Từ sĩ quan an ninh trở thành người chỉ trích chính quyền

Sven Hansen (taz)

Dịch giả: Nguyễn Trọng Toàn (Diễn Đàn Việt Nam 21)

Nguyên bản tiếng Đức: Vom Stasioffizier zum Staatskritiker, Sven Hansen, nhật báo taz 01/03/2016

02/03/2016 (DĐVN21) - Blogger Nguyễn Hữu Vinh ngồi tù gần hai năm mà cho đến nay không có phiên toà xét xử. Ông là một trong nhiều người bị bách hại.

"Chồng tôi muốn nhất thiết phải được đưa ra tòa để trường hợp của ông được xét xử công khai", bà Lê Thị Minh Hà nói khi đến thăm toà soạn taz. Bà là vợ của blogger Nguyễn Hữu Vinh, người bị giam giữ đã gần hai năm nay tại Hà Nội, thủ đô Việt Nam. "Anh ấy tin chắc rằng trong trường hợp của anh chính quyền đã phạm rất nhiều sai lầm. Bây giờ cơ quan an ninh và tư pháp bị kẹt trong ngõ cụt tiến thoái lưỡng nan. Một số người ngờ rằng nếu anh ấy không sớm ra tòa án thì có thể nằm tù còn lâu".

Phiên toà xử ông Vinh, 59 tuổi, nổi tiếng qua tên blogger Anh Ba Sàm tại Việt Nam, được dự trù vào ngày 19 tháng Giêng. Nhưng thời điểm này lại ngay trước Đại hội XII của đảng Cộng sản và có thể làm xấu đại hội do đó phiên tòa đã bị hoãn lại vô thời hạn.

Vinh bị bắt cùng với người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy vào ngày 05 tháng Năm 2014. Ba ngày trước đó, Trung Quốc đã kéo vào Biển Đông một giàn khoan ở một khu vực mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Vinh viết blog về các tranh chấp với Trung Quốc. Trong đề tài này ở Việt Nam luôn có biểu tình chống Trung Quốc. Sau đó giới lãnh đạo đảng thường phản ứng bất nhất. Tháng 5 năm 2014 họ bắt giữ Vinh - người bất đồng chính kiến. Ngoài ra thì những người biểu tình không hề hấn gì cho đến khi nhà máy Trung Quốc hoặc nhà máy bị lầm là của Trung quốc bị đốt và một số người thiệt mạng.

clip_image002

"Lúc đầu, tôi nghĩ rằng chồng tôi bị bắt vì blog của mình", bà Hà nói. Vinh đã lập blog Anhbasam năm 2007 để thúc đẩy cuộc tranh luận mang tính phê bình. Hàng ngày ông đăng bài viết của truyền thông nhà nước cũng như những bài của truyền thông nước ngoài hay các bài blog của những người lưu vong và các nhà hoạt động. Từ năm 2013, trang mạng của ông được vận hành ở nước ngoài để khó bị Hà Nội truy kích hơn.

Càng ngày càng nhiều người phải đi lưu vong

Nhiều lần trang web đã bị thâm nhập, thủ phạm dường như là người của chế độ. "Khi chính quyền nhận ra trang Anh Ba Sàm vẫn tiếp tục hoạt động sau khi anh bị bắt, họ cáo buộc chồng tôi điều hành hai trang mạng bất hợp pháp khác", bà Hà nói. Các báo cáo của họ kết thúc với việc Vinh bị bắt giữ.

Nhà chức trách buộc tội blogger nổi tiếng này "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" theo Điều 258 Luật Hình sự Việt Nam. Đây là một biện pháp phổ biến để khóa miệng các blogger chỉ trích chính quyền. Theo Phóng viên Không Biên giới hiện nay ở Việt Nam 14 blogger bị cầm tù. Gần đây nhiều blogger bị "kẻ lạ" hành hung. Và càng ngày càng thêm blogger trực tiếp đi lưu vong sau khi chấp hành án của họ.

Trong khoảng 200 tù nhân chính trị tại Việt Nam blogger là nhóm lớn nhất. Ngay cả các nhà hoạt động tôn giáo đã bị hậu quả nghiêm trọng. Do đó hồi tháng Giêng tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã cùng tổ chức từ thiện Thiên chúa giáo Missio phát động chiến dịch đòi tự do cho linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý. Ông đã đưa ra một cơ sở trực tuyến cho dân chủ. "Hoạt động cho các Kitô hữu bị áp bức và thiểu số tôn giáo khác cũng luôn luôn có nghĩa là dấn thân cho tự do thông tin - và ngược lại", Phóng viên Không Biên giới bày tỏ trên trang mạng của mình. Trong bảng xếp hạng Tự do Báo chí của họ, Việt Nam đứng thứ 175 trên 180 quốc gia.

Theo vợ ông, Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh bị cáo buộc chống lại nhân dân Việt Nam, cụ thể trong 24 bài viết. "Nhưng đó không phải là bài của anh ấy", bà nói.

Mãi tám tháng sau khi Vinh bị bắt bà Hà mới được thăm lần đầu tiên, đến nay chỉ có năm lần. "Trong lần gặp cuối cùng hồi tháng Mười, anh ấy nói với tôi là bị bệnh, chắc là ngộ độc máu. Nhưng anh ấy không được điều trị".

Quá khứ làm công an

Là đảng viên đảng Cộng sản cũng như cựu sĩ quan an ninh Việt Nam, Vinh biết những gì có thể xảy đến. Nhưng anh tin vào gốc gác có tiếng và những mối liên hệ với bộ máy chế độ. Cha của Vinh từng là bộ trưởng, thành viên Trung ương đảng và đại sứ tại Liên Xô. Vinh được huấn luyện tại Đại học An ninh, cùng trường với bà Hà. Là một sĩ quan của an ninh quốc gia ở dịch vụ trong và ngoài nước, ông có thể truy cập những thông tin thường bị kiểm duyệt. Chính điều này làm cho ông xét lại.

"Chồng tôi làm việc cho Cục Công an đến năm 2000. Ở đó anh khám phá ra những việc mờ ám bất hợp pháp. Khi anh tố cáo bộ trưởng, anh bị thuyên chuyển", bà Hà nói. Sau đó, Vinh mở công ty thám tử tư đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2005, ông bắt đầu viết blog.

Thoạt tiên, giới blogger và những người bất đồng chính kiến không mấy tin Vinh vì gốc gác và quá khứ công an của ông: các bài viết của ông nổi bật qua nhiều thông tin nội bộ, thêm vào đó chính quyền để yên cho ông.

"Hầu như tất cả các cán bộ đối phó với trường hợp của chồng tôi đều từng là bạn của tôi hay của anh ấy" bà Hà nói. "Chúng tôi đã cùng học với họ. Ngày nay họ là tướng. Một người bạn cũ ra lệnh bắt giam anh ấy thì bây giờ ngồi trong Bộ Chính trị và chắc nay mai sẽ làm bộ trưởng. Nay ông ta gọi chồng tôi là phản động. Nhưng anh ấy là một nhà báo muốn dân chủ hóa xã hội bằng cách thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình".

S.H.

V.N.Y gửi BVN

(*) Ghi chú của Ngọc Thu (https://anhbasam.wordpress.com/2016/03/03/7345-tu-si-quan-an-ninh-tro-thanh-nguoi-chi-trich-chinh-quyen/):

Thật ra thì từ bắt đầu tháng 6 năm 2011, trang Ba Sàm đã được vận hành ở nước ngoài (Xem thêm thông tin tại đây) chứ không phải từ năm 2013. Đến tháng 3 năm 2013, trang Ba Sàm bị tin tặc tấn công, chiếm quyền kiểm soát, cũng như tấn công vào máy tính của tôi, chúng đã nhân danh tôi, viết bài “tự thú” đưa lên blog Ba Sàm. Mời xem lại bài điều tra của phóng viên AP về cuộc tấn công này: “Đội quân hacker” của Việt Nam chỉa mũi nhọn sang Mỹ và Pháp.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn