Sức khoẻ của lãnh đạo và hệ thống

Nguyễn Giang
Hai ông Putin và Bush: dư luận luôn chú ý đến sức khoẻ của lãnh đạo

Bệnh tình của Đại tướng Phùng Quang Thanh đang là đề tài số một thu hút dư luận Việt Nam và gợi lại cả vấn đề muôn thuở rằng sức khoẻ của quan chức cao cấp đôi khi còn phản ánh nhịp tim của quốc gia.
Hồi 2002, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó, ông George W Bush ngất vài giây khi bị hóc miếng bánh vòng (pretzel) lúc đang xem thể thao một mình trong phòng.
Nhà Trắng chỉ mất 2 tiếng 30 phút sau đã có thông cáo giải thích với dư luận mọi chi tiết của vụ việc, trích lời các bác sỹ.
Nhưng chính quyền vẫn không làm được gì khi báo Mỹ chạy đầy các bài với tựa đề như “Choking on Pretzel, Bush Faints Briefly”, tạm dịch là “Nghẹn vì nuốt bánh Bush đã chợt bất tỉnh”.
Sức khoẻ và chính trị
Trước đó, các đài truyền hình Mỹ cho ông Bush điểm cao về độ tín nhiệm của dân, có lúc lên tới 90% vào tháng 11/2001.
Và không hiểu vì sao từ năm 2002 thì “điểm” của ông tụt dần đều.
Đến hết nhiệm kỳ đầu ông chỉ còn được chừng 50% dân Mỹ ủng hộ, vẫn đủ để thắng cử nhưng hết nhiệm kỳ 2 vào năm 2008 thì chỉ còn 20% dân Mỹ mến mộ ông.
Miếng bánh “nghẹn cổ” có thể chỉ là một sự cố nhưng chuyện ngồi ăn bánh cũng ngã và ngất hẳn không giúp cho hình ảnh của vị tổng thống “cường quốc số một”.
Ngược lại, người ta cũng có thể nói bộ máy của Hoa Kỳ về cơ bản là mạnh khoẻ vì luôn có một phó tổng thống sẵn sàng thế chỗ cho nhân vật số một nếu xảy ra chuyện gì.
Nhưng tại Liên Xô cũ thì lại khác.
Sử sách nhắc lại “kỷ nguyên trì trệ Brezhnev” để nói về Liên Xô suy thoái.
Tranh biếm họa của Sergei Yelkin về ông Brezhnev nhìn 5 vòng tròn Olympics đọc thành 5 chữ O.
Năm 1975, ông Leonid Brezhnev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (69 tuổi) bị một cú đột quỵ, báo hiệu thời kỳ đau yếu kéo dài.
Nhưng Liên Xô không có cơ chế thay ông và chỉ có thể trao bớt quyền cho hai ủy viên Bộ Chính trị khác, Mikhail Suslov và Andrey Kirilenko.
Đến năm 1978 thì ông Brezhnev còn yếu hơn nữa và quyền lực được chuyển dần cho người mà ông tin cẩn là Konstantin Chernenko.
Một cuộc tranh giành quyền lực bùng nổ với Cựu lãnh đạo KGB Yuriy Andropov tìm cách hạ uy tín của cả Brezhnev và Suslov.
Năm 1982, ông Brezhnev bị đột quỵ một lần nữa và ông Suslov qua đời, khiến ông Andropov gần như nắm trọn quyền lực.
Nhưng phải đợi đến lúc ông Brezhnev mất vào tháng 11/1982, ông Andropov mới lên thay.
Tất cả diễn ra sau bức tường Điện Kremlin và báo chí Liên Xô không được phép nói gì vì sức khoẻ lãnh tụ là “bí mật quốc gia”.
Nhưng các bản cáo phó liên tiếp đưa ra cũng khiến giới quan sát quốc tế đặt câu hỏi về sự lão hóa của hệ thống.
Ông Andropov lên cầm quyền vào tháng 6/1983 thì đến tháng 2/1984 đã chết.
Ông Chernenko lên kế nhiệm ngay để rồi đến ngày 10/3/1985 cũng qua đời.
Vì thế ở Đông Âu từng có tiếu lâm nói Đài Tiếng nói Moskva đưa tin “Dù sức khoẻ chưa thật tốt, sau khi phẫu thuật và vẫn còn hôn mê, đồng chí tổng bí thư vẫn chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị”.
Các khách nước ngoài kể lại những cuộc gặp mà lãnh đạo Liên Xô được đẩy trên xe lăn ra gật đầu chào mấy câu rồi quay vào bệnh viện.
Người kế tục trẻ tuổi là Michail Gorbachev đã chuyển hẳn hướng đi của chính trị Liên Xô nhưng văn hóa chính trị Nga thì vẫn luôn có một truyền thống đầy sức sống về những đồn đoán liên quan tới sức khoẻ lãnh đạo.
Lý do là vận mệnh quốc gia ở đó thường gắn liền với sức khoẻ quan chức.
Gần đây nhất, tháng 3/2015, Tổng thống Vladimir Putin vắng mặt một số ngày, làm nổ ra nhiều đồn đại, khiến Điện Kremlin phải họp báo giải thích.
Ông Putin luôn tỏ ra “cường tráng” hơn bình thường
Người ta quan tâm vì ông Putin luôn tỏ ra “rất cường tráng” với các màn cởi trần cưỡi ngựa, lái phản lực được tuyên truyền rộng rãi.
Còn tại Trung Quốc, nhiều nhân vật trong bộ máy Đảng Cộng sản và Quân Giải phóng vào thời Cách mạng Văn hóa đã bị hạ bệ, xét xử, thậm chí để cho chết, báo hiệu một thời đại loạn.
Nguyên soái Hạ Long (1896-1969), nhân vật số hai trong Quân ủy Trung ương và từng làm Phó Thủ tướng, chỉ vì muốn bảo vệ Bành Đức Hoài mà bị Giang Thanh quy kết là “đầu sỏ hữu phái”.
Báo chí Trung Quốc hùa theo và gọi ông là kẻ phản Đảng.
Năm 1966 ông bị hạ bệ và giam tại gia cho tới lúc qua đời năm 1969 vì ngã bệnh nhưng chính quyền cắt điện nước vào nhà và không cho chạy chữa.
Nhu cầu thông tin
Những trường hợp kinh khủng như trên ở Trung Quốc xảy ra đã lâu nhưng ngày nay, quy luật sinh lão bệnh tử vẫn xảy ra với mọi con người, kể cả họ là chính trị gia.
Không thấy thông tin chính thức ai tạm thay Tướng Thanh khi ông ra nước ngoài chữa bệnh
Điều quan trọng là tin về bệnh tật của quan chức có được thông báo công khai, đồng thời tôn trọng quyền riêng tư của bệnh nhân và gia đình họ hay không.
Mới hồi tháng 2/2015, Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore phải phẫu thuật khối u tiền liệt tuyến.
Chính phủ thông báo rõ trong một tuần ông vắng mặt chữa bệnh (medical leave), Phó Thủ tướng Teo Chee Hean sẽ tạm điều hành nội các Singapore.
Ở Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã “ở Pháp chữa bệnh” nhiều tuần liền mà chưa thấy thông tin ai tạm thay ông nếu ta đọc Cổng Thông tin Điện tử Bộ Quốc phòng.
Dư luận ở đâu cũng có nhu cầu chính đáng cần được thông tin về quan chức cao cấp.
Đồn đoán, bình phẩm là thứ không tránh khỏi nhưng các thủ tục rõ ràng về quyền nghỉ ốm và cơ chế kiêm nhiệm chức vụ sẽ giúp làm giảm bớt lời đồn thổi và tạo được niềm tin là quan chức ốm nhưng hệ thống vẫn vận hành mạnh khoẻ.
N.G
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/07/150720_leaders_health_issues?SThisFB&fb_ref=Default

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn