Chuyện ứng cử: Chúng ta đã phản ứng quá căng thẳng?

Bùi Phú Châu

Tác giả nói đúng. Đã nói dân chủ và pháp quyền thì việc gì lại phản ứng với người tự ứng cử?! Không lẽ Hiến pháp cho dân cái quyền tự ứng cử, mà trên thực tế lại tước đi cái quyền đó bằng cách ép tất cả phải theo con đường “đảng cử”?

Nhưng ai đã “phản ứng quá căng thẳng”? “Chúng ta” ư? Không! Có nhiều “chúng ta”. Tôi hay anh, thành viên của “chúng ta”, không những không “phản ứng quá căng thẳng”, mà thậm chí một gờ-ram phản ứng cũng tuyệt không. Chúng ta chỉ thấy vui mừng. Đất nước có nhiều người không ai cử mà vẫn xông ra gánh vác việc chung, là một đất nước vẫn còn hy vọng.

Phản ứng một điều rất đáng vui chính là những kẻ thấy sợ hãi niềm vui dân chủ của người dân. Và những vu cáo càng trắng trợn, càng chứng tỏ quy mô của sự sợ hãi đó.

Bauxite Việt Nam

Chúng ta đã xây dựng nên một đất nước bằng pháp luật và dù vì lý do gì cũng sẽ không bao giờ chà đạp lên những giá trị căn bản đã tạo dựng nên đất nước của mình. Đó có lẽ mới đúng là cách để chúng ta củng cố sức mạnh và bảo vệ đất nước.

Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của một bạn trẻ để mọi người cùng suy ngẫm.

Đầu tiên xin được trích hai cuộc đối thoại đáng chú ý trong bộ phim Người đàm phán (Bridge of Spies). Bộ phim dựa trên tình tiết của một câu chuyện có thật trong thập niên 1960, khi cuộc chiến tranh lạnh đã lên đến đỉnh điểm của căng thẳng giữa hai ý thức hệ.

Cả hai phe đều biết kẻ thù phía bên kia sở hữu và đang sẵn sàng đưa sức mạnh hạt nhân ra để đáp trả bất kỳ xung đột nào có thể xảy ra, đồng thời xóa sổ luôn phe còn lại. Hãy thử tưởng tượng xem, trong hoàn cảnh đó thì một gián điệp hạt nhân của Liên Xô bị công chúng Mỹ căm thù đến mức nào.

clip_image002

Bộ phim Người đàm phán (Bridge of Spies) dựa trên tình tiết của một câu chuyện có thật trong thập niên 1960.

Đầu tiên là cuộc đối thoại giữa ba người đàn ông tại một văn phòng luật ở New York: James Donovan (Luật sư chuyên về bảo hiểm), Tom (Luật sư điều hành hãng Luật) và Lynn (đại diện cho Liên đoàn luật sư).

Lynn: Một gián điệp Xô Viết đã bị bắt, chúng tôi muốn ông bào chữa cho hắn ta. Cáo trạng đây.

Donovan: Tôi không chắc là mình muốn nhận vụ này đâu.

Tom: Kẻ bị buộc tội không biết đến Luật sư nào cả, Tòa án cấp trên quẳng vụ này cho chúng ta, Liên đoàn đã biểu quyết, anh là người được chọn.

Lynn: Có một điều quan trọng đối với chúng ta, một điều cực kỳ quan trọng đối với đất nước của chúng ta, đó là người này phải được xét xử một cách công bằng. Hệ thống tư pháp của Hoa Kỳ đang bị thử thách.  

Và tiếp theo là cuộc đối thoại giữa Donovan và Hoffman – một nhân viên CIA khi ông này muốn Donovan tiết lộ những điều mà Abel (người bị buộc tội là gián điệp của Liên Xô) nói với ông, mặc dù điều này vi phạm pháp luật và nguyên tắc nghề luật.

Hoffman: Tôi hiểu những thủ đoạn pháp lý của các ông. Tôi biết cách mà Luật sư các ông kiếm sống. Nhưng tôi đang nói về một thứ khác, đó là an nguy của quốc gia. CIA cần phải biết những gì mà Abel  đã nói với ông. Chúng tôi phải được biết điều này, chẳng có bộ Luật nào ở đây hết.

Donovan: Ông là Hoffman, một cái tên gốc Đức. Tôi là Donovan – gốc Ailen. Cả cha lẫn mẹ. Ông là người gốc Đức, tôi là người gốc Ailen, vậy điều gì làm cả hai ta trở thành người Mỹ. Chỉ có một thứ, một thứ, đó là một bộ luật – chúng ta gọi nó là Hiến Pháp và chúng ta đồng ý sẽ tuân thủ nó. Đó là điều khiến chúng ta trở thành người Mỹ. Cho nên đừng nói với tôi là chẳng có bộ Luật nào ở đây cả!

Có một điều có thể nhận ra trong những cuộc nói chuyện này và cả trong bộ phim là tất cả mọi người, từ Liên đoàn Luật sư, Donovan cho đến CIA hay công chúng lúc đó đều muốn bảo vệ đất nước của mình trong một giai đoạn căng thẳng bậc nhất của lịch sử nhân loại. Do đó, cách mà hầu hết mọi người đều mong muốn đó là nhanh chóng trừng trị tên gián điệp Liên Xô bằng một bản án nặng nhất có thể.

Tuy nhiên, hơn ai hết, những Luật sư như Lynn của Liên đoàn luật sư và Donovan hiểu rằng: nền tư pháp Mỹ đang bị thử thách, không phải là thử thách xem nó có tống được tên gián điệp của kè thù vào tù hay không mà là thử thách xem nó có  thật sự công bằng như những gì được rao giảng là tốt đẹp hơn kẻ thù phía bên kia hay không.

Và điều quan trọng đối với đất nước ở đây chính là: nước Mỹ - như cách mà Donovan định nghĩa, sẽ sụp đổ không phải bởi một quả bom hạt nhân, mà trước hết sẽ bởi cách mà người Mỹ tự chà đạp lên giá trị căn bản đã tạo nên Hợp Chúng Quốc của mình – đó là thượng tôn pháp luật.

Và như thế có nghĩa là: để bảo vệ một đất nước, việc cần làm chính là phải bảo vệ pháp luật của nó bằng mọi giá, bởi pháp luật chính là thứ căn bản đầu tiên để dựng nên một quốc gia.

Phản ứng với những người tự ứng cử

clip_image003

Đợt bầu cử Đại biểu Quốc hội lần này của chúng ta có một danh sách dài những người tự ứng cử. Ảnh minh họa: phunuvietnam.vn

Đợt bầu cử Đại biểu Quốc hội lần này của chúng ta có một danh sách dài những người tự ứng cử. Tôi không nghĩ là mình có quyền đánh giá tư cách cá nhân họ một cách công khai trên bất kỳ một góc độ nào. Đơn giản, về mặt pháp luật, tôi xem hành vi của họ là hành vi tôn trọng pháp luật.

Bởi vì, bằng hành vi nộp đơn tự ứng cử, họ đã đồng thời tuyên bố rằng mình tôn trọng toàn bộ pháp luật của  quốc gia về bầu cử, và cam kết rằng mình sẽ tuân theo mọi quy định của pháp luật về bầu cử. Nói cách khác, về mặt hành vi, họ đang tham gia xây dựng một cuộc bầu cử theo đúng ý nghĩa và quy trình pháp luật chứ không phải tìm cách phá hoại một cuộc bầu cử như có ai đó đang cố gắng suy nghĩ.

Nhưng ngược lại, chúng ta có lẽ đã phản ứng quá căng thẳng và phần nào… vi phạm pháp luật trong trường hợp này. Tôi đọc thấy ở đâu đó trên mạng có người gọi họ là “phường chèo”, “chỉ biết hát”, thậm chí có những tổ chức tự phát bắt đầu tìm cách bịa đặt, bêu xấu cá nhân những người tự ứng cử trên mạng. Hay gần đây là tuyên bố buộc tội: “có tổ chức phản động đứng sau những người tự ứng cử!”.

Bảo vệ đất nước phải làm cho đúng

Tôi hiểu và tin rằng số đông có những căn cứ của mình để phản ứng với một vài trường hợp tự ra ứng cử lần này. Tuy nhiên, nên nhớ rằng không chỉ người Mỹ mới xây dựng nên đất nước bằng pháp luật, và không phải chỉ người Mỹ mới biết thượng tôn pháp luật.

Cho nên, nếu xem trường hợp của chúng ta cũng giống như nước Mỹ những năm 1960 như đã nêu ở trên, rằng, (giả định) thật sự có một thế lực vô hình nào đó đang đứng sau một vài cá nhân tự ứng cử, thì cuối cùng, hãy xem mục đích của họ chính là đang thử thách đối với nền pháp luật quốc gia.

Do đó, cách phản ứng mạnh mẽ và đúng đắn nhất phải là hành động để cho họ thấy được chúng ta đang làm được như những gì chúng ta đã nói, rằng: công dân có đầy đủ quyền chính trị được quy định trong pháp luật và chính quyền bảo vệ và tạo mọi điều kiện cho công dân được thực hiện quyền chính trị của mình.

Đó chính là lời khẳng định rằng chúng ta đã xây dựng nên một đất nước bằng pháp luật và dù vì lý do gì cũng sẽ không bao giờ chà đạp lên những giá trị căn bản từng tạo dựng nên đất nước của mình. Đó mới đúng là cách để chúng ta củng cố sức mạnh và bảo vệ đất nước.

B. P. C.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/295662/chuyen-ung-cu-chung-ta-da-phan-ung-qua-cang-thang.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn