Tài nguyên đất nước của ai và cho ai?

Tư Hoàng
11-12-2015 
 
Thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ chiếm 0,9% tổng thu ngân sách vào năm 2012, 0,8% vào năm 2013 và 1,25% vào năm 2014, trong khi hiện nay tài nguyên khoáng sản đang được khai thác với quy mô lớn. Trong ảnh: Khai thác titan tại một địa phương phía Bắc. Ảnh: KINH LUÂN


(TBKTSG) - Tổng giám đốc Công ty Mỏ Niken Bản Phúc, ông Evan Spenser, như đang ngồi trên lửa. Kế hoạch tài chính của công ty bị đảo lộn lớn sau khi đầu tư 130 triệu đô la Mỹ vào ngành khai khoáng năm 2007.
Tổng số thuế mà Niken Bản Phúc nộp thực tế đã tăng tới 218%, tương đương với 76 triệu đô la Mỹ so với tính toán tại thời điểm năm 2007. Đến nay, Niken Bản Phúc đang lỗ 35 triệu đô la Mỹ. “Gánh nặng về thuế ngày càng tăng, và do chính sách thuế thay đổi thường xuyên nên kế hoạch kéo dài tuổi thọ của dự án gặp thách thức lớn”, ông than vãn với các quan chức Bộ Tài chính trong một cuộc gặp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức gần đây.
Câu chuyện của Niken Bản Phúc dễ dẫn tới cách hiểu là công nghiệp khai khoáng đang đóng góp đáng kể cho ngân sách Việt Nam. Thực ra, điều này không hề có cơ sở, cho dù Việt Nam đang tất tả khai thác và xuất khẩu các loại quặng sắt, vàng, bauxite, đá vôi, than và nhiều loại khoáng sản thô khác.
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc, tính toán theo số liệu của Bộ Tài chính, cho biết thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ chiếm 0,9% tổng thu ngân sách vào năm 2012, 0,8% vào năm 2013 và 1,25% vào năm 2014. Nghiên cứu này tương đồng với một đánh giá của mạng lưới Liên minh Khoáng sản, theo đó, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ đạt 0,9-1,1% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2011-2013. 
Ở một số địa phương như Phú Yên, số thu thuế tài nguyên từ khai thác khoáng sản chỉ đạt khoảng 4-5 tỉ đồng/năm dù số lượng giấy phép còn hiệu lực lên đến 200. Số thu này không đủ bù đắp các chi phí quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản. Trong khi đó, các doanh nghiệp khoáng sản, như Niken Bản Phúc, đang than khóc mức thuế suất hiện nay là khá cao so với thế giới. Đó là thực tế rất phi lý.

Câu hỏi đặt ra, vì sao đóng góp của ngành khai khoáng lại èo uột như vậy khi tài nguyên khoáng sản đang được khai thác với quy mô lớn. Câu trả lời thật đáng suy nghĩ từ Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, một người có kinh nghiệm với giới doanh nghiệp.
Ông cho biết, khảo sát trong 10 năm qua của VCCI cho thấy các doanh nghiệp khai khoáng chịu “chi phí không chính thức” cao đến 73%, và bị nhiều đoàn thanh kiểm tra đến “thăm hỏi”. Ông Tuấn kể, ở địa phương, doanh nghiệp muốn có giấy phép khai thác thường phải gặp “bí thư, chủ tịch”. “Có giám đốc sở tài nguyên và môi trường suýt thì bị cách chức vì không cấp phép cho người quen của lãnh đạo tỉnh”, ông Tuấn kể lại.
Là người có kinh nghiệm thực tế ở lĩnh vực này, kỹ sư Nguyễn Thành Sơn ghi nhận nhiều câu chuyện tương tự như của ông Tuấn. Chẳng hạn, trữ lượng đá vôi trắng của Việt Nam có 171 triệu tấn, nhưng số liệu này đã bị “thổi phồng” tới 27 tỉ tấn. “Họ làm vậy để lấy cớ “cấp phép” tràn lan cho doanh nghiệp khai thác mỏ”, ông nói. Chỉ riêng tại Hà Tĩnh, chính quyền đã cấp phép cho khai thác tới 100 mỏ, theo ông Sơn. “Người ta cấp phép khai thác tràn lan mà mục đích chính là chia phần”, ông nói.
Theo ghi nhận của mạng lưới Liên minh Khoáng sản năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra 957 giấy phép khoáng sản do địa phương cấp. Kết quả cho thấy 50% giấy phép được cấp không đúng với quy định pháp luật. Đến nay, cả nước hiện có tới hơn 4.200 giấy phép khai thác khoáng sản do các địa phương cấp, trong đó hơn 50% giấy phép sai quy định; và hơn 500 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ là người hiểu rõ gan ruột tình trạng này. Cho dù Luật Khoáng sản đã có hiệu lực năm 2010, ông nói, bộ luật này hoàn toàn không đưa ra cơ chế định giá, cơ chế phân cấp và kiểm tra giám sát sau phân cấp. Hiện tại, Chính phủ cấp phép cho các mỏ có trữ lượng lớn, còn chính quyền địa phương cấp phép cho những mỏ quy mô nhỏ hơn. Ông nói: “Có rất nhiều câu chuyện đằng sau cấp phép và trên thực tế là địa phương cấp phép vượt giới hạn mà pháp luật cho phép. Việc cấp phép ở cấp tỉnh rất bừa bãi”.
Ông Võ dẫn chứng, ở tỉnh Bắc Kạn người ta chặt phá rừng khắp nơi để khai thác quặng. Do quản lý kém, nước thải tuyển quặng đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng tới nước tưới tiêu cho nông nghiệp. Song, tình trạng trên không quy được trách nhiệm do không có cơ chế giám sát từ cộng đồng sau khi phân cấp cấp phép. “Cơ chế quản lý như hiện tại không kiểm soát được tham nhũng. Rủi ro tham nhũng trong khai thác khoáng sản là rất lớn và rủi ro này bắt nguồn từ chính kẽ hở chính sách pháp luật”, ông nói.
Thế giới hiện nay có nhiều sáng kiến nhằm hạn chế thất thu ngân sách và quản lý hiệu quả hơn tài nguyên khoáng sản. Trong đó, sáng kiến minh bạch công nghiệp khai thác (EITI) được coi là một trong những sáng kiến hiệu quả nhất. 
Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2006 và Bộ Công Thương được giao là cơ quan chủ trì xem xét thực thi sáng kiến này. Tuy nhiên, sau gần 10 năm xem xét, Việt Nam vẫn chưa cam kết thực thi EITI dù nhu cầu cần cải cách lĩnh vực khoáng sản hiện nay là rất lớn.
Việc chậm cam kết EITI được bộ này lý giải là do những hạn chế về năng lực thực thi và mức độ đáp ứng về mặt chính sách. Tuy nhiên, theo rà soát đánh giá của nhiều nhóm chuyên gia độc lập, Việt Nam hiện nay hoàn toàn đáp ứng được việc thực thi EITI cả về năng lực và chính sách.
Theo tính toán của Tổng hội Địa chất, số năm khai thác còn lại của dầu khí là 56 năm, barit là 21 năm, thiếc là 19 năm, chì -  kẽm là 17 năm, vàng là 21 năm. Vậy, nguồn tài nguyên còn lại của đất nước sẽ được khai thác cho ai và vì ai?

T.H
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/139607/Tai-nguyen-dat-nuoc-cua-ai-va-cho-ai.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn