại nhất của cả hai đường lối. Hungary phải chịu những hạn chế của chủ nghĩa cộng sản nhưng lại không được hưởng những lợi ích của chủ nghĩa tư bản. Đảng không dám từ bỏ quyền chỉ huy kinh tế vì sợ đánh mất quyền lực chính trị.
Hungary buộc phải dùng một phương pháp để tiếp tục sống còn, hệt như các nước láng giềng, đó là vay tiền nước ngoài với quy mô khổng lồ. Đến giữa thập niên 1980, nợ nước ngoài của Hungary vào khoảng 18,5 tỉ đô-lla Mỹ, tức hơn 200 đô-la Mỹ cho mỗi đầu người, gần bằng thu nhập cả năm của một người lao động trung bình. Hungary cũng có số nợ bình quân đầu người cao nhất Châu Âu.
***

VÒNG TRÒN DANUBE: CHỐNG XÂY ĐẬP
6.
Sáng ngày 8/2/1986, có một nhóm khoảng 400 người đi bộ gần làng Nagymaros, tại một trong những vùng có thắng cảnh đẹp nhất Hungary.
Hôm ấy trời lạnh cóng, nhưng con đường họ đi qua là con đường du khách đi quanh năm để đến xem Đường Cong Danube kỳ diệu, là nơi, cách Budapest 15 km về phía bắc, dòng sông Danube hùng vĩ lượn quanh một thung lũng hẹp trong Lòng chảo Carpathians. Cảnh quan ở đây đẹp tuyệt nhưng những người đi bộ không đến đây hôm đó để ngắm một trong những kỳ quan của Châu Âu. Họ đến để phản đối một kế hoạch chung của hai chính quyền Hungary và Tiệp Khắc, vì nếu được thực hiện, kỳ quan thiên nhiên này sẽ bị tàn phá.
Khoảng quá 10 giờ sáng một chút, những người đi bộ đến được khu đất trống yên tĩnh bên bờ sông nơi có dây kẽm gai rào kín. Đây là nơi công trình xây dựng đập thủy điện khổng lồ dự kiến sẽ bắt đầu. Đây sẽ là một kỳ công của ngành công trình cầu đường, theo giảng giải của hai chính quyền, là một trong những dự án vĩ đại vượt bực mà những người cộng sản muốn thực hiện nhằm “chế ngự thiên nhiên, phục vụ con người”.
7.
Khi tiến đến cạnh rào chắn, những người biểu tình nhận ra rằng họ không một mình. Nhiều chục cảnh sát tay cầm lá chắn nhựa cứng và gậy gộc đứng ở phía đối diện.
Janos Vargha – lãnh đạo của nhóm biểu tình, 43 tuổi, râu quai nón, trước là nhà sinh vật học sau trở thành nhà báo khoa học – giải thích cho viên sĩ quan chỉ huy rằng đây chỉ là “một cuộc tuần hành ôn hòa để bảo vệ thiên nhiên, chúng tôi không làm điều gì trái luật, không làm điều gì có tính chính trị”.
Nhưng điều ông nói bị bỏ ngoài tai. Cảnh sát được lệnh giải tán cuộc biểu tình. Họ bắn lựu đạn cay và đánh đập khoảng 30 người biểu tình.
Khi Vargha trở về Budapest, ông nghe nói mình đã bị sa thải khỏi tạp chí Buvar.
8.
Nhưng nếu chế độ nghĩ họ đã dập tắt được tiếng nói của những người phản đối dự án xây đập Nagymaros trị giá 3 tỉ đô-la Mỹ, thì chế độ buộc phải nghĩ lại. Nhóm “Vòng tròn Danube” do Vargha đứng đầu đã được dư luận thế giới biết đến rộng rãi. Ngay tại Hungary, nhóm thu hút cả những người vốn không quan tâm đến môi trường và thường nghĩ – như nhiều người ở phương Tây thường nghĩ vào thập niên 1980 – rằng những người hoạt động bảo vệ  môi trường đều là bọn gàn dở.
Chỉ trong vài tuần, hơn 10.000 người đã ký kiến nghị kêu gọi hai chính quyền ngưng dự án. Đây là con số phi thường trong một đất nước mà suốt 30 năm, kể từ cuộc nổi dậy 1956 chống Liên Xô, người dân đã phải thận trọng không dám thách đố những giới hạn do “chủ nghĩa cộng sản hầm nhừ” áp đặt.
*
ÍT ĐIỆN NHƯNG NHIỀU TIỀN
9.
Ý tưởng xây đập ngăn Sông Danube có từ thời Stalin. Nó phù hợp với ước mơ của Liên Xô nhằm biến những nước nông nghiệp nhỏ thành những “quốc gia của sắt và thép”. Kế hoạch bị hủy bỏ trong thập niên 1950 nhưng lại được phục hồi vào thập niên 1970 và hai chính quyền ký thỏa thuận sẽ bắt đầu dự án vào năm 1979.
Kế hoạch dự kiến xây một hệ thống khổng lồ và phức tạp  những công trình lớn như đập nước, hồ chứa và kênh dẫn dọc 200 km dòng Danube, đi qua Slovakia và Hungary. Sông Danube ở đoạn này chạy khá chậm, nhưng điều này không làm các nhà hoạch định nản chí. Vì họ tính rằng mỗi ngày hai lần, nước sẽ được bơm ra từ một nhà máy thủy điện phía Tiệp Khắc, để bổ sung nước cho dòng sông. Nước cũng sẽ được chuyển hướng để đổ vào một con kênh dài 20 km bên phía Tiệp Khắc, dẫn đến một con đập thứ hai tại Nagymaros, phía Hungary, nơi sẽ có một động cơ tạo điện khổng lồ.
Nhưng, điều thú vị nhất đối với hai chính quyền cộng sản lại là: Phần lớn ngân sách cho dự án này sẽ do chính quyền nước Áo chi trả. Và để bù lại, Áo sẽ dùng đến 60% sản lượng điện được dự án tạo ra.
Đây là một chiêu đáng gờm của nhà nước Áo, vì mới trước đó vài năm, họ cũng dự tính xây một con đập phía thượng nguồn dòng sông, tại Hainburg, nhưng phải ngưng vì bị những nhà hoạt động môi trường tại Áo chống đối. Hai chính quyền cộng sản hình dung rằng họ sẽ có lợi to nhờ ngoại tệ mạnh, mặc dù sản lượng điện trong hai nước sẽ chỉ tăng lên chút ít – chẳng hạn ở Hungary, việc xây đập khổng lồ chỉ giúp tăng sản lượng điện lên 5%.[iii]
*
QUẦN CHÚNG ĐỒNG LÒNG
10.
Tại Tiệp Khắc, những người phản đối dự án xây đập đã bị đàn áp. Ngay khi biết có bất cứ nhóm chống đối nào hình thành, chế độ Husak liền ra tay trấn áp và bắt giam người đứng đầu.
Tại Hungary có khác, ban đầu nhà nước cho phép phản đối, vì Đảng luôn cẩn thận trong việc đánh bóng hình ảnh mình trước dư luận phương Tây, và cũng không có lý do gì để tin rằng một cuộc phản đối vì môi trường sẽ có thể biến thành mối đe dọa chính trị. Chính quyền cho phép những người chống đối được phản biện công khai trên báo chí nhà nước về tác hại nghiêm trọng việc xây đập có thể  gây ra.
Vargha thành lập nhóm Vòng tròn Danube vào năm 1984, sau khi ông viết một loạt bài báo về những ảnh hưởng môi sinh có thể có của dự án. Ông tìm hiểu và thấy rằng 150.000 héc-ta đất sẽ bị nhận chìm dưới nước, ngoài những bờ bãi hai bên sông, môi trường sinh sống đầm lầy của khoảng 200 loại sinh vật và những cánh đồng nông nghiệp quan trọng cũng sẽ bị nhận chìm. Thị trấn xinh đẹp có từ thời trung cổ Visegrad sẽ bị xóa sổ, những thắng cảnh tuyệt vời sẽ hóa xấu xí vì những công trình thủy điện gớm ghiếc khổng lồ mọc lên, vận chuyển đường thủy dọc dòng sông cũng sẽ bị xáo trộn nghiêm trọng.
Ban đầu, Vòng tròn Danube chỉ là một nhóm nhỏ được người nước ngoài chú ý nhiều hơn người trong nước. Nhưng khi chi tiết về thỏa thuận với chính quyền Áo xuất hiện năm 1985, và giờ đây, khi ba chính quyền tỏ vẻ kiên quyết thực hiện dự án này bất chấp phản đối, thì sự ủng hộ dành cho Vòng tròn Danube tăng nhanh.
Vụ này rút cuộc trở thành một vấn nạn chung có thể khiến mọi người dân Hungary quan tâm, như lời nhà bất đồng chính kiến Miklos Haraszti nhận xét: “Vấn đề này có thể đoàn kết quần chúng thành một khối. Chúng tôi có thể mạnh dạn nói rằng: bạn thấy không, đây là những vấn đề rất thực và rất cụ thể liên quan đến môi trường của bạn, sức khỏe của bạn, đất đai của bạn, chứ không phải là vấn đề hầu hết chỉ có tính lý thuyết như dân quyền, tự do, nhân quyền, hay những điều tương tự”.[iv]
***
BỊT MIỆNG QUÁ KHỨ, CƯỠNG HIẾP LỊCH SỬ
11.
Các nhóm bất đồng chính kiến ở Hungary được hưởng nhiều quyền tự do hơn kể từ giữa thập niên 1960, nhưng họ chỉ là một nhóm người rất nhỏ và có ít ảnh hưởng. Họ hoạt động trong hoàn cảnh không đậm chất sợ hãi mà “đậm chứng lãng quên” được nhà nước cổ vũ, như lời một nhà văn ngoài luồng từng viết: người cộng sản cai trị dựa trên khả năng “bịt miệng ký ức và cưỡng hiếp lịch sử”, như đã từng xảy ra ở Tiệp Khắc.
Suốt 30 năm, Janos Kadar lãnh đạo Hungary, ông là một chính trị gia thông minh, tinh nhạy và là một nhà chiến thuật lỗi lạc trong trò chơi quyền lực. Ông là lãnh tụ cộng sản Đông Âu duy nhất có một chính sách và đường lối xứng đáng mang tên mình. Vì thế, có thể nói rằng “Học thuyết Kadar” thành hay bại đều tùy thuộc vào việc người dân nhớ hay quên bi kịch năm 1956, và nhất là nhớ hay quên vai trò không lấy gì làm anh hùng của Kadar trong bi kịch này.
Người dân Hungary phải tỏ vẻ chấp nhận những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội – dù họ không tin bất cứ nguyên lý nào – và phải tỏ vẻ chấp nhận vị trí thuộc địa của mình khi có 75.000 lính Liên Xô đóng tại Hungary. Bù lại, Kadar sẽ mang lại cho họ quyền lợi vật chất, hòa bình, ổn định và thương lượng với Moscow để giảm bớt những can thiệp lộ liễu của Nga trong khả năng có thể.
*
BẤT ĐỒNG TRONG VÒNG KIỂM SOÁT
12.
Những người bất đồng chính kiến được phép hoạt động, trong giới hạn đã được nhà nước tính toán cẩn thận. Các trí thức tại trung tâm Budapest được phép phát hành những tác phẩm chui và triệu tập các buổi họp mặt. Dĩ nhiên, họ bị mật vụ theo dõi, nhưng việc theo dõi cũng không quá gắt gao. Haraszti ước tính vào giữa thập niên 1980, có không hơn 1.000 nhà hoạt động đối lập thường trực trên cả nước.
Các nhóm chủ chốt phát hành hai tạp chí chui là Beszelo (Người lên tiếng) và Hirmondo (Sứ giả), cũng có hàng chục tờ báo khác nhỏ hơn.
Cứ mỗi tối thứ hai, một “tọa đàm văn chui” lại được tổ chức trong căn hộ của kiến trúc sư Laszlo Rajk tại Budapest. Trong buổi tọa đàm, nhiều tạp chí được bày ra trên chiếc bàn dài, để “khách hàng” của các tạp chí, không bao giờ ghi lại tên họ, cho biết họ muốn đọc tờ nào, và đội ngũ “sao chép” của Rajk sẽ chép lại nội dung kịp thời để họ nhận được vào tối thứ hai tuần sau. Đó là một hệ thống làm việc rất hiệu quả.
13.
Thỉnh thoảng cũng có người cầm bút hay nhà hoạt động bị công an bắt và thẩm vấn, nhưng nhìn chung các nhà bất đồng thường được làm ngơ, miễn họ còn ở thủ đô và chỉ nói những chuyện bất đồng cho nhau nghe, hoặc chỉ phản biện trong nội bộ Đảng, nơi một nhóm cấp tiến đang dần lớn mạnh. Ngược lại, nếu họ khuấy động lực lượng nông dân hoặc công nhân các ngành công nghiệp, họ sẽ bị chặn đứng.
Người tù chính trị cuối cùng là Haraszti, ở tù năm 1973, ông đi làm công nhân sáu tháng trong nhà máy và viết một cuốn sách thuyết phục có tên Một Công nhân ở Xứ Công nhân về điều kiện sinh sống kinh hoàng và hoạt động kém hiệu quả đến mức tồi tệ của nền công nghiệp Hungary. Ông bị giam tám tháng sau khi sách được phổ biến lén lút.
Giao kèo xã hội không văn tự giữa lãnh tụ Kadar và người dân thấp cổ bé miệng xem như thành công, một phần nào đó. Thời gian trôi qua, ông trở thành một nhân vật đình đám có nhiều người hâm mộ, nhưng giao kèo kia cũng bắt đầu đổ vỡ.
***
KADAR: ĐƯỜNG ĐẾN QUYỀN LỰC
14.
Janos Kadar gần 75 tuổi nhưng vẫn điển trai, cao ráo, tóc muối tiêu và có phong cách hơi khắc khổ. Ông sinh ra dưới cái tên Janos Czermanik vào ngày 25/5/1912 tại thành phố cảng Fiume, nay là Rijeka thuộc Croatia, và là con vô thừa nhận. Mẹ Janos là người hầu gái, còn cha là binh nhì trong quân đội Áo-Hung, bỏ rơi hai mẹ con khi mới sinh.
Janos luôn nhớ về tuổi thơ khó khăn của mình. Bỏ học năm 14 tuổi, Janos đi học nghề đóng thùng. Ở tuổi vị thành niên, Janos bị lôi cuốn tham gia Đảng Cộng sản, lúc bấy giờ bị cấm dưới chế độ độc tài của Đô đốc Miklos Hornthy.
Là đảng viên, Janos tìm được lý tưởng để tin theo, và sau đó không bao giờ từ bỏ. Là người tổ chức hoạt động ngầm của Đảng, năm 1937 ông bị tù gần ba năm. Trong Thế chiến II, Janos điều hành đường dây hoạt động ngầm của Đảng, dưới tên giả là Kadar (có nghĩa là người đóng thùng), cái tên ông giữ đến cuối đời.
Khi những người cộng sản lên cầm quyền ở Hungary, Kadar thăng quan tiến chức trong hệ thống Đảng như một cán bộ có năng lực.
Vào đầu thập niên 1950, nhân vật được Stalin đặt vào vị trí lãnh đạo Hungary là Matyas Rakosi đã dựng lên một chế độ hung bạo nhất đế quốc Xô-viết. Trong tình cảnh đó, Kadar đã luôn thận trọng, rất ít khi tiết lộ suy nghĩ thật của mình. Là người vui vẻ, có nét chân chất và khôi hài thâm thúy, nhưng Kadar luôn thủ thế không để người khác thấy.
Chỉ trong những năm thanh trừng nội bộ, khi người cộng sản chặt chém lẫn nhau thì Kadar mới để lộ bản chất quỷ quyệt và không đáng tin của mình. Ông phản bội người bạn thân nhất của mình là Laszlo Rajk, và cách ông phản bội cũng rùng rợn, lạnh gáy.** Ông bị buộc phải tận mắt chứng kiến cuộc hành quyết người bạn Rajk năm 1949. Vài năm sau, chính Kadar lại trở thành nạn nhân. Ông bị bắt, bị vu khống phản bội và bị tù ba năm.
*
“KHÔNG CHỐNG LÀ THEO”
15.
Khi quần chúng Hungary nổi dậy vào năm 1956, ban đầu Kadar đứng về phía nhân dân nổi dậy, và trở thành lãnh tụ Đảng Cộng sản, nhưng chỉ sau vài ngày ông lại trở cờ. Khi Liên Xô dùng xe tăng và bạo lực áp đảo để đè bẹp cuộc nổi dậy, Kadar được đưa lên làm lãnh đạo chế độ cộng sản, bù nhìn cho Liên Xô.
Ban đầu, Kadar cai trị thật tàn bạo. Khoảng 300 người được gọi là “bọn làm loạn và phản cách mạng” đã bị tử hình. Kadar cũng nhất quyết xử lãnh tụ chính trị của cuộc nổi dậy, Imre Nagy, bằng cách treo cổ, trái với ý muốn ban đầu của Moscow.
Trong nhiều năm sau đó, Kadar là nhân vật bị quần chúng căm ghét nhất Hungary. Nhưng thời gian trôi qua, và có những giai đoạn Kadar nới lỏng bàn tay sắt.
Từ đầu thập niên 1960, ông thường nói rằng “ai không chống ta là theo ta”, và ông tìm cách giành được càng nhiều độc lập càng tốt trong quan hệ với Moscow.
Ông phát triển đường lối cộng sản kiểu Hung mà sau này thu hút sự chú ý của những nhà cải cách như Gorbachev, mặc dù “khu vui nhất doanh trại” cũng có số người tự tử cao nhất Châu Âu.
Kadar hầu như không khi nào nói về cuộc nổi dậy bi thảm năm 1956, và giao kèo xã hội của ông với người dân Hungary cũng hoàn toàn lệ thuộc vào việc người dân tiếp tục im lặng về bi kịch 1956. Đó là đề tài lớn nhất và cấm kỵ nhất, với cả những nhà bất đồng lẫn nhà cải cách của Đảng. Nhưng càng lớn tuổi, Kadar càng quên nhiều và càng cáu kỉnh hơn.
*
ÔNG NGỒI LÂU QUÁ
16.
Khi tình hình kinh tế ngày càng tệ, ông lại lội ngược dòng cải cách mà ông đã hình thành và chỉ đạo. Ông cho đàn áp nhóm Vòng tròn Danube, nhưng khi thấy mức độ ủng hộ rộng rãi dành cho nhóm, ông đã lui binh để tránh một trận đối đầu nghiêm trọng. Ông tuyên bố trong chỗ thân cận rằng mình không có thì giờ cho Gorbachev, người ông gọi là “tay mới phất”.
Kadar trông ngày càng giống một lãnh tụ rập khuôn Stalin lỗi thời, và các cán bộ Đảng trẻ tuổi nhiều triển vọng chung quanh ông ngày càng công khai nói rằng đồng chí Kadar đã ngồi đó lâu quá rồi.[v]
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
[i] Cold War series, LHCMA (Liddell Hart Centre for Military Archives, King’s College, London), box 7
* Nguyên văn “gulyas communism”, gulyas là một món thịt và rau củ hầm (ninh) nhừ, tương tự món ra-gu, đặc sản Hungary và cũng là món quen thuộc ở Trung Âu. (ND)
[ii] Sandor Zsindely trò chuyện với tác giả, Budapest, tháng 3/2003
[iii] Janos Vargha, nói chuyện tại cuộc biểu tình của Vòng tròn Danube, 8/2/1986
[iv] Miklos Haraszti, trò chuyện với tác giả, Budapest, tháng 4/2004
** Kadar lúc đó là cha đỡ đầu của con trai Rajk 7 tuổi. Để bảo vệ mạng sống mình, Kadar bị buộc đến thăm bạn trong tù và tìm cách thực hiện một cuộc trò chuyện để moi móc cho được việc Rajk thú nhận chống chế độ. Cuộc trò chuyện được bí mật ghi âm, sau này bản đánh máy chi tiết cuộc trò chuyện được phổ biến vào cuối năm 1990. Văn bản đọc tuy rùng mình, nhưng lại tiết lộ nhiều điều về cuộc sống trong lòng chế độ công an toàn trị.
[v] Thông tin về Janos Kadar, xem Victor Sebestyen, Twelve Days (Weidenfeld & Nicolson, London, 2006); Tibor Huszar, Janos Kadar, Political Eletrajza (A Political Biography, Kossuth Kiado, Budapest, 2005); và Rogre Gough, A Good Comrade (IB Tauris, London, 2006)
Dịch giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn