Phản ứng có điều kiện và suy nghĩ đúng về Biển Đông

Bilahari Kausikan

Võ Xuân Quế dịch

Ngày 30.3.2016 vừa qua nhà ngoại giao Singapore đã nghỉ hưu – Bilahari Kausikan đã có bài thuyết trình về ảnh hưởng của cuộc chạy đua giữa Mỹ và Trung Quốc đối với các nước ASEAN tại Viện nghiên cứu Chính sách (Singapore). Phần trích dưới đây nói về sự quyết đoán ngày một gia tăng trong thời gian gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông[*]

Trên phạm vi toàn cầu, Trung Quốc chưa phải là một cường quốc rõ rệt. Nhưng Bắc Kinh muốn đòi lại một số vị trí trung tâm về lịch sử của họ ở Đông Á. Mỹ đã nhấn mạnh rằng họ vẫn là một cường quốc hiện diện ở Đông Á.

Vì thế, thách thức chiến lược đối với Trung Quốc là làm thế nào để đẩy lùi Mỹ ra khỏi trung tâm của cán cân chiến lược Đông Á và chiếm lĩnh vị trí đó nhưng không kích động phản ứng từ Mỹ và Nhật Bản, điều sẽ gây ra nguy hiểm cho sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Còn đối với Mỹ, thách thức chiến lược là làm thế nào để kiềm chế Trung Quốc đồng thời tái khẳng định với các đồng minh và các nước muốn làm bạn với Mỹ rằng họ vẫn hiện diện ở khu vực, song không sa lầy vào xung đột.

Biển Đông không chỉ là vấn đề duy nhất, thậm chí có lẽ nó không phải là vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ Trung-Mỹ. Nhưng Biển Đông hiện nay là vấn đề được coi như hàn thử biểu của cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ và thể hiện rõ nhất mối quan tâm của họ. Dù có thích hay không, khu vực sẽ rút ra những kết luận về quyết tâm của Mỹ và những mục đích của Trung Quốc từ vấn đề Biển Đông, điều cũng sẽ định hình nhận thức của các nước Asean.

Thật tẻ nhạt khi thuật lại những ví dụ cụ thể về việc Trung Quốc đã dùng vũ lực hoặc những đòi hỏi đơn phương về chủ quyền bằng những đe dọa vũ lực ở Biển Đông. Năm 2012, Trung Quốc đã thành lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam bao gồm cả các đảo đang tranh chấp thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Spratly Islands), cũng như Bãi ngầm Macclesfield (Macclesfield Bank). Năm tiếp theo, họ ban bố Quy định đánh bắt hải sản Hải Nam trong đó áp dụng luật của họ đối với những khu vực tranh chấp. Từ đó Trung Quốc trở nên hiếu chiến hơn trong việc áp dụng thêm những quyền thuộc phạm vi quốc nội của họ ở Biển Đông.

Từ năm 2013, Trung Quốc bắt đầu một chương trình đầy tham vọng về yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, xây dựng nhiều cơ sở các loại trên các đảo nhân tạo và thiết lập một số cơ sở quân sự tại đó. Trung Quốc ngụy biện rằng họ không phải là nước đầu tiên cải tạo hay thiết lập các căn cứ quân sự trên Biển Đông. Điều đó đúng, song không thích hợp.

Tốc độ và quy mô cải tạo của Trung Quốc lấn át tất cả những gì mà các nước có tuyên bố khác từng thực hiện và các hành động của một nước lớn luôn chuyển tải một thông điệp khác hơn của các nước nhỏ. Lập luận của Trung Quốc rằng các cơ sở họ xây dựng là một điều tốt, đem lại lợi ích cho tất cả những ai sử dụng Biển Đông thật khó tin tưởng được.

clip_image001

Lính Trung Quốc đứng gác trên đảo Trường Sa hôm 10.2.2016. Ảnh: Reuters, Nguồn: Strait Times.

Trung Quốc tiếp tục hứa hẹn với các nước AESAN về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông, nhưng bằng một cách thiếu thuyết phục. Tiến độ vẫn dậm chân tại chỗ và các quan chức ngoại giao Trung Quốc thường thảo luận về COC như kiểu bắt giữ con tin để kiềm chế tiếng nói của các nước ASEAN mà bất lợi cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Thậm chí, thỉnh thoảng họ còn ngang ngược đi quá đà làm tăng thêm mối lo lắng hơn là làm nó dịu đi.

Có lần, sau khi Thủ tướng của chúng tôi (Singapore – ND) phát biểu về Biển Đông tại một diễn đàn Đông Nam Á, một quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc nói với một đồng nghiệp trẻ của tôi rằng “im lặng là vàng”. Nếu ông ta muốn ngụ ý rằng chúng tôi không có quyền phát biểu về một vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến lợi ích của chúng tôi thì ông ta đã làm giảm đi sự đáng tin về tuyên bố “phát triển trong hòa bình” của Trung Quốc.

Đấy không chỉ là một trường hợp hi hữu và cũng không phải chỉ xảy ra với riêng Singapore. Trung Quốc thường cố gây sức ép với các thành viên ASEAN ở các mức độ khác nhau để họ không đưa vấn đề Biển Đông ra các diễn đàn ASEAN cũng như không ủng hộ các nước khác làm việc đó.

Ngoại giao kiểu Trung Quốc

Những việc làm kiểu như thế không chỉ giới hạn trong vấn đề Biển Đông mà thậm chí thỉnh thoảng còn thể hiện ở những điều hết sức tầm thường. Mấy năm trước khi tôi nghỉ hưu, một vị đồng nhiệm của tôi từ một nước thuộc khối ASEAN đã giữ vị trí chủ tịch ASEAN nói với tôi rằng đại sứ Trung Quốc ở nước ông ấy đã ép ông ấy chuyển chỗ của lãnh đạo một nước ASEAN tham dự diễn đàn của khối khỏi khách sạn mà đoàn của nước ấy đã được bố trí để chỗ đó cho thủ tướng Ôn Gia Bảo ở. Vị đại sứ (Trung Quốc – ND) khăng khăng đề nghị như vậy mặc dù khách sạn được bố trí cho thủ tướng Ôn có chất lượng tương tự. Không biết thủ tướng Ôn có biết điều này không?

Liệu ông Ôn Gia Bảo nghĩ gì nếu ông ta biết không? Song hành xử ấy dĩ nhiên đã để lại một ấn tượng khó quên đối với vị đồng nhiệm của tôi và không nghi ngờ gì là đoàn của quốc gia ASEAN kia đã buộc phải chuyển chỗ ở.

Các quan chức ngoại giao Trung Quốc thường gieo rắc một sự hoang mang rằng sự hào phóng của Trung Quốc đối với các nước ASEAN không nhằm mục đích khuếch trương sự biết ơn hay xoa dịu sự thiếu tin tưởng và họ giả vờ đổ lỗi cho những tác động có ác ý từ bên ngoài. Tôi không nghĩ rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc kém cỏi hay thiếu trung thực hơn các nhà ngoại giao nước khác. Hành xử của họ, theo tôi, tốt hơn cần được hiểu như một sự minh họa lối hung hăng-thụ động và thừa nhận thế tiến thoái lưỡng nan nhằm ép buộc chấp nhận thế bề trên vốn có của Trung Quốc như trật tự tự nhiên của quan hệ quốc tế Đông Á-hay ít nhất quan hệ quốc tế Đông Nam Á, bởi vì tôi tin rằng Nhật Bản sẽ không bao giờ chấp nhận quan điểm đó của ngoại giao Trung quốc.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc thường xuyên bị nhồi nhét ở nhà định kiến rằng nếu quan hệ song phương giữa Trung Quốc với các nước ASEAN bị rạn nứt là vì các nước ASEAN cứ  một mực ngoan cố đưa vấn để Biển Đông ra ngay cả khi những cái miệng của chúng ta bị nhồi nhét bánh ngon của Trung Quốc, hoặc bởi vì thủ tướng Trung Quốc phải ở khách sạn này mà không phải khách sạn khác, hoặc một số ngày họ đề nghị cho một cuộc gặp không được đồng ý vì nó không thích hợp cho các nước ASEAN, nó là lỗi của chúng ta và chỉ của chúng ta.

Trung Quốc không chỉ muốn xem xét những lợi ích của họ. Trung Quốc chờ đợi một sự chiều ý để những lợi ích của họ được các thành viên ASEAN tiếp nhận như là một kiểu suy nghĩ; chứ không như là một sự cân nhắc đúng đắn về những lợi ích của ASEAN đối với Trung Quốc. Nhưng “suy nghĩ đúng” dẫn đến “hành xử đúng”. Những tính toán chính sách ngoại giao là vấn đề cần được xem xét lại liên tục; suy nghĩ đúng là một phần lâu dài của nhận thức.

Điều tầm thường nhất của lối hành xử là đôi khi Trung Quốc cố áp đặt tính toán mà họ tìm kiếm cho các nước ASEAN thông qua một quá trình phản ứng có điều kiện. Điều đó không phải bao giờ cũng có kết quả, trái lại nó có thể phản tác dụng. Song nó cũng thường có tác dụng đủ tốt với ít nhất một số quốc gia thành viên ASEAN mà Trung Quốc kiên trì theo đuổi.

Các nước ASEAN Phản ứng lại

Các nước Asean bắt đầu phản ứng lại sự quyết đoán của Trung Quốc. Một số quốc gia Asean từng tuyên bố chủ quyền, trong đó có Việt Nam, đã xích đến gần hơn với Mỹ và Nhật Bản để cân bằng với Trung Quốc. Tại diễn đàn gần đây nhất của Trung Quốc với ASEAN, hai trong ba đề nghị mà Trung Quốc thường đưa ra ở những sự kiện như vậy đã không được chấp nhận và đề nghị còn lại cũng chỉ được chấp nhận sau một sự trì hoãn. Indonesia, quốc gia không có tuyên bố chủ quyền đã bày tỏ sự quan ngại đối với những tuyên bố của Trung Quốc về vùng kinh tế ngoại vi của họ ở Natunas và cho biết họ tính chuyện bố trí quân lực ở một số căn cứ quân sự quan trọng của họ tại đó. Tuy nhiên, dù họ có quan tâm như thế nào thì cũng có một sự giới hạn nhất định đối với việc một nước ASEAN có thể nghiêng về phía Mỹ.

Không ai có thể phớt lờ hoặc bỏ qua Trung Quốc. Việt Nam là một trường hợp điển hình. Ngoài tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam có một lịch sử lâu dài và nhiễu loạn với Trung Quốc, nhưng một viên chức cao cấp Việt Nam từng nói với tôi rằng: “Mỗi nhà lãnh đạo Việt Nam phải có khả năng đương đầu với Trung Quốc và làm bạn với Trung Quốc. Nếu ai đó nghĩ điều ấy không thể thực hiện được cùng lúc thì người đó không xứng đáng là một vị lãnh đạo.”

Tình trạng bất ổn hiện thời ở Malaysia về việc tàu của Trung Quốc có xâm phạm vào lãnh hải của họ hay không – một vị bộ trưởng nói có, vị khác phản bác lại – có lẽ minh chứng sự đa dạng và bất đồng thuận trên chính trường ASEAN. Trong bất cứ trường hợp nào, đối với Bắc Kinh cái giá trong quan hệ với ASEAN mà Trung Quốc phải trả cho sự quyết đoán của họ ở Biển Đông cũng không cao như đầu tư vào chứng khoán.

Quan tâm chính yếu: Bảo vệ tính pháp lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Những mối quan tâm ấy là gì? Tôi ngờ rằng việc kiểm soát nguồn tài nguyên các loại rất đáng quan tâm trong các tính toán của Trung Quốc về Biển Đông. Nguồn tài nguyên có thể được chia sẻ mà không gây thiệt hại tới các khẳng định chủ quyền như Trung Quốc từng gợi ý, mặc dù các hành động của chính họ lại không hề thể hiện một sự tán đồng nào như thế trong tương lai gần.

Chúng ta có thể gạt bỏ khả năng cho rằng Trung Quốc đang cố gắng tăng cường tính pháp lý của họ. Trung Quốc thậm chí không thừa nhận rằng nhiều khu vực tranh chấp bởi các nước ASEAN là đang có tranh chấp. Trong bài nói chuyện ở Singapore, chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình khẳng định rằng: “Các đảo trên Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại”. Việc đưa ra đường chín đoạn không có cơ sở đã tăng thêm mối lo lắng của quốc tế và khu vực. Nhưng Trung Quốc đã nói rằng họ sẽ không công nhận các phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế về việc Philippines kiện họ theo Unclos (nghị quyết của Liên hợp quốc về luật biển), ngay cả điều tối thiểu nhất là làm rõ tính pháp lý của đường chín đoạn. Các nhà ngoại giao Trung Quốc thỉnh thoảng còn biện minh rằng các nước ASEAN không có quyền đòi Trung Quốc phải làm rõ tuyên bố của họ.

Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc quan ngại tính pháp lý của vấn đề Biển Đông, mặc dù thỉnh thoảng họ sử dụng từ ngữ của luật quốc tế để bảo vệ vị thế của họ. Song điều đó không giống như việc công nhận một tranh cãi về pháp lý và họ không cho phép làm như vậy. Như tôi đã nói đến trong bài trước, gần đây Trung Quốc dựa nhiều hơn vào lịch sử để biện luận cho các tuyên bố của mình.

Các kế hoạch quân sự phải chuẩn bị để đề phòng bất trắc, nhưng tôi ngờ rằng các hành động của Trung Quốc chủ yếu là nhằm giành lợi thế về quân sự đối với Mỹ. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Mỹ, các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự trên đó sẽ bị bốc hơi trong ít phút và sẽ không gây ra hậu quả gì nghiêm trọng. Dù thế nào thì như tôi đã lập luận trong bài thuyết trình trước đây, chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ không xảy ra. Bắc Kinh đã kiểm soát các hành động của họ ở Biển Đông một cách cẩn trọng để các nhà chức trách Mỹ cảm thấy không bị ép buộc và phản ứng lại một cách chấp nhận được. Mỹ đã khẳng định rõ rằng sự liên minh của họ với Nhật bao gồm cả những hòn đảo có tranh chấp trên Biển Hoa Đông, nhưng điều tương tự không áp dụng trong liên minh với Philippines và những lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông. Chiến tranh để bảo vệ Nhật Bản – liên minh truyền thống ở Đông Á của Mỹ – là đáng tin cậy, còn chiến tranh vì các hòn đảo, bãi đá ngầm có thể nói là vô lý.

Ngay cả trong tình huống chớp nhoáng của một cuộc chiến tranh, tôi ngờ rằng Trung Quốc cân nhắc một cách thực sự việc triển khai các cơ sở quân sự trên các hòn đảo nhân tạo nhằm ngăn cản các hoạt động hàng hải tự do mà Mỹ đã thực hiện năm ngoái và đầu năm nay. Mỹ có thể thận trọng hơn – họ chưa bao giờ liều lĩnh – song họ sẽ không chấm dứt hoạt động ở Biển Đông. Trong trường hợp tốt nhất các cơ sở quân sự không chắc được sử dụng cũng chỉ là một cái ngăn chặn yếu ớt. Giả sử, nếu Quân đội Giải phóng nhân dân đánh chìm một tàu hải quân Mỹ hoặc bắn rơi một máy bay của quân đội Mỹ thì tất nhiên Mỹ sẽ trả đũa. Điều này sẽ buộc ban lãnh đạo Trung Quốc đứng trước hai sự lựa chọn. Một là phản ứng lấy lệ sẽ bộc lộ sự trống rỗng trong tuyên truyền một cách hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc về sự  “Phục hưng Vĩ đại” (Great Rejuvenation[1]) của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của họ, ít nhất sẽ làm phức tạp, nếu không muốn nói là làm lung lay địa vị cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hai là leo thang, phản ứng mạnh sẽ buộc phải theo quan điểm sô vanh thái quá của dân chúng Trung Quốc mà Đảng Cộng sản đã nuôi dưỡng, là con đường mà Bắc Kinh thực sự không muốn bởi vì nó cũng dẫn tới hệ quả như lựa chon thứ nhất. Lãnh đạo Trung Quốc sẽ hết sức tránh bị đặt vào tình thế đó.

Việc dùng lịch sử để hợp thức hóa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và biện minh cho những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là vấn đề mấu chốt đối với chúng ta. Trong thế kỷ trước, tính chính thống của bất cứ chính phủ nào của Trung Quốc cũng dựa vào khả năng bảo vệ chủ quyền và biên giới Trung Quốc của chính phủ. Nhưng đấy là những đường biên giới nào? Liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói theo từ của Mao Trạch Đông đã “đứng lên” dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản có thể dễ dàng chấp nhận những đường biên giới được ấn định cho một Trung Quốc yếu ớt mà họ có như hiện nay không? Trung Quốc không liều lĩnh, nhưng ít nhất Đảng Cộng sản Trung Quốc phải tỏ rõ việc lấy lại lãnh thổ đã mất. Chính sách phục thù (“Revanchism”)[2] là một phần trong câu chuyện “Phục hưng Vĩ đại” của Trung Quốc.

Những phần lãnh thổ bị mất với một Trung Quốc yếu ớt bao gồm một phần Siberia và Viễn Đông của Nga hiện nay, Mông Cổ, Hồng Kông và Ma Cao, và cả Đài Loan cũng như Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Siberia, Vùng Viễn Đông của Nga và Mông Cổ đã nằm ngoài tầm tay. Hồng Kong và Ma Cao đã trở lại dưới sự cai quản của Trung Quốc đã 30 năm. Mỹ đã tuyên bố rõ rằng Mỹ không ủng hộ việc độc lập của Đài Loan. Không có sự ủng hộ của Mỹ, đòi hỏi độc lập của Đài Loan không thể thành hiện thực. Với sự an ủi trọng yếu ấy Bắc Kinh có thể tăng thêm những đe dọa về kinh tế ràng buộc Đài Loan với Đại lục và chờ đợi thời cơ. Họ tin tưởng rằng, bất chấp những thay đổi trong nước và người dân Đài Loan nhìn nhận họ thế nào, xét về lâu dài Đài Loan không thể đi ngược lại lợi ích của họ. Thay đổi không thể đến ngay nhưng không còn bao lâu nữa sẽ là vấn đề cấp thiết, mặc dù Trung Quốc vẫn không tin tưởng Đảng Dân chủ Tiến Bộ của Đài Loan và sẽ không bao giờ từ bỏ hoàn toàn khả năng dùng giải pháp quân sự để giành lại.

Chỉ còn lại các lãnh thổ trên Biển Đông sẽ làm nên những miếng thịt đáng tin trên khung xương trơ trọi của một phiên bản về lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi họ đang tiến hành giai đoạn cải cách thứ hai khó khăn hơn và cố gắng kiểm soát những bất ổn về lao động và xã hội trong khi giữ vững tăng trưởng một cách tương đối khá và một khi tăng trưởng chậm hơn sẽ là tình trạng bình thường mới (“new normal”[3]). Chính sự kém quan trọng của các lãnh thổ đang tranh chấp ở Biển Đông có thể là một phần của sự hấp dẫn đối với Bắc Kinh vì mục đích chính trị cần thiết này ở trong nước.

Cái giá và hệ quả của sự ngạo mạn và hành động cứng rắn ở Biển Đông là không đáng kể. Việc ngăn cản hay để mặc đều được. Nếu Trung Quốc không cản trở Mỹ hoạt động trên Biển Đông vì những rủi ro để làm như vậy là rất cao để có thế tin được. Và tương tự như thế, Mỹ cũng không thể ngăn cản hay đẩy lùi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc không san bằng các đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng và hất cát xuống biển hay từ bỏ điều mà họ nói là lãnh thổ của Trung Quốc từ “thời cổ đại”. Những tuyên bố chỉ trích của Mỹ, EU hay các nước khác trên thế giới kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế – ngay cả Botswana cũng vừa ra một tuyên bố về Biển Đông – có thể bị gạt sang một bên. Về Biển Đông, chỉ có một quan điểm được coi là quan trọng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc là quan điểm của người Trung Quốc. Ở Biển Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tuyên bố chiến thắng mà không cần để ý tới những rủi ro không thể chấp nhận được.

Không phải ngẫu nhiên mà việc Trung Quốc triển khai hỏa tiễn phòng không trên đảo Phú Lâm (Woody Island) ở quần đảo Hoàng Sa đã được tiết lộ không lâu sau khi Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN vừa kết thúc. Khi các đảo nhân tạo không quan trọng về mặt quân sự, thì chúng là một sự nhắc nhở tiềm tàng cho các nước ASEAN rằng Trung Quốc là một thực thể địa lý, trong khi đó sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông chỉ là hệ quả của một sự tính toán về địa chính trị. Đấy là ý tưởng mà Trung Quốc không bao giờ cảm thấy mệt mỏi nhằm gieo rắc bằng cách gián tiếp hay trực tiếp.

Việc thực hiện ý đồ này không nên cường điệu hóa cũng như không nên xem nhẹ nó như là một cái hoàn toàn không có giá trị. Cho đến tương đối gần đây, Mỹ có cách tiếp cận không can dự phần nào vào các tranh chấp ở Biển Đông. Khi Trung Quốc lần đầu tiên đụng độ với các nước ASEAN trên Dãy Mischief năm 1995, họ đã kêu gọi Mỹ bày tỏ một thái độ nguyên tắc. Thêm nữa, tôi nghĩ Mỹ chỉ là một sự tính toán về địa chính trị, cho dù tất cả các phương tiện truyền thông làm rùm beng và nói mạnh, kể cả Tổng thống, cũng không liên quan đến lợi ích của Mỹ và có thể nhân nhượng được với những lợi ích của Trung Quốc.

Các mối quan tâm của Mỹ và Trung Quốc là không cân xứng. Biển Đông quan trọng đối với Trung Quốc hơn đối với Mỹ. Nếu tôi đúng thì cuối cùng vấn đề Biển Đông liên quan đến tính pháp lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nó là vấn đề sống còn của Trung Quốc; một “lợi ích cốt lõi”, mặc dầu Trung Quốc đang chối cãi việc họ đã vận dụng thuật ngữ này đối với Biển Đông, không nghi ngờ để tránh kích động người dân các nước ASEAN.

Mỹ không bày tỏ quan điểm về mặt pháp lý của những tuyên bố chủ quyền nhưng khẳng định mối quan tâm của họ về việc tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do hàng hải (FON). Đấy là những lợi ích quan trọng nhưng không ngang bằng về mức độ như lợi ích được coi cơ bản của Trung Quốc. FON và sự nguyên trạng của luật pháp quốc tế hoàn toàn không phải là những mối quan tâm tồn tại đe dọa sự sống còn của nước Mỹ.

Sống với Trung Quốc

Lịch sử hiện đại Đông Nam Á có thể được hiểu như một sự tìm kiếm quyền tự chủ trong đó quá trình hình thành ASEAN là một bước rất quan trọng. Nhưng lịch sử Trung Quốc hiện đại cũng có thể được hiểu như một sự tìm cách lấy lại quyền tự chủ bị mất trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Trung Quốc và các nước ASEAN không có sự lựa chọn nào khác là chung sống với nhau. Chúng ta không phải là kẻ thù, nhưng quan hệ giữa những người hàng xóm lớn và hàng xóm nhỏ không hề dễ dàng. Sự cân bằng quyền tự trị giữa Trung Quốc và các nước ASEAN cuối cùng sẽ được vạch ra ở đâu là vấn đề trọng tâm trong quan hệ, và đến lượt mình nó sẽ xác định phạm vi kết cấu khu vực còn đóng mở đến mức độ nào.

Đấy là một bình diện của sự không rõ ràng và nhập nhằng mà bài thuyết trình trước đây của tôi đã biện giải là những đặc trưng dễ thấy nhất của thế giới sau Chiến Tranh Lạnh. Để tiến tới và duy trì được một sự cân bằng có thể chấp nhận được đòi hỏi các nước ASEAN đáp ứng điều mà tôi mô tả như một thách thức chiến lược cơ bản của thời đại chúng ta: tránh bị đẩy vào những lựa chọn gây nên sự thù ghét và để mở tối đa phạm vi lựa chọn.

B. K.

_______

[1] “Sự phục hưng vĩ đại” (Great Rejuvenation) là khái niệm được chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, đề xướng cùng với khái niệm “Giấc mơ Trung Quốc” (Chinese Dream) thay cho cụm từ mà thế giới thường nói “Chinese Rising” (Sự trỗi dậy của Trung Quốc), vào năm 2013 sau khi ông trở thành tổng bí thư, chủ tịch Trung Quốc (VXQ chú thích). Xin xem thêm ở đây: http://thediplomat.com/2013/02/chinese-dream-draft/1/

[2] “Revanchism (Chính sách phục thù , hay Chủ nghĩa phục thù) là sự biểu thị tham vọng chính trị nhằm thu phục lại lãnh thổ bị mất sau một cuộc chiến tranh hay một biến cố xã hội, được dùng từ những năm 1870 ở Pháp.

[3] “New Normal” là một thuật ngữ kinh tế chỉ tình trạng tài chính theo sau các cuộc khủng khoảng tài chính những năm 2007-2008 và sự suy thoái kinh tế thế giới những năm 2008-2012. Sau đó nó được dùng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau để chỉ những cái vốn trước đây khác thường đã trở thành phổ biến. Tư tưởng “Bình thường mới” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra ở Trung Quốc vào năm 2014 để chỉ sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế nước này.

[*] Nguồn: http://www.straitstimes.com/opinion/pavlovian-conditioning-and-correct-thinking-on-the-south-china-sea (Một phiên bản của bài này đã được in trên báo The Straits Times, ra ngày 01.04.2016)

Nguồn: https://lehoalam.wordpress.com/2016/04/17/phan-ung-co-dieu-kien-va-suy-nghi-dung-ve-bien-dong/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn