Thúc đẩy quyền lực mềm của Trung Quốc

David Shambaugh
(Trung Quốc tìm kiếm một sự tôn trọng của quốc tế)
Phạm Gia Minh dịch từ “ China’s Soft – Power Push. The Search for Respect.
“ Diplomat”. July- August 2015.
Khi sức mạnh toàn cầu của Trung Quốc gia tăng, Bắc Kinh mới nhận thức ra rằng hình ảnh của quốc gia là điều rất quan trọng. Trong khi với sức mạnh kinh tế và quân sự hùng hậu của mình, Trung Quốc lại thiếu hụt nghiêm trọng quyền lực mềm. Theo các cuộc điều tra dư luận toàn cầu, TQ rõ ràng đang có một hình ảnh hỗn hợp trên trường Quốc tế. Trong khi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc gây ấn tượng nhiều trên thế giới, thì hệ thống chính trị hà khắc và thực tiễn kinh doanh hám lợi ở nơi đây lại làm hoen ố danh tiếng đất nước này. Và như vậy, trong nỗ lực nhằm cải thiện nhận thức của thế giới về mình, Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỷ đô la trên toàn thế giới thông qua hàng loạt các quan hệ công chúng mang tính tấn công khác nhau trong những năm gần đây.

Mặc dù cuộc vận động của Bắc Kinh nhằm quảng bá hình ảnh được bắt đầu chớp nhoáng vào năm 2007 dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, nhưng hoạt động này đã tăng cường độ dưới thời Tập Cận Bình. Vào tháng 10 năm 2011, lúc mà họ Tập đang được chuẩn bị để nắm quyền. Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 17 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dành riêng một phiên họp để bàn các vấn đề văn hóa, với thông cáo bế mạc khẳng định rằng văn hóa là một mục tiêu quốc gia và cần thiết phải “xây dựng đất nước thành một siêu cường văn hóa xã hội chủ nghĩa”. ” Sau đó, năm 2014, Tập Cận Bình còn tuyên bố:” Chúng ta cần phải gia tăng sức mạnh mềm của Trung Quốc, đưa ra câu chuyện hay về Trung Quốc và gửi những thông điệp của chúng ta ra thế giới một cách tốt hơn “. Dưới thời họ Tập, Trung Quốc đã bỏ bom thế giới với một mớ hỗn độn các sáng kiến ​​mới như: “Giấc mơ Trung Hoa”, “giấc mơ châu Á-Thái Bình Dương”, “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa”, ” Con đường tơ lụa Thế kỷ 21″, ” Hình mẫu mới cho quan hệ giữa các nước lớn”, và nhiều đề xuất khác. Có thể dễ dàng bỏ qua các sáng kiến này nếu cho rằng đó chỉ là một thứ “ngoại giao khẩu hiệu,” tuy nhiên Bắc Kinh lại coi trọng chúng một cách thực sự.
Ở Trung Quốc, “tuyên truyền” không phải là một thuật ngữ mang hàm ý xúc phạm.
Trung Quốc đang bổ sung thêm hàng loạt tu từ như vậy đối với các tổ chức mới đề xuất thành lập, chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển mới (một dự án của Trung Quốc cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi tổ chức),, Ngân hàng đầu tư hạ tầng Á châu – AIIB, Khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái bình dương. Tất cả những khái niệm này sẽ hỗ trợ cho các tổ chức khu vực mà Trung Quốc đã tạo ra ở châu Á, châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh và Trung và Đông Âu. Thông qua các tổ chức này, Trung Quốc đang xây dựng chi tiết, có tính toán một cấu ​​trúc thay thế cho trật tự của phương Tây sau chiến tranh.
Và TQ hậu thuẫn cho sự đầu tư vào quyền lực mềm của mình với những khoản tiền đáng kể: $ 50 tỷ cho AIIB, $41 tỷ cho Ngân hàng Phát triển mới, $40 tỷ cho Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa, và $25 tỷ cho Con đường Tơ lụa trên biển. Bắc kinh cũng cam kết đầu tư 1,25 ngàn tỷ đô la trên toàn thế giới từ nay tới năm 2025. Quy mô đầu tư này là chưa từng thấy: ngay cả trong thời chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ và Liên Xô cũng không chi tới con số nào gần bằng số tiền mà Trung Quốc đang chi tiêu ngày hôm nay. Tính tổng toàn bộ những khoản đã chi và các khoản cam kết gần đây của Bắc Kinh thì số tiền sẽ lên tới $1,41 ngàn tỷ ; Trong khi đó, đại kế hoạch Marshall (dùng để tái thiết Châu Âu sau Thế chiến II – ND) chỉ có mức chi phí tương đương 103 tỷ USD tính theo giá trị đồng đô la hiện nay.
Đề án ngoại giao và phát triển của Trung Quốc được hình thành chỉ là một phần của chương trình nghị sự rộng lớn hơn nhiều nhằm tăng cường quyền lực mềm trong truyền thông, xuất bản, giáo dục, nghệ thuật, thể thao và các lĩnh vực khác. Không ai biết chắc chắn Trung Quốc đã chi bao nhiêu cho các hoạt động đó, nhưng các nhà phân tích ước tính rằng ngân sách cho các hoạt động “tuyên truyền đối ngoại” cũng vào khoảng 10 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ chi có $ 666,000,000 cho hoạt động ngoại giao công chúng trong năm tài chính 2014.
Rõ ràng, Bắc Kinh đang dùng dụng cụ mạnh nhất trong hộp công cụ quyền lực mềm của mình: đó là tiền. Bất cứ nơi nào các nhà lãnh đạo Trung Quốc đi công du trong những ngày này, và trong khoảng thời gian giữa các chuyến đi, họ ký các hợp đồng thương mại và đầu tư rất lớn, mở rộng các khoản vay hào phóng và chìa ra các gói cứu trợ khổng lồ. Riêng trong năm 2014 Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đi thăm trên 50 quốc gia. Các cường quốc lớn luôn luôn cố gắng sử dụng các nguồn lực tài chính của họ để mua ảnh hưởng và định hình các hành động của người khác; Trong lĩnh vực này, Trung Quốc cũng không khác biệt. Nhưng điều đáng chú ý là các khoản đầu tư của Trung Quốc có mức sinh lời quá thấp. Hành động thì bao giờ cũng có ý nghĩa hơn lời nói và ở nhiều nơi trên thế giới, hành vi của Trung Quốc về cơ bản mâu thuẫn với lời lẽ nhân từ .
Các sứ giả
Cha đẻ của khái niệm quyền lực mềm, nhà khoa học chính trị Joseph Nye, đã định nghĩa đó là sự lan tỏa các giá trị văn hóa, chính trị từ chính nét đặc trưng của một xã hội. Nye cũng thừa nhận rằng hệ thống chính trị của một quốc gia và chính sách đối ngoại có thể giành được sự tôn trọng và do đó góp phần vào quyền lực mềm của quốc gia đó. Nhưng định nghĩa này được đặt tiền đề trên cơ sở phân định ranh giới rõ ràng giữa các lĩnh vực nhà nước và không nhà nước trong khuôn khổ của xã hội dân chủ. Ở Trung Quốc, chính phủ thao túng và quản lý hầu như tất cả các công tác tuyên truyền và các hoạt động văn hóa.
Hệ thống cộng sản Trung Quốc đã luôn luôn mặc định rằng thông tin phải được quản lý và người dân phải được thấm nhuần giáo huấn. Ở Trung Quốc, “tuyên truyền” không phải là một thuật ngữ mang tính xúc phạm. Khi đất nước đã mở ra cho thế giới, nhà nước phải cố gắng hơn để bám sát, nắm bắt thông tin và những nỗ lực trên mặt trận này ngày càng trở nên tinh vi hơn. Tuy nhiên, hiện nay nhà chức trách Trung Quốc đang cố gắng để kiểm soát thông tin không chỉ bên trong Trung Quốc mà có chiều hướng gia tăng ở cả bên ngoài nữa.
Chính phủ Trung Quốc tiếp cận ngoại giao công chúng theo cùng một cách như xây dựng đường sắt tốc độ cao hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng – bằng cách đầu tư tiền bạc và chờ đợi để xem sự phát triển.
Trung tâm đầu não mang tính thể chế của hoạt động này là Văn phòng Thông tin Quốc Vụ viện (SCIO). Nằm trong một tòa nhà xây từ thời Liên Xô tại trung tâm Bắc Kinh, nó trông cũng hao hao và đóng giữ vai trò của Bộ Sự thật trong tác phẩm “mười chín tám mươi tư của nhà văn Anh George Orwell (ông cũng là tác giả cuốn sách nổi tiếng “trại gia súc” – ND ). SCIO là một phần của bộ máy tuyên truyền rộng hơn, phối hợp các nỗ lực tuyên truyền khác nhau, và nó tự hào có một đội ngũ nhân viên hùng hậu, một ngân sách khổng lồ, và rất nhiều ảnh hưởng trong guồng máy quan liêu. Bởi lẽ SCIO là cơ quan chủ chốt kiểm duyệt và giám sát các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc cho nên chỉ đề cập đến tên của nó đã có thể mang lại một cái nhìn quan ngại trên khuôn mặt của nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là giới trí thức và các nhà báo.
Tháng mười hai hàng năm SCIO triệu tập hội nghị mà tại đó người ta vạch ra đường lối với những hướng dẫn cho công tác tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc trong năm tới. Như Jiang Weiqiang, phó chủ nhiệm của SCIO giải thích cho tôi hồi năm 2009 kế hoạch chi tiết bao gồm “các cuộc triển lãm, các ấn phẩm, các hoạt động truyền thông, chương trình trao đổi, ‘Năm của Trung Quốc’, lễ hội ở nước ngoài và các hoạt động khác. Jiang cũng gọi những hướng dẫn đó là “Chiến lược quyền lực mềm của chúng tôi”. Các bí mật tại thời điểm áp dụng, các kế hoạch chi tiết này sau đó được xuất bản trong tập sách có tên gọi: “Trung Quốc Truyền thông Niên giám”.
Photo DAVID GRAY / REUTERS
Gần Trụ sở CCTV ở trung tâm Bắc Kinh, tháng 12 năm 2012.
Ngoài vai trò chính là giám sát truyền thông và phối hợp toàn bộ các kênh thông tin với thế giới bên ngoài của Trung Quốc, SCIO có toàn quyền hoạt động như một sứ giả cung cấp thông tin chính thức: sử dụng đội ngũ phát ngôn viên, tổ chức các cuộc họp báo, xuất bản tạp chí và sách, sản xuất phim. Nó thậm chí còn phát triển một ứng dụng cung cấp cho người dùng theo hình thức một cửa để cung cấp các tài liệu thuộc loại “sách trắng” của chính phủ. Bắc Kinh xác định rằng Cộng đồng người Hoa ở hải ngoại, Đài Loan, Hông Kông là những ưu tiên hàng đầu mà hoạt động tuyên truyền của SCIO cần nhắm tới.. Công tác tuyên truyền của SCIO còn đưa vào vòng ngắm những khách ngoại quốc tới TQ bao gồm cả ngoại kiều, khách du lịch, các nhà kinh doanh thông qua các nhà xuất bản ví dụ như NXB Ngoại văn và các báo như Trung Quốc nhật báo và Hoàn cầu Thời báo. SCIO cũng tham gia vào việc kiểm soát nội dung Internet, trong đó có việc phê duyệt tất cả các ứng dụng cho các trang web. Nhưng trách nhiệm chính của SCIO là xác định các ý tưởng được truyền bá ở nước ngoài và quản lý thông tin đối với các cơ quan, tổ chức ở TQ.
TRUYỀN THÔNG VÀ THÔNG ĐIỆP
Một phần quan trọng trong chiến lược “ hướng ra ngoài” của Bắc Kinh đòi hỏi phải thực hiện trợ cấp mở rộng đáng kể sự hiện diện của truyền thông TQ ở nước ngoài nhằm mục đích thiết lập đế chế truyền thông toàn cầu riêng của mình để phá vỡ những gì mà TQ coi là “sự độc quyền truyền thông của Phương Tây”. Nổi bật nhất trong những nỗ lực này là Tân Hoa xã – cơ quan cung cấp dịch vụ tin tức nhà nước chính thức của Trung Quốc. Từ khi thành lập, Tân Hoa Xã đã có một vai trò kép, cả trong nước và quốc tế – đó là báo cáo tin tức và thực hiện công tác tuyên truyền của Đảng Cộng sản. Nhìn tổng thể, Tân Hoa xã hiện đang sử dụng khoảng 3.000 nhà báo, 400 người trong số họ thường trú tại 170 văn phòng đại diện ở nước ngoài và cơ quan này vẫn đang tuyển thêm đội ngũ nhân viên tại các văn phòng hiện nay của mình đồng thời tăng cường sự hiện diện các chương trình âm thanh và hình ảnh trực tuyến .
Sự bành trướng ra toàn cầu của Tân Hoa Xã được thúc đẩy không chỉ bởi sự quan tâm cho hình ảnh quốc tế của Trung Quốc mà còn là vấn đề tiền bạc. Tân Hoa xã nhìn thấy cơ hội để cạnh tranh đối đầu với các hãng truyền thông phương Tây chủ yếu, chẳng hạn như Associated Press, United Press International, Reuters và Bloomberg. Theo lời của một viên chức Tân Hoa xã nói với tôi năm 2010 thì mục tiêu của họ là phải trở thành “ một hãng tin quốc tế thực sự”. Tân Hoa xã thậm chí che giấu tham vọng trở thành một tập đoàn đa phương tiện hiện đại, cạnh tranh với các hãng như News Corp, Viacom, và Time Warner. Và một khi sự hiện diện của video trực tuyến được mở rộng, Tân Hoa xã sẽ cố gắng để ăn cắp thị phần từ các kênh tin tức 24 giờ như CNN, BBC, và Al Jazeera.
Trong việc tìm kiếm lợi nhuận, Tân Hoa Xã công bố các báo cáo tin tức mô tả rằng hãng tin này đưa ra thị trường sản phẩm rẻ hơn so với các hãng truyền thông Phương Tây. Trong năm 2010, Tân Hoa Xã đã có 80.000 thuê bao là các tổ chức định chế giúp tạo ra một dòng doanh thu mạnh mẽ. Đặc biệt, cơ quan này đang nhắm tới các nước đang phát triển, nơi mà phương tiện truyền thông phương Tây ít hiện diện hơn và nơi thực sự không có sự cạnh tranh trong nước về mảng tin quốc tế. Sự xâm nhập của Tân Hoa Xã ở nơi đây cũng giúp hoàn thành mục tiêu là nói với thế giới câu chuyện của Trung Quốc .
Kênh truyền hình hàng đầu của TQ là CCTV hoặc truyền hình Trung ương Trung Quốc, cũng đã bước ra toàn cầu. Đài này đã phát kênh tiếng Anh 24 giờ đầu tiên của mình, CCTV quốc tế, vào năm 2000 và bây giờ phát thanh bằng sáu ngôn ngữ trên thế giới. Các mạng đang cố gắng để thay đổi hương vị cứng nhắc nặng tính tuyên truyền và xây dựng các gói nội dung theo một khuôn khổ thân thiện hơn đối với người xem. Trong năm 2012, CCTV thiết lập cơ sở sản xuất mới tại Nairobi, Kenya, và ở Washington, DC, nơi mà hãng giới thiệu kênh CCTV America đầy tham vọng của mình. Với các hoạt động ở Washington, CCTV cho biết sẽ trở thành một trung tâm toàn cầu về các hoạt động thu thập và truyền phát tin tức.
Quyền lực mềm không thể mua được. Nó phải giành mới có được.
Trung Quốc cũng đang tăng cường thâm nhập vào hệ thống sóng vô tuyến nước ngoài. Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, trước đây được biết đến như Đài phát thanh Bắc Kinh, được thành lập năm 1941 như là một công cụ tuyên truyền trong chiến tranh chống Nhật nhưng bây giờ đã có tầm với xa hơn. Với trụ sở chính tại Bắc Kinh, đài này phát 392 giờ chương trình mỗi ngày bằng 38 ngôn ngữ và duy trì 27 văn phòng ở nước ngoài.
Những phương tiện truyền thông này đã trở thành vũ khí chính trong cái mà Trung Quốc gọi là một “cuộc luận chiến ” với phương Tây, qua đó Bắc Kinh thúc đẩy chống lại những gì TQ cho là tâm lý bài Trung trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều cơ quan nhà nước khác cũng đang đóng vai trò trực tiếp trong các cuộc giao tranh này. Các đại sứ quán Trung Quốc giờ đây thường xuyên phát hành thông cáo báo chí phản bác cách nhìn nhận về TQ của truyền thông nước ngoài, gỡ bỏ toàn bộ các trang quảng cáo trên báo chí nước ngoài ( nếu thấy có hại cho hình ảnh của TQ – ND ) và cố gắng đe dọa các trường đại học và các tổ chức phi chính phủ tài trợ cho các sự kiện được coi là không thân thiện với Trung Quốc. Đại sứ của họ còn viết bài phản hồi trên các báo ở nước ngoài..
Còn một khía cạnh khó khăn hơn đó là việc Bắc Kinh giám sát chặt chẽ hơn bao giờ hết những người nước ngoài chuyên theo dõi tình hình Trung Quốc và các bài viết của các nhà báo, đồng thời tăng cường các nỗ lực để đe dọa truyền thông nước ngoài cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, SCIO và Bộ Ngoại giao thường “mời” các nhà báo nước ngoài ” đi trò chuyện và uống trà ” để quở trách họ vì những bài báo bị coi là không thân thiện với Trung Quốc. Chính phủ đã từ chối gia hạn thị thực của một số nhà báo (bao gồm cả một số phóng viên tờ The New York Times) và đã từ chối cấp visa cho các học giả Mỹ và châu Âu do họ bị lọt vào danh sách đen. Bên ngoài Trung Quốc, các quan chức đại sứ quán đôi khi cảnh báo các biên tập viên và yêu cầu họ không cho xuất bản các bài viết về chủ đề mà có thể xúc phạm Bắc Kinh.
Do vậy, cũng giống như công cụ tuyên truyền của mình, bộ máy kiểm duyệt của Trung Quốc đang trải ra toàn cầu. Và dường như nó đã tạo nên ảnh hưởng. Trong một xu hướng đáng lo ngại, các học giả nước ngoài nghiên cứu về Trung Quốc đang ngày càng thực hành tự kiểm duyệt vì lo lắng về khả năng tiếp tục được cấp visa vào Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã phạt một số hãng truyền thông lớn như Bloomberg do đã xuất bản một số bài viết nhất định và chặn các trang web Hoa ngữ của các tờ báo hàng đầu của Anh, Mỹ.

BÀI HỌC TRUNG QUỐC

Một thứ vũ khí trong kho tàng quân cụ của Trung Quốc chính là giáo dục. Khoảng 300.000 sinh viên nước ngoài hiện nay du học tại các trường đại học Trung Quốc (phần lớn học ngôn ngữ Trung Quốc), với số lượng bổ sung trong các trường cao đẳng nghề. Mỗi năm, Hội đồng học bổng Trung Quốc cung cấp một số học bổng cho 20.000 sinh viên nước ngoài. Trong khi đó các bộ trong chính phủ Trung Quốc điều hành một loạt các khóa học ngắn hạn cho các chuyên viên, các nhà ngoại giao, và các quan chức quân sự từ các nước đang phát triển. Những lớp học này dạy học sinh kỹ năng hữu hình, nhưng Bắc kinh cũng đồng thời cố gắng tranh thủ trái tim và khối óc của các học viên.
Tuy nhiên các trường đại học của Trung Quốc vẫn chưa lọt được vào tầng lớp tinh hoa toàn cầu. Mới chỉ có ba trường đại học của Đại lục là đại học Bắc Kinh, đại học Thanh Hoa và Phúc Đán được góp mặt trong bảng xếp hạng top 100 trường của thế giới – Times Higher Education. Các trở ngại đối với danh tiếng học thuật là khá nghiêm trọng. ĐCSTQ vẫn tiếp tục hạn chế tự do tư tưởng và tìm hiểu sự thật, đặc biệt là trong các khoa học nhân văn và khoa học xã hội. Ở các trường đại học Trung Quốc đang lan tràn tệ nạn thân hữu, phe nhóm, thông tin sai sự thật, đạo văn, và trộm cắp tài sản trí tuệ. Đổi mới, ưu tiên kinh tế hàng đầu của chính phủ Trung Quốc đòi hỏi phải ươm trồng trí tuệ khoáng đạt, thế nhưng phương pháp sư phạm giáo dục Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi đặc thù lịch sử của mình là học thuộc lòng và bị kiểm duyệt.
Các viện và trung tâm Khổng Tử có chức năng giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung hoa ở nước ngoài đã tạo nên phần chủ chốt trong nỗ lực xây dựng quyền lực mềm của TQ trong lĩnh vực giáo dục. Với 475 trung tâm hoạt động trên 120 quốc gia các viện Khổng Tử đã thiết lập vị thế trên toàn cầu. ( Để so sánh, viện Goethe của Đức hoạt động từ lâu chỉ có 160 trung tâm ở 94 nước, Hội đồng Anh chỉ duy trì có 70 trung tâm ở 49 quốc gia .) Tuy nhiên các viện Khổng Tử đang bị phê phán mạnh mẽ. Ở Hoa Kỳ và Canada các giáo sư đã kêu gọi các trường đại học đóng cửa những viện Khổng Tử hiện có và không mở thêm các cơ sở mới với lý do rằng chúng phá hoại tự do học thuật. Tại một cuộc hội thảo về Trung Hoa học tổ chức năm 2014 ở Bồ Đào Nha các nhà Trung Hoa học của Châu Âu đã rất bức xúc khi ông Xu Lin một vụ trưởng thuộc Bộ Giáo dục TQ chuyên giám sát các viện Khổng Tử đã ra lệnh xé bỏ tất cả các trang sách nào nhắc đến Đài Loan. Cũng như ở Hoa Kỳ, các cơ quan truyền thông và cơ quan lập pháp trên khắp châu Âu đang xem xét kỹ lưỡng các Viện Khổng Tử, và ít ra thì tại Đại học Stockholm, cuối cùng người ta cũng đã đã quyết định đóng cửa viện Khổng Tử ở đây..
Photo ALY SONG / REUTERS
Một học sinh chụp hình ảnh của bạn bè của mình ở phía trước của lá cờ Trung Quốc trong một buổi lễ tốt nghiệp tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, tháng 6 năm 2006.
Trên mặt trận khác, Bắc Kinh đang quả quyết quảng bá văn hóa và xã hội của mình ở nước ngoài thông qua thể thao, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, điện ảnh, văn học, kiến ​​trúc và đã thâm nhập được một cách đáng kể. Triển lãm nghệ thuật về quá khứ phong phú của đế quốc của Trung Hoa luôn luôn được biết đến trên toàn thế giới; Quả thực, di sản của nền văn minh trên 3000 năm tuổi chính là tài sản quyền lực mềm mạnh nhất của TQ. Các võ sĩ và những diễn viên TQ luôn hấp dẫn khán giả cùng với đội quân ngày càng đông đảo các nhạc công nhạc cổ điển đẳng cấp thế giới dẫn đầu bởi nghệ sĩ Piano Lang Lang. Phim Trung Quốc tiếp tục giành giật thị trường quốc tế, các tác giả và các kiến ​​trúc sư Trung Quốc đang ngày càng nổi tiếng hơn bao giờ hết. Năm 2012, Mo Yan đoạt giải Nobel Văn học và Wang Shu đã đoạt giải Pritzker Architecture. Mặc dù bóng rổ, khúc côn cầu, và các đội bóng đá chuyên nghiệp của Trung Quốc vẫn còn ít cạnh tranh hơn so với Bắc Mỹ và các đối tác châu Âu, nhưng ngày càng nhiều các vận động viên Trung Quốc bước lên bục để nhận huy chương Olympic trong một loạt các sự kiện.
Trung Quốc cũng đang tham gia vào cái mà họ gọi là “ngoại giao chủ nhà” bằng cách tổ chức vô số các hội nghị chính phủ và phi chính phủ. Các hội nghị họp kín quy mô lớn như Diễn đàn Bác Ngao châu Á (Davos của Trung Quốc), Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, Diễn đàn Bắc Kinh, World Peace Forum của Đại học Thanh Hoa, Diễn đàn Thế giới về Nghiên cứu Trung Quốc và cuộc họp cấp cao các Think Tank toàn cầu hàng năm đã mời được các nhân vật hàng đầu trên thế giới tới Trung Quốc. Một số sự kiện thực sự rất hoành tráng có phần phô trương chẳng hạn như Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Shanghai World Expo 2010 và Cuộc gặp hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 2014. Trong năm 2016, hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu được dự kiến ​​sẽ có một cuộc biểu dương lực lượng không kém phần công phu.
Sau đó là một loạt các chương trình trao đổi thuộc Chính phủ. Ban quốc tế của ĐCSTQ (với tổ chức vỏ bọc bên ngoài của nó là Trung tâm Trung Quốc nghiên cứu thế giới đương đại ) triệu tập hội nghị hàng năm dưới tên gọi là “Đảng và đối thoại với Thế giới” với chủ đích mang lại một lưu lượng ổn định các chính trị gia và trí thức nước ngoài đến Trung Quốc với chế độ được chu cấp toàn bộ kinh phí chuyến đi.. Viện Ngoại giao nhân dân TQ – một tổ chức liên kết của Bộ Ngoại giao từ lâu đã tham gia vào những tiếp cận tương tự. Các chương trình này giúp kiến tạo một kênh hết sức tinh tế và khôn khéo cho ĐCSTQ nhằm nuôi dưỡng các mối thâm giao với các chính trị gia đương vị hoặc sắp lên nắm quyền trên toàn thế giới. Trong khi đó, quỹ trao đổi TQ – Hoa Kỳ có trụ sở tại Hồng Kông khuếch đại tiếng nói của các học giả TQ thông qua trang web của mình và ủng hộ các quan điểm của chính phủ Trung Quốc thông qua các khoản tài trợ cấp cho các viện nghiên cứu Hoa Kỳ. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn không có những trung tâm học thuật hoặc đội ngũ giáo sư, giảng viên thực sự trong các trường đại học. Sau này nếu TQ có được những thứ đó thì họ sẽ phải hiểu rằng ở phương Tây có những giới hạn thực sự đối với việc mua ảnh hưởng chính trị trong các cơ sở đào tạo và tổ chức think- tank .
Quân đội Trung Quốc vẫn duy trì các tổ chức ngoại tuyến riêng của mình: Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế của TQ và Quỹ Nghiên cứu chiến lược Quốc tế TQ. Cả hai đều gắn kết với tình báo quân sự và đóng vai trò như kênh giao dịch chủ yếu trong việc mời các chuyên gia an ninh nước ngoài đến Trung Quốc. Cả hai định chế này đều thực hiện các chức năng thu và phát: ngoài việc giải thích quan điểm của Trung Quốc về các vấn đề chiến lược và quân sự cho nước ngoài, họ còn thu thập các quan điểm và thông tin tình báo từ các chuyên gia và quan chức nước ngoài.
Một số các think-tank trong lĩnh vực chính sách đối ngoại của Trung Quốc thực hiện một chức năng kép khác biệt. Quan trọng nhất trong số các think- tank này gồm có Viện Quan hệ Quốc tế đương đại của TQ, Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng hải – tất cả các tổ chức này đều được gắn kết với các bộ phận khác nhau của chính phủ Trung Quốc. Ở một mức độ thấp hơn, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc và Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cũng làm những điều tương tự, nhưng trên một phạm vi rộng hơn đối với nhiều vấn đề. Trong năm 2009, các nhà tài trợ tư nhân thành lập Viện Charhar với mục đích tập trung đặc biệt vào việc cải thiện hình ảnh ở nước ngoài của Trung Quốc. Xét một cách tổng thể, cả một tổ hợp các định chế và sáng kiến ​​được tài trợ đầy đủ nhằm nâng cao danh tiếng của Trung Quốc trên toàn thế giới là một minh chứng cho những nỗ lực ưu tiên của Bắc Kinh .
KHÔNG THỂ MUA TÌNH YÊU
Tuy nhiên đối với nhiều tỷ đô la đã chi tiêu cho những nỗ lực này thì TQ dường như vẫn chưa thấy bất kỳ một sự cải thiện rõ nét nào về hình ảnh toàn cầu của mình, ít nhất là căn cứ trên kết quả nhận được sau các cuộc điều tra dư luận. Trong thực tế, danh tiếng của đất nước lại đang dần xấu đi. Một cuộc thăm dò trong năm 2014 do BBC tiến hành cho thấy, từ năm 2005, quan điểm tích cực về ảnh hưởng của Trung Quốc đã giảm điểm14 % và 49 % số người được hỏi có thái độ tiêu cực về TQ. Điều rất đáng ngạc nhiên là cuộc khảo sát năm 2013 do Global Attitudes Project của Trung tâm Pew Research cho thấy sự thiếu hụt quyền lực mềm của Trung Quốc là rõ ràng ngay cả ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, chính ngay tại các khu vực mà người ta vốn cho rằng sức hấp dẫn của TQ nhẽ ra phải là mạnh nhất.
Bất chấp những kết quả ít ỏi, Bắc Kinh vẫn đang triển khai nhiều nỗ lực và nguồn lực để thay đổi nhận thức. Tại sao lại xảy ra sự tách rời giữa các nỗ lực đầu tư và kết quả ? Câu trả lời là chính phủ Trung Quốc tiếp cận ngoại giao công chúng theo cùng một cách cũng giống như xây dựng đường sắt tốc độ cao hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng, tức là đơn thuần chỉ đầu tư tiền bạc rồi chờ xem sự phát triển sau đó. Những gì Trung Quốc không hiểu đó chính là: mặc dù TQ có một nền văn hóa tầm cỡ thế giới, ẩm thực đặc sắc, phong phú, nguồn nhân lực tài năng và dồi dào, tăng trưởng kinh tế với tốc độ đặc biệt trong vài thập kỷ qua, thế nhưng hệ thống chính trị của nó từ chối, thay vì cho phép phát triển con người tự do. Và do đó, mọi nỗ lực tuyên truyền của TQ sẽ phải đối mặt với một trận chiến khó khăn.
Quyền lực mềm không thể mua được. Nó phải giành mới có được. Và cách tốt nhất để giành được nó là khi mọi công dân tài năng của một xã hội đều được phép tương tác trực tiếp với thế giới, chứ không phải bị kiểm soát bởi chính quyền. Đối với Trung Quốc, điều đó có nghĩa là nới lỏng các hạn chế hà khắc trong nước và giảm thiểu các nỗ lực để kiểm soát dư luận ở nước ngoài. Chỉ khi đó đất nước này mới có thể khai thác được tiềm năng quyền lực mềm khổng lồ của mình .
Thăng Long- Hà Nội 22/7/2015
Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn