Kịch tính Giải Văn Việt lần thứ nhất

Chính Vĩ

Gửi cho BBC từ Sài Gòn

3 tháng 3 2016

clip_image002

Khởi động hơn một năm, Giải Văn Việt lần thứ nhất (2014 - 2015) đã được trao từ lúc 9h30 ngày 3/3/2016 (giờ Việt Nam) tại tư gia nhà thơ Ý Nhi ở Sài Gòn - một thành viên ban giám khảo.

Chọn tư gia của Ý Nhi là việc chẳng đặng đừng, vì phía tổ chức đã tìm kiếm nhiều địa điểm, nhưng cuối cùng đều bất thành, do áp lực từ phía chính quyền.

Thế nhưng, đây vô tình lại là việc rất hay, vì nó đúng với tinh thần dân sự mà Văn đoàn độc lập Việt Nam, cũng như cộng đồng Văn Việt đã chọn để đi.

Với lại, quan trọng nhất vẫn là chất lượng và ý nghĩa của giải thưởng, chứ không phải do địa điểm trao giải quyết định.

Nhìn vào thành phần ban giám khảo và những tác giả được chọn trao dưới đây, có thể thấy phía tổ chức đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm những tác phẩm giàu giá trị văn học.

Tổng giải thưởng lần thứ nhất là 7.500 USD, tương đương 165.000.000 VND. Phía tổ chức đang hi vọng những lần trao giải sau sẽ có giá trị hiện kim nhiều hơn nữa.

Dùng chữ kịch tính để gọi Giải Văn Việt lần thứ nhất, vì thời gian qua việc tuyên bố vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn từ chính quyền. Từ 56 thành viên đầu tiên, nhiều người đã không chịu nổi áp lực nên xin rút tên.

Trang web chính thức của Văn Việt - công cụ thể hiện của Văn đoàn độc lập Việt Nam - đã bị tường lửa nặng nề, muốn vào đọc rất khó khăn.

Ngày 12/2/2016, việc bầu chọn Giải đặc biệt đã diễn ra, kết quả văn xuôi trao cho nhà văn quá cố Bùi Ngọc Tấn (1934 - 2014), với sự nhất trí 5/5 phiếu từ 5 thành viên ban giám khảo. Hai tác phẩm được chọn trao giải là Chuyện kể năm 2000 (tiểu thuyết) và Hậu chuyện kể năm 2000 (hồi ức).

Về nghiên cứu - phê bình, Giải đặc biệt trao cho nhà phê bình Thụy Khuê (Pháp), với sự nhất trí 5/5 phiếu. Loạt tác phẩm nghiên cứu Văn học miền Nam 1954-1975 và công trình biên khảo Những người Pháp với vua Gia Long được chọn xét giải.

Mỗi Giải đặc biệt gồm giấy chứng nhận và 2.000 USD.

Sau đó, ngày 15/2/2016, cuộc bầu chọn Giải chính thức đã hoàn tất theo đúng tiến độ. Kết quả như sau: Văn xuôi trao cho nhà văn Di-Hạnh Nguyên với loạt truyện ngắn Lúc nửa đêm, Cô gái ngồi bên của sổ, Giới hạn của khí trời, Người lạ, Wind shadow: OK, với sự nhất trí 4/5 phiếu.

Thơ trao cho nhà thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư, với sự nhất trí 4/5 phiếu. Các tác phẩm được chọn trao gồm Những mảnh rời (chùm thơ), Thiêu hủy bài thơ, Huế mùa khói sương, Có những điều giả định, 12 bài thơ (chùm thơ).

Nghiên cứu - phê bình trao cho nhà thơ - nhà nghiên cứu Inrasara, với sự nhất trí 5/5 phiếu, loạt bài Hồ sơ biên bản so sánh được chọn để chấm.

Mỗi Giải chính thức gồm giấy chứng nhận và 1.000 USD.

Chủ tịch Hội đồng giám khảo là nhà văn Nguyên Ngọc cũng có giải của riêng mình. Ông đã chọn nhạc sĩ Tuấn Khanh với các bài tản văn như Quyền năng của trí tưởng tượng, Phía sau ánh pháo hoa, Đường trải thảm đến cửa địa ngục, Tổ quốc là gì? Tôi vẫn tự hỏi…

Giải này gồm giấy chứng nhận và 500 USD.

C.V.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/03/160303_giai_van_viet

-----------------------

CHUYỆN VÒNG NGOÀI CỦA BUỔI LỄ TRAO GIẢI VĂN VIỆT
Hôm nay ngày 3-3-2016 Hội Văn Đoàn Độc Lập tổ chức trao giải Văn Việt. Tôi không viết về nội dung lễ trao giải sẽ có bài của Hội Văn Đoàn Độc lập đăng vì toàn là những nhà văn nổi tiếng và kiêm nhà báo cũng tiếng nổi, nên chắc chắn họ viết hay hơn và nội dung sẽ sâu hơn. 
Tôi chỉ viết những bi hài xung quanh buổi lễ này. Trước khi đi tôi gọi cho nhà báo Lê Phú Khải, bác ấy bật máy nhưng tôi nghe tiếng cãi vã và cả giằng co rồi tăt ngúm... Tôi hiểu rồi, xong một bác. 
Đến nơi thì được biết ngoài nhà văn Phạm Đình Trọng (Bị ăn "bánh canh" chuyên nghiệp) thì nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng bị bánh canh và một số người khác. Đang ngồi quạt nhà chị Ý Nhi thở tí cho đỡ mệt thì đèn và quạt phụt tắt. Tất cả cười phá lên... biết rồi, chơi mãi trò này à?
Nhưng lễ.trao giải vẫn rất đông người tham dự kể cả các bác Vũng Tàu cũng vẫn lên kịp. Mọi người đang nhắc đến giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thì bác ấy chắc ngứa tại hay sao, điện thoại tôi reo lên... chính bác. Bác ấy kể : Anh đang lái xe đi ra để đến dự thì 4 an ninh chặn xe lại không cho anh đi, "nói chuyện" với nhau một thôi một hồi thì ... bác ấy phải đi cất xe và ngồi nhà gọi điện tới chúc mừng.
Lễ xong, CLB Lê Hiếu Đằng mời cơm, thì nhà báo Lê Phú Khải hớt ha hớt hải tới… Trong bữa ăn cụ ngồi than thở với tớ: Thế có lộn ruột không chứ, các ông "cá kình" như TS Nguyễn Quang A, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Hoàng Hưng sao chúng không chặn, lại đi chăn một "con tép" như anh? Tớ nói: Tép này nhiều càng, nhiều ngạnh quá… chặn tuốt cho lành. 
Bạn Mai Oanh đi cùng Khánh Trâm đến muộn … kể mới biết nguyên do là: hai bánh xe bị đâm thủng cả hai... sửa xong mới tới được, nên muộn.
Còn tớ thì không phải đến dự được vì là "cá kình cá kéo" gì, chẳng qua là hôm qua tớ tuyên leo lẻo với tất cả mọi người trong điện thoại là quá mệt nên không đi. Ai dè 8 giờ bác Quang A "đánh thức" ... nên đi thoải con gà mái luôn.

Nguồn: FB Sương Quỳnh

https://www.facebook.com/suong.quynh.52#

--------------------

Đọc thêm:

1. LỜI CẢM TẠ CỦA THUỴ KHUÊ

Sương Quỳnh

Hôm nay, Tôi được vinh hạnh đọc Lời Cảm Tạ của nhà văn Thuỵ Khuê cảm ơn Hội Văn Đoàn Độc Lập khi trao giải đặc biệt cho nhà văn. Giải đặc biệt trao cho nhà phê bình Thụy Khuê (Pháp), với sự nhất trí 5/5 phiếu. Loạt tác phẩm nghiên cứu Văn học miền Nam 1954-1975 và công trình biên khảo Những người Pháp với vua Gia Long được chọn xét giải.
Mỗi Giải đặc biệt gồm giấy chứng nhận và 2.000 USD. Nhưng nhà văn đã tặng toàn bộ giải thưởng này cho quỹ Hội Văn Đoàn Độc Lập với mong muốnHội ngày càng phát triển và có những tác phẩm giá trị.
Thực ra tôi không biết nhà văn Thuỵ Khuê và chưa gặp chị lần nào. Nhưng khi nhà thơ Hoàng Hưng trao cho tôi vinh dự này, tôi đọc bức thư của chị tôi đã rất xúc động. Toàn văn bức thư sau đây:

LỜI CẢM TẠ CỦA THUỴ KHUÊ
Kính thứ quí vị
Kính thưa anh Nguyên Ngọc và toàn thể hội đồng giám khảo giải Văn Học Việt 2016
Nhận một giải thưởng văn học luôn là một vinh hạnh, bởi ngoài những tiêu chuẩn về nghệ thuật dành cho một sáng tác, tiêu chuẩn khoa học dành cho một công trình nghiên cứu, mà mỗi thành viên ban giám khảo đã lấy làm chuẩn mực để đánh giá, còn có sự tin cậy và hy vọng ở người nhận giải, một cố gắng, một tiếp tục, một tiến triển.
Đối với tôi, sự nhận giải hôm nay còn có thêm những ý nghĩa khác.
Trước hết, giải thưởng này như một nối kết niềm tin giữa những ngòi bút trong nước và ngoài nước, cùng chung một ly tưởng: tìm cách đưa văn học và nghiên cứu ra khỏi tình trạng bế tắc hiện thời, bằng cách kích thích những tài năng mới nơi người viết và những cảm thức, những say mê mới nơi người đọc, khiến cả đôi bên đều thấy những lợi ích tinh thần mà việc viết và việc đọc có thể đem lại cho chúng ta.
Giải thưởng này theo sự hiểu biết của tôi là giải thưởng đầu tiên, hoàn toàn được xây dựng bằng công sức của những người trong một văn đoàn chưa thành hình, lấy tự do tư tưởng làm chủ đích. Hội tụ những ngòi bút, không phân biệt biên giới, lằn ranh trong và ngoài, lấy sự phục hưng nền văn học nghệ thuật của toàn thể nước Việt trong quá khứ , hiện tại và tương lai làm lợi khí tinh thần.
Công việc mà Văn Việt đã làm được trong hai năm qua, tuy còn nhiều thiếu sót, những đã cho thấy một điều chúng ta đã bắt đầu, chúng ta đã làm, rồi chúng ta sẽ có những thành quả.
Sự bắt đầu nào cũng đầy sơ hở, nhưng điều quan trọng là tiếp tục và tiến triển và đó là ý nghĩa đầu tiên của giải thưởng văn học mà tôi được nhận ngày hôm nay.
Xin thành thật cảm ơn quí vị
Thuỵ Khuê.

clip_image004

clip_image006

clip_image008

Nguồn: https://www.facebook.com/suong.quynh.52#

2. GIẢI THƯỞNG PHÊ BÌNH VĂN HỌC CỦA VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP LẦN 1 (2014-2015) DÀNH CHO INRASARA

Inrasara

clip_image010

clip_image012

Từ nhập cuộc nghiên cứu và phê bình văn chương Việt, tôi may mắn nhận được mấy giải thưởng.

Đầu tiên, năm 2010 là “Tặng thưởng Tác phẩm hay” trong năm của tạp chí Sông Hương dành cho bài “Hóa giải và hòa giải ba loài thơ hôm nay”.

5 năm sau – 2015, tạp chí Sông Lam cũng trao cho tôi Tặng thưởng dạng này.

Năm 2014, Nhập cuộc về hướng Mở đoạt Giải thưởng [chính thống] của Hội đồng Lí luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương.

Năm nay, chùm 19 bài phê bình “Hồ sơ Biên bản so sánh” nhận Giải thưởng của Văn đoàn Độc lập (2014-2015), là một tổ chức văn học phi chính thống.

Tác phẩm tôi viết, in hay đăng lên mạng, sau đó được các hội đồng xét trao giải. Tôi vui vẻ nhận, và nói lời cảm ơn. Riêng Giải thưởng của Văn đoàn Độc lập, tôi xin gửi lời cảm ơn đến:

các nhà thơ đã mất;

các nhà thơ đang sống: Tô Thùy Yên, Hoàng Hưng, Nguyễn Hoàng Nam, Lê Anh Hoài, Lê Vĩnh Tài, Đinh Linh, Lê Văn Tài, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Phan Quế Mai, Bùi Chát, Ly Doi, Phan Bá Thọ, Vi Thùy Linh, Lam Hạnh…

các bạn thơ Cham: Jalau Anưk, Trần Wũ Khang, Tuệ Nguyên, Myra Hoachampa Kiều Maily…

là các tác giả có những đoạn/ bài thơ tôi được hân hạnh trích và bình.

Xin cảm ơn nhà nghiên cứu, nhà phê bình Lại Nguyên Ân dành cho loạt bài viết của tôi các nhận định chuẩn xác rất đáng tiếp nhận.

Cuối cùng, xin cảm ơn Hội đồng xét giải quan tâm và nắm bắt tần số ý tưởng tôi, công nhận cuộc phiêu lưu hãy còn dang dở này.

Xin cảm ơn tất cả.

Nguồn: http://inrasara.com/2016/03/03/giai-thuong-phe-binh-van-hoc-cua-van-doan-doc-lap-lan-1-2014-2015-danh-cho-inrasara/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn