Giáo dục và phản biện

Chân Như, phóng viên RFA
19-08-2015

clip_image001

Các em học sinh tiểu học (minh họa)

Từ ngày 12 tháng 8 đến nay, mạng xã hội và báo chí tại Việt Nam đang chú ý tới lời phát biểu của cậu bé Vũ Thạch Tường Minh – 14 tuổi, học sinh trường Hà Nội – Amsterdam tại buổi ra mắt sách của nhóm Cánh Buồm. Có người thì khen, có người thì chê – đó là điều bình thường trong xã hội đa nguyên. Điều căn bản trong chương trình tuần này mà Diễn đàn bạn trẻ muốn nhắc tới là quyền được lên tiếng của cậu bé Tường Minh nói riêng và của học sinh – sinh viên Việt Nam ở trong nước nói chung về các vấn đề chính trị - xã hội. Mời quý vị cùng Chân Như đến với cuộc trao đổi hôm nay cùng với các bạn khách mời.

“Con là Vũ Thạch Tường Minh học sinh trường Ams. Theo con, các vị bộ trưởng, thứ trưởng giáo dục không phải là nên áp dụng cả bộ sách này, mà là áp dụng đường lối giáo dục của bộ sách này vào giáo dục Việt Nam, bởi vì bây giờ giáo dục Việt Nam con thấy là, con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá “thối nát” rồi. Mà suốt bao năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả. Nên bây giờ con muốn các vị bộ trưởng, thứ trưởng hãy thay đổi đường lối giáo dục của Việt Nam, có thể theo đường lối của Cánh Buồm cũng được, các vị có thể thay cả bộ sách giáo khoa cũng được. Các vị có thể nói là mất thời gian, nhưng con thấy là thời gian các vị cải tiến, cải lùi còn mất thời gian hơn. Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa, giáo dục Việt Nam cần được cách mạng. Đó mới là điều các vị trong Bộ Giáo dục nên làm”.

Chân Như: Các bạn nghĩ sao về lời phát biểu của cậu bé 14 tuổi, Tường Minh ?

Trường Sơn: Em không được trực tiếp tham dự hội thảo, em cũng chỉ được nghe lại trên internet.  Cảm giác đầu tiên của em khi nghe bài phát biểu của một cậu bé chỉ có 14 tuổi thôi em cảm thấy rất bất ngờ bởi vì những người được coi là người lớn ở Việt Nam hiện tại thì mức độ quan tâm của họ đối với vấn đề giáo dục hầu như không nhiều lắm; Chỉ quan tâm khi con em của họ vấp phải những vấn đề nào đó mà thôi. Một điều nữa là em Tường Minh có những ý kiến cực kỳ chính xác: “Giáo dục Việt Nam hiện giờ không thể cải cách được nữa mà cần phải có một cuộc cách mạng”. Thực sự, từ cách mạng là từ rất chính xác vào trường hợp của nền giáo dục Việt Nam hiện tại.  Theo em sau khi nghe bài phỏng vấn này thấy khâm phục ý chí, sự can đảm cũng như khả năng hiểu biết của cậu bé này.

Tiến Toàn: Ông bà ta có câu nói “đi thì hỏi già, về nhà thì hỏi trẻ”. Tâm hồn trẻ em lúc nào cũng trong sáng. Mới 14 tuổi mà có được nhận thức như vậy thì rất là ok. Nền giáo dục của Việt Nam mình hiện tại đang xuống cấp rất là trầm trọng; Mình càng cải cách thì càng theo một lối mòn không thể nào cứu vớt được nữa. Cậu bé nói rất là chính xác và hay.

Phan Duy: Việc một em học sinh 14 tuổi đứng lên nói như vậy là một điều rất dũng cảm. Tuy nhiên, không phải những gì em đó nói đều là đúng. Giáo dục Việt Nam, theo em nghĩ, cần có một tính định hướng khác chứ không thể là định hướng XHCN nữa vì nó không còn phù hợp ở thời đại này hay bất cứ một thời đại nào; Một  định hướng cho mọi cá nhân có được sự phát triển, và từ sự phát triển của mọi cá nhân nó là sự phát triển chung của cả đất nước.

Chân Như: Có thật giáo dục Việt Nam đã quá thối nát rồi hay không? Vậy vì sao những người trong bộ giáo dục từ các bộ trưởng đến thứ trưởng vẫn có thể ung dung ngồi trên cái đống thối nát ấy? Theo các bạn thì vì cớ nào?

Trường Sơn: Vấn đề ở đây là những người được lựa chọn vào chức danh bộ trưởng hay thứ trưởng hay cục trưởng thì họ  đều là những người được chọn sẵn nên là về trình độ của họ không ai kiểm chứng được. Do vậy, chúng ta không biết được họ có khả năng thật sự trong lĩnh vực giáo dục hay không. Cái thứ 2 nữa là họ có thực sự cải cách giáo dục hay không? Theo em, nền giáo dục VN hiện tại cực kỳ khó để mà cải cách, bởi vì sau nhiều chục năm bị kìm chế và bị sửa đi sửa lại và làm cho tha hoá như vậy thì không có 1 cách nào để mà sửa chữa hay cải tiến. Chúng ta đừng nên nói đến những vị bộ trưởng hiện tại có những phát ngôn hết sức buồn cười trên cương vị là bộ trưởng. Không thể nào dựa vào 1 con người như vậy bởi vì muốn thay đổi một nền giáo dục thì cần được sự đồng ý của một thể chế và bộ máy chính quyền chứ không thể dựa vào một bộ trưởng. Thực tế, bộ trưởng phải chịu sự chi phối của thủ tướng hoặc của những nhân vật khác nhất là trong nền chính trị VN và ông bộ trưởng, thực chất, không có quyền hành gì nhiều. Em thấy rằng bản thân họ em cũng biết là họ có thực tâm cải cách. Thế nhưng trên đánh giá cá nhân của em thì họ không thể với khả năng của họ và như mình đã thấy giáo dục VN sau quá nhiều năm thối nát rồi thì làm sao một cá nhân có thể thay đổi được.

Tiến Toàn: Em cũng có thể đồng ý với một số ý kiến của các bạn. Em cũng có một số điểm nhỏ cần phát biểu như sau. Tại sao những người ngồi lên ghế thứ trưởng, bộ trưởng thì mình không thể  lật hết bằng cấp của người ta mình xem họ đã học ở đâu? Và họ đã đi tu nghiệp ở đâu về? Tất cả đều ở nước ngoài nhưng tại sao họ tiếp thu những kiến thức nước ngoài họ không đem về Việt Nam? Tại vì họ được sắp đặt ngồi vào chỗ ngồi đó thì sau lưng họ còn có nhiều các thế lực khác.  Em có quen một người làm trên bộ giáo dục. Người ta có nhiều hướng để thay đổi và người đó đưa ra những hướng thay đổi rất là chính xác để đưa nền giáo dục lên và phát triển. Và họ lập tức bị đuổi ngay khỏi ghế ngồi đó vì họ phát biểu đúng. Em nói thẳng  là nền giáo dục Việt Nam mình giống như là “một người đạp phanh mà bốn người thắng” thì làm sao xe nó chạy được .

clip_image003

Cậu bé Vũ Thạch Tường Minh – 14 tuổi, học sinh trường Hà Nội – Amsterdam phát biểu tại buổi ra mắt sách của nhóm Cánh Buồm

Phan Duy: Em nghĩ việc mà những vị ngồi trên một nền tảng giáo dục Việt Nam mà theo như lời của em bé 14 tuổi nói là thối nát thì em không có bình luận gì hết. Em chỉ có 1 câu nói của người xưa thôi “con vua thì lại làm vua con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Đó là “truyền thống” từ trước đến nay ở bộ máy chính quyền và chắc chắn cũng sẽ còn được lưu truyền tiếp tục.  Còn việc giáo dục VN có khó để thay đổi hay không? Em nghĩ mình cũng không nên chỉ đổ lỗi một hướng ở định hướng của những người đang nắm giữ những chức vụ lớn trong bộ giáo dục, mà phải làm thay đổi tư duy của chính người dân. Em lấy ví dụ là hiện nay đa số các cha mẹ đều muốn con mình khi lớn lên làm kỹ sư bác sĩ làm giám đốc chứ không ai mong muốn con mình học ra có thể có tay nghề để làm một người thợ giỏi hoặc làm một người công nhân xây dựng giỏi.  Vì vậy, tình trạng hiện nay ở VN thừa thầy thiếu thợ là do xuất phát ngay từ tư tưởng của người dân VN mình. Như vậy là hoàn toàn là sai; Không đúng như những gì mà ở phương Tây hay những nước phát triển họ đang áp dụng.

Chân Như: Rất nhiều lời tán dương và đồng tình với lời phát biểu của Tường Minh, xin tạm không chia sẻ, nhưng cũng có nhiều lời chỉ trích, đả kích và thậm chí rất nặng lời cho rằng cậu bé chỉ nói leo người khác, nói năng một cách vô lối, thiếu hiểu biết, thiếu ý thức giáo dục. Và nhiều người cho rằng cậu bé nên được gia đình chỉ bảo phát ngôn sao cho phải lễ nghĩa. Các bạn nghĩ sao về những nhận xét đó?

Trường Sơn: Em có theo dõi những lời chỉ trích vấn đề mà họ nhắm vào thì ở 2 điểm. Thứ nhất là từ “thối nát”; Điều thứ hai là về độ tuổi 14 của cậu ấy. Thứ nhất vào từ thối nát có nhiều người cho rằng sử dụng từ thối nát thể hiện rằng cậu bé hư chưa có được giáo dục, vì nói thối nát có nghĩa là chửi bới.  Em chỉ thấy những người này gặp vấn đề không phân biệt được thế nào là chửi thế nào là bày tỏ chính kiến.  Đối với em, cậu bé sử dụng từ thối nát để dành cho nền giáo dục VN hiện tại là hoàn toàn chính xác. Đây hoàn toàn là sự bày tỏ quan điểm, thái độ của cậu ấy với nền giáo dục VN thì chẳng có gì là chửi bới, hay thiếu kiềm chế ở đây cả. Em nghe qua đoạn trình bày của cậu bé thì em thấy thì cách xử lý từ ngữ của cậu ấy có thể nói rằng đây là những câu nói xuất phát từ trái tim, từ chính bản thân cậu ấy chứ không có ai mớm lời ở đây cả.

Cái thứ 2 nữa ở người VN có cái bệnh là người ta hay nhìn vào độ tuổi của một cá nhân nào đó để phán xét rằng người ta có đủ khả năng nói chuyện “to tát” hay không? Suy nghĩ này hết sức  thiển cận.  Đó là cái lỗi của người VN: họ không đề cao sự phản biện và đặc biệt không đón nhận nó từ những người trẻ và quá trẻ như cậu bé này; Mong rằng cậu bé sẽ vững vàng và bỏ ngoài tai những lời chỉ trích thiếu căn cứ như vậy.

Chân Như: Các bạn đánh giá thế nào về việc tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu của học sinh - sinh viên trong hệ thống giáo dục VN?

Tiến Toàn: Em nghĩ sinh viên - học sinh Việt phải cần có tiếng nói nhưng rất khó trong một đất nước mà không có tự do ngôn luận, nói gì làm gì cũng đều phải dè chừng lời ăn tiếng nói vì có thể ở tù bất cứ lúc nào. Em cũng đã từng một lần đã nói vậy mà đã được công an mời tới; Em rất bình tĩnh trả lời “em có quyền tự do ngôn luận em nói đúng chứ không hề nói sai” nhưng luật pháp Việt Nam không cho phép.  Em nghĩ rằng nếu luật pháp Việt Nam cho phép thì mình sẽ có nhiều ý kiến và có thể nói bằng cả tấm lòng của mình.

Trường Sơn: Lớn lên trong nền giáo dục VN, theo suy nghĩ, cảm nhận của cá nhân em trong suốt những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường thì em hoàn toàn có thể khẳng định được rằng nền giáo dục Việt Nam không thúc đẩy sự phản biện, không có cổ súy quyền tự do ngôn luận ở đây. Nền giáo dục VN chỉ cổ súy duy nhất đó là sự nghe lời thầy cô, đây là tư duy Khổng giáo. Những gì thầy cô nói đều 100% là đúng, học sinh không được cãi lời thầy cô. Nguời ta sử dụng từ cãi chứ không dùng từ tranh biện, phản biện hoặc là tranh luận ở đây. Như vậy, nền giáo dục VN quá thiếu sự phản biện, thiếu tư duy độc lập, thiếu sự tranh luận trong chính nền giáo dục của họ. Do đó, chúng ta thấy rằng khi có 1 cậu học sinh phát biểu về 1 vấn đề với chính kiến cá nhân cậu ấy đã gây sốc toàn xã hội. Điều đó hoàn toàn bởi vì nền giáo dục chúng ta không cổ súy quyền tự do ngôn luận thế nên người VN không biết sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình thế nào và thậm chí họ còn không biết họ có quyền tự do ngôn luận hay không.  Và trường hợp bé 14 tuổi lên tiếng như thế này là một thước đo chuẩn mực nhất cho sự suy nghĩ của nguời VN, tầm dân trí của người VN về thế nào là tự do biểu đạt, thế nào là tự do ngôn luận.

Phan Duy: Nhân tiện đang nói về lĩnh vực giáo dục, thì việc tự do ngôn luận em cũng xem xét ở khía cạnh giáo dục.  Em còn nhớ khi còn ngồi ở ghế nhà trường được học rất nhiều những các tác phẩm văn học của VN và của thế giới và khi bắt đầu làm văn thì đều phải theo một định hướng một cái sườn mà thầy cô đã đề ra và chỉ cần đi trật một tí thôi lập tức bài văn đó sẽ bị điểm thấp hoặc là bị chép phạt rất là oan uổng.  Có những tác phẩm như “Tây tiến, Bên kia sông Đuống, hay Người Lái Đò Sông Đà” hoàn toàn xa lạ với thế hệ của tụi em, xa lạ ngay cả về vị trí địa lý và xa lạ ngay về tư duy về thời điểm. Do vậy, có những điều mà thầy cô phân tích tụi em không thể nào nắm được cũng không thể cảm nhận được đó là những điều sẽ đúng như vậy. Tụi em hy vọng khi mà làm giáo dục thì cũng phải có tiếng nói từ phía học sinh bởi vì giáo dục ở nước ngoài đó là sự tương tác giữa hai phía, nhà trường, giáo viên và học sinh - sinh viên để mọi thứ cùng phát triển. Ở nước ngoài, tư duy được tự do phát triển, khả năng ngôn luận được tự do, cho nên những ý tưởng được phát minh rất nhiều, họ không bị gò bó bởi một khuôn khổ nào cả.  Em nghĩ VN mình nên theo hình thức đó chứ không phải là thầy nói và các trò phải răm rắp nghe. Tư duy đó là 1 tư duy cổ hủ và không còn phù hợp.  Mình phải áp dụng những điều tiên tiến ở những nước đã phát triển và xem họ làm thế nào; Đừng có bỏ ra nhiều tiền của nhân dân để đi ra nước ngoài tham dự những triển lãm này triển lãm kia hoặc đi hội thảo này hội thảo kia để rồi đem về chả có một suy nghĩ, một kiến thức gì ngoài túi LV, ngoài điện thoại mắc tiền bằng công sức của người dân. Đó là nhận định của em.

Xin cám ơn phần chia sẻ của các bạn đã dành cho chương trình.

C.N

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/YouthForum/education-n-critic-08192015103048.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn